Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Tây Nguyên đến nay ghi nhận 68 trường hợp dương tính với bạch hầu. Trong đó tỉnh Đắk Nông 25 ca, tỉnh Kon Tum 24 ca, tỉnh Gia Lai 16 ca và tỉnh Đắk Lắk 01 ca, trong đó có ba trường hợp tử vong. TS.BS. Nguyễn Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, 47% trong số này không có biểu hiện bệnh, có nguy cơ lây lan qua tiếp xúc. Hiện ngoài bốn tỉnh Tây Nguyên, thì Quảng Nam, Quảng Ngãi và Lâm Đồng cũng có nguy cơ cao với bệnh bạch hầu.
Theo lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, những khu vực có bệnh đều là vùng sâu, vùng xa nên nhận thức về bảo vệ sức khỏe còn chưa cao. Người dân vẫn chưa ý thức được cách phòng, chống bệnh. Bên cạnh đó, vắc xin tiêm phòng đối với lứa tuổi trên 7 tuổi còn thiếu nên rất cần được hỗ trợ.
Đại diện tỉnh Kon Tum chia sẻ, tỉ lệ tiêm chủng tại vùng có dịch của tỉnh còn thấp nhưng người dân lại không chịu uống kháng sinh phòng vì cho là "không có bệnh không uống", do vậy, cán bộ y tế rất khó khăn để giám sát.
Phát biểu tại buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá, tiêm vắc xin làm giảm mắc bệnh ở người được tiêm chủng nhưng mầm bệnh vẫn còn, tạo nguy cơ lây lan. Trong khi nếu uống kháng sinh dự phòng sẽ ngăn nguồn lây chỉ sau 48 giờ. Do vậy, Quyền Bộ trưởng yêu cầu 4 tỉnh có ghi nhận các ca dương tính với bệnh bạch hầu tổ chức cho uống kháng sinh dự phòng. Cùng với đó, ngay từ ngày 09/7/2020, chiến dịch tiêm ngừa vắc xin phòng bạch hầu diện rộng sẽ được triển khai. Khoảng 4,7 triệu người từ 2 tháng tuổi tại 04 tỉnh Tây Nguyên sẽ được tiêm ngừa miễn phí, tổng cộng tiêm ngừa 11 triệu liều tiêm. Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: đây là thời điểm vàng để ngăn dịch bạch hầu tại Tây Nguyên và ngăn lây lan sang các địa phương khác. Tuy nhiên, muốn thành công trong công tác phòng bệnh bạch hầu, cần huy động tất cả các cơ quan ban ngành vào cuộc thì mới mang lại hiệu quả tốt.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo các cục, vụ, viện của Bộ có kế hoạch giúp các tỉnh Tây Nguyên phòng chống chống dịch bệnh; giao Cục Y tế dự phòng phối hợp Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai ngay chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu trên diện rộng cho tất cả người dân Tây Nguyên từ 2 tháng tuổi trở lên; giao Bệnh viện Bạch Mai thành lập tổ điều trị chuyên môn, hỗ trợ điều trị cho các địa phương. Bên cạnh đó, Bệnh viện tiến hành mua huyết thanh, đảm bảo cung cấp cho các địa phương.
Quyết tâm dập dịch bạch hầu, bà Huỳnh Nữ Thu Hà, phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định, là tỉnh có ca nhiềm bạch hầu, tỉnh sẽ có trách nhiệm và sẽ tích cực triển khai chiến dịch tiêm ngừa. Bà Hà nhấn mạnh: 06 năm trước chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tiêm ngừa vắcxin sởi - rubella cho 14 triệu trẻ em và kết quả rất tốt, chiến dịch này hi vọng cũng như vậy.
Như Hiển