Bão lụt không những gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của, mà hậu quả sau bão lụt cũng vô cùng nguy hiểm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ, sinh hoạt đời sống hàng ngày của người dân.
Tại vùng bão lụt, các công trình vệ sinh, cống rãnh bị ngập trong nước nên các chất thải của người và gia súc, xác động thực vật hòa vào nước gây ô nhiễm nặng cho môi trường nước, đất và đồ vật chìm trong nước khiến mầm bệnh rất dễ lan nhiễm vào thức ăn, nước uống gây bệnh cho mọi người dân. Hơn nữa, sau bão lũ, việc cung cấp lương thực và thực phẩm bị hạn chế, nhiều địa phương còn bị cô lập bởi nước lụt, chưa có điều kiện thực hiện ăn chín, uống sôi. Vì vậy, những bệnh liên quan đến an toàn thực phẩm như bệnh tiêu chảy, tả, lỵ thường rất hay xảy ra.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng trong mùa bão lũ, người dân cần lưu ý các vấn đề sau:
Một là, tuyệt đối không chế biến thực phẩm từ các động vật chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân.
Tuy không thể đáp ứng nhu cầu thực phẩm như ngày thường, nhưng người dân vẫn có thể sử dụng những thực phẩm thay thế khác thông thường như: Nước tương, muối lạc, muối vừng,... là những loại thức ăn tuy đơn giản nhưng cũng đủ khả năng cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, cần thiết cho cơ thể, các loại thực phẩm này vừa dễ chế biến và ít có nguy cơ bị ngộ độc thức ăn. Mít xanh luộc chín, giá đỗ làm đậu,... các bộ phận của cây chuối (thân, củ, quả) chính là nguồn bổ sung thay thế rau xanh sau đợt lũ phá hỏng làm nguồn rau xanh bị cạn kiệt.
Hai là, hộ gia đình cần phải chủ động dự trữ thục phẩm trong mùa bảo lụt.
Ví dụ gia đình có 4 người ăn, một trận lụt thông thường kéo dài khoảng 4-5 ngày thì chúng ta phải dự trữ khoảng 50-60 gói mì tôm khoảng 3 két. Ngoài ra phải dự trử thêm muối ăn, nước chấm, rau củ, nước uống. Sau mỗi đợt lũ lại chuẩn bị lương thực cho đợt lũ kế tiếp đến khi nào hết mùa lũ thì thôi.
Ba là, phải sử dụng nước sạch để chế biến thực phẩm, nếu không có nước sạch thì chúng ta cần làm như sau:
Nếu có trời mưa tốt nhất là hứng nước mưa dự trử vào các dụng cụ chứa đựng sạch để nấu nước uống và nấu thức ăn.
Khi phải dùng nước sông, suối ao, hồ hoặc nước nước giếng bị nhiễm bẩn, phải làm trong nước bằng cách dùng phèn chua hoà vào nước (với tỉ lệ 1gam phèn chua/20 lít nước), chờ 30 phút cho cặn lắng xuống đáy rồi gạn lấy nước trong. Trong trường hợp không có phèn chua có thể dùng túi vải để lọc nước.
Sau đó, nước cần được khử trùng bằng hóa chất chloramine B hoặc clorua vôi. Tại hộ gia đình, chloramine B dạng viên 0,25gam rất tiện lợi cho việc khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, xô, chậu..., một viên 0,25g dùng cho 25 lit nước. Sau khử trùng, nước phải có mùi clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nước sau khử trùng 30 phút là sử dụng được. Một điều cần lưu ý tuyệt đối không được khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn sẽ hấp thụ hết clo hoạt tính, làm mất tác dụng khử trùng của clo. Nước xử lí bằng clo vẫn phải đun sôi mới uống được.
Bốn là, thực hiện ăn chín, uống sôi.
Đây là biện pháp tốt nhất nhằm để phòng chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa bão lũ.
Năm là, cần khẩn trương dọn vệ sinh môi trường sau bão lũ.
Sau khi nước rút người dân cần tổ chức tổng vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà, đường làng ngõ xúm, cào quét bùn đất và phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi. Lau rửa sạch sàn nhà, quét dọn lau chùi nhà cửa, thay rửa bể nước, chum vại đựng nước, rửa dụng cụ nấu ăn, nồi xông, bát đĩa rồi phơi khô. Khơi thông cống rãnh, san lấp các vùng nước đọng. Thu gom rác, xác động thực vật chôn lấp kỹ. Chú ý đào hố chôn xác động vật cần cách xa nguồn nước trên 50m, hố sâu trên 1m, chiều dài, chiều rộng lớn hơn lượng súc vật, lượng rác định chôn. Chôn xác động vật, rác, vào hố và rải vôi bột phủ lên xác động vật rồi lấp đất dày 20cm và nện chặt. Xử lý phân, chất thải đảm bảo yêu cầu vệ sinh, không dùng phân tươi để bón và tưới rau.
Bài: Quang Duy, Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Trị