Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Một số đặc điểm và dấu hiệu của sởi và rubella

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế đã phát động Chiến dịch Tiêm phòng sởi và Rubella cho đối tượng học sinh phổ thông 16, 17 tuổi trên phạm vi cả nước. Mục tiêu của Chiến dịch là tiến tới loại trừ bệnh sởi vào năm 2017, khống chế bệnh rubella và các hậu quả của nó gây ra. Chúng tôi xin tổng hợp giới thiệu về Sởi và Rubella dựa trên một số nguồn tài liệu truyền thông về hai căn bệnh này.
Cán bộ y tế tư vấn trước khi tiêm vắc xin sởi – rubella (ảnh: Q.N)

Dấu hiệu bệnh sởi

 Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên. Virus này dễ lây và lây lan nhanh nên dễ thành dịch. Sởi truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp, qua nước bọt bắn ra từ người bệnh khi ho hoặc hắt hơi. Bệnh Sởi có thể gây nên các biến chứng như viêm phổi, viêm não, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, mù lòa thậm chí có thể tử vong. Qua nhiều năm triển khai tiêm chủng vắc xin sởi trong tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ mắc bệnh sởi đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, bệnh sởi vẫn có nguy cơ bùng phát thành dịch nếu không duy trì tỷ lệ chủng cao trong cộng đồng.

Dấu hiệu bệnh rubella

Bệnh rubella do virus rubella gây ra, đây là bệnh sốt phát ban lành tính, nhưng rất nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai. Bệnh rất dễ lây lan, chủ yếu là qua đường hô hấp và người nhiễm bệnh là nguồn bệnh duy nhất. Trẻ mắc hội chứng rubella bẩm sinh sẽ là nguồn truyền nhiễm rất cao cho người tiếp xúc, vi-rút có thể đào thải nhiều tháng sau khi sinh. Những triệu chứng của bệnh rất nhẹ nên rất khó phát hiện, đặc biệt ở trẻ em. Bệnh khởi phát sau 10 ngày đến 15 ngày kể từ lúc tiếp xúc với người bệnh. Triệu chứng thông thường là mệt mỏi, sốt nhẹ, nhức đầu, sưng hạch kéo dài từ 1 đến 7 ngày. Những nốt ban màu hồng mịn, bắt đầu từ mặt và nhanh chóng lan xuống thân, sau đó xuống cánh tay và chân trước trước khi biến mất. Ban tồn tại từ 1 đến 5 ngày, nhưng thường gặp nhất là 3 ngày. Trong khoảng thời gian từ 7 ngày trước phát ban và trong lúc phát ban là thời gian mà người bệnh có khả năng lây bệnh cao nhất.

Giai đoạn ủ bệnh cũng như khởi phát của sởi và rubella thường có biểu hiện khá giống nhau, thể hiện qua các triệu chứng, như: sốt nhẹ hoặc sốt cao 39 - 40 độ C, sốt liên tục. Xuất hiện cảm giác mệt mỏi, người lừ đừ, nhức mỏi cơ bắp, biếng ăn, nôn, tiêu chảy. Tuy nhiên, nếu theo dõi kỹ sẽ thấy phát ban do rubella thường xuất hiện sau khi giảm sốt, kèm theo nhức đầu, sưng hạch kéo dài cả tuần. Những nốt ban màu hồng mịn thường xuất hiện từ đầu xuống mặt rồi lan dần xuống chân trước khi biến mất, không để lại vết thâm.

Phân biệt bệnh Rubella với bệnh Sởi

Bệnh Rubella và bệnh Sởi có triệu chứng phát ban khá giống nhau. Tuy nhiên, biểu hiện lâm sàng của rubella thường nhẹ hơn, chỉ biểu hiện rõ khi bệnh toàn phát. Trước hết, bệnh sởi thường gặp ở trẻ từ 1 tuổi trở lên, thời gian nung bệnh 7 đến 10 ngày. Bệnh khởi phát trong 2 đến 3 ngày với các triệu chứng: Sốt đột ngột từ 38 độ C trở lên, mắt ướt, kèm nhèm, ho, chảy nước mũi, tiêu chảy… Khi bệnh toàn phát, sẽ sốt cao 38,5 đến 39 độ C, li bì, mệt mỏi, các ban sởi dày, mịn, xuất hiện đầu tiên ở sau tai, lan ra mặt, cổ xuống thân mình, tứ chi trong 1 đến 2 ngày. Bệnh sẽ lui khi hết sốt, ban bay dần theo trình tự mọc và để lại vết thâm trên da. Còn bệnh rubella có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nung bệnh 12 đến 14 ngày, khởi phát với các triệu chứng sốt nhẹ, các dấu hiệu mắt ướt, ho, chảy nước mũi, ỉa lỏng… nhưng gần như không thấy. Khi bệnh toàn phát, các biểu hiện mới rõ: Mệt mỏi, sốt nhẹ, chảy nước dãi và rõ ràng nhất là nổi mẩn đỏ trên da giống như bệnh sởi. Trẻ ít khi nằm li bì, xung huyết mắt, da mặt, hạch to ở dọc hai bên cổ, không đau. Các nốt ban trên da dạng chấm đỏ rải rác, mọc không có quy luật. Có thể thấy đau khớp. Khi bệnh lui sẽ hết sốt, ban bay nhanh không theo quy luật, không để lại các dấu vết trên da, hạch trở về bình thường muộn hơn, thường sau 1 tuần.

Biến chứng của sởi và rubella

Rubella do nhóm siêu vi khuẩn thông thường gây ra, nên hầu hết là bệnh lành tính. Trẻ bị sốt phát ban nếu được chăm sóc đúng cách, hợp lý thì bệnh sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày mà không gây bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào. Tuy nhiên, rubella đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai. Nếu mắc rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ, 90% trẻ được sinh ra bị dị tật, thể trạng kém và dễ mắc các bệnh, như: điếc, đục thủy tinh thể, tật mắt nhỏ, tăng nhãn áp bẩm sinh, tật đầu nhỏ, viêm não, màng não, chậm phát triển tâm thần, gan to, lách to…

Còn sởi do virus có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đặc biệt là những trẻ có sức đề kháng yếu, như: sinh non, suy dinh dưỡng… Biến chứng thường gặp của sởi là do sự nhân lên của virus hoặc do bội nhiễm vi khuẩn gây ra các bệnh: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm thanh quản, phế quản, khí quản và viêm não. Một số biến chứng nặng dẫn đến tử vong.

Biện pháp phòng bệnh

Bệnh sởi và rubella chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vắc xin sởi - rubella là cách phòng bệnh chủ động và hiệu quả. Vắc xin sởi - rubella là vắc xin có tính an toàn cao.

Bài: T.D

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang