Chia sẻ những khó khăn trong công tác phòng chống SXH, TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội - một trong số các địa phương sớm bị ảnh hưởng của dịch bệnh SXH cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, ngay khi nhận được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành Y tế Hà Nội đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch như: tổng vệ sinh môi trường, phối hợp với người dân thu gom phế liệu, vệ sinh nhà cửa, diệt bọ gậy (lăng quăng), phát tờ rơi... ; tăng cường khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân SXH tại các cơ sở khám chữa bệnh. Nhờ nhanh chóng áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ; sự quyết tâm của các bộ, ngành, cấp chính quyền hữu quan, công tác phòng chống SXH bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, công tác phòng chống SXH tại Hà Nội cũng vấp phải không ít những khó khăn do một bộ phận người dân tỏ ra chủ quan, lơ là, thiếu thiện chí hợp tác trong phòng chống dịch bệnh. TS. Nguyễn Nhật Cảm chia sẻ: vẫn còn 50% hộ gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội từ chối phun hóa chất, không hợp tác với cán bộ y tế hoặc vắng nhà liên tục, do vậy, việc khống chế và dập tắt các ổ dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục khó khăn trên, ngành Y tế Hà Nội đã tăng cường triển khai công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe phòng chống bệnh SXH với nhiều hình thức đa dạng như: cung cấp tư liệu, thông tin, hình ảnh để phát trên Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, truyền thông qua đài phát thanh của các phường, phát hơn 1 triệu tờ rơi tới tay người dân. Trung tâm y tế các quận huyện sử dụng loa lưu động, cử cán bộ y tế chuyên trách đi tuyên truyền từng khu phố về các biện pháp phòng chống dịch, cung cấp lịch ngày giờ sẽ phun hóa chất để hộ gia đình chuẩn bị phối kết hợp... Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu -Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Thành phố cũng yêu cầu xử phạt hành chính gia đình nào không hợp tác trong công tác phòng dịch nhằm hạn chế ca mắc mới, ngăn chặn và khống chế dịch. Trước đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng biện pháp này và có một số trường hợp đã bị xử phạt với mức phạt cao nhất lên đến hơn 1 triệu đồng. TS. Nguyễn Nhật Cảm cho biết, vừa mới đây, Thành phố Hà Nội đã duyệt chi thêm 14 tỷ đồng để phòng chống dịch bệnh SXH. TS. Nguyễn Nhật Cảm nhận định: không thể chỉ riêng ngành Y tế, mà các cấp chính quyền địa phương, bộ, ngành hữu quan cần chủ động phối hợp, thực thi quyết liệt các chính sách phòng dịch, cùng với đó là sự chung tay của toàn cộng đồng, công tác phòng chống SXH mới có thể đạt được hiệu quả cao.
Bên cạnh những chính quyền cở sở thực hiện tốt việc phòng chống dịch SXH vẫn có những địa phương thiều đầu tư cho công tác này. PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, một trong những khó khăn trong phòng chống dịch bệnh, trong đó bao gồm phòng chống dịch SXH là thiếu nguồn kinh phí. Ông Phu nhấn mạnh: “ Ở những nước có điều kiện riêng, toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh là tư nhân nên toàn bộ kinh phí của nhà nước ưu tiên cho dự phòng, đặc biệt là ưu tiên cho chống dịch. Hiện nay, Việt Nam chúng ta vừa phải ưu tiên cho dự phòng, vừa phải ưu tiên cho cả điều trị. Chúng tôi vẫn biết điều đó nhưng chính quyền địa phương cũng phải quan tâm hơn đến y tế dự phòng.”. Nghị quyết số 18/2008/QH12 đã quy định, phải tăng tỷ lệ chi ngân sách hàng năm cho sự nghiệp y tế bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước, dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Tuy nhiên, một số địa phương cũng chỉ mới phân bổ từ 20% đến dưới 30%, cá biệt, còn vài địa phương phân bổ dưới 20% cho y tế dự phòng.
Ngành Y tế luôn chủ động phòng chống dịch SXH
PGS.TS.Trần Đắc Phu cho biết, bệnh SXH đã được ghi nhận rộng khắp trên 100 quốc gia, trong đó khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là các vùng chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh này. Ngay từ những tháng đầu năm 2015, Bộ Y tế đã nhận định, dịch bệnh SXH có thể diễn biến phức tạp ở nước ta, do vậy, ngành Y tế đã tích cực, chủ động triển khai sớm các biện pháp phòng chống dịch: xây dựng kế hoạch từ tuyến trung ương đến địa phương. Bộ Y tế có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo về việc tăng cường phòng, chống SXH ngay trước mùa dịch và đề nghị tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch ngay khi dịch có dấu hiệu gia tăng. Đặc biệt Bộ Y tế đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ra công điện số 1632/CĐ-TTg chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống SXH trên địa bàn cả nước. Hiện các tỉnh, thành phố và các bộ ban ngành có liên quan đang tích cực triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ. Về công tác chuyên môn, Bộ đã quyết liệt chỉ đạo toàn bộ hệ thống y tế từ dự phòng và điều trị tích cực trong công tác giám sát phát hiện sớm, xét nghiệm chuẩn đoán nhanh, xử lý ổ dịch ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên. Hệ thống điều trị bảo đảm thu dung và điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế tối đa biến chứng và tử vong; đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, máy phun, hóa chất cho công tác chống dịch cũng như điều trị ở tất cả các tuyến; tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát phòng chống dịch. PGS.TS.Trần Đắc Phu nhận định, dù đã chủ động trong phòng chống dịch SXH nhưng ngành Y tế cũng rất cần sự chung tay, ủng hộ từ các cấp chính quyến địa phương và cộng đồng để công tác phòng dịch đạt hiệu quả cao.
Bài: Như Hiển