Báo động gia tăng tỷ lệ người bị tăng huyết áp
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện nay, Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, nghĩa là cứ 5 người trưởng thành thì có một người mắc bệnh, tỷ lệ người bị tăng huyết áp ở nam cao hơn so với nữ. Đáng chú ý, số người tăng huyết áp và bệnh tim mạch vẫn có xu hướng tăng cao do sự gia tăng các yếu tố nguy cơ gây bệnh trong cộng đồng. Kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy, trong số người bị tăng huyết áp, có tới 57% chưa được phát hiện và 80% chưa được điều trị, 70% số người nguy cơ tim mạch hiện không được tư vấn, quản lý dự phòng, tránh các biến chứng nguy hại. GS.TS. Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim... , nặng có thế gây tàn phế hoặc tử vong.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2000, trên toàn thế giới có tới 972 triệu người bị tăng huyết áp và con số này được ước tính là khoảng 1,5 tỷ người vào năm 2025. Hiện nay, trung bình cứ 10 người lớn có 4 người bị tăng huyết áp. Đáng quan tâm là tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp tăng nhanh ở các nước đang phát triển, như châu Á, châu Phi.
Ảnh hưởng của lối sống, dinh dưỡng với tăng huyết áp
Theo GS.TS. Nguyễn Lân Việt, lối sống, dinh dưỡng thiếu lành mạnh như: sử dụng nhiều rượu, bia, thuốc lá, ăn nhiều muối, nhiều chất béo, thiếu vận động thể lực... là những nguyên nhân gây gia tăng tỷ lệ người bị tăng huyết áp trong cộng đồng.
Kết quả điều tra các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam năm 2015 (STEPS 2015) cho thấy, tỉ lệ nhóm người sử dụng rượu bia là 43,8% và có xu hướng tăng, riêng nam giới tỉ lệ sử dụng rượu bia là 77,3%; 44,2% nam giới và 1,2% nữ giới uống rượu bia ở mức nguy hại (từ 6 đơn vị cồn trở lên). Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ 9,4 gam muối một ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo TS. Lại Đức Trường, chuyên gia của WHO tại Việt Nam cho biết, WHO khuyến cáo một người trưởng thành không nên ăn quá 5 gam muối trong một ngày (tương đương 1 thìa cafe). Các nghiên cứu cho thấy ăn nhiều muối dẫn đến tăng huyết áp, các bệnh tim mạch, K dạ dày, suy thận, loãng xương... TS. Lại Đức Trường nhấn mạnh: ăn nhiều muối mang lại nhiều tác hại cho sức khỏe, tuy nhiên, nhiều người lại không ý thức được sự nguy hiểm này. Theo một cuộc điều tra tại Phú Thọ, năm 2013, chỉ có 43,9% người dân biết ăn nhiều muối là nguy cơ gây tăng huyết áp; 9,2% nguyên nhân gây đột quỵ và chỉ có 5% biết ăn nhiều muối có thể gây cơn đau tim, nhồi máu cơ tim...
Kết quả điều tra STEPS 2015 cũng cho thấy 57,2% dân số trưởng thành ở nước ta ăn thiếu rau, trái cây so với mức khuyến cáo 400g/1 ngày của WHO. Khuyến cáo về hoạt động thể lực của WHO là cường độ trung bình ít nhất 150 phút/1 tuần thì gần 1/3 dân số Việt Nam không đạt được mức. Tỷ lệ người dân thừa cân, béo phì là 15,6%, đặc biệt là tỷ lệ thừa cân, béo phì tại khu vực thành thị là 21,3%.
Nâng cao hiểu biết để phòng tránh bệnh tăng huyết áp
GS.TS. Nguyễn Lân Việt khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp hiệu quả, người dân phải có chế độ ăn hợp lý như giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày); tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng. Đồng thời, mọi người cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ; giảm cân (nếu quá cân); hạn chế uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào. Bên cạnh đó, mỗi người cần tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp (tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày); tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; tránh bị lạnh đột ngột.
Khuyến cáo với người bệnh bị tăng huyết áp, GS.TS Nguyễn Lân Việt đề nghị người bệnh và gia đình phải nghiêm túc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, đo huyết áp và uống thuốc hàng ngày, tái khám định kỳ. Thực tế trong điều trị cho thấy, nhiều người bệnh đã tự ý bỏ uống thuốc, sau khi thấy uống thuốc một thời gian, huyết áp ổn định trở lại và nghĩ mình khỏi bệnh. Trong khi đó, tăng huyết áp là căn bệnh phải điều trị suốt đời, không được bỏ thuốc để kiểm soát huyết áp hiệu quả.
GS.TS. Nguyễn Lân Việt cho rằng, rất nhiều người bị tăng huyết áp mà không hề hay biết và cũng có số ít người bị tăng huyết áp có biểu hiện các triệu trứng lâm sàng.Tuy nhiên, huyết áp tăng đột ngột lại rất nguy hiểm. Ông nhấn mạnh: “mỗi người hãy nhớ con số huyết áp như nhớ tuổi của mình”. Bởi không phải cứ có triệu chứng đau đầu mới là tăng huyết áp. Hơi chóng mặt, ù tai, mờ mắt… tưởng không làm sao nhưng cũng cần để ý vì có thể liên quan đến huyết áp.
Bệnh tăng huyết áp hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả nhờ lối sống lành mạnh theo khuyến cáo dưới đây: 1. Chế độ ăn hợp lý: Dưới 5g muối/ngày; tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axit béo no; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng trong khẩu phần ăn hằng ngày. 2. Duy trì cân nặng hợp lý và cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90 cm ở nam và dưới 80 cm ở nữ. 3. Không hút thuốc lá hoặc thuốc lào, hạn chế uống bia rượu. 4. Tăng cường hoạt động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày. 5. Tránh các lo âu, căng thẳng, sống tích cực, nghỉ ngơi hợp lý 6. Người trưởng thành cần thường xuyên đo kiểm tra huyết áp để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Người bị bệnh tăng huyết áp bên cạnh áp dụng các biện pháp tích cực thay đổi lối sống như trên, cần được theo dõi, quản lý bệnh lâu dài và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc. Nguồn Cục Y tế dự phòng |
Nguyễn Hiển