Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Nâng cao năng lực chuyên môn về công tác Huyết học - Truyền máu cho y tế huyện đảo Phú Quý

  • |
T5g.org.vn - “Khi rút máu bằng xi lanh của người cho để truyền trực tiếp cho người bệnh thì rút bao nhiêu là đủ…?”. Đó là câu hỏi của một bác sỹ Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Phú Quý thuộc huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) với GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Câu hỏi đã khiến GS.TS. Nguyễn Anh Trí bất ngờ và Giáo sư chỉ có thể trả lời “Giáo sư không thể trả lời câu hỏi này vì đến Giáo sư đầu ngành cũng chưa làm như thế này bao giờ”.
Câu lạc bộ hiến máu dự bị huyện Phú Quý chính thức được thành lập

Trình độ và kỹ thuật về Huyết học - Truyền máu tại huyện đảo Phú Quý còn rất hạn chế

Với việc sử dụng phương pháp lấy máu bằng xi lanh trực tiếp từ người cho máu để truyền cho người bệnh cần máu trên nguyên lý của kỹ thuật máu chảy máu đông “đông bảy, chảy ba” - đó là "kỹ thuật” hay có thể gọi là "sáng chế” của các bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa Phú Quý hiện đang áp dụng khi cần truyền máu cấp cứu cho bệnh nhân. Do không có túi máu, không biết sử dụng túi chất dẻo, họ đã sử dụng “kỹ thuật” này để kịp thời cấp cứu người bệnh. Tuy nhiên, “sáng chế” này chứa đựng đầy những rủi ro, mất an toàn trong truyền máu đối với người bệnh và chính Bệnh viện”, GS.TS Nguyễn Anh Trí chia sẻ.

Để nâng cao năng lực về công tác Huyết học - Truyền máu tại tuyến y tế cơ sở; đồng thời thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo của Bộ Y tế trong việc hỗ trợ phát triển y tế biển đảo và các cùng sâu, vùng xa. Từ ngày 26 đến 31/9/2016, Đoàn công tác của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương do GS.TS. Nguyễn Anh Trí làm trưởng đoàn đã ra huyện đảo Phú Quý để hỗ trợ nâng cao công tác huyết học, truyền máu và xây dựng lực lượng hiến máu dự bị hay còn gọi là “Ngân hàng máu sống” trên đảo.

Phú Quý là một huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận, cách đất liền khoảng 120km. Đảo có diện tích gần 17km2, có 3 xã, dân số hơn 29.000 người với nghề nghiệp chủ yếu là ngư dân đánh bắt xa bờ. Về y tế, huyện đảo có một Trung tâm y tế quân dân y với hai chức năng chính là: Bệnh viện đa khoa hạng 3 và hệ thống y tế dự phòng. Bệnh viện với quy mô 100 giường bệnh (hoạt động chính khoảng 70 giường), 18 khoa phòng, 115 cán bộ, nhân viên với 16 bác sỹ trong đó có 7 bác sỹ sau đại học. Về truyền máu, Bệnh viện đã có khoa xét nghiệm với 3 nhân viên, từ năm 2003 đến nay đã thực hiện được 25 trường hợp truyền máu, chủ yếu là truyền máu cấp cứu và được truyền máu trực tiếp từ người cho và người nhận, người hiến máu chính là các bác sỹ trong Bệnh viện. Bệnh viện đã thực hiện được xét nghiệm sàng lọc tét nhanh, định nhóm ABO và Rh cho bệnh nhân. Còn hầu hết các kỹ thuật khác đều khá lạc hậu, ví dụ như vẫn sử dụng kỹ thuật "máu chảy máu đông” trong chẩn đoán đông máu cho bệnh nhân, truyền máu bằng xi lanh,..

Tại đảo, Đoàn công tác của Viện đã phối hợp với huyện đảo thực hiện nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức tuyên truyền, tư vấn, lấy máu xét nghiệm để thành lập Câu lạc bộ hiến máu dự bị cho người dân trên đảo. Kết quả đã có 89 người được tuyển chọn để làm xét nghiệm và khám sức khỏe, lựa chọn 62 người tham gia Câu lạc bộ hiến máu dự bị "Ngân hàng máu sống” của đảo Phú Quý.

 Đồng chí Tạ Minh Nhựt, Chủ tịch UBND huyện cảm ơn, đánh giá cao sự giúp đỡ của Đoàn công tác, ông cho biết “Việc xây dựng lực lượng hiến máu dự bị đã được đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ huyện nhưng chưa triển khai và cũng chưa biết triển khai thế nào. Đoàn công tác ra đảo với các nhiệm vụ của mình là trúng với chủ trương và nhu cầu của huyện”.

Nâng cao năng lực về Huyết học và Truyền máu

Để nâng cao kiến thức cho các y bác sỹ của Bệnh viện về công tác Huyết học và Truyền máu, tại chuyến công tác, GS.TS. Nguyễn Anh Trí đã dành gần 3 giờ đồng hồ để trình bày các vấn đề cơ bản nhất như: tổng phân tích tế bào máu, đông máu, bệnh tan máu bẩm sinh, truyền máu, về hiến máu dự bị, ghép tế bào gốc, ... đồng thời cũng giải đáp nhiều câu hỏi băn khoăn, thắc của các y bác sỹ. GS.Trí nhận xét: “Bệnh viện cũng đã rất cố gắng, nỗ lực để chẩn đoán, điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân, nhưng không thể phủ nhận rằng trình độ và kỹ thuật còn rất hạn chế và khá xa so với các địa phương khác, vì vậy không còn cách nào khác là phải liên tục đào tạo, cập nhật kiến thức cho các cán bộ y tế nhiều hơn nữa”. 

Cũng trong chương trình công tác, Đoàn đã tổ chức tập huấn và thực hành các kỹ thuật cấp phát máu và truyền máu cho bệnh nhân đối với các điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện. Đây cũng là nội dung được các nhân viên y tế học tập và thực hành nghiêm túc và nhiệt tình.

Tập huấn kỹ thuật định nhóm máu cho nhân viên y tế tại đảo Phú Quý

Ra mắt Câu lạc bộ hiến máu dự bị huyện đảo Phú Quý

Cùng với việc nâng cao năng lực về Huyết học - Truyền máu cho cán bộ, nhân viên y tế trên đảo; đồng thời góp phần nâng cao hơn nữa công tác khám, chữa bệnh không chỉ cho người dân trên đảo mà còn cho cả các ngư dân ở các địa phương khác đang hoạt động, khai thác gần đảo. Ngày 31/9, tại Hội trường Trung tâm Quân dân y Phú Quý, Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương đã phối hợp với UBND huyện Phú Quý công bố quyết định thành lập và ra mắt Câu lạc bộ hiến máu dự bị (Ngân hàng máu sống) tại huyện đảo Phú Quý. Đây là sự kiện quan trọng đối với ngành Y tế cũng như công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên đảo. Ông Ngô Tấn Lực, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết "Sự kiện này được Đảng ủy, UBND quan tâm và đánh giá cao”.

 GS.TS. Nguyễn Anh Trí cũng nhấn mạnh “Đây là mô hình hay mà Viện đã dày công nghiên cứu, tìm ra và áp dụng ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo”, Giáo sư đề nghị “Để lực lượng này phát triển một cách thiết thực, hiệu quả và bền vững, huyện cần thường xuyên tuyển dụng những người mới thay thế, phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh tổ chức khám sức khỏe, xét nghiệm thường xuyên 6 tháng một lần cho các thành viên Câu lạc bộ, tổ chức báo động thử, …”. Với 62 thành viên chính thức, Câu lạc bộ hiến máu dự bị huyện đảo Phú Quý đã chính thức được hòa cùng với các Câu lạc bộ hiến máu dự bị trên cả nước trong nhiệm vụ đầy nhân ái đó là “Sẵn sàng hiến máu bất kỳ lúc nào” khi người bệnh cần máu.

BS Bùi Đình Lĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế quân dân y đảo Phú Quý chia sẻ: “Khi được tham dự các hoạt động của đoàn và nghe GS.TS. Nguyễn Anh Trí giảng bài, ông thấy công tác huyết học, truyền máu của đảo nhỏ bé quá, sơ khai quá. Bệnh viện sẽ nỗ lực để đầu tư, nâng cao chuyên ngành này lên trong thời gian sớm nhất”. 

 Bài: Nguyễn Lê

  Ảnh: Nguyễn Lê, Duy Ngọc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang