Phát biểu khai mạc, PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam cho biết, Hội nghị là cơ hội để các nhà kiểm soát nhiễm khuẩn, vi sinh, quản lý chất lượng và các đồng nghiệp làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn ở tất cả các vùng miền trong toàn quốc cùng chia sẻ những nghiên cứu, những kinh nghiệm trong thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn và an toàn, qua đó giúp tăng cường chất lượng trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
“Hy vọng, Hội nghị sẽ mang lại những bằng chứng khoa học hữu ích hỗ trợ cho việc thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn ngày một tốt hơn và mang lại an toàn cho bệnh nhân và cho cả nhân viên y tế”, PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư, nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, TS.BS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn là một trong những yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế. Chúng ta đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc trong việc ứng dụng các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua cho đến các bệnh do vi rút Ebola, sởi, ho gà, đậu mùa khỉ…
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và di chuyển quốc tế ngày càng tăng sự bùng phát của những bệnh dịch này cùng với sự xuất hiện của các mầm bệnh mới và tác nhân vi sinh vật kháng kháng sinh không chỉ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới mà còn gây ra những hậu quả nặng nề về kinh tế và xã hội.
Tại Việt Nam, trong những năm qua, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống dịch bệnh đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và ngành Y tế rất quan tâm và đưa ra các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn vào luật, nghị định, thông tư và các hướng dẫn chuyên môn để các cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng thực hiện. Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam luôn tham gia cùng Bộ Y tế trong việc triển khai các chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn phòng ngừa dịch bệnh, tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo, khóa học nhằm nâng cao năng lực cho nhân viên y tế về kiểm soát nhiễm khuẩn tham gia vào việc xây dựng cập nhật các tiêu chuẩn quy định kiểm soát nhiễm khuẩn.
Tại Hội nghị, 18 chuyên đề và hơn 45 báo cáo khoa học về các chính sách, tiêu chuẩn, hướng dẫn thực hiện, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý môi trường bệnh viện… và cập nhật các khuynh hướng mới trong kiểm soát nhiễm khuẩn chuyên sâu đã được các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ.
Nhân dịp này, Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam cũng đã trao Giải thưởng “Trung tâm Tiệt khuẩn xuất sắc - Nỗ lực cải thiện chất lượng tiệt khuẩn” cho 11 cơ sở y tế trong nước, trong đó Bệnh viện Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh đã được nhận giải xuất sắc nhất 2024.
Giải thưởng Trung tâm Tiệt khuẩn xuất sắc được Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam lần đầu tiên tổ chức nhằm tạo ra một nền tảng để các bệnh viện cùng phấn đấu tăng cường công tác tiệt khuẩn, đồng thời tìm ra những mô hình trung tâm tiệt khuẩn để các bệnh viện tham chiếu học tập.
Bảng đánh giá Trung tâm Tiệt khuẩn xuất sắc gồm 140 tiêu chí với tổng điểm 200 điểm, chia làm 7 hạng mục, bao gồm Quản lý dụng cụ tập trung, cơ sở hạ tầng, trang bị và sử dụng thiết bị, quản lý nhân sự, quy trình xử lý dụng cụ, quy trình giám sát chất lượng quản lý và xử lý dụng cụ, sáng kiến cải tiến chất lượng.
Việc tham gia vào giải thưởng sẽ là cơ hội cho các bệnh viện cải tiến chất lượng của Trung tâm tiệt khuẩn góp phần tăng cường chất lượng điều trị cho người bệnh.
Hoài Phương