Theo sự phân công của Bộ Y tế, Bệnh viện Trung ương Huế đảm nhận chức năng chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, nâng cao tay nghề và chất lượng khám chữa bệnh cho các bệnh viện tỉnh, huyện thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Sau 3 năm (2013 – 2016) triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, các bệnh viện: Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh… với sự hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Trung ương Huế (theo hình thức đào tạo tập trung tại Bệnh viện Trunng ương Huế và cử cán bộ Bệnh viện Trung ương Huế về triển khai kỹ thuật tại bệnh viện vệ tinh), đã có sự chuyển mình, thay đổi lớn và gặt hái được nhiều thành công trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cứu sống thêm nhiều bệnh nhân, thu hút người bệnh ở các cơ sở y tế tuyến dưới, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam
Tham gia Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế từ 8/2013, BVĐK Quảng Nam đã có 30 cán bộ được đào tạo các lớp phẫu thuật thay khớp háng bán phần, toàn phần; chụp động mạch vành; tạo hình đốt sống bằng ciment sinh học qua da; cấp cứu tim mạch lồng ngực; điều trị gãy xương nâng cao; phẫu thuật cấp cứu chấn thương bụng; siêu âm mạch máu; phẫu thuật đốt sống cổ; phẫu thuật ung thư phụ khoa; lập kế hoạch xạ trị; kỹ thuật cơ bản trong giải phẫu bệnh…
Hiệu quả của việc tham gia đề án đã đến ngay với BVĐK Quảng Nam trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Các kỹ thuật cao như kỹ thuật thay khớp, nội soi khớp, nong và đặt stent mạch vành đã được Bệnh viện làm chủ và thực hiện thường quy. Nhiều kỹ thuật mới, như can thiệp mạch máu ngoại biên, chụp và can thiệp mạch não, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn…cũng được thực hiện thành thạo, hiệu quả.
Khoảng 490 bệnh nhân mạch vành được can thiệp thành công, không để xảy ra tử vong hoặc chuyển lên tuyến trên; hàng chục bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp đe doạ đến tính mạng không thể chuyển tuyến trên đã được cứu sống. Hơn 430 trường hợp tạo hình đốt sống bằng ciment sinh học qua da, thay khớp háng toàn phần, thay khớp háng bán phần được phẫu thuật thành công. Phẫu thuật ung thư tiết niệu, ung thư phụ khoa…cũng được triển khai hiệu quả tại Bệnh viện.
BSCKII. Nguyễn Thị Lan Chi, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BVĐK Quảng Nam, cho biết: “Từ năm 2012 đến tháng 9 năm 2016, số lượng người bệnh nội trú, ngoại trú chuyển tuyến giảm ở cả 3 lĩnh vực: nội-tim mạch, ngoại-chấn thương, ung bướu. Cụ thể, so với trước khi trở thành bệnh viện vệ tinh, tỉ lệ chuyển tuyến trong lĩnh vực tim mạch giảm còn 0,88% (từ 1,8%); ngoại chấn thương giảm còn 2,14% (từ 10,94%); ung bướu giảm còn 14,61% (từ 32,8%). Hiện nay, số lượng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên trong lĩnh vực ung bướu giảm nhưng chưa nhiều do chưa được đầu tư về trang thiết bị, cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực xạ trị và ngoại khoa về ung bướu”.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị
BVĐK Quảng Trị cũng là một trong những bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế. Là bệnh viện từng gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ có trình độ. Tuy nhiên, từ khi tham gia Đề án bệnh viện vệ tinh, cùng với cơ sở mới được đầu tư khang trang, trang thiết bị hiện đại, BVĐK Quảng Trị đã có bước chuyển mình đáng kể trong chất lượng điều trị, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân địa phương.
Bệnh viện cử 24 cán bộ đi đào tạo chuyên môn tại Bệnh viện Trung ương Huế về các chuyên ngành tim mạch, ung bướu, ngoại chấn thương, phụ sản, phẫu thuật gây mê hồi sức…Đồng thời, Bệnh viện triển khai nhiều kỹ thuật mới như đặt máy tạo nhịp; chụp và đặt stent động mạch vành, mạch máu số hóa xóa nền, nút mạch điều trị khối u; kỹ thuật nội soi tiêu hóa có gây mê; kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính từ 64-128 dãy (chụp cắt lớp vi tính trên máy TOSHIBA 80 dãy); kỹ thuật chụp X-quang răng toàn cảnh, chụp nhũ ảnh; kỹ thuật điều chế khối tiểu cầu gạn tách từ một người cho; kỹ thuật định lượng Lactat tại khoa Sinh hóa; thành lập phòng nội soi tiêu hóa có gây mê tĩnh mạch đơn thuần…
Quá trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật giúp Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, làm chủ nhiều kỹ thuật khó, xử lý tại chỗ nhiều ca bệnh nặng, hạn chế thấp nhất khả năng phải chuyển tuyến trên. Đáng chú ý, sau khi tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật, tỷ lệ chuyển tuyến của người bệnh đã giảm rõ rệt trong các lĩnh vực như hồi sức cấp cứu, nội, ngoại…., giảm 40-50%. Đặc biệt, sự ra đời của một số đơn nguyên, như Đơn nguyên Tim mạch can thiệp, đã cấp cứu kịp thời nhiều trường hợp bệnh nhân “thập tử nhất sinh”, đồng thời qua đó số lượng bệnh nhân đặt stent, chụp và can thiệp mạch, đặt máy tạo nhịp…cũng tăng lên một cách đáng kể, hơn 120 ca.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba
Trong khuôn khổ Dự án bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã chuyển giao có hiệu quả nhiều kỹ thuật cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới, từ 2013 -2016.
Là bệnh viện có sự đầu tư tốt về cơ sở hạ tầng, nguồn lực con người và với một hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ. Nhiều thiết bị được lắp đặt như hệ thống MRI, DSA, chụp X-quang kỹ thuật số, chụp cắt lớp vi tính, bàn mổ đa năng, máy chụp CT-Scanner 64 lát cắt, CT scan 16 dãy, hệ thống máy chụp cộng hưởng từ có độ phân giải cao 1.5T của hãng Hitachi - Nhật Bản... đã phát huy hiệu quả cao trong công tác chẩn đoán, điều trị tại bệnh viện.
Tham gia Đề án bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện đã gửi đi 110 lượt cán bộ đào tạo, tiếp nhận chuyển giao kĩ thuật trên các lĩnh vực: Hồi sức tích cực chống độc, nội tiết, thần kinh, huyết học truyền máu, nhi khoa, phụ sản, ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch. Bệnh viện đã hoàn thành việc tiếp nhận đào tạo và đưa vào áp dụng 29 gói kỹ thuật thuộc 3 lĩnh vực: tim mạch, ung bướu, chấn thương thuộc chương trình đào tạo của dự án xây dựng bệnh viện vệ tinh. Riêng trong năm 2016, Bệnh viện đã tiếp nhận chuyển giao 17 gói kỹ thuật từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, điển hình: can thiệp mạch vành nâng cao; phẫu thuật thay khớp gối; chăm sóc giảm nhẹ và điều trị triệu chứng bệnh nhân ung thư, quản lý điều dưỡng, cập nhật một số chuyên đề Hồi sức cấp cứu, chống độc, huyết học truyền máu, chẩn đoán và xử trí đột quỵ, chụp cắt lớp vi tính nhi khoa…
Đặc biệt trong lĩnh vực chấn thương, là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới đã làm chủ nhiều gói kỹ thuật lớn, như: phẫu thuật nội soi khớp háng bán phần, phẫu thuật nội soi khớp gối, phẫu thuật chấn thương cột sống…Theo đó, Bệnh viện Việt Nam Cu Ba Đồng Hới đã phẫu thuật thành công thay khớp háng toàn phần cho nhiều bệnh nhân.
Tỷ lệ chuyển tuyến sau khi tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật từ bệnh viện hạt nhân giảm. Trong đó, có nhiều kỹ thuật tỷ lệ chuyển tuyến đã giảm về 0%, như: thay khớp háng, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, chụp mạch vành, đặt stent, đặt máy tạo nhịp. Ngoài ra, Bệnh viện đã thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho một số bệnh viện tuyến dưới. Tiến hành chuyển giao 3 gói kĩ thuật, gồm: phẫu thuật kết hợp xương nâng cao cho bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh, phẫu thuật nạo VA và cắt Amygdales gây mê cho bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy. Bệnh viện cũng thực hiện thông tin hai chiều về người bệnh cho bệnh viện tuyến dưới nhằm rút kinh nghiệm trong chấn đoán, tiên lượng và điều trị.
Những kết quả đạt được này đang mở ra trang mới cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới trên bước đường phát triển và xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn tỉnh cũng như các vùng lân cận được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại quê nhà.
Thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh là cơ hội để đội ngũ thầy thuốc các bệnh viện tuyến tỉnh tiếp cận, học hỏi các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị hiện đại, chuyên sâu mà trước đây bệnh nhân phải đến tuyến trung ương mới được thụ hưởng, góp phần nâng cao chất lượng, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
ThS. Nguyễn Văn Hải (Bệnh viện Trung ương Huế)