Sau ba năm triển khai, CTXH trong bệnh viện đã có những bước phát triển nhanh chóng, nâng cao nhận thức của lãnh đạo và nhân viên toàn ngành Y tế về vị trí, vai trò của CTXH trong chăm sóc sức khỏe người dân, hệ thống CTXH bệnh viện đã tăng nhanh về số lượng và chất lượng hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo niềm tin, sự hài lòng của người bệnh. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ sớm ban hành các chuẩn năng lực của người làm CTXH; xây dựng và ban hành các quy trình chuẩn về thực hành nghề CTXH trong bệnh viện; tăng cường truyền thông về phát triển CTXH; xây dựng và hoàn thiện một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và tham gia đào tạo nhân lực CTXH trong bệnh viện; đẩy mạnh việc kết nối giữa đơn vị y tế với các tổ chức bảo trợ xã hội và cộng đồng; kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm và chỉ đạo nhân rộng mô hình phòng CTXH bệnh viện…
Ngành Y tế thành phố Cần Thơ có 20 đơn vị trực thuộc thực hiện chức năng về khám, chữa bệnh đã thành lập phòng hoặc tổ CTXH; có 130 viên chức, nhân viên chuyên ngành CTXH, chuyên ngành truyền thông y tế hoặc ngành khoa học xã hội khác được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về CTXH. Điển hình như Phòng CTXH Bệnh viện Ung bướu đã thực hiện tư vấn giải quyết các vấn đề cho khoảng 400 lượt bệnh nhân/ngày; vận động hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo, tặng tiền, xe lăn và hàng trăm suất ăn miễn phí, … Bệnh viện Đa khoa thành phố ra mắt Đội Thanh niên tình nguyện “Tiếp sức người bệnh” thuộc Tổ CTXH, phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện từ thiện, hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 120 triệu đồng, …
Nhân dịp này, 21 tập thể và 26 cá nhân đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế về thành tích xuất sắc thực hiện phát triển nghề CTXH trong ngành Y tế, trong đó có Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ và một cá nhân của bệnh viện.
Kim Nhiên (Trung tâm TTGDSK TP Cần Thơ)