Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Kinh nghiệm giảm muối trên thế giới

  • |
T5g.org.vn - Muối là chất vô cùng cần thiết đối với cơ thể nhưng ăn nhiều muối lại gây hại cho sức khỏe. Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, từ đó có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ suy thận, loãng xương, ung thư dạ dày…

Như vậy, giảm ăn muối là một biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới mỗi người chỉ nên ăn không quá 5 gam muối một ngày tương đương với 01 thìa cafe muối. Tuy nhiên, ước tính năm 2010 trung bình mỗi người dân trên thế giới tiêu thụ 10 gam muối/ngày.

Để thực hiện một trong 9 mục tiêu toàn cầu về bệnh không lây nhiễm là đến 2025 giảm 30% lượng muối trong khẩu phần ăn, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai các can thiệp giảm muối. Tính đến năm 2015 đã có 75 quốc gia có chiến lược quốc gia về giảm muối, con số này tăng gấp đôi so với số liệu báo cáo năm 2010 (hình minh họa). Phần lớn các chương trình giảm muối tập trung vào nhiều can thiệp bao gồm cải tiến sản phẩm, giáo dục người tiêu dùng, dán nhãn thực phẩm, đánh thuế vào thực phẩm chứa nhiều muối và can thiệp tại cộng đồng. Các can thiệp giảm muối liên quan đến cơ chế chính sách như yêu cầu bắt buộc dán nhãn thực phẩm, đánh thuế vào thực phẩm chứa nhiều muối được thực hiện ở 33 quốc gia. Kết quả là 12 quốc gia đã báo cáo giảm lượng muối ăn, 19 quốc gia đã giảm muối trong ít nhất một sản phẩm chủ yếu là bánh mì và 11 quốc gia giảm muối trong thịt chế biến sẵn, phô mai, các loại ngũ cốc ăn sáng ….

Tình hình thực hiện giảm muối trên toàn cầu

Đối với các nước phương Tây các thực phẩm bao gói sẵn và bánh mì được sử dụng phổ biến. Do đó, việc giảm lượng muối trong các thực phẩm được chế biến sẵn được coi là một giải pháp hiệu quả. Tại Vương quốc Anh, từ năm 2006 đến 2011 đã giảm được gần 30% lượng muối thêm vào 8 loại thực phẩm chế biến sẵn gồm: rau quả, ngũ cốc, thịt, sản phẩm từ bơ sữa, thực phẩm đóng hộp và đồ uống. Ngoài ra, để hỗ trợ cho việc thực thi các can thiệp giảm muối, Chính phủ đã ban hành luật và quy định loại thực phẩm được phép bán trong căng tin trường học kết hợp với các hoạt động truyền thông cho nhà trường, học sinh, cha mẹ học sinh, công ty thực phẩm đã mang lại thành công trong việc giảm ăn muối. Kết quả là bữa ăn trưa của học sinh tại trường đã giảm 30% lượng muối thêm vào.

Tại Ác-hen-ti-na, Bộ Y tế cũng đã thực hiện một chiến dịch can thiệp giảm muối hướng tới đối tượng là các công ty thực phẩm quốc gia, địa phương và các cá nhân trong cộng đồng. Trong đó, các công ty thực phẩm đã phối hợp với các nội dung: (1) thực hiện giảm muối bắt buộc đối với 4 nhóm thực phẩm phổ biến gồm: thịt chế biến sẵn; sản phẩm từ bơ sữa; Súp; bánh ngũ cốc, bánh qui, pi-za; (2) cảnh báo về ăn nhiều muối trên nhãn sản phẩm; (3) giảm khối lượng của các gói muối. Chiến dịch can thiệp giảm muối có sự phối hợp liên ngành giữa Hiệp hội các công ty sản xuất bánh và Viện Công nghệ quốc gia. Các hiệu bánh địa phương (chiếm tới 95% lượng bánh mì bán ra) cũng được khuyến khích giảm 25% lượng muối thêm vào sản phẩm. Kết quả là trong năm 2009 - 2011 đã giảm được 18% lượng muối trong bánh mì và 85% số sản phẩm thực phẩm được lựa chọn đã thực hiện giảm muối. Hiện tại đã có 579 sản phẩm thực phẩm giảm muối xuống ngưỡng quy định, hơn 9.000 hiệu bánh đã tình nguyện giảm 25% lượng muối thêm vào. Vì vậy từ năm 2011 mức tiêu thụ muối trung bình một người đã giảm 2,02g/ngày, vì thế đã cứu sống được khoảng 4.040 ca tử vong sớm mỗi năm. Kết quả đánh giá năm 2014 cũng cho thấy chiến dịch truyền thông đã làm cho tỷ lệ người thường xuyên chấm, trộn thêm muối trong khi ăn đã giảm 8% so với 2009.

Ở Phần Lan, từ 1979 đã ban hành điều Luật quy định bắt buộc dán nhãn cảnh báo về ăn nhiều muối đối với các thực phẩm chế biến sẵn và đây được coi là giải pháp rất hiệu quả để giảm muối trong khẩu phần ăn của người dân. Việc dán nhãn bao gồm 3 nội dung: công bố hàm lượng muối trong sản phẩm, cảnh báo sản phẩm có nhiều muối, thông báo sản phẩm ít muối. Trong giai đoạn từ 1979 đến 2007, lượng muối tiêu thụ trung bình đã giảm 15%.

Ở Nhật, hầu hết muối trong chế độ ăn có nguồn gốc từ nước tương được thêm vào trong khi nấu hoặc ăn, sau đó là rau muối và súp miso. Do đó, các nỗ lực giảm muối đã được tập trung vào việc nâng cao hiểu biết của người dân về muối và sức khoẻ thông qua các chương trình giáo dục công và các chiến dịch nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Kết quả sau nhiều năm nỗ lực giảm muối, mức tiêu thụ muối của người Nhật đã giảm từ 18g/người/ngày xuống mức 12.2g/người/ngày, song song với đó là giảm tỷ lệ tăng huyết áp và giảm tỷ lệ tử vong do đột quỵ.

Tương tự như ở Nhật Bản, để giảm muối trong khẩu phần ăn, Trung Quốc đã triển khai cách tiếp cận thông qua các chiến dịch giáo dục cấp quốc gia và khu vực. Ngoài ra, ở Trung Quốc các nghiên cứu đang được tiến hành nhằm xem xét việc sử dụng các chất thay thế muối thêm vào trong quá trình nấu ăn.

Việc sử dụng các chiến dịch truyền thông giáo dục sức khỏe là một yếu tố chính của các chiến lược giảm muối. Xét về chi phí hiệu quả, các can thiệp giảm muối thông qua truyền thông được cho là hiệu quả và ít tốn kém, cần được tiếp tục triển khai mở rộng trên toàn thế giới.

ThS. Nguyễn Thị Yến

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang