Khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát bệnh
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân tử vong liên quan đến viêm gan vi rút đứng hàng thứ 3 trong số các bệnh truyền nhiễm. Việt Nam hiện là một trong 9 nước khu vực Tây Thái Bình Dương có tỷ lệ nhiễm viêm gan vi rút B và C cao trong quần thể dân cư và chịu nhiều hậu quả nặng nề do nhiễm viêm gan vi rút. Việt Nam cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm viêm gan vi rút A, D, E trong số các bệnh nhân viêm gan nhập viện. Ngoài ra, tình hình nhiễm viêm gan vi rút B ở nhóm người khỏe mạnh và phụ nữ có thai tại Việt Nam cũng chiếm tỷ tương đối cao từ 10-20%. Đây là yếu tố gây nhiễm viêm gan vi rút B ở trẻ em qua lây truyền mẹ con trong quá trình chuyển dạ và là nguyên nhân chính gây viêm gan mạn tính ở trẻ em. Tỷ lệ người nhiễm viêm gan vi rút C ở cũng chiếm khoảng từ 2-3% dân số nhưng tỷ lệ thường gặp ở nhóm có nguy cơ cao như những người tiêm chích ma tuý, chạy thận nhân tạo, gái mại dâm...
Dấu hiệu của viêm gan cấp là có các triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, da, mắt vàng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp viêm gan mãn tính không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt, thường khi bệnh được phát hiện thì đã muộn, bệnh nhân có thể bị xơ gan hoặc ung thư tế bào gan. Các bệnh viêm gan do vi rút chưa có thuốc đặc trị mà chủ yếu được điều trị triệu chứng và bệnh nhân cần được nghỉ ngơi. Điều trị viêm gan do vi rút thường dùng các loại thuốc kháng vi rút nhằm ức chế sự nhân lên của vi rút, hạn chế các biến chứng của bệnh.
PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, dù không có triệu chứng, nhưng chúng ta vẫn có thể phát hiện bệnh giai đoạn sớm để kịp thời điều trị, đó là khám sức khỏe định kỳ. Nếu phát hiện nhiễm vi rút, bệnh nhân nên đến các cơ sở chuyên khoa tiêu hóa, gan, mật để được xác định chính xác thể bệnh và được tư vấn để có chế độ theo dõi và điều trị thuốc phù hợp, đúng thời điểm, tránh diễn tiến thành xơ gan, ung thư gan.
Tăng cường đẩy mạnh các hoạt động phòng chống bệnh
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và ngành Y tế đã quan tâm, đầu tư triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm phòng chống viêm gan vi rút như: Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị viêm gan vi rút C tại Quyết định số 4817/QĐ-BYT ngày 28/11/2013, Quyết định số 5448/QĐ-BYT ngày 30/12/2014 về Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị viêm gan vi rút B và Quyết định số 5448/QĐ-BYT ngày 30/12/2014 về Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị viêm gan vi rút D…. Đối với hoạt động tiêm chủng dự phòng viêm gan vi rút B, ngay từ năm 1997, vắc xin viêm gan B đã được bắt đầu đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại 2 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Từ năm 2003, vắc xin được triển khai trên toàn quốc cho trẻ dưới 1 tuổi, đạt tỷ lệ trên 90%. Việc tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu cũng bắt đầu được triển khai năm 2006, đạt tỷ lệ trên 70%. Ngoài ra, hoạt động xét nghiệm sàng lọc viêm gan vi rút B và C đã được quy định là xét nghiệm bắt buộc trong sàng lọc máu theo Điều lệ truyền máu năm 1992, Quy chế truyền máu năm 2007 và Thông tư số 26/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về việc hướng dẫn hoạt động truyền máu.
Công tác dự phòng viêm gan vi rút B và viêm gan vi rút C cũng được ngành Y tế đẩy mạnh. Năm 2012, Bộ Y tế đã có Quyết định số 3671/QĐ-BYT về việc Hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám, chữa bệnh nhằm tăng cường việc thực hiện dự phòng phổ cập và kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế. Trên cơ sở đó, hầu hết các bệnh viện đã thành lập đơn vị chống nhiễm khuẩn và triển khai các hoạt động phòng chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện…
Theo Kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2015-2019 của Bộ Y tế ban hành ngày 5/3/2015 cho thấy, bên cạnh một số kết quả đã đạt được, công tác phòng chống bệnh viêm gan vi rút còn nhiều khó khăn, hạn chế. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về viêm gan vi rút chủ yếu mới chỉ được lồng ghép vào hoạt động tiêm chủng mở rộng nên nội dung tuyên truyền cũng chủ yếu tập trung vào công tác phòng chống bệnh viêm gan vi rút B và tiêm vắc xin viêm gan B phòng bệnh cho trẻ em. Ngoài ra, việc triển khai công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua các chiến dịch truyền thông đã được triển khai tại một số tỉnh trọng điểm nhưng chưa mang tính thường xuyên, chưa tập trung vào các nhóm nguy cơ cao. Việc cập nhật thông tin mới về sàng lọc, chẩn đoán và điều trị viêm gan vi rút B, C cho cán bộ y tế cũng chưa được triển khai rộng rãi, chưa có quy định, hướng dẫn về sàng lọc, chẩn đoán người nhiễm viêm gan vi rút B và viêm gan vi rút C, đặc biệt là ở nhóm nguy cơ cao, trong khi đó, do bệnh diễn biến “thầm lặng”, phần lớn người nhiễm vi rút không biết được tình trạng nhiễm viêm gan vi rút, chỉ đến khi có triệu chứng của bệnh gan nặng. Các thuốc điều trị viêm gan vi rút B, C và các xét nghiệm theo dõi điều trị hiện nay có giá thành cao, đòi hỏi trong thời gian dài nên khó khăn trong công tác kiểm soát bệnh.
Để tăng cường tầm soát, sàng lọc phát hiện sớm bệnh viêm gan vi rút B, C và tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán, điều trị. Trong giai đoạn 2015-2019, ngành Y tế tiếp tục: tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ y tế, chính quyền địa phương các cấp; tăng cường công tác dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút B, C và dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con; nâng cao năng lực hệ thống giám sát và thu thập số liệu để cung cấp bằng chứng cho việc xây dựng chính sách và can thiệp nhằm hạn chế sự lây lan của viêm gan vi rút trong cộng đồng và cơ sở y tế; nâng cao năng lực trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân viêm gan vi rút và mở rộng tiếp cận với các dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi rút, đặc biệt là viêm gan vi rút C…
Bài, ảnh: Hoàng Hiền