Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Những câu chuyện ấn tượng về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại Đồng Nai và Bình Phước

  • |
T5g.org.vn - Vừa qua, đoàn công tác của Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương đã đến giám sát, hỗ trợ công tác truyền thông về phòng chống sốt xuất huyết tại Đồng Nai và Bình Phước. Đây là hai tỉnh có nhiều khu trọ của người lao động ngoại tỉnh nên nguy cơ bùng phát dịch rất lớn. Đây cũng là nơi ngành y tế địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và chủ động trong công tác truyền thông phòng chống dịch.
Đoàn công tác làm việc tại Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh Bình Phước

Ngoài việc ghi nhận hiệu quả truyền thông phòng chống dịch nói chung của địa phương, đoàn công tác còn ấn tượng về những sáng tạo, hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết ở tuyến cơ sở.

Xe bán kẹo kéo trở thành phương tiện truyền thông

Đến trạm trạm y tế xã Phước Thiền (Nhơn Trạch, Đồng Nai), chúng tôi được nghe kể về những hoạt động của trạm y tế ở một địa bàn có tới 50% người dân là người thuê trọ. Công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh đặc biệt là dịch sốt xuất huyết đã được triển khai khẩn trương, kịp thời.

Nhằm lan tỏa thông tin tới toàn thể người dân trên địa bàn xã, trạm đã hợp đồng với một người dân có xe bán kẹo kéo để tuyên truyền các thông tin về dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Theo hợp đồng, xe kẹo kéo sẽ chạy qua các thôn, dừng lại ở điểm thường xuyên tụ tập đông người, mở loa phát đi thông tin về dịch sốt xuất huyết thay vì phát quảng cáo về kẹo. Việc này diễn ra từ 6 giờ đến 10 giờ sáng trong 3 ngày liên tục cho mỗi đợt truyền thông, thù lao cho chủ xe là 500 ngàn đồng. Trao đổi với một số người dân, họ cho biết đã nghe thông tin về bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp phòng ngừa từ loa ở xe kẹo kéo, họ còn nhắc lại đầy đủ nội dung được phát trên loa. Hiệu quả truyền thông cần phải được đánh giá tổng thể qua sự thay đổi về kiến thức, thái độ, thực hành, tuy nhiên để có được sự thay đổi về kiến thức như vậy cũng là điều đáng ghi nhận.

Hỗ trợ của UBND xã

Trạm trưởng trạm y tế xã An Phước (Long Thành, Đồng Nai) có dáng người nhỏ nhắn, phong thái nhanh nhẹn, hoạt bát. Chị không nói nhiều về thanh tích của trạm y tế mà chỉ nhắc đến sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo các ban ngành đoàn thể cùng tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh. Đó là một sự phối kết hợp nhịp nhàng, hiệu quả. Chị cho biết, với mỗi lần triển khai chiến dịch diệt muỗi, diệt bọ gậy, ngoài kinh phí phòng chống dịch, trạm được UBND xã hỗ trợ 1 triệu đồng để thực hiện truyền thông, thù lao cho người phụn thuốc. Chúng tôi thực sự ngưỡng mộ khả năng vận động chính quyền của vị trạm trưởng này. Hỏi bí quyết, chị cười: làm gì cũng phải có chiêu! Thực ra, chiêu mà chị nói đến chính là cách làm việc khoa học, sự chủ động, quyết liệt và tâm huyết của cán bộ y tế xã, chất lượng của hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng. Bên cạnh đó, điều không thể phủ nhận là lãnh đạo chính quyền nơi đây đã nhận thức sâu sắc về sự tham gia của các cấp các ngành vào công tác phòng chống dịch bệnh, từ đó có những quyết sách quan trọng tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ trạm y tế hoàn thành nhiệm vụ.

Những bản kế hoạch và sổ ghi chép

Đến thăm trạm y tế xã Minh Hưng (Chơn Thành, Bình Phước), đoàn công tác được chứng kiến không khí chống dịch sốt xuất huyết diễn ra rất khẩn trương. Xe phun thuốc diệt muỗi của Trung tâm y tế huyện đang chờ sẵn để tiến hành phun thuốc tại địa bàn xã. Các cán bộ của trạm y tế đang thực hiện truyền thông cho người dân trước khi phun thuốc để nhân dân hiểu và phối hợp với cán bộ phòng chống dịch. Chị trạm trưởng khá mệt vì giải quyết công việc vẫn vui vẻ tiếp đoàn. Tập hồ sơ về công tác phòng chống dịch bệnh của trạm được sắp xếp ngăn nắp, có đủ kế hoạch năm, quý, tháng, tuần. Điều này mang lại sự ngạc nhiên thú vị cho chúng tôi vì ở một đơn vị y tế tuyến xã mà việc lập kế hoạch lại tỏ ra rất bài bản, công bằng mà nói nhiều đơn vị không làm được như vậy. Chị nhỏ nhẹ giải thích: lập kế hoạch là một việc không đơn giản nhưng nếu làm tốt thì quá trình triển khai sẽ thuận lợi rất nhiều. Chị còn cho chúng tôi xem những quyển sổ vãng gia (thăm hộ gia đình) để truyền thông hướng dẫn người dân thực hiện chăm sóc sức khỏe. Đó là những cuốn vở học sinh được các cộng tác viên ghi chép lại những lần truyền thông tại hộ gia đình một cách sạch sẽ, rõ ràng.

Sự nhiệt huyết, tận tụy của cán bộ y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh ở tuyến cơ sở đã tạo dựng niềm tin cho cộng đồng và đoàn công tác. Họ vẫn từng ngày, từng giờ bám sát cơ sở, sáng tạo không ngừng để tìm ra cách thức tiếp cận người dân hiệu quả nhất, đảm bảo những thông tin về phòng chống dịch bệnh được lan truyền tới mọi người dân. Đây chính là những điểm sáng của công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cần được nêu gương và nhân rộng.

Đào Tuyết

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang