6 tuần đầu năm 2012: 6.300 trường hợp mắc tay chân miệng
Tại buổi họp Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch tay – chân - miệng chiều ngày 20/2, theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tích lũy từ 6 tuần đầu năm 2012, cả nước đã ghi nhận hơn 6.300 trường hợp mắc tay - chân - miệng tại 60 địa phương, trong đó có 9 trường hợp tử vong tại 7 tỉnh là An Giang (3 trường hợp), TP. Hồ Chí Minh (1 trường hợp), Đồng Tháp (1 trường hợp), Cần Thơ (1 trường hợp), Đồng Nai (1 trường hợp), Vĩnh Long (1 trường hợp) và Đà Nẵng (1 trường hợp). Khu vực miền
Như vậy, số trường hợp mắc tay – chân - miệng 6 tuần đầu năm 2012 tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2011. Một số tỉnh có xu hướng gia tăng số mắc là Hải Phòng, Đồng Nai, Hòa Bình, Hậu Giang. Một số tỉnh có xu hướng giảm là Tây Ninh, Cần Thơ, Cà Mau, Bình Định, Kiên Giang.
Lý giải nguyên nhân gia tăng bệnh tay - chân - miệng, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Thanh Dương cho biết, tình hình dịch bệnh tay - chân - miệng trên thế giới trong những năm gần đây có diễn biến phức tạp, xu hướng tăng cao tại nhiều nước. Bệnh do virus đường ruột, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp nhưng hiện nay chưa có vắcxin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu và các biện pháp phòng chống dịch không đặc hiệu. Đặc biệt, có nhiều týp virus gây bệnh, tỷ lệ virus EV71 lưu hành cao, đối tượng cảm nhiễm lớn, chưa đánh giá được miễn dịch của cộng đồng; tỷ lệ người lành mang trùng cao tới 71% trong các ổ dịch, thời gian thải trùng kéo dài tới 6 tuần; tỷ lệ người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh còn thấp. Một số nơi các cấp chính quyền và ban, ngành, đoàn thể chưa quan tâm đúng mức; công tác phòng chống dịch chưa triệt để; công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng chưa sâu rộng.
Tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, tuy so với tháng trước, số bệnh nhân mắc bệnh có chiều hướng giảm nhưng do điều kiện thời tiết và nhiều nguyên nhân khác, thời gian tới, bệnh tay – chân - miệng vẫn có khả năng diễn biến trên diện rộng và số người mắc bệnh sẽ tăng nhiều hơn.
Để phòng chống tay - chân - miệng hiệu quả, trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra trực tiếp về các công tác phòng chống dịch tại các địa phương và đến tận các hộ gia đình; xây dựng kế hoạch phân tuyến điều trị phù hợp với thực tế tại địa phương; thiết lập đơn vị hồi sức nhi khoa tại bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa tuyến tỉnh có đủ trang thiết bị, nhân lực để điều trị bệnh nhân tay – chân - miệng nặng, hạn chế vận chuyển bệnh nhân. Ngành Y tế cũng sẽ thành lập các Trung tâm huấn luyện điều trị bệnh nhân tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh), Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để huấn luyện chuyên môn về điều trị, chăm sóc bệnh nhân tay - chân - miệng cho các bệnh viện tuyến dưới.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, các đơn vị cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân nhận thức rõ và có biện pháp phòng bệnh tay - chân - miệng hiệu quả. Theo đó, ngành Y tế sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông với 4 nội dung chính là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng là trẻ em dưới 5 tuổi, bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, không có thuốc điều trị đặc hiệu, không có vắc xin phòng bệnh. Khuyến khích thực hiện 3 biện pháp phòng bệnh là ăn sạch, ở sạch và giữ đồ chơi của trẻ sạch đến các bà mẹ, hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi, giáo viên các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình và chính quyền địa phương.