Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Hội nghị tổng kết công tác phòng chống lao năm 2021

  • |
T5g.org.vn - Vừa qua, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam, Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) tổ chức “Giao ban toàn quốc tổng kết hoạt động phòng chống lao năm 2021”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Y tế; các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Chương trình chống lao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đối tác trong nước và quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương phát biểu tại Hội nghị

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm CTCLQG cho biết, trong đại dịch Covid-19, công tác chống lao đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận điều trị cho bệnh nhân. Trên thế giới, tác động rõ ràng nhất là sự sụt giảm đáng kể trên toàn cầu về số lượng bệnh nhân mới được phát hiện và báo cáo. Con số này giảm từ 7,1 triệu người năm 2019 xuống 5,8 triệu người năm 2020, giảm 18% so với mức năm 2019 và thấp hơn rất nhiều so với con số khoảng 10 triệu người ước tính mới mắc lao năm 2020. Có 16 quốc gia chiếm 93% trong số giảm phát hiện này, gồm có Ấn Độ, Indonesia và Philippines là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Kể từ khi được công bố là”Đại dịch toàn cầu”bởi WHO vào cuối tháng 1/2020, virus corona COVID-19 đã có tác động tiêu cực lớn đến sự phát triển của toàn xã hội, không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, tâm lý người dân và các dịch vụ, ngành y tế cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng không mong muốn này. Y tế có thể nói là một ngành chịu tác động hai chiều, nhưng chắc chắn là tác động tiêu cực xảy ra nhiều hơn. Do vừa phải đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, vừa đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (giám sát dịch, hỗ trợ các tuyến, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm, điều trị người nhiễm, hỗ trợ các tuyến trong phòng, chống dịch…) nên rất nhiều cơ sở y tế xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài. Các cơ sở y tế, các đơn vị chống lao trên toàn quốc đương nhiên không nằm ngoài tác động chung đối với toàn ngành y tế. Là những đơn vị có liên quan đến bệnh phổi, nên việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm chéo COVID-19 là rất rõ ràng, điển hình là Bệnh viện Phổi trung ương là một trong những đơn vị đủ tiêu chuẩn để làm xét nghiệm chẩn đoán COVID-19.

Từ thời điểm cuối tháng 4 năm 2021, bắt đầu giai đoạn 4 của Đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, với quy mô đại dịch lớn nhất từ trước đến nay tại nước ta, sự ảnh hưởng là không thể tránh khỏi và đã làm gián đoạn hoạt động của CTCLQG nhiều nhất kể từ đầu năm 2020. Nhiều cơ sở y tế đã tăng ca làm việc để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, sàng lọc, tổ chức cách ly, giám sát và điều trị bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm COVID-19. Giai đoạn tấn công lần 4 của COVID-19, thảm họa này tập trung vào đại đa số các tỉnh khu vực phía Nam và bắt đầu lan rộng trên toàn quốc. Với nguồn nhân lực có hạn, để đảm bảo sự ổn định của hoạt động chống lao, y tế dự phòng nên nhiều đơn vị đều lâm vào tình trạng thiếu nhân lực cho các hoạt động thường quy của chương trình, một số hoạt động tại một số tỉnh còn chưa thể triển khai theo kế hoạch (phát hiện chủ động, xét nghiệm, chẩn đoán, kiểm soát nhiễm khuẩn...) do việc thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng tại nhiều tỉnh, với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Số lượng người đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế hiện đang giảm mạnh, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, số lượng bệnh nhân đến khám giảm lên đến 50-70% ở nhiều nơi. Việc này một mặt sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người có bệnh khi tự chữa bệnh tại nhà, mặt khác có thể tác động đến tất cả các đơn vị tự chủ trong hệ thống chương trình chống lao. Số lượng bệnh nhân tiếp cận các cơ sở giảm, việc thực hiện các hoạt động của chương trình cũng không được diễn ra, nên tình hình phát hiện bệnh nhân, công tác điều trị, đảm bảo việc tuân thủ điều trị thông qua hỗ trợ, giám sát, bệnh nhân lao tái khám, lĩnh thuốc,… tất cả đều không được thực hiện một cách chính xác và đầy đủ. Bên cạnh đó, hoạt động bị đình trệ, thiếu cán bộ triển khai nên số liệu của CTCLQG và Dự án QTC đến thời điểm này đều chưa được cập nhật đầy đủ. Chất lượng hoạt động trong 10 tháng đầu năm 2021 của CTCLQG và Dự án QTC có thể nói là đã bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng.

Nhấn mạnh về hoạt động điều trị, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới đạt 84,7%. Tỷ lệ điều trị thành công là 91,9%, đạt mục tiêu CTCLQG đã đề ra là trên 90%. Một số tỉnh có tỷ lệ điều trị khỏi cao như Hòa Bình (94%), Khánh Hòa (96%) và đặc biệt là Hậu Giang (98%). Tỷ lệ âm hóa đờm sau 2(3) tháng điều trị của bệnh nhân trong năm 2020 đạt 85,6%. Những số liệu này đã cho thấy hoạt động điều trị vẫn được duy trì tốt với tỷ lệ điều trị khỏi cao tuy nhiên việc theo dõi bệnh nhân để đảm bảo quy trình điều trị được hoàn thành và báo cáo một cách chính xác nhất vẫn cần nhiều nỗ lực từ các tỉnh đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19. “Trong chống lao có 2 việc quan trọng nhất là phát hiện nhanh nhất người nhiễm, nguồn lây và phải điều trị để cắt đứt nguồn lây. Do đó, thời gian qua, Bệnh viện Phổi Trung ương đưa ra biện pháp can thiệp mô hình, bảo đảm tiếp cận khám chữa bệnh thuận lợi cho người bệnh nhưng cũng ngăn chặn lây nhiễm chéo. Bên cạnh đó, bệnh viện tăng cường phát hiện chủ động ca nhiễm lao trong cộng đồng bằng “chiến lược 2X” là X-quang và X-pert. Chúng ta có đầy đủ kỹ thuật, thực hành chuẩn chống dịch. Quan trọng là người dân có ý thức phát hiện sớm các triệu chứng ho sốt, chủ động tìm các chương trình hỗ trợ đến cơ sở y tế an toàn, phát hiện sớm đúng bệnh lý để điều trị kịp thời, cắt đứt nguồn lây, bệnh lao sẽ giảm đi” - Chủ nhiệm CTCLQG nói.

Tuy nhiên, hiện nay, các địa phương hiểu khoa học và thực tiễn chống lao chưa đồng đều nhau. Sau đại dịch Covid-19, hy vọng các địa phương sẽ có biện pháp ứng phó đồng bộ với bệnh lao giống như các biện pháp triển khai chống dịch Covid-19.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương, một trong những nhiệm vụ trọng điểm của CTCLQG là “Nghiên cứu xây dựng mô hình kiểm soát nhanh dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh đường hô hấp nguy hiểm tại tuyến y tế cơ sở”. Chương trình sẽ tăng cường truyền thông các sự kiện hướng đến vận động đưa phòng chống lao vào Luật Khám chữa bệnh sửa đổi và Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm sửa đổi. Chương trình cũng phối hợp với Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT) đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 04/2016/TT-BYT, tiếp tục hỗ trợ địa phương hoàn thiện các phương án kiện toàn các cơ sở y tế bảo đảm đủ điều kiện thanh toán khám, chữa bệnh lao qua BHYT. Quản lý cung ứng, điều phối, điều tiết thuốc chống lao mua từ nguồn BHYT trên phạm vi toàn quốc.

Mặt khác, chương trình cũng duy trì đảm bảo chất lượng hoạt động phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh lao thường quy tại các tuyến của CTCL lồng ghép trong các hoạt động chung của hệ thống y tế. Ngoài ra, chương trình cũng tăng cường áp dụng chiến lược 2X (Xquang, Xpert) trong các tiếp cận phát hiện chủ động, phát hiện tích cực bệnh nhân lao, sử dụng hiệu quả 27 xe Xquang di động kỹ thuât số và các máy Xquang di động được cấp cho các tỉnh trong phát hiện bệnh nhân lao.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất toàn cầu, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) 2020).

Hoàng Hiền

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang