Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Quyết liệt trong công tác đổi mới toàn diện ngành Y tế: lắng nghe khó khăn, vất vả từ phía người bệnh

  • |
T5g.org.vn - Tiếp tục quyết liệt đổi mới toàn diện ngành Y tế hường đến sự hài lòng của người bệnh là thông điệp xuyên suốt được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề cập khi đến kiểm tra các cơ sở y tế. Bộ trưởng nhấn mạnh, các cơ sở y tế nếu có hạn chế phải quyết liệt khắc phục ngay, cũng như không ngừng nghiên cứu, đề xuất các biện pháp phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn, việc đổi mới phải thực sự là mục tiêu, định hướng lâu dài của từng cán bộ, cơ sở y tế.
Trong tất cả các lần kiểm tra cơ sở y tế gần đây, vị “tư lệnh ngành Y” luôn cố gắng tiếp xúc, để đươc lắng nghe ý kiến người bệnh...

Cần lắng nghe nhiều hơn nữa ý kiến của người dân

Trong chuyến kiểm tra một số cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội vừa qua như Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Thanh Nhàn và Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã dành hầu hết thời gian để trực tiếp thăm hỏi sức khỏe, lắng nghe ý kiến phản ánh của người bệnh và người nhà bệnh nhân về thời gian chờ khám, quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh, quá trình điều trị nội trú. Trao đổi với ban lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế, Bộ trưởng nói: “Việc đổi mới là để phục người dân tốt hơn, do đó, phải lắng nghe ý kiến của họ. Chúng ta không cần dành nhiều thời gian cho việc nghe báo cáo trên phòng họp mà sẽ tập chung vào thị sát thực tế”. Trong mỗi lần đến kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh, Bộ trưởng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến thái độ, phong cách phục vụ, y đức của cán bộ y tế, cũng như cảm nhận của người bệnh. Bộ trưởng đã đặt ra nhiều câu hỏi thẳng thắn khi khảo sát ý kiến của bệnh nhân như: “cán bộ y tế có vòi vĩnh không”; “cán bộ y tế có quát nạt không, có gây khó dễ gì không?”; “bác sĩ có tận tình không”; “các bác có thật sự cảm thấy hài lòng không?”.

Sau khi khảo sát từ phía người dân, “Tư lệnh” ngành Y tế lại tiếp tục đến các bàn hướng dẫn, làm thủ tục hành chính, bàn khám bệnh để kiểm tra quy trình phục vụ người dân có thuận tiện không?, hay xuống buồng bệnh, tận mắt kiểm tra nhà vệ sinh của người bệnh. Bộ trưởng hỏi người bệnh, người nhà bệnh nhân về chỗ ăn, chỗ ngủ hàng ngày khi ở bệnh viện với các điều kiện đáp ứng những vật dụng phục vụ sinh hoạt thường nhật như chăn, màn, giường, chiếu, quạt..., từ đó thấy được những khó khăn, vất vả của người dân để ngành Y tế sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Hay đến các bàn hướng dẫn, làm thủ tục hành chính, bàn khám bệnh để kiểm tra quy trình phục vụ người dân có thuận tiện không?

Bên cạnh việc trực tiếp “thị sát” hàng loạt các cơ sở y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã có quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra tại 37 bệnh viện trực thuộc Bộ, theo Bộ 83 Tiêu chí chất lượng bệnh viện để có những đánh giá thực chất của việc đổi mới. Bộ Y tế cũng tiến hành thực hiện chấm điểm và công khai điểm chất lượng bệnh viện để người dân có căn cứ đánh giá, bước đầu tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các bệnh viện, giữa bệnh viện công và tư.

Kết quả tích cực

Trong 3 năm đổi mới hướng tới sự hài lòng của người bệnh, ngành Y tế đã triển khai một loạt các giải pháp như: Yêu cầu các bệnh viện xây dựng cơ sở mình xanh, sạch, đẹp; Tăng cường quản lý chặt chẽ các dịch vụ ở bên ngoài vào bệnh viện như: khu vực gửi xe, vận chuyển bệnh nhân, giặt là...; Hàng loạt cơ sở y tế được xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp khang trang, to đẹp và sạch sẽ hơn, giường bệnh được tăng lên... Đến nay, việc này đã mang đến những kết quả tích cực. Qua mỗi lần đi kiểm tra, giám sát, các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đều nhận thấy sự thay đổi tích cực khi thực tế phỏng vấn khách quan người bệnh và nhận được những được những lời khen, sự ghi nhận những đổi mới tích cực ngày một nhiều, thay thế cho những lời chê trách, than phiền dần ít đi.

Qua mỗi lần kiểm tra, giám sát, những ý kiến thẳng thắn, chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ Y tế hay các đoàn kiểm tra, giám sát đã giúp các bệnh viện kịp thời cải tiến chất lượng khám chữa bệnh, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động, tạo sự thuận lợi cho người dân. Như ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, khi nghe người bệnh phàn nàn về việc phải chở đợi quá lâu khi khám bệnh, có khi phải cả ngày chỉ để chờ xét nghiệm, khám, chờ lấy kết quả xét nghiệm và chờ lấy thuốc... Sau khi xem xét khả năng của bệnh viện, nhu cầu chính đáng của người bệnh, Bộ trưởng đã đề nghị Bệnh viện sửa đổi quy trình khám, chữa bệnh cho phù hợp hơn. Đồng chí Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, ngay sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Ban Giám đốc Bệnh viện đã họp khẩn để quán triệt và bàn giải pháp thực hiện các chỉ đạo của Bộ trưởng. Theo đó, Bệnh viện đã quyết định điều chỉnh lịch làm việc của Khoa Khám bệnh sớm hơn gần 1 tiếng, bắt đầu từ 7h đã phục vụ nhân dân (trước đây, 7h30 Khoa Khám bệnh bắt đầu đón tiếp người bệnh và gần 8h bắt đầu khám). Ông Nguyễn Đình Hưng khẳng định, với nhiều sự điều chỉnh tích cực, người bệnh đến viện lấy máu sớm trước 9h thì chắc chắn sẽ được khám xong, kê đơn lấy thuốc xong ngay trong buổi sáng. Kết quả khảo sát ngày đầu tiên thực hiện đổi giờ khám, mới 8h sáng, đã khám được cho hơn 120 người bệnh và lúc 9h sáng đã có 244 người bệnh được lấy máu xét nghiệm.

Quyết liệt trong công tác đổi mới để có được sự hài lòng của nhân dân, năm 2017, chỉ số cải cách hành chính của Bộ Y tế đã tăng 9 bậc, xếp thứ 8/19 bộ, ngành; Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 81,7%, vượt mục tiêu Quốc hội giao; Đưa chính sách mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 vào cuộc sống, năm 2016 đã có 30 em bé ra đời bằng phương pháp mang thai hộ; Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tính đúng tính đủ, đi kèm với việc nâng cao chất lượng dịch vụ; hệ thống y tế cơ sở, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình được quan tâm, phát triển; Việt Nam cũng đã sản xuất thành công vắc xin phối hợp sởi – rubella và dự kiến đưa vào Tiêm chủng mở rộng từ năm 2017, cũng như liên tiếp đạt được những thành tựu trong điều trị như ghép tạng, phẫu thuật nội soi robot...

Bên cạnh những thành tựu đó, ngành Y tế vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn do mô hình bệnh tật có sự thay đổi, nhu cầu khám sức khỏe nhân dân ngày càng tăng cao, trong khi điều kiện của các cơ sở y tế còn khó khăn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, chất lượng chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh còn chênh lệch giữa các tuyến, các vùng miền… Cho dù vậy, toàn ngành Y tế vẫn sẽ luôn tiếp tục nỗ lực hết sức mình, không ngại cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp chung của ngành Y tế - “bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân”, như lời Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ trong Lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/2017), được tổ chức vừa qua tại Hà Nội: “Tôi tin tưởng rằng bằng tấm lòng, bằng trách nhiệm và bằng vinh dự được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu, đứng trước sinh mệnh của người bệnh, chúng ta, mỗi thầy thuốc, mỗi cán bộ y tế sẽ vượt qua chính mình, xứng đáng với niềm tin cậy mà nhân dân gửi gắm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó”.

Nguyễn Hiển

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang