Tại Hội thảo, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định: “Quan điểm của Bộ Y tế là đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu và nhất quán quan điểm là đề xuất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng... để bảo vệ sức khỏe của thế hệ trẻ và cộng đồng nói chung”.
ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết: ước tính, mỗi năm thuốc lá gây ra 8 triệu ca tử vong trên thế giới. Trong đó, khoảng 1 triệu người chết do hút thuốc lá thụ động và 165.000 người là trẻ em dưới 5 tuổi. “Chúng ta đang đối mặt với các vấn đề rất nghiêm trọng về thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử". Hiện nay các công ty thuốc lá đang tìm mọi cách để tiếp cận các quốc gia bằng những luận điệu rằng có các loại thuốc lá ít hại hơn hay tài trợ cho các chương trình xã hội… Tuy nhiên, Bộ Y tế đã có những phản ứng rất tốt, rất kịp thời với việc ngăn chặn tác hại của thuốc lá mới, quyết tâm bảo vệ sức khỏe, bảo vệ con người.
Còn theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), thời gian qua, Việt Nam đạt được một số thành tựu như tỉ lệ người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá đã gia tăng từ 40,5% năm 2015 lên 90% năm 2023. "Tuy nhiên, thách thức mới đặt ra là thuốc lá điện tử. Theo nghiên cứu gần đây, chỉ trong 2 năm, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã tăng từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023. Sử dụng thuốc lá cao nhất nằm ở nhóm người trẻ tuổi (15-24 tuổi) với tỉ lệ 7,3%. Thuốc lá điện tử chứa nicotine, gây nghiện tương tự thuốc lá điếu. Việc sử dụng tất cả các loại thuốc lá đều có hại cho sức khỏe, đặc biệt là thế hệ trẻ", ông Khoa nhấn mạnh.
Ông Khoa cũng cho hay FCTC là Công ước quốc tế đầu tiên về sức khỏe, là công cụ kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất thế giới được thương thảo với sự bảo trợ của WHO. Cho đến nay, đã có 182 quốc gia tham gia và Việt Nam đã phê chuẩn Công ước FCTC từ năm 2004.
"Việt Nam cần phải tăng cường hơn nữa việc giám sát của các cơ quan chức năng đối với ngành công nghiệp thuốc lá. Đặc biệt là những tài trợ hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức có liên quan đến xây dựng chính sách về thuốc lá, các nhà nghiên cứu, cơ sở nghiên cứu về vấn đề này… Do tác hại nghiêm trọng của các sản phẩm thuốc lá mới tới sức khỏe, đặc biệt là thế hệ trẻ; chúng ta phải quyết liệt ngăn chặn việc sử dụng trước khi quá muộn”, ông Khoa nhấn mạnh.
Các chuyên gia y tế cũng đồng ý cho rằng, Việt Nam cần có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa để kiểm soát thuốc lá, ngăn chặn những nguy cơ mà các loại thuốc lá mới gây hại tới cộng đồng trong tương lai.
Hoàng Hiền