Y tế cơ sở đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
Đánh giá về hệ thống Y tế của Việt Nam, đặc biệt là Y tế tuyến cơ sở, phát biểu tại Hội thảo“Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cơ sở: Kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và kinh nghiệm của Trung Quốc”, ông OLusoji Adeyi, Giám đốc lĩnh vực Y tế, Dinh dưỡng và Dân số, Ngân hàng Thế giới nhận định, mạng lưới y tế cơ sở, hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung và chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng tại Việt Nam đã được triển khai thường xuyên, rộng khắp. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được cung cấp đến tất cả mọi người dân, kể cả khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, biên giới, hải đảo… Tuy nhiên, y tế tuyến cơ sở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn thừa nhận, Việt Nam chịu gánh nặng mô hình bệnh tật kép với các bệnh lây nhiễm vẫn lưu hành và diễn biến phức tạp, các bệnh lây nhiễm tăng nhanh, tình trạng già hóa dân số… trong khi đó, năng lực cung ứng dịch vụ các tuyến, nhất là tuyến y tế cơ sở còn hạn chế, chưa được chuyển đổi kịp thời để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân dẫn đến quá tải tại một số bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối và một số chuyên khoa.
Tại Hội thảo, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) đã đưa ra kết quả Nghiên cứu chất lượng và công bằng trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại Việt Nam được thực hiện năm 2015 tại 78 bệnh viện huyện và 246 trạm y tế xã tại 6 tỉnh thành đại diện các vùng miền gồm: Bình Đình, Đắc Lắc, Đồng Nai, Đồng Tháp, Điện Biên và Hà Nội (vùng Hà Tây cũ). Nhóm nghiên cứu đã đưa ra các câu hỏi và quan sát chẩn đoán, điều trị, kê đơn của các bác sỹ tuyến huyện, xã về 5 bệnh cơ bản thường gặp như: tiêu chảy trẻ em, viêm phổi trẻ em, lao, tiểu đường týp 2, tăng huyết áp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, năng lực trong khai thác bệnh sử và khám bệnh của bác sỹ tuyến huyện và xã ở tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu; kiến thức của bác sỹ tuyến cơ sở vẫn còn nhiều khoảng trống. Tỷ lệ câu hỏi mà bác sỹ hỏi bệnh nhân và câu hỏi cần phải hỏi để đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác hơn chỉ đạt xấp xỉ 50%; bên cạnh đó, số nội dung khám lâm sàng mà bác sỹ dự định khám (đã chỉ định khám) cho bệnh nhân cũng chưa đạt một nửa nội dung cần khám... tình trạng bác sỹ kê đơn thuốc điều trị không hợp lý còn cao cả ở tuyến huyện và xã. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các bác sỹ tuyến xã kiến thức ít hơn nhưng khi khám bệnh họ luôn cố gắng khám, hỏi han bệnh nhân nhiều hơn. Còn các bác sỹ tuyến huyện, kiến thức tốt hơn nhưng lại khám xét ít hơn. Không ít bác sĩ biết 7 trong 10 mục hướng dẫn nhưng khi khám bệnh họ chỉ áp dụng 4-5 mục.
Y tế cơ sở là tuyến tiếp cận đầu tiên của người dân trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và là nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chủ yếu cho nhóm có thu nhập thấp. Việc sử dụng dịch vụ y tế trong 12 tháng qua ở các tỉnh được nghiên cứu thì người dân tuyến xã sử dụng dịch vụ y tế cao nhất, tiếp đến là tuyến huyện, tuyến tỉnh và cuối cùng là tuyến trung ương. Tuy nhiên, với năng lực của cán bộ y tế tuyến cơ sở hiện nay đó là một khó khăn, thách thức đòi hỏi cần sự nỗ lực, cố gắng hơn nữa của toàn Ngành.
Nỗ lực của ngành Y tế nhằm đổi mới toàn diện hoạt động y tế cơ sở của Việt Nam.
“Định hướng của Y tế Việt Nam trong thời gian tới là phát triển hệ thống y tế bền vững theo hướng công bằng - hiệu quả - phát triển - chất lượng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe nhân dân”, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh.
Để góp phần đạt được mục tiêu đó, theo Thứ trưởng, Việt Nam bên cạnh đổi mới mô hình cung ứng dịch vụ y tế theo hướng phát triển y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao thì cần chú trong tập trung hơn nữa đầu tư phát triển nâng cao nặng lực cung ứng dịch vụ y tế cơ sở để mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng nhất tại nơi sinh sống; đồng thời đổi mới tài chính y tế theo hướng tăng chi tiêu công, giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ hộ gia đình cho y tế; phát triển bảo hiểm y tế toàn dân; xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài chính y tế theo hướng chi phí hiệu quả.
Thời gian qua, ngành Y tế đã triển khai, thực hiện nhiều hoạt động thiết thực mang lại hiệu quả cao trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, Bộ Y tế đã xây dựng trình Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Quyết định vừa được Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam ký ngày 5/12/2016, thể hiện quyết tâm của Chính phủ, hứa hẹn tạo cơ chế và động lực mạnh mẽ để đổi mới toàn diện hoạt động y tế cơ sở của Việt Nam.
Vừa quan, được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Viện chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) đã tiến hành nghiên cứu “Điều tra cơ sở y tế về năng lực cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở” tại 6 tỉnh. Đây là nghiên cứu được tiến hành công phu, khoa học dựa trên bộ công cụ chuẩn Chỉ số cung ứng dịch vụ và Bộ công cụ đánh giá tính sẵn có của dịch vụ (SARA). Kết quả của nghiên cứu trên đã được Viện chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) báo cáo tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cơ sở: Kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và kinh nghiệm của Trung Quốc”. Qua đây, Bộ Y tế biết được tình hình năng lực cung ứng dịch vụ y tế tuyến y tế cơ sở của Việt Nam cũng như khoảng trống giữa kiến thức và thực hành trong chẩn đoán và điều trị các bệnh thường gặp của cán bộ tuyến y tế cơ sở; đồng thời, đúc rút những kinh nghiệm chia sẻ thành công của Trung Quốc, để từ đó Bộ Y tế và các tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới vừa mới được ban hành.
Tuấn Minh