Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Tổn thất về kinh tế do sử dụng rượu, bia chiếm gần 3% tổng số thu ngân sách của cả nước

  • |
T5g.org.vn - Đó là thông tin được TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết trong Hội thảo “Cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống tác hại của rượu, bia”, diễn ra vào ngày 27/12/2016, tại Hà Nội, do Cục Y tế dự phòng phối hợp với Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức.
TS. Trương Đình Bắc phát biểu tại Hội thảo

Rượu, bia - lợi ít, hại nhiều

Ông Nguyễn Phương Nam, đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết, theo thống kê, trong năm 2015, ngành sản xuất rượu, bia đóng góp cho ngân sách khoảng 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ tính riêng thiệt hại do tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia tại Việt Nam trong năm 2010 đã tương đương 1 tỷ USD, đó là chưa kể đến các gánh nặng bệnh tật, giảm sút sức lao động, thiệt hại về kinh tế, xã hội khác mà rượu, bia gây nên.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tháng 6/2016, rượu, bia là nguyên nhân gây ra 70% số vụ tai nạn giao thông. Rượu, bia gây thiệt hại 250 tỷ đồng mỗi ngày vì tai nạn giao thông. Ước tính cả nước có hơn 10 nghìn người tử vong do tai nạn giao thông một năm thì có đến hơn bảy nghìn người chết có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia. Tỷ lệ người điều khiển phương tiện giao thông trong vòng hai giờ sau khi uống rượu, bia là 45%.

Theo nghiên cứu của Văn phòng WHO tại Việt Nam phối hợp với Học viện An ninh Nhân dân cho thấy: 41% thanh niên phạm pháp hình sự do rượu, bia. WHO cảnh báo, lạm dụng rượu, bia ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất lao động của các quốc gia; gây áp lực cho hệ thống y tế, đặc biệt, trong việc chăm sóc các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính có liên quan đến sử dụng rượu, bia, tai nạn giao thông và sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc 2030.

TS Trương Đình Bắc cho biết, sản lượng rượu, bia được sản xuất và tiêu dùng ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng nhanh chóng, từ 2.400 triệu lít bia, 59 triệu lít rượu công nghiệp năm 2010 tăng lên 3.400 triệu lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp và khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu năm 2015. Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 loại bệnh, đồng thời, cũng là nguyên nhân gián tiếp gây ra 200 loại bệnh tật khác nhau. Cả nước đã phải chi phí khoảng 60 nghìn tỷ mỗi năm để chi trả trực tiếp cho rượu, bia. Tổn thất về kinh tế do sử dụng rượu, bia chiếm gần 3% tổng số thu ngân sách của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo do sử dụng rượu, bia chiếm 4,5% trong số hộ nghèo trong cả nước do chi phí mua rượu, bia. Bên cạnh đó, lạm dụng rượu, bia làm gia tăng số vụ bạo lực gia đình, làm không ít gia đình đổ vỡ, người mất việc làm, gây mất an ninh, trật tự cho xã hội…

Không có ngưỡng an toàn cho sức khỏe khi sử dụng rượu, bia

Theo kết quả điều tra Thực trạng sử dụng rượu, bia ở Việt Nam (STEPs) năm 2015, có khoảng 77,3% số nam giới và 11% nữ giới trong độ tuổi từ 18 đến 69 hiện tại đang sử dụng rượu, bia. Số đơn vị cồn trong mỗi lần uống trung bình là 2,7 đơn vị đối với nữ và 5,5 đơn vị đối với nam, gấp đôi số đơn vị cồn cơ thể có thể chấp nhận theo khuyến cáo của WHO. Trong một điều tra gần nhất với tổng số 3.758 người thì tỷ lệ người uống rượu, bia ở mức nguy hại (uống từ 6 đơn vị cồn trở lên) chiếm đến 22,4%. Trong đó, nam giới chiếm 44,2% (tổng số nghiên cứu là 1.676 người) và nữ giới là 1,2% (tổng số nghiên cứu là 2.082 nữ giới).

ThS. Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng cho biết, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bên cạnh những lợi ích rất nhỏ đối với sức khỏe, thì rượu, bia luôn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, cho dù dùng ở lượng ít hay nhiều. Ông Bảo nhấn mạnh: tác hại do chất cồn gây ra, không phụ thuộc là bia hay rượu; không có ngường nào là an toàn, tác động của cồn phụ thuộc vào đặc tính sinh học của mỗi cá nhân. Uống ít thì gây hại nhỏ, uống nhiều thì gây hại lớn. Những ảnh hưởng với sức khỏe như: rối loạn tâm thần (trầm cảm, lo âu, động kinh); gây ung thư (khoang miệng, họng, thanh quản, thực tràng, gan, ung thư vú…); bệnh tim mạch (tăng huyết áp, đột quỵ…); đái tháo đường (tăng nguy cơ mắc bệnh/ bệnh cũng nặng thêm nếu tiếp tục uống nhiều); tác động đến bào thai (dị dạng, chậm phát triển, tốn thương hệ thần kinh…); bệnh tiêu hóa (sơ gan, viêm tụy cấp/mạn tính…); tổn thương hệ miễn dịch; tăng hành vi nguy cơ gây chấn thương. Bên cạnh đó, Theo thống kê, tại nước ta, hiện có tới 60% rượu sản xuất theo hình thức thủ công (tự nấu) chưa được kiểm soát về chất lượng, tiềm ẩn những nguy cơ gây ngộ độc.

ThS. Trần Quốc Bảo cũng khuyến nghị, để giảm thiểu nguy cơ đối với sức khỏe và xã hội, nếu phải uống, không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam và một đơn vị cồn/ngày với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần(01 đơn vị cồn ước khoảng 01 cốc bia hơi, 01 ly rượu vang, 01 chén rượu nhỏ hay 1/3 lon bia); không sử dụng rượu, bia trong khi điều khiển phương tiện xe cơ giới, vận hành máy móc, có thai, điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có tình trạng bệnh lý mà rượu, bia làm cho nặng lên. Trẻ vị thành niên tránh sử dụng rượu bia quá sớm.

Cần sớm có giải pháp quyết liệt và đồng bộ

TS. Trương Đình Bắc chia sẻ: không ở đâu mua rượu dễ như ở Việt Nam. Rượu bán ở mọi nơi, không có nguồn gốc rõ ràng như rượu tự nấu, rượu lậu lại rất phổ biến. Không kiểm soát được độ tuổi mua rượu, hầu như mọi đối tượng có nhu cầu sẽ mua được rượu dễ dàng. Bên cạnh đó, với 60% sản lượng rượu đang được nấu thủ công, khó có thể đánh giá được chất lượng.

Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, kiểm soát chất lượng rượu, bia hiện nay chỉ có thể dựa trên Luật An toàn thực phẩm.

Cục Y tế dự phòng khuyến nghị cần sớm ban hành Luật Phòng chống tác hại rượu, bia. Trong đó, tập trung vào các nội dung như chính sách thuế, giá; kiểm soát quảng cáo cả rượu và bia; kiểm soát khả năng tiếp cận với rượu, bia (nơi cung ứng, độ tuổi tiêu dùng, thời gian sử dụng…); phòng chống uống rượu, bia khi lái xe; quản lý rượu tự nấu/rượu thủ công.

Ông Nguyễn Phương Nam, đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam đề nghị cần phải tăng giá rượu, bia lên 25% đến 30%, vì đây là ngưỡng thấp nhất để có thể giảm cầu, bên cạnh việc: Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các hình thức quảng cáo, khuyến mại rượu, bia và đồ uống có cồn khác; Kiểm soát hiệu quả sự sẵn có của rượu, bia. Đặc biệt là cần thực thi nghiêm quy định ngăn ngừa lái xe sử dụng rượu, bia.

Thanh Trúc

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang