Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Tập huấn truyền thông lồng ghép giảm thiểu sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ sừng tê giác và động vật hoang dã nguy cấp

  • |
T5g.org.vn - Ngày 22.11.2016, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương phối hợp với TRAFFIC Việt Nam tổ chức Lớp tập huấn truyền thông lồng ghép giảm thiểu sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ sừng tê giác và động vật hoang dã nguy cấp. Tham dự Lớp tập huấn có ông Trần Quang Mai, Phó Giám đốc phụ trách quản lý, điều hành Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương; bà Madelon Willemsen, Trưởng đại diện Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam; cán bộ, giảng viên các trường cao đẳng, trung cấp y dược trên địa bàn Hà Nội, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam; cán bộ, viên chức Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương.
Ông Trần Quang Mai phát biểu tại Lớp tập huấn

Phát biểu tại Lớp tập huấn, ông Trần Quang Mai nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông trong công tác phòng chống, giảm thiểu sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ sừng tê giác và động vật hoang dã nguy cấp. Giảng viên trong các trường đào tạo y tế có thể lồng ghép những kiến thức y khoa thông qua các bài giảng về việc không có cơ sở y học của việc sử dụng sừng tê giác trong giải độc cho cơ thể, chữa đột quỵ, chữa trị ung thư nhằm giảm thiểu sử dụng sản phẩm từ tê giác, động vật hoang dã.

Bà Madelon Willemsen phát biểu tại Lớp tập huấn

Theo bà Madelon Willemsen, nhu cầu mua sừng tê giác như một món đồ xa xỉ của tầng lớp trung, thượng lưu tại Việt Nam là một trong các nguyên nhân của việc săn trộm làm suy giảm số lượng tê giác trên thế giới. Theo các số liệu chính thức, chỉ riêng năm 2015, 1.175 cá thể tê giác đã bị giết hại bất hợp pháp tại Nam Phi, tăng gấp nhiều lần so với chỉ 13 cá thể bị săn trộm vào năm 2007. Không chỉ tiêu thụ, Việt Nam còn là nơi trung chuyển động vật hoang dã như hổ, gấu đến các nước khác trong khu vực.  

Ông Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết: trong y học cổ truyền, sừng tê giác chỉ là một vị thuốc trong các bài thuốc chữa ung nhọt thông thường chứ không phải là ung thư như chúng ta hiểu là khối u ác tính. Ung thư trong y học cổ truyền gọi là chứng “nham”. Trong các y văn cổ không đề cập đến sử dụng sừng tê giác để chữa chứng “nham”. Ngoài ra, sừng tê giác không phải là thần dược, không có khả năng tăng cường sinh lực đàn ông; không có tác dụng bổ huyết, bổ khí, bổ âm, bổ dương nên không làm cho con người khỏe ra, không có chuyện uống sừng tê giác sẽ tăng tuổi thọ...

Tại Lớp tập huấn, các học viên đã thảo luận và nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ động vật hoang dã và nguồn dược liệu tự nhiên quý hiếm. Các cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp y học cổ truyền sẽ trở thành những người tiên phong trong việc ngăn chặn sử dụng sản phẩm từ sừng tê giác và động vật hoang dã. 

Trọng Tiến

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang