Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Hướng đến đổi mới căn bản, toàn diện về đào tạo nguồn nhân lực y tế

  • |
T5g.org.vn - Trong những năm qua, hệ thống đào tạo nhân lực y tế đã có những bước phát triển mạnh mẽ với sự gia tăng các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên ngành y, dược trên cả nước, cung cấp nguồn nhân lực y tế có trình độ chuyên môn kỹ thuật, bước đầu đảm bảo hoạt động nghiệp vụ ở các cơ sở y tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực y tế

Thực trạng và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong 5 năm qua, số lượng nhân lực y tế tăng đáng kể qua các năm, số bác sĩ trên một vạn dân tăng từ 7,2 bác sĩ vào năm 2010 lên 7,8 bác sĩ vào năm 2015, số dược sĩ đại học trên một vạn dân tăng từ 1,76 dược sĩ vào năm 2010 lên 2,2 dược sĩ vào năm 2015. Tuy nhiên, công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế đang đứng trước không ít những khó khăn thách thức. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân đang thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển hơn, dân số tăng và già hóa, đòi hỏi chuẩn mực chăm sóc sức khỏe cao hơn cả về số lượng, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, mô hình bệnh tật đã thay đổi so với giai đoạn trước đây theo xu hướng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm gia tăng liên tục ở mức cao. Việt Nam đã ký thỏa thuận khung về việc công nhận lẫn nhau giữa các nước trong khu vực ASEAN về 4 chuẩn năng lực: bác sĩ đa khoa, điều dưỡng, hộ sinh, răng hàm mặt. Do vậy, nhu cầu đổi mới công tác đào tạo nhân lực y tế theo hướng tiếp cận với các phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới đang là điều cấp thiết.

Phát biểu tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định, mặc dù, nguồn nhân lực y tế đã có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tỷ lệ bác sĩ của Việt Nam chỉ đạt 7,8 bác sĩ/10.000 người dân, trong khi tại các nước phát triển tỷ lệ này là 20 bác sĩ/10.000 người dân. Tương tự, tỷ lệ cán bộ điều dưỡng tại Việt Nam chỉ đạt 1,3 điều dưỡng/01 bác sĩ (trên thế giới là 3 đến 4 điều dưỡng/01 bác sĩ). Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tỷ lệ bác sĩ thấp thì tỷ lệ cán bộ điều dưỡng giúp cho bác sĩ cần có phải cao. Tuy nhiên, chúng ta thiếu cả bác sĩ, thiếu cả điều dưỡng. Điều này sẽ gia tăng áp lực tại các cơ sở khám chữa bệnh. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng cần phải tăng cường số lượng bác sĩ được đào tạo trong thời gian tới, chú trọng cả công tác đào tạo lại, đào tạo nâng cao dựa trên nguồn cán bộ y tế đang sẵn có.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội thảo

Những bất cập trong công tác đào tạo nhân lực y tế hiện nay

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Nghị quyết 46-NQ/TW, ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nêu rõ “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”. Tuy nhiên, việc thể chế hóa quan điểm chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết đến nay vẫn còn hạn chế. Các quy định vẫn chưa thể hiện được tính “đặc biệt” trong đào tạo nhân lực y tế. Hiện nay, một bác sĩ được đào tạo phải mất 07 năm học tại các trường y, nếu được đào tạo thành bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa sẽ mất thêm ít nhất 02 năm nữa. Tuy nhiên, mức lương được đãi ngộ khi ra trường để làm việc chỉ bằng các ngành học khác có thời gian học ngắn hơn nhiều (từ 4 đến 5 năm).

Bộ Y tế cũng đề nghị, cần tách bạch giữa các loại hình đào tạo hiện nay trong ngành Y, vì ngành Y có tính đặc thù cao. Hiện nay, đang tồn tại hai hệ đào tạo y, dược song song, bao gồm: hệ nghiên cứu (đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ) do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý; hệ thực hành  khám, chữa bệnh (đào tạo bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa 1, bác sĩ chuyên khoa 2) do Bộ Y tế quản lý. Mỗi hệ đào tạo sẽ phục vụ cho các mục đích khác nhau. Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để phục vụ cho công tác nghiên cứu y sinh. Đào tạo bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa 1, bác sĩ chuyên khoa 2 phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có sự phân định rõ ràng giữa hai lĩnh vực này. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “tiến sĩ, bác sĩ cần thiết trong các cơ sở nghiên cứu; bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa 1, bác sĩ chuyên khoa 2 rất cần thiết trong các cơ sở khám chữa bệnh. Do vậy, việc đào tạo đúng nguồn nhân lực phù hợp với từng đơn vị sẽ mang đến hiệu quả tích cực”. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng đang tăng cường phát triển đào tạo đội ngũ quản lý y tế nhằm chuyên nghiệp hóa công tác quản lý. Chia sẻ về vấn đề này, các chuyên gia quốc tế cho biết, tại các nước như Mỹ, Úc, Thái Lan... hệ thống văn bằng chứng nhận đảm bảo công tác khám chữa bệnh và nghiên cứu là độc lập, nếu muốn làm cả hai việc thì cần phải có cả hai loại văn bẳng chứng nhận này.

Nhằm giải quyết “bài toàn” về đào tạo nhân lực y tế trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế chủ trương triển khai đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế theo hướng tiếp cận với các phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới. Trước mắt đổi mới đào tạo nhân lực y tế đi sâu vào đổi mới một số chương trình đạo tạo chủ chốt theo hướng hình thành năng lực nhằm tạo ra nguồn nhân lực y tế đáp ứng với mô hình bệnh tật và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, gắn đào tạo với sử dụng nhân lực y tế; tiến hành nghiên cứu và đề xuất mô hình đạo tạo ngành y, dược; tập trung điều chỉnh chương trình đào tạo chuyên khoa sau đại học, gắn kết quả đào tạo chuyên khoa với ngạch bậc viên chức y tế, bổ nhiệm chức vụ chuyên môn, đưa hệ đào tạo bác sĩ chuyên khoa chính thức vào hệ thống giáo dục Đại học.

Trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới về đào tạo nguồn nhân lực y tế, ngày 23/9/2016, tại Hà Nội,  Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực y tế. Tham dự Hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đạo tạo nhân lực y tế trong và ngoài nước.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hiển

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang