Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Nâng cao công tác phòng chống Zika tại một tỉnh Bắc Trung Bộ

  • |
T5g.org.vn - Là một tỉnh nằm cực bắc của Trung bộ, Thanh Hóa là một trong những tỉnh rộng nhất nước ta. Thanh Hóa có đường biên giới với nước bạn Lào và có bờ biển thuộc Vịnh Bắc Bộ. Trong thời gian qua, công tác phòng chống dịch Zika tại Thanh Hóa được UBND tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể đặc biệt chú trọng.
Ngành Y tế phun hóa chất phòng chống dịch bệnh lây truyền do muỗi

Thanh Hóa là tỉnh có nguy cơ cao với dịch bệnh trong đó có Zika. Khu du lịch Sầm Sơn khai hội, đã và đang thu hút một lượng lớn khách du lịch đến nghỉ dưỡng, tắm biển. Khu Kinh tế Nghi Sơn tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp với một lượng lớn nhân viên, công nhân làm việc. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoặc các liên doanh thu hút lượng lớn các cán bộ, chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới đến làm việc; cửa khẩu hàng không; Cảng Lệ Môn; cửa khẩu đường biên giới với CHDCND Lào: Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, Tén Tần người dân hai nước qua lại nhộn nhịp… Để chủ động phòng chống dịch Zika, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội thực hiện tốt các nội dung phòng chống dịch. Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa được giao chủ động phối hợp với Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh do vi rút Zika; triển khai thực hiện các giải pháp thông tin, truyền thông kịp thời, cảnh báo về tính nguy hiểm, khả năng lây lan, phương pháp phòng, chống dịch bệnh để nhân dân biết và chủ động phòng chống bệnh Zika. Sở Y tế tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh do vi rút Zika trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; tham mưu tổ chức phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết.

Trong thời gian qua, Sở Y tế tỉnh đã triển khai hướng dẫn kiểm tra, giám sát, kiểm soát ngăn chặn kịp thời bệnh do vi rút Zika xâm nhập vào Thanh Hóa; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các đơn vị y tế dự phòng và điều trị các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các cửa khẩu và tại các địa phương; chủ động ngăn chặn lây lan ra cộng đồng, hạn chế số người mắc và số ca tử vong khi dịch xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Đến nay toàn tỉnh đã có gần 200 cán bộ y tế được đào tạo về phòng, chống, chẩn đoán, điều trị dịch bệnh do vi rút Zika. Ngoài ra, Thanh Hóa là một trong những tĩnh đã được Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương đào tạo cán bộ làm xét nghiệm vi phân tử tìm vi rút ZIKA trong máu, hiện đã và đang hoàn thiện các thiết bị để có thể làm các xét nghiệm vi rút ZIKA tại chỗ góp phần phát hiện sớm và giảm chi phí vận chuyển bệnh phẩm từ Thanh Hóa về Hà Nội, chủ động phòng, chống khi có dịch xảy ra.

Trong công tác điều hành, Sở Y tế tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống Zika, tiêu biểu như: ngày 2.2.2016, Sở Y tế đã có công văn số 157/SYT-NVY về việc tăng cường công tác phòng chống MERS- CoV, bệnh do vi rút Zika; ngày 24.3.2016, Sở Y tế có Công văn số 448/SYT- KHTC về việc xin hỗ trợ kinh phí thực hiện phòng, chống Zika trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; ngày 7.4.206, Sở Y tế có Tờ trình số 557/SYT- NVY về việc ban hành Chỉ thị tổ chức chiến dịch phòng, chống Zika và sốt xuất huyết; ngày 11.4.2016, Sở Y tế đã có Công văn số 583/SYT-NVY về đảm bảo công tác xét nghiệm vi rút Zika; ngày 19.4.2016, Sở Y tế đã có Tờ trình số 626/TTr- SYT về việc đề nghị phê đuyệt Kế hoạch phát động chiến dịch diệt muỗi phòng chống dịch do vi rút Zika và sốt xuất huyết ở tỉnh Thanh Hóa; ngày 6.4.2016, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã có Công văn số 498/YTDP trình Sở Y tế ban hành Chỉ thị tổ chức chiến dịch phòng, chống Zika và sốt xuất huyết.…

Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường hoạt động phòng chống dịch bệnh Zika và xây dựng kế hoạch phát động chiến dịch diệt muỗi, bọ gậy và vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh. Các đơn vị tích cực triển khai các biện pháp giám sát, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do vi rút zika, sẵn sàng đáp ứng với các tình huống khi có dịch bệnh xảy ra. Sở Y tế tỉnh tăng cường giám sát phát hiện chủ động và lưu ý các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, kiểm tra sàng lọc người nhập cảnh tại các cửa khẩu Na Mèo, Tén Tằn và cảng Nghi Sơn; thành lập 3 đội phòng chống dịch cùng với 3 cơ số thuốc với đủ các điều kiện cần thiết đáp ứng cho việc giám sát và phòng chống dịch bệnh.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh và các cơ quan thông tấn báo chí tại địa phương: Đài Phát thanh - Truyền hỉnh tỉnh Thanh Hóa, Báo Văn hóa và đời sống, Báo Thanh Hóa nhằm tăng cường các hoạt động truyền thông ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện và xã để góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch. Các Trung tâm Y tế dự phòng huyện viết các bài tuyên truyền cùng với Đài truyền thanh huyện, xã, thôn bản phát bài truyền thông phòng chống dịch trên phương tiện truyền thanh của địa phương. Các Trạm Y tế xã, phường tổ chức truyền thông trực tiếp cho người dân về những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và cách phòng bệnh.

 Bên cạnh Sở Y tế, Sở Ngoại vụ tỉnh đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh khuyến nghị người dân không nên đến vùng dịch, đồng thời chủ động thông báo cho cơ quan Y tế các trường hợp từ vùng dịch về địa phương. Sở Tài chính tỉnh chủ động, phối hợp với Sở Y tế đề xuất nguồn kinh phí đảm bảo nhu cầu thuốc, hóa chất và các trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch tại địa phương, theo quy định hiện hành.    

UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh trên cơ sở Kế hoạch phòng, chống dịch đã được phê duyệt chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; chủ động tổ chức triển khai chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết” theo địa bàn quản lý; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh; xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

Tới thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa có dịch bệnh do vi rút Zika, tuy nhiên nguy cơ dịch xuất hiện trên địa bàn tỉnh là có thể xảy ra bất cứ lúc nào bởi véc tơ gây bệnh- muỗi Aedes trên địa bàn vẫn đang lưu hành. Thanh Hóa là tỉnh có đông du khách, nhân viên, công nhân. Chính vì vậy công tác giám sát, phòng chống dịch cần tiếp tục được quan tâm và tăng cường. Các đơn vị y tế dự phòng trong tỉnh tiếp tục phối hợp với các bệnh viện trong tỉnh giám sát một tuần hai lần và trao đổi thông tin các trường hợp nghi ngờ bệnh. Ngành Y tế chỉ đạo các Trạm y tế giám sát chặt chẽ tại cộng đồng; thực hiện tốt việc giám sát, kiểm tra sàng lọc những người nhập cảnh, đặc biệt những người trở về từ vùng dịch tại các cửa khẩu đường thủy, đường hàng không và đường bộ; Tăng cường giám sát các trường hợp có các triệu chứng nghi ngờ bệnh có yếu tố dịch tễ liên quan.

Với sự nhập cuộc quyết liệt của UBND tỉnh, Sở Y tế và các ngành, ban liên quan, hi vọng trên địa bàn Thanh Hóa sẽ hoàn toàn không có dịch bệnh nguy hiểm cũng như đối phó hiệu quả trong trường hợp dịch Zika xảy ra.

Bài, ảnh: Quang Nguyễn

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang