Khó khăn trong công tác phòng, chống lao
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng. Trên thế giới có khoảng 1/3 người nhiễm lao, 12 triệu người hiện mắc lao, 9 triệu người mới mắc lao, 13% số mắc lao có đồng nhiễm HIV và 1,3 triệu người tử vong do lao.
PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia cho biết: Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, công tác phòng chống lao tại Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể và đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến bệnh Lao trước thời hạn năm 2015. Mạng lưới phòng chống lao Việt Nam đã cung cấp dịch vụ chống lao tại tất cả các tuyến như trung ương, tỉnh, huyện, xã. Đặc biệt tại tuyến trung ương, tuyến tỉnh đã thực hiện tốt việc chuẩn hóa kỹ thuật, đảm bảo chất lượng chẩn đoán; đồng thời chẩn đoán, điều trị thành công các trường hợp khó; thực hiện việc chuyển tuyến; cung ứng thuốc, vật tư; đảm bảo nguồn lực và phát triển mạng lưới và giám sát triển khai… tuyến xã đã phát hiện và chuyển người nghi lao đi khám, quản lý, theo dõi, báo cáo công tác điều trị lao. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn là nước đứng thứ 12/22 nước có bệnh nhân lao cao nhất với tỷ lệ mắc cao nhất là ở phía Nam, thấp nhất là ở miền núi và cao nguyên. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2014, số người tử vong do lao (loại trừ HIV) tại Việt Nam là 17 nghìn người; số người hiện mắc lao các thể là 190 nghìn người; số người mới mắc lao các thể là 130 nghìn người; số người lao có đồng nhiễm HIV mới mắc là 9,4 nghìn người ... Ngoài ra, công tác phòng chống lao tại Việt Nam còn thiếu hụt về kiến thức và kinh phí. “Để bù đắp cho những thiết hụt này, Việt Nam cần có một mạng lưới nghiên cứu quốc gia về bệnh lao nhằm xây dựng chương trình nghiên cứu và các ưu tiên nghiên cứu bệnh lao quốc gia...” PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.
Nhiều mục tiêu, giải pháp thực hiện
Với nỗ lực của toàn ngành Y tế, mục tiêu chất lượng quốc gia phòng chống lao hết năm đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đặt ra là: đến hết năm 2015, giảm số người mắc lao trong cộng đồng xuống dưới 187/100.000 dân; giảm số người chất do bệnh lao xuống dưới 18/100.000 dân; tỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc dưới 5% trong số bệnh lao mới phát hiện. Đến năm 2020, giảm mắc lao trong cộng đồng xuống dưới 131/100.000 người dân; giảm chết do lao xuống dưới 10/100.000 dân; khống chế số người mắc lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện. Tầm nhìn đến năm 2030, tiếp tục giảm số người chết do bệnh lao và giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân. Hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.
Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình chống lao quốc gia đề ra nhiều giải pháp toàn diện và đột phá như: giải pháp về chính sách, pháp luật, truyền thông, chuyên môn kỹ thuật … Đặc biệt, đổi mới về công nghệ với việc đưa vào kỹ thuật chẩn đoán lao mới; thuốc và phác đồ điều trị mới và tiến tới hứa hẹn vắc xin mới. Đổi mới về phương pháp tiếp cận như đem công nghệ mới đến với người bệnh thông qua chuẩn hóa cung cấp dịch vụ tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ đó; nghiên cứu và nhân rộng mô hình tiếp cận tốt hướng đến phổ cập các dịch vụ phòng chống lao cho mọi người dân thông qua hệ thống y tế công lập, ngoài công lập; có sự tham gia của các đối tác, tổ chức, đoàn thể và cộng đồng; đồng thời, thực hiện đổi mới về đầu tư thông qua việc đầu tư tài chính và nguồn nhân lực.
Dịp này, Trung tâm Hợp tác nghiên cứu lao và bệnh phổi Việt Nam (VICTORY) trực thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương đã được thành lập. Cơ cấu tổ chức của Trung Tâm bao gồm Giám đốc, các Phó Giám đốc, Tổ Thư ký, Điều phối và Hội Đồng thành viên mạng lưới trong cả nước. PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung giữ nhiệm vụ Giám đốc Trung Tâm VICTORY. Trung tâm là đầu mối quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bệnh viện; đồng thời có chức năng xây dựng và phát triển mạng lưới nghiên cứu bệnh lao, xây dựng và phát triển mạng lưới nghiên cứ bệnh phổi và huy động nguồn lực, hỗ trợ, khuyến khích các nghiên cứu chuyên ngành tại Việt Nam… Mục tiêu của mạng lưới nghiên cứu là giúp đỡ những đơn vị nhỏ hoà nhập vào một hệ thống nghiên cứu phát triển và bền vững; tạo thuận lợi cho sự phối hợp giữa các đơn vị này và những đơn vị có nhiều thế mạnh và kinh nghiệm trong nghiên cứu… mạng lưới sẽ nâng cao năng lực quốc gia cho sự phát triển của những kỹ thuật mới cần thiết cho công tác điều trị và kiểm soát lao và bệnh phổi, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực này, thông qua một chiến lược tích hợp đa ngành, đa thể chế. Trung tâm được thành lập sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện trong chuyên ngành tại các tuyến trên cả nước. Đây cũng là cơ hội để những người mắc bệnh lao và bệnh phổi của Việt Nam được hưởng những tiến bộ khoa học hiện đại nhất trong chăm sóc y tế.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cảm ơn và kêu gọi các đối tác trong nước và quốc tế, đặc biệt Tổ chức Y tế Thế giới, Đại học Sydney, Đại học Califonia San Fransisco, CDC, Qũy toàn cầu và các tổ chức quốc tế khác tiếp tục hợp tác và hỗ trợ cho Việt Nam nhiều hơn, hiệu quả hơn trong lĩnh vực nghiên cứu và triển khai công tác phòng chống lao. Các nhà khoa học trong nước và quốc tế tập trung thảo luận để xây dựng được kế hoạch nghiên cứu làm sao có thể tiến đến thanh toán bệnh lao, một mục tiêu rất nhân văn nhưng hết sức khó khăn khi mà tình hình bệnh lao ở Việt Nam vẫn có ở mức cao.
Bài, ảnh: Hoàng Hiền