PGS.TS. Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam chủ trì buổi Lễ. Tham dự có đại diện lãnh đạo Công đoàn tại một số cơ sở y tế tại Hà Nội; bà Phạm Thị Hằng, Bí thư Đoàn Thanh niên Đài THVN; ông Trần Hạnh Phúc, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Đài THVN. Đặc biệt, là sự hiện diện của các nữ chiến sĩ áo trắng đã tham gia công tác phòng, chống dịch phía Nam trong thời gian qua.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, PGS.TS. Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết: Thời gian quan, ngoài sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn thể nhân dân, đội ngũ người lao động y tế là lực lượng tuyến đầu chống dịch quan trọng. Công đoàn Y tế Việt Nam đã đồng hành cùng Bộ Y tế và các cấp công đoàn trong Ngành Y tế thực sự là hậu phương vững chắc để động viên tinh thần cho cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch.
Về những khó khăn đối với ngành Y tế nói chung và nữ cán bộ y tế nói riêng trong công tác phòng, chống dịch COVID -19 thời gian qua, PGS.TS. Phạm Thanh Bình cho biết: Trong vòng 3 tháng, số ca mắc và ca tử vong nhất ca bệnh nặng tăng hàng chục lần so với các đợt dịch trước tại 19 tỉnh phía Nam, vượt quá khả năng của y tế địa phương. Bộ Y tế đã phải điều động 20 ngàn cán bộ y tế từ các tỉnh, thành phố. Cộng thêm khối lượng công việc khổng lồ để tiêm chủng được 60 triệu mũi vắc xin và hàng chục triệu lượt xét nghiệm. Như vậy lực lượng lao động y tế phải gánh vác một khối lượng công việc khổng lồ, mỗi người làm gấp ít nhất 5 lần công việc hàng ngày vốn đã rất áp lực. Ngoài khó khăn và nỗ lực vì phải đảm đương khối lượng lớn, cán bộ y tế phải đối mặt với nguy cơ cao bị lây nhiễm (có khoảng 3.200 cán bộ y tế bị lây nhiễm, 6 cán bộ tử vong trong khi đang làm nhiệm vụ. Đặc biệt, khó khăn của 20 ngàn cán bô y tế đi tăng cường phía Nam về ăn uống sinh hoạt, điều kiện làm việc, phương tiện bảo hộ và trang thiết bị y tế.
Về tinh thần, thời gian cán bộ y tế phải xa cách gia đình lâu; có 20 cán bộ bố mẹ mất cũng không thể về đưa tang, nhiều cán bộ có con cái ốm đau không thể về chăm sóc; nhiều hoàn cảnh cán bộ đi chống dịch nhưng gia đình đặc biệt khó khăn, nhiều cán bộ phải điều trị bệnh nền trong quá trình chống dịch. Áp lực công việc, áp lực tinh thần lớn, nhưng thu nhập lại giảm xút do hầu hết các bệnh viện đã thực hiện cơ chế tự chủ, không có nguồn thu vì không có người bệnh đến khám và điều trị giảm.
Trước những khó khăn đó, Công đoàn Y tế Việt Nam đã sát cánh và triển khai nhiều hoạt động nhằm động viên cán bộ y tế ngành Y. Với lực lượng mỏng, 21 cán bộ ở Trung ương nhưng Công đoàn Y tế Việt Nam đã đã bám sát chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tình hình thực tiễn,đoàn kết đồng lòng chỉ đạo xuyên suốt đến các cấp công đoàn cơ sở lấy việc chăm lo cho lực lượng tuyến đầu là trọng tâm; phối kết hợp tốt với các tổ chức, cá nhân,nhà hảo tâm trong và ngoài nước, các ban ngành đoàn thể, cơ quan truyền thông, để tạo nguồn lực thiết thực chăm lo cho đoàn viên; và sâu sát nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên qua các nhóm trưởng đoàn công tác. CĐYTVN đã thực hiện tốt 4 nội dung sau: Tham mưu kip thời các chế độ chính sách cho người lao động y tế; Chăm lo đời sống vật chất cho cán bộ y tế tuyến đầu; Động viên tinh thần"Người chiến sĩ áo trắng" và đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Tại buổi Tọa đàm, nhiều cán bộ y tế nữ tiêu biểu, xung kích trên tuyến đầu chống COVID - 19 thời gian qua đã có những chia sẻ thật xúc động: Hầu hết, các chị phải bỏ lại gia đình, con nhỏ nhờ hậu phương chăm sóc để sẵn sàng chi viện cho “tiền tuyến” phía Nam để phòng, chống dịch COVID -19. “Bản lĩnh của người cán bộ y tế, nhất là cán bộ nữ làm ngành Y, thường không ủy mị như nhiều ngành khác, vì đã được tôi luyện bản lĩnh, đương đầu để vượt qua mọi khó khăn ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Vì vậy, khi có lệnh điều động của lãnh đạo đơn vị, mỗi nữ cán bộ y tế trong đơn vị đều đã chuẩn bị mọi tâm thế đi vào tâm dịch. Biết là khó khăn, vất vả và có thể “hy sinh” bất cứ lúc nào, nhưng chúng tôi đều không sợ hiểm nguy”. Đó là một trong những chia sẻ của các nữ bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương trong buổi Tọa đàm.
Tại buổi Tọa đàm, PGS.TS. Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương; TS.BS. Vũ Đức Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã gửi tới các nữ cán bộ y tế lời cảm ơn, biết ơn sâu sắc. Lãnh đạo các đơn vị chia sẻ: “ Khi điều động các nữ cán bộ vào phía Nam phòng, chống dịch COVID -19, Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên của Bệnh viện đã luôn tạo điều kiện, động viên vật chất và tinh thần, đặc biệt là chia sẻ công việc chuyên môn, thăm hỏi, động viên gia đình để chị em yên tâm lên đường công tác, nhằm góp phần cứu chữa người bệnh mắc COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh”.
Có thể nói, với lòng nhiệt huyết, lấy công việc làm niềm vui, coi khó khăn là động lực của các nữ “chiến sĩ” đã góp phần không nhỏ cùng ngành Y tế cả nước trong cuộc chiến chống dịch COVID -19. Thật vinh dự, tự hào và biết ơn với những đóng góp của các chị cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Dịp này, Công đoàn cơ sở Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương cũng tự hào có 01 nữ đoàn viên là ThS. Hà Vân Nga, Trưởng phòng Biên tập - Tạp chí đã được Công đoàn Y tế Việt Nam tri ân, tôn vinh vì đã có nhiều đóng góp trong công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID -19 phía Nam trong thời gian qua.
Hoàng Hiền