Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Kết quả Đề tài Nghiên cứu kiến thức, thái độ về Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá tại tỉnh Bắc Kạn năm 2015

  • |
T5g.org.vn - Năm 2015, được sự hỗ trợ kinh phí của Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), tỉnh Bắc Kạn bắt đầu triển khai các hoạt động theo mục tiêu và nguồn lực do Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) đề ra. Tuy nhiên tính đến cuối năm 2014 chưa có một nghiên cứu hoặc số liệu khảo sát ban đầu nào đánh giá về kiến thức, thái độ, thực hành (KAP) của người dân về tác hại từ hành vi hút thuốc và kiến thức về Luật PCTHTL. Để có căn cứ xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá tại địa phương, từ tháng 5 đến tháng 11/2015 Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện đề tài: "Nghiên cứu kiến thức, thái độ về Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá ở người dân phường Nguyễn Thị Minh Khai (thành phố Bắc Kạn)", đề tài đã được Hội đồng khoa học kỹ thuật thông qua ngày 28/11/2015 với 91/100 điểm (xếp loại Xuất sắc).
Quang cảnh buổi nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu kiến thức, thái độ về Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá" do TTTTGDSK Bắc Kạn thực hiện năm 2015

Nghiên cứu được thực hiện trên 400 người lớn, trưởng thành (từ 16 tuổi trở lên) đang hút thuốc lá và sinh sống tại phường Nguyễn Thị Minh Khai (TP Bắc Kạn). Kết quả cho thấy: Có 92,25% số đối tượng nêu rằng trong gia đình họ có người thân thường xuyên hút thuốc, như vậy ở những gia đình này thì những người thân thường xuyên phải  "hút thuốc thụ động" do hành vi hút thuốc lá "chủ động" của chính đối tượng và người thân của họ; Đánh giá về thời điểm hút thuốc nhiều nhất trong ngày cho kết quả như sau: Số đối tượng "thèm thuốc lúc nào hút lúc đó" chiếm tỷ lệ cao nhất 67,0%; Như vậy: chiếm 2/3 số đối tượng hút gần như cả ngày (trừ lúc ngủ) tức là hút theo nhu cầu, điều này ảnh hưởng rất lớn tới những người xung quanh khi bị "hút thuốc thụ động" do hành vi hút thuốc lá cả ngày của những đối tượng này.

 Khi được hỏi về nguồn cung cấp thông tin (đối tượng được xem/nghe được các thông tin về tác hại cũng như Luật PCTHTL từ đâu?) thì: Phương tiện thông tin đại chúng là nguồn cung cấp thông tin chủ yếu (chiếm 50%), trong khi do cán bộ y tế (CBYT) tuyên truyền chỉ chiếm 8,25%. Như vậy: Các cơ quan thông tin đại chúng đã đi đầu trong công tác tuyên truyền về lĩnh vực này, một nửa số đối tượng thường xuyên nghe/xem được các thông tin về tác hại của thuốc lá và pháp luật liên quan, trong khi số đối tượng được nghe thông tin từ CBYT chỉ chiếm 8,25%, điều này giải thích rằng: Tính đến thời điểm nghiên cứu (5/2015) ngành y tế chưa có những chiến dịch tuyên truyền đồng bộ về vấn đề này, có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể là do nguồn lực đầu tư cho công tác tuyên truyền về lĩnh vực PCTHTL còn hạn chế.

Kết quả đánh giá kiến thức về tác hại của thuốc lá với sức khỏe con người cho thấy: Số đối tượng có cho rằng: Thuốc lá có thể bệnh gây ung thư  (chiếm 58%), bệnh ở cơ quan hô hấp (48,25%); Tim mạch (25%), bệnh thần kinh (15%); Cho rằng hút thuốc lá ảnh hưởng tới sức khỏe bản thân người hút chiếm 75,75%, ảnh hưởng sức khỏe người xung quanh là 53,5%...; Như vậy kiến thức về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người trong nhóm đối tượng nghiên cứu là tương đối tốt.

Đánh giá hiểu biết về Luật PCTHTL cho thấy: Kiến thức về quyền và nghĩa vụ của công dân trong PCTHTL còn hạn chế (chỉ trả lời đúng từ 42,75-43,5%;); Kiến thức về địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên thấp, tỷ lệ trả lời đúng chỉ từ 36-45%; Kiến thức về địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: Nơi làm việc: 58,25%, Trường CĐ, ĐH, HV: 21,25%; Địa điểm công cộng là 18,5%;  Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn: Ô tô (60,5%); Tàu bay (58,75%); Tàu điện (27,5%); Hiểu biết về địa điểm cấm hút thuốc trong nhà nhưng có nơi dành riêng cho người hút thuốc, về nghĩa vụ của người hút thuốc lá, về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của thuốc lá đạt thấp. Tỷ lệ đối tượng hiểu đúng về lĩnh vực xử phạt hành chính theo quy định của Luật PCTHCTL:  39,75% trả lời đúng: Bị xử phạt hành chính hành khi hút thuốc tại địa điểm có quy định cấm; 32% trả lời đúng bị xử phạt hành chính khi có hành vi bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định; 30,25% trả lời đúng: Không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá;  30,25% cho rằng phải xử phạt hành chính khi  người chưa đủ 18 tuổi có hành vi hút thuốc; 28,75% cho rằng phải xử phạt hành chính khi có hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi;

Như vậy: số đối tượng hiểu biết về quyền và nghĩa vụ công dân, về những địa điểm cấm hút thuốc lá, về trách nhiệm của người đứng đầu...hoặc các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuốc lá trong Luật và các Nghị định của Chính phủ còn rất hạn chế, chiếm dưới  50% số đối tượng hiểu và nêu đúng nội dung. Đặc biệt là số đối tượng trả lời không đúng hoặc không biết/không trả lời được chiếm trên 2/3.

Về thái độ: 49,75% số đối tượng cho rằng hành vi hút thuốc không cần thiết khi xã giao; Khi có người khuyên đối tượng bỏ thuốc: 42,5% có thái độ phải suy nghĩ; 26,75% ậm ừ cho qua chuyện; 11,75% mặc kệ, không quan tâm/không tỏ thái độ gì; Thái độ khi có người cho rằng hút thuốc làm ô nhiễm và mất vệ sinh: 54% cảm thấy đúng/chấp nhận; 25,75% không tỏ thái độ gì; Thái độ khi có người nhắc nhở phải thực hiện theo đúng Luật PCTHTL: 48,75% cảm thấy đúng và chấp nhận thực hiện; 35% không quan tâm và không tỏ thái độ gì; Thái độ của người thân đối tượng: 58,5% người thân của họ khuyên cai bỏ; 21,25% người thân của họ không quan tâm;  37,75% số đối tượng mong muốn bỏ thuốc; 23% cho rằng sẽ bỏ nhưng không phải lúc này...; 

 Tóm lại: Kết quả nghiên cứu này cho thấy: Kiến thức, thái độ của đối tượng về Luật PCTHTL chưa đạt (các nội dung đối tượng trả lời đúng chỉ dưới 50%) và khi đối tượng chưa có kiến thức đầy đủ về Luật PCTHTL thì thái độ của họ cũng chưa có sự hợp tác theo hướng tích cực (chỉ có 48,75% chấp nhận thực hiện theo Luật PCTHTL và 37,75% số đối tượng mong muốn bỏ thuốc;....). Trong khoa học hành vi về giáo dục sức khỏe thì cung cấp đầy đủ kiến thức là công việc cơ bản cần làm đầu tiên sau đó mới mong có sự thay đổi về thái độ, dẫn tới thực hành đúng; Tuy nhiên, việc có kiến thức đầy đủ về Luật cũng chưa chắc đã có thái độ tích cực và thực hành đúng, vì thường ở trong một con người thì giữa kiến thức, thái độ và thực hành có thể không tỷ lệ thuận với nhau.

Để góp phần nâng cao kiến thức, thái độ và thực hành (KAP) về Luật PCTHTL, nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị như sau: Ngành y tế với vai trò nòng cốt, cần làm tốt công tác tham mưu cho Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại của thuốc lá các cấp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể liên quan triển khai đầy đủ các nội dung hoạt động theo kế hoạch, nhằm đạt mục tiêu do Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) đề ra; Tăng cường các hoạt động truyền thông, phát triển các loại tài liệu tuyên truyền như: Pa nô, băng zôn, ap phích, tờ rơi...đồng thời quán triệt, phổ biến, truyền thông đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung về tác hại và thực thi Luật PCTHTL tại các địa phương; Xây dựng những mô hình điểm về "Môi trường không khói thuốc" tại các cơ quan, đơn vị, nhà hàng, cụm dân cư..., đồng thời thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, sơ kết/tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra các địa bàn khác trong tỉnh.

Bài và ảnh: BSCK2.Tạc Văn Nam,
Giám đốc T4g Bắc Kạn

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang