Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Vũ Khánh cho biết, phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu ở Việt Nam dựa trên cơ sở sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên, xã hội để phát triển các vùng dược liệu, gắn với bảo tồn, khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái là chủ trương nhất quán của Chính phủ và phương hướng chỉ đạo của Bộ Y tế. Diễn đàn này là cơ hội để các cơ quan hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế thảo luật, chia sẻ kinh nghiệm nhằm tìm ra cách thức, phương hướng hành động trong việc quy hoạch, thu hái nguồn dược liệu tự nhiên một cách có hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, phải đảm bảo được tính bền vững, bào tồn đa dạng sinh học.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm, ngành Dược Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại. Tuy nhiên, việc nuôi trồng, thu hái trong nước mới đáp ứng ở mức thấp khoảng 20 - 25% nhu cầu sử dụng, còn lại khoảng 80-85% dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc… Đây là một vấn đế bất cập khi mà Việt Nam được đánh giá là một trong những trung tâm dược liệu lớn, là đất nước có đa dạng sinh học cao. Theo ThS. Trần Nhật Lệnh, Phòng Cung ứng, Công ty Cổ phần Nam Dược cho biết, trong số hơn 12.000 loài thực vật ở Việt Nam, có gần 4.000 loài có công dụng làm thuốc. Trong đó, có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh và cả về giá trị kinh tế. Ông Lệnh nhấn mạnh: phần lớn dược liệu Trung Quốc nhập vào Việt Nam dưới dạng nông sản, chất lượng thấp, không rõ nguồn gốc nhưng lại “chèn ép” được các dược liệu tốt, có chứng nhận xuất xứ trong nước. Bên cạnh khó khăn trên, ngành thu hái dược liệu tự nhiên cùng phải đối mặt với tình trạng nguồn dược liệu tự nhiên bị khai thác kiệt quệ theo lối tận diệt khiến cho nhiều cây thuốc có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Tại Hội thảo, đại diện Tổ chức TRAFFIC International đã giới thiệu mô hình Quản lý và chia sẻ lợi ích công bằng các chuỗi sản phẩm dược liệu tự nhiên với tiêu chuẩn FairWild. Đây là mô hình được áp dụng tại nhiều nước như Mỹ, Úc, Ba Lan..., cũng như thí điểm áp dụng tại một số địa phương nước ta và đã mang lại thành công nhất định trong việc gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm và không gây tổn hại cho môi trường tự nhiên. Tiêu chuẩn FairWild là cầu nối để liên kết chuỗi cung ứng bao gồm: người thu hái, công ty thu mua cây dược liệu, công ty thương mại, công ty dược liệu, người dùng trên thị trường, đồng thời, chứng nhận đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt, có nguồn gốc tự nhiên đến được tay khách hàng.
Việc tham gia mô hình chung của TRAFFIC International với việc cam kết tuân thủ các điều kiện về tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp ngành dược liệu trong nước nâng cao vị thế của cây thuốc nam, dược liệu tự nhiên trên thị trường. PGS.TS. Phạm Vũ Khánh nhận định, việc tham gia sử dụng bộ tiêu chuẩn quốc tế về dược liệu sẽ giúp các sản phẩm dược liệu của Việt Nam dễ dàng tiếp cận hơn với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, cũng cần xem xét sao cho phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội tại nước ta, cũng như nhu cầu thực tế.
Nguyễn Hiển