100% bà mẹ mang thai được quản lý thai nghén
Chia sẻ với Đoàn công tác, Y sỹ Nguyễn Thị Liên, Phó trưởng Trạm xã Ngọc Sơn cho biết: Trong những năm gần đây, Trạm y tế thường xuyên được Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện giúp đỡ hỗ trợ. Cùng với sự phối kết hợp của Mặt trận tổ quốc, các ngành, đoàn thể có liên quan và của Ban đại diện các xóm cùng với và sự quan tâm, chỉ đạo của ngành Y tế. Đặc biệt là sự nhiệt tình, tâm huyết, yêu nghề của đội ngũ cán bộ Trạm y tế và nhân viên y tế các thôn, công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trong xã đã đạt được nhiều thành tựu.
Xã Ngọc Sơn nằm ở phía Tây của huyện Lạc Sơn; là xã thuộc Vùng cao, với độ cao 650m so với mặt nước biển; là xã thuộc khu vực III; xã có tổng dân số 700 hộ với 3.000 nhân khẩu; diện tích tự nhiên là hơn 338km2, được tổ chức thành 6 xóm. Thu nhập chính của người dân chủ yếu từ nông nghiệp và đồi rừng. Tỷ lệ hộ nghèo là 33,4%, hộ cận nghèo là 25,9%. Hệ thống điện lưới đạt 98% hộ dân trong xã được sử dụng; hệ thống đường giao thông được mở đến các xóm nhưng chưa phủ khắp các tuyến đường. Thành phần dân tộc gồm 94,3% là dân tộc Mường, còn lại là dân tộc khác; Phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là 552 người. Tổng số trẻ dưới 5 tuổi: 207 trẻ. Trạm y tế xã gồm 7 cán bộ, trạm đã đạt Chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn I năm 2012, tại các xóm đều có nhân viên y tế thôn bản.
Trong thời gian qua công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em của xã Ngọc Sơn luôn được quan tâm và thực hiện đầy đủ. Trạm y tế xã thực hiện cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc bà mẹ trẻ em theo đúng hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ CSSKSS. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng luôn được trú trọng. Đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn, tập trung vào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về khám thai định kỳ ít nhất 4 lần trong thai kỳ; hỗ trợ phụ nữ sinh con tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện; theo dõi sức khỏe của mẹ và bé trong 42 ngày sau sinh; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ dinh dưỡng, tiêm chủng, kế hoạch hóa gia đình…
Kết quả đạt được, trong năm 2023 có 100% bà mẹ mang thai được quản lý thai nghén, Trên 90% phụ nữ đẻ được khám thai đủ và đúng lịch; Trên 90% bà mẹ mang thai được xét nghiệm sàng lọc 3 bệnh lây truyền từ mẹ sang con bao gồm HIV, Viêm gan B và Giang mai; 89% bà mẹ mang thai được tiêm phòng uốn ván đủ mũi và 100% bà mẹ bổ sung viên sắt để phòng chống thiếu máu; 100% Sản phụ sinh con tại cơ sở y tế và 100% bà mẹ và trẻ sơ sinh được thăm khám tại nhà sau khi sinh.
Trong nhiều năm không có trường hợp tai biến sản khoa và không có tử vong mẹ, không có tử vong sơ sinh.
Tuy nhiên, công tác này vẫn còn có những hạn chế và thách thức. Địa bàn phức tạp, đi lại khó khăn, có những hộ dân nằm sâu trong các hẻm núi, không tiếp cận được với mạng xã hội, nên công tác truyền thông gặp nhiều khó khăn, cán bộ y tế phải đến trực tiếp từng hộ gia đình, hoặc nhóm gia đình. Bên cạnh đó, một số gia đình vẫn chưa quan tâm đúng mức đến sức khỏe của mẹ và bé, còn ăn uống, kiêng khem theo tập quán.
Hưởng ứng các Tuần lễ Làm mẹ an toàn tại địa phương tỉnh Hòa Bình, Trạm y tế xã Ngọc Sơn tham mưu việc thực hiện các hoạt động thiết thực của Tuần lễ Làm mẹ an toàn, như: Tăng cường tuyên truyền, vận động phụ nữ và gia đình thực hiện các biện pháp làm mẹ an toàn, như đi khám thai định kỳ, sinh con tại các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe sau sinh, áp dụng các phương pháp kế hoạch hóa gia đình an toàn và hiệu quả… Tổ chức các buổi tư vấn, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho phụ nữ mang thai và sau sinh, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Tổ chức các cuộc thi, trò chơi, giao lưu văn nghệ với chủ đề làm mẹ an toàn, nhằm nâng cao nhận thức và tạo không khí vui tươi, thoải mái cho phụ nữ và gia đình; Tổ chức các buổi bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, nhân viên y tế xã về các vấn đề liên quan đến làm mẹ an toàn, như: phòng ngừa và xử lý các biến chứng sản khoa; quản lý chất lượng dịch vụ y tế; giao tiếp và tư vấn cho người bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác y tế… Như tạo nhóm Zalo các bà mẹ có thai và bà mẹ có con trong 1000 ngày đầu đời.
“Bằng những hoạt động hết sức cụ thể, thiết thực, chúng tôi mong muốn sẽ đóng góp một phần công sức của mình để Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 sẽ thành công tốt đẹp, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trong địa bàn xã nói riêng và tại tỉnh Hòa Bình nói chung”, Y sỹ Nguyễn Thị Liên xúc động nói.
Tại Trạm Y tế xã Quyết Thắng, theo chia sẻ của Điều dưỡng hạng III Bùi Thị Thiết, hiện Trạm có 15 cán bộ y tế trên tổng số hơn 13.800 nhân khẩu. Trong những năm gần đây, cán bộ Trạm luôn luân phiên trực 24/24h nhằm đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Hàng tuần, hàng tháng Trạm đều cử cán bộ trực tiếp xuống các xóm tuyên truyền về công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe sinh sản... Trạm phối kết hợp với y tế thôn bản, công tác viên dân số, các trường học trên địa bàn xã, ban đại diện các xóm, tuyên truyền dưới mọi hình thức để mỗi người dân đều được tiếp cận với những dịch vụ sẵn có ở địa phương.
Kết quả trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng số lượt khám tại Trạm là: 2.933 lượt, trong đó, khám bảo hiểm y tế: 2.933 lượt người. Về Chương trình tiêm chủng mở rộng, Trạm đã tiêm chủng đầy đủ cho trẻ < 1 tuổi: 87/130 trẻ đạt 66,9%; Tiêm tiêm Sởi-Rubela 18 tháng: 118/141 trẻ đạt 83,6%; Tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai: AT2+: 71/95 chị đạt 74,7%; Tiêm phòng viêm não Nhật Bản mũi 2,3 cho trẻ từ 1-5 tuổi: 193/265 trẻ đạt 72,8%... Đặc biệt về Chương trình dinh dưỡng và bảo vệ bà mẹ trẻ em, trong 9 tháng đầu năm, Trạm đã quản lý 146 phụ nữ có thai và đã có 116 phụ nữ đã sinh con và 100% phụ nữ có thai khám thai đủ, đúng lịch. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ dưới 2-5 tuổi suy dinh dưỡng giảm đáng kể chỉ còn 20/203 trẻ.
Công tác dân số và phát triển đã có sự chuyển biến tích cực, Ban dân số đã triển khai các hoạt động tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về lĩnh vực Dân số và phát triển, nhằm hạn chế sinh con thứ 3 trở lên và biện pháp lựa chọn giới tính khi sinh, giảm thiểu mắc các bệnh di truyền bẩm sinh. Duy trì hoạt động có hiệu quả mô hình câu lạc bộ tiền hôn nhân nhằm truyền thông chuyển đổi nhận thức của người dân về tảo hôn và bệnh tan máu bẩm sinh. Cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư tiêu hao và các phương tiện tránh thai phục vụ cho công tác Dân số và phát triển.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình cho biết: Hoà Bình là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, với Dân số khoảng 930.000 người (trong đó dân tộc Mường chiếm 63%), có 10 huyện/thành phố với 151 xã/ phường/ thị trấn. Đặc biệt, toàn tỉnh có 59 xã khu vực III. Đây cũng là địa bàn mà người dân được hưởng lợi từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025. Để triển khai thực hiện chương trình, tỉnh Hoà Bình đã và đang tích cực triển khai các hoạt động chuyên môn... Đặc biệt, nhiều hoạt động đã được triển khai có hiệu quả tại các xã vùng III như: Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trẻ em; Cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ. Chú trọng truyền thông nhóm, tư vấn trực tiếp cho phụ nữ có thai đến khám thai và các bà mẹ đưa trẻ đi khám sức khỏe/ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Lồng ghép truyền thông nhóm tại cộng đồng trong các cuộc họp thôn, xóm, họp phụ nữ hoặc thực hành dinh dưỡng, truyền thông về làm mẹ an toàn, bao gồm chăm sóc trước sinh, trong sinh và sau sinh theo từng chủ đề cho từng nhóm đối tượng. Phổ biến các kiến thức và kỹ năng về làm mẹ an toàn qua các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội. Kết quả, tính đến hết tháng 9 năm 2023, tại tỉnh Hòa Bình có 99% bà mẹ, trẻ sơ sinh được thực hiện chăm sóc y tế trước, trong và sau sinh đúng quy định, giảm thiểu tai biến sản khoa. Không có trường hợp tử vong mẹ. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đều thấp hơn so với chỉ tiêu được giao.
Hướng tới tất cả mỗi tuần đều là “Tuần lễ làm mẹ an toàn”
Cũng theo chia sẻ cởi mở của cán bộ y tế của 2 Trạm Y tế Ngọc Sơn và Quyết Thắng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác chăm sóc y tế tại 2 xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhất định: Việc chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em tại hộ gia đình còn có những hạn chế nhất định. Một số trạm y tế xã chưa có đầy đủ những trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh, thiếu tài liệu phương tiện truyền thông tại cộng đồng. Đội ngũ cán bộ y tế còn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, thiếu cán bộ chuyên sâu về chuyên ngành Sản, chuyên ngành Nhi. Các hoạt động tại các xã vùng 1, 2 chưa được thường xuyên do thiếu nguồn lực…
Trực tiếp được lắng nghe và thấy các cán bộ Y tế của Trạm Y tế Ngọc Sơn và Trạm Y tế xã Quyết Thắng khám sức khoẻ, tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai tại Trạm, Ông Trịnh Ngọc Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương cho biết: “Qua những thông tin chia sẻ của cán bộ y tế của 2 Trạm cũng như trực tiếp được nghe, được nhìn thấy cán bộ y tế 2 Trạm tư vấn sức khoẻ, dinh dưỡng cho những phụ nữ đang mang thai trong xã nhân hưởng ứng Tuần lễ làm mẹ an toàn năm 2023 thì tôi nhận thấy, công tác truyền thông nơi đây đã có sự đổi mới, sáng tạo và rất ấn tượng. Đặc biệt, cán bộ Y tế đã được nâng cao trình độ chuyên môn; nhiều tài liệu truyền thông như tờ rơi, tranh gấp, áp phích… được làm rất dễ hiểu, dễ nhớ và sáng tạo được người dân hào hứng đón nhận. Đó là sự nỗ lực rất lớn của cán bộ làm công tác truyền thông y tế nơi đây. Vì vậy rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, Bộ Y tế để nâng cao hơn nữa năng lực cho cán bộ y tế; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truyền thông nhằm nâng cao sức khoẻ toàn diện cho người dân trong tỉnh, đặc biệt là sức khoẻ của phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ để như mong muốn và niềm tin của ngành Y tế hướng tới, tất cả mỗi tuần đều là “Tuần lễ làm mẹ an toàn”.
Bài và ảnh: Hoàng Hiền