Cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu
Dư luận cho rằng, trích 7% số tiền bảo hiểm y tế cho các trường chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với học sinh, sinh viên là lớn, trong khi phòng y tế ở các trường hiện nay chưa được trang bị đầy đủ trang thiết bị. Liệu số tiền này có được sử dụng đúng mục đích không, thưa bà?
Theo tôi, việc trích 5% tiền bảo hiểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non và 7% đối với các cơ sở giáo dục khác để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên là hết sức cần thiết. Việc quản lý, sử dụng nguồn quỹ này đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 412014/TTLT/BYT-BTC, số tiền này được chi vào việc mua thuốc, vật tư y tế phục vụ sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho trẻ em, học sinh, sinh viên khi bị tai nạn thương tích và các bệnh thông thường trong thời gian học tại cơ sở giáo dục; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế thông thường phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nguồn này không dùng trả lương cho cán bộ y tế tại trường...
Phụ huynh phàn nàn chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh chưa đáp ứng thực tiễn, trong khi đó lại tiếp tục tăng mức đóng bảo hiểm khiến họ rất lo lắng. Quan điểm của bà về việc này ra sao?
Việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là mong muốn của tất cả mọi người. Việc nâng mức đóng BHYT ở một số đối tượng, trong đó có HSSV cũng là một yếu tố quan trọng nhằm tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích ý nghĩa, chính sách pháp luật về BHYT, vận động cha mẹ học sinh, sinh viên tham gia BHYT, tiến tới 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế (hiện nay đã có gần 80% sinh viên và 95% học sinh tham gia BHYT).
Các trường chỉ được thu bảo hiểm y tế
Ngành bảo hiểm trích 4% hoa hồng cho các trường nhằm mục đích gì? Liệu có vì khoản hoa hồng này mà các trường gây áp lực thu đủ 100% lên vai giáo viên hay không?
Việc cơ quan BHXH trích lại 4% để chi trả tiền thù lao thu BHYT cho các cơ sở giáo dục (được quy định tại Thông tư số 134/2011/BTC của Bộ Tài chính) cũng là sự động viên các cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo. Tuy nhiên, theo tôi, không phải vì thế mà các trường gây áp lực thu đủ 100% lên vai giáo viên. Vì BHYT là bắt buộc, các nhà trường có trách nhiệm tuyên truyền vận động học sinh tham gia BHYT và thu BHYT từ học sinh, sinh viên của mình. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục đã yêu cầu học sinh, sinh viên phải đóng 12 tháng trong một lần, vào đầu năm học gây khó khăn cho học sinh và gia đình người học, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Trước nhiều ý kiến trái chiều như hiện nay, Bộ GD&ĐT có kế hoạch gì để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sinh viên?
Trước một số khó khăn vướng mắc khi triển khai thực hiện BHYT đối với đối tượng học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở GD&ĐT, các cơ sở đào tạo phối hợp với cơ quan BHXH của địa phương thực hiện việc thu tiền. Học sinh, sinh viên nộp vào quỹ BHYT 6 tháng một lần và không thu vào đầu năm học để giảm áp lực về tài chính cho cha mẹ học sinh, sinh viên. Sử dụng nguồn trích lại của Qũy bảo hiểm y tế cho cơ sở giáo dục để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và sơ cứu theo đúng quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu và điều chỉnh về phương thức đóng BHYT cho đối tượng học sinh sinh viên quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC, cụ thể là: Định kỳ đóng bảo hiểm y tế là 3 tháng đối với nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên. Thời gian thu BHYT đối với các cơ sở giáo dục vào khoảng đầu tháng 12 của năm dương lịch..
(Theo Tiền phong)