Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Nhân Ngày Sức khỏe tâm thần Thế giới 10/10: Từ trường hợp một người bệnh tâm thần ở trong chuồng gỗ, nghĩ về chủ đề Nhân phẩm trong sức khỏe tâm thần

  • |
T5g.org.vn - Ngày 31/8/2015, nhiều người ở thôn Ra Man 2 của xã Xy, huyện Hướng Hóa đã chứng kiến một sự kiện rất đặc biệt là cán bộ của Trạm Y tế xã Xy và Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị phối hợp cán bộ của Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam (MCNV) cùng gia đình Pả Thông đưa Hồ Văn Ken ra khỏi nơi nuôi nhốt. Bởi Hồ Văn Ken là người bệnh tâm thần phân liệt thường có một số hành vi hung dữ và vì gia đình không có điều kiện chăm sóc nên người thanh niên ba mươi tuổi này đã phải sống trong một cái chuồng bằng gỗ được làm cạnh nhà suốt hơn 18 tháng qua.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa trao áo quần tặng Hồ Văn Ken (Ảnh: Ngọc Lan-MCNV)

Sinh năm 1985, Hồ Văn Ken học khá giỏi trong những năm cấp I nên được bố mẹ gửi về học tại một trường học ở trung tâm tỉnh. Trong một lần về nhà nghỉ Hè, Ken nói năng nhiều hơn và có lúc dùng rựa chém vật nuôi của gia đình đang được chăn thả trên rẫy. Thấy Ken có những biểu hiện bất thường như vậy, bố mẹ xin phép cho Ken được nghỉ học và đưa về nhà chăm sóc nhưng Ken lại thường lang thang khắp trong thôn, muốn gì làm nấy mặc cho nhiều người can ngăn, nhất là chặt cây cối mang về. Biết con trai bị mắc bệnh tâm thần, bố mẹ đã đưa Ken đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Hướng Hóa rồi BVĐK tỉnh Quảng Trị để Ken được chữa bệnh. Nhưng Ken cùng bố mẹ chỉ ở bệnh viện được một tháng vì những khó khăn của một gia đình người dân tộc Vân Kiều thuộc diện hộ nghèo. Tiếp tục điều trị bệnh của Ken, cán bộ của BVĐK huyện Hướng Hóa và cán bộ Trạm Y tế xã Xy thường xuyên đến tận nhà khám và cấp thuốc, phối hợp tổ chức họp gia đình để tư vấn, hướng dẫn cách chữa bệnh cho Ken nhưng người thân của Ken nhiều lúc không hợp tác cũng như thực hiện căn dặn của cán bộ y tế không đến nơi đến chốn. Cứ thế, bệnh tình của Ken nặng dần thêm và sau khi bố mẹ qua đời thì người em trai là Hồ Ka Lô (còn gọi là Pả Bông) nhận việc chăm sóc Ken. Nhưng hàng ngày Hồ Ka Lô phải lên nương, rẫy để làm lụng kiếm cái ăn cái mặc cho vợ con nên việc chăm sóc Ken thường xuyên bị gián đoạn. Thuốc do BVĐK và Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa, khoa Tâm thần của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Quảng Trị cấp, Ka Lô quên cho anh trai uống còn Ken lại đi khắp thôn quậy phá, chặt cây cối khiến các anh, chị, em trong gia đình phải đền bù những thiệt hại nhiều lần và người trong thôn dần xa lánh Ken. Tất cả 8 anh, chị, em của Ken đều đã có gia đình riêng và đều nghèo đói nên không giúp Ken hơn được. Trong hoàn cảnh hàng ngày các anh, chị, em phải đi làm kiếm sống nên không có ai trông nom, Ken lại đi khắp thôn rồi lẻn vào rừng, đến tháng 3/2014, người em Hồ Ka Lô và người anh Hồ Văn Cum (Pả Thông) đành phải làm một cái chuồng gỗ rộng chừng 3 m² cạnh nhà để nhốt Ken và từ đó Ken ăn, ngủ, thậm chí tiểu tiện, đại tiện cũng ở đó. Ở trong chuồng gỗ, lúc nào thích thì Ken thò tay ra khỏi tấm chăn luôn trùm kín thân thể ít khi chịu mặc áo quần bốc cơm và thức ăn được gia đình đặt trên thanh gỗ to bằng bắp tay ở bên ngoài để ăn nhưng không chịu uống thuốc khi người nhà hay cán bộ y tế đưa cho vì nghĩ rằng bởi mình học giỏi nên có người muốn “thư” mình.

Biết về tình cảnh của Hồ Văn Ken, cán bộ của MCNV đã cùng đại diện thôn Ra Man 2, Trạm Y tế xã Xy, Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa và khoa Tâm thần của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Quảng Trị đến thăm, hỗ trợ, hướng dẫn và bàn với người thân của Ken về cách phục hồi thể chất cũng như phục hồi về mặt xã hội cho Ken. Theo đó, từ ngày 15/7 đến ngày 15/8/2015, mỗi ngày Ken uống hai viên Olanzapine vào buổi tối đã được người nhà trộn vào canh. Bệnh tình trở nên ổn định sau hơn một tháng uống thuốc, Ken phân biệt được người quen hay người lạ nhưng chỉ nói chuyện hoặc xin thuốc lá với người quen và trả lời các câu hỏi của người khác theo ý thích của mình. “Hiện sức khỏe Ken đã có tiến triển tốt, nói năng được, không quậy phá, nhận ra những người thân trong gia đình và nói rằng mình ưng lên nhà vì khỏe rồi, mong muốn làm công việc chăn nuôi”, y sĩ Phạm Văn Dũng-Thư ký chương trình Tâm thần của Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa cho biết. Ngay sau phút ra khỏi chuồng gỗ, Ken nhất quyết từ chối thay chiếc quần mặc đã lâu bằng bộ áo quần mới được MCNV tặng nhưng vui vẻ nói chuyện với anh trai, với trưởng thôn về việc đi sim, về việc mình bị điên làm ảnh hưởng đến nhiều người đồng thời không quên bày tỏ ý muốn chăn nuôi dê. Đáp ứng mong muốn này, MCNV đã hỗ trợ Ken hai con dê làm sinh kế, hướng tới cải thiện cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Nhưng chỉ hai ngày sau, người nhà phải đưa Ken vào lại chuồng gỗ vì Ken lại đi vào rừng và Trạm Y tế xã Xy tiếp tục cấp thuốc, giám sát việc cho Ken uống thuốc mỗi ngày. Mới đây, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan-cán bộ của MCVN cho biết: “Vì gia đình nghèo đói nên không có điều kiện đưa Ken đi chữa bệnh cũng như bố trí người chăm sóc, MCNV đã cùng cán bộ y tế và đại diện chính quyền địa phương bàn về việc đưa Ken vào Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng với sự hỗ trợ của MCNV sau ngày 16/10/2015. Người nhà của Ken đồng ý cùng đưa Ken đi và cán bộ MCNV đã góp được 1,3 triệu đồng hỗ trợ người thân chăm sóc Ken tại Bệnh viện trong một tháng. Khi sức khỏe tâm thần của Ken ổn định, MCNV sẽ cùng y tế địa phương giúp Ken phục hồi chức năng và trở lại hòa nhập cộng đồng”.

Hồ Văn Ken là một trong hàng ngàn người bệnh tâm thần trên thế giới đã và đang bị cách ly do thiếu điều kiện chăm sóc và chữa trị. Với một người bị bệnh tâm thần phân liệt như Ken, phương pháp điều trị và phương thức giúp phục hồi chức năng như nhập viện, dùng thuốc, liệu pháp tâm lý cần được tiến hành cùng sự tôn trọng nhân cách, phẩm giá như những người bình thường để đạt hiệu quả tích cực. Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới 10/10/2015 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức ở các quốc gia với chủ đề Nhân phẩm trong sức khỏe tâm thần (SKTT) một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng của SKTT. Dịp này, WHO tăng cường các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những gì có thể thực hiện để đảm bảo rằng những người mắc bệnh về SKTT có thể tiếp tục sống với các phẩm chất và giá trị vốn có của mình, được chăm sóc thích hợp, được tôn trọng trong điều trị với các quyết định mang lại sự tiến bộ về chăm sóc SKTT. Theo WHO, tôn trọng nhân phẩm là nền tảng của việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKTT tốt nhất dựa trên nhu cầu căn bản của con người và mục tiêu đảm bảo các quyền lợi tương ứng của người bị bệnh tật về tâm thần không chỉ ở phạm vi chăm sóc sức khỏe mà còn ở tất cả các lĩnh vực khác trong đời sống cộng đồng. Để đạt được điều này rất cần sự hợp sức một cách có hiểu biết và kiên nhẫn giữa gia đình của người bệnh với cộng đồng trong việc bảo vệ, chăm sóc, giúp người bệnh tâm thần tiếp cận những liệu pháp chữa trị và phục hồi chức năng hiệu quả.

Trong thời gian qua, những ảnh hưởng của bệnh tật về SKTT được xếp thứ tư sau các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và theo dự báo của WHO thì đến năm 2020 SKTT có tầm quan trọng thứ hai sau sức khỏe tim mạch. Do hoạt động của não bộ bị rối loạn gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi, tác phong, tình cảm,… bệnh tâm thần là loại bệnh rất phổ biến và tuy thường không gây chết người đột ngột nhưng làm giảm sút khả năng lao động, học tập, làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt, gây căng thẳng với các thành viên trong gia đình và cộng đồng, làm tổn hại cả về kinh tế và chất lượng cuộc sống. Dựa trên định nghĩa "Sức khỏe là một tình trạng thoải mái hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không phải chỉ là tình trạng không bệnh tật hay tàn tật”, các thông điệp của Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới 10/10/2015 với chủ đề Nhân phẩm trong sức khỏe tâm thần hướng cộng đồng vào nhận thức bất kỳ người nào khi có những cảm giác không thoải mải hoặc có những biểu hiện bệnh lý rõ rệt đều được hưởng quyền lợi trong chăm sóc, chữa bệnh, tư vấn về SKTT theo những phương pháp chữa trị khoa học có tác dụng tốt đối với sức khỏe và sự an toàn. Đây là hướng đi mới quan trọng trong bảo vệ và chăm sóc về thể xác lẫn cảm xúc trong lĩnh vực SKTT và trong cộng đồng đồng thời là cơ sở để triển khai các chính sách, cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKTT tại cộng đồng đảm bảo đáp ứng toàn diện các nhu cầu của con người trong chăm sóc SKTT, góp phần bồi đắp nền tảng của sức khỏe tổng thể và hạnh phúc trên toàn thế giới.

Bài: Nguyễn Bội Nhiên, t4g Quảng Trị

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang