Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Mất cân bằng dinh dưỡng gây bệnh tật, thể trạng thấp còi

  • |
T5g.org.vn - Việt Nam đang phải đương đầu với gánh nặng kép về suy dinh dưỡng ở trẻ em: Tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi còn phổ biến ở trẻ em khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong khi đó, tình trạng thừa cân béo phì ngày càng gia tăng ở khu vực thành phố. Kết quả điều tra tình trạng dinh dưỡng tại 6 tỉnh/thành của Việt Nam năm 2011 cho thấy, tỷ lệ thấp còi của trẻ em lứa tuổi 6-9 tuổi là 13,7% và ở lứa tuổi 9-11 tuổi là 18,2%, đồng thời lại có sự gia tăng nhanh chóng trẻ em thừa cân, béo phì tại thành phố, đặc biệt, là các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.

PGS.TS. Lê Danh Tuyền, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, có các nguyên nhân riêng làm phát sinh hai vấn đề dinh dưỡng này và cũng có các nguyên nhân chung. Đối với tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi thường gặp ở các địa phương vùng nông thôn nghèo, vùng khó khăn hay xảy ra thiên tai, nơi người dân có điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Tại nơi này, khẩu phần ăn của trẻ thường đơn điệu, chủ yếu là cơm và rau. Bên cạnh đó, nguyên nhân của trẻ suy dinh dưỡng còn xuất phát từ việc cha mẹ và người trực tiếp chăm trẻ thiếu những kiến thức chăm sóc như: trẻ không được bú sữa mẹ, cho ăn dặm không đúng cách, không biết cách lựa chọn thực phẩm phù hợp với trẻ, cho trẻ ăn quá ít lần trong ngày, do trẻ biếng ăn. Cũng có một số nguyên nhân khác ít gặp hơn như, trẻ hoạt động quá nhiều, hoặc sống trong môi trường quá nóng, quá lạnh, làm tiêu hao năng lượng nhiều; hoặc trẻ bị bệnh nặng có nhu cầu các dưỡng chất cao mà không được cung cấp tăng cường. Còn đối với tình trạng trẻ thừa cân, béo phí thường xảy ra ở các thành phố lớn, nơi có điều kiện tốt hơn về kinh tế, các gia đình khá giả và ở nhiều tầng lớp có thu nhập khá thì cơ cấu bữa ăn lại quá nhiều đạm, chất béo dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ gây nên một số bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như tiểu đường, tim mạch... Điều này ít nhiều có phát sinh từ vấn đề tâm lý, khi khá nhiều người thường thích trẻ bụ bẫm và nghĩ rằng trẻ bụ bẫm, có da, có thịt sẽ khỏe và đề kháng bệnh tật tốt. Theo kết quả nghiên cứu của Viện, hơn 10 năm trở lại đây, lượng thịt cá tiêu thụ trong bữa ăn của người Việt đã tăng gấp rưỡi nhưng lượng rau xanh trong các bữa ăn lại giảm đáng kể.

Một vấn đề chung của cả hai tình trạng suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì là hai nhóm trẻ này đều bị thiếu vi chất dinh dưỡng  như : vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin D, canxi, sắt, iod, kẽm... Thiếu vi chất gây nên tình trạng biếng ăn, khiến trẻ không hấp thụ được các dưỡng chất cần thiết và dẫn đến bị suy dinh dưỡng; đối với trẻ béo phì với một chế độ ăn nhiều đạm và chất béo nhưng lại nghèo vi chất, trông có vẻ bụ bẫm nhưng lại dễ mắc bệnh. Vì thế cả trẻ thiếu cân và trẻ thừa cân đều có vấn đề về sức khỏe khi thiếu các vi chất quan trọng đối với cơ thể.

Chung tay xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học

Nhằm nâng cải thiện, nâng cao chất lượng dân số, ngày 28/4/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 641/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030. Trong đó, một chương trình cụ thể của Đề án là phát triển thể lực, tầm vóc cho học sinh thông qua dinh dưỡng học đường hợp lý. Ngày 22/02/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 226/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030, với mục tiêu trọng tâm là cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em.

TS. Bùi Thị Nhung, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đánh giá, giai đoạn tiền dậy thì - giai đoạn các em đang ngồi trên ghế nhà trường là giai đoạn rất quan trọng cho cơ hội cải thiện chiều cao, thể lực khi trưởng thành; do đó, cần được can thiệp dinh dưỡng lành mạnh, kết hợp vận động thể lực giúp trẻ phát triển tốt nhất.

Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ này được Chính phủ  giao cho công tác dinh dưỡng học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả nhất định. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế ban hành nhiều tài liệu chuyên môn hướng dẫn về dinh dưỡng hợp lý. Vấn đề dinh dưỡng học đường đã được lồng ghép vào các chương trình chính khóa và hoạt động ngoại khoá; công tác giáo dục, truyền thông về dinh dưỡng học đường; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và cán bộ chuyên trách về công tác đảm bảo dinh dưỡng học đường cũng được triển khai hiệu quả.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế phối hợp với Công ty Ajinomoto Việt Nam đã thực hiện, xây dựng bộ thực đơn dành cho bữa ăn bán trú của học sinh tiểu học, bao gồm 40 thực đơn chuẩn cho bữa ăn chính và bữa ăn phụ, với các tiêu chí: cân đối về dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu về năng lượng dựa trên những khuyến nghị về dinh dưỡng cho học sinh tiểu học; hạn chế sử dụng thức ăn chế biến sẵn, đường và muối... Dự án cũng hỗ trợ công cụ cho các trường giáo dục dinh dưỡng cho học sinh tiểu học với giáo trình “Ba phút thay đổi nhận thức”, giúp các em có thói quen ăn uống lành mạnh. TS. Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay, tỷ lệ trẻ đi học có ăn bán trú rất lớn, do vậy, cải thiện chất lượng bữa ăn học đường sẽ góp phấn giải quyết những vấn nạn về dinh dương hiện nay, giúp nâng cao thể chất các em cho sự phát triển mai sau. Sau gần 02 năm triển khai thí điểm, Dự án đã mang đến nhiều chuyển biến tích cực. Trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét, tính toán để nhân rộng mô hình của Dự án ra nhiều vùng, miền trên cả nước.

Viện Dinh dương Quốc gia cũng đã phát đi thông điệp 2016 về dinh dưỡng và phát triển để các cấp chính quyền, gia đình, nhà trường và người dân cũng chung tay thực hiện “Bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, hợp lý, an toàn”, giúp cải thiện sức khỏe, tầm vóc người Việt, từng bước nâng cao chất lượng dân số, với các khuyến cáo cụ thể như: Đảm bảo cho các hộ gia đình tiếp cận bền vững với lương thực, thực phẩm cần thiết, bổ dưỡng và an toàn; Cung cấp lương thực thường xuyên, liên tục, ổn định và bền vững cho các hộ gia đình; Chủ động phát triển vườn - ao - chuồng để tăng thu nhập, tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn, giàu dinh dưỡng cho gia đình; Bữa ăn đa dạng từ nhiều loại thực phẩm, thay đổi cách chế biến đảm bảo đủ dinh dưỡng, hợp lý và an toàn cho sức khỏe; Ăn uống hợp lý để phòng chống bệnh tật, suy dinh dưỡng thấp còi, nâng cao thể lực và tầm vóc Việt; Thực hiện dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường vận động thể lực để phòng chống thừa cân, béo phì.

Nguyễn Hiển

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang