Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Đảng, Nhà nước và ngành Y tế luôn đặt ra nhiệm vụ chính là xây dựng mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp mà xương sống là hệ thống trạm y tế xã cùng với hệ thống khám chữa bệnh ở các tuyến huyện, tỉnh và tuyến trung ương. Mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp từ trung ương tới xã, thậm chí tới y tế thôn bản là niềm tự hào của Việt Nam (với 11.400 trạm y tế xã bao gồm cả mạng lưới y tế thôn bản) nhưng vẫn còn nhiều khó khăn khi chất lượng dịch vụ y tế còn thấp, năng lực hoạt động của cán bộ y tế chưa được cao và cơ chế tài chính, ngân sách còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít, đầu tư còn dàn trải. Do đó, người dân luôn muốn lên tuyến trên khám chữa bệnh gây ra tình trạng quá tải, tốn kém. Bên cạnh đó, người dân chưa quan tâm nhiều đến chăm sóc dự phòng nâng cao, bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là phòng chống các bệnh tiểu đường, tim mạch, huyết áp khi mà có bệnh mới đi chữa. Tới đây, ngành Y tế sẽ triển khai mô hình điểm để tăng cường y tế cơ sở tại 26 trạm y tế xã, phường theo mục tiêu của Đề án 2348.
Đề án 2348 nhằm đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của y tế cơ sở; phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở; bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn; góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Mục tiêu của Đề án đến năm 2020 có ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 95% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 70% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã, phấn đấu 90% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe; hoàn thành việc đầu tư trạm y tế ở các xã có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Phấn đấu đến năm 2025: 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 100% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, tiêu chí lựa chọn mô hình điểm với trạm y tế xã thuộc trung tâm y tế huyện 2 chức năng, quy mô dân số khoảng 5000 – 6000 dân/xã, có địa bàn thuận lợi để Trung tâm y tế huyện chỉ đạo trực tiếp, cử bác sĩ của trung tâm y tế huyện xuống tăng cường tại trạm, trạm đã có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của từng vùng theo Quyết định 4667/QĐ-BYT của Bộ Y tế, trạm có đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu của từng vùng và cả 3 vùng chọn trạm thực hiện được các nguyên lý của y học gia đình, chăm sóc sức khỏe lồng ghép, đặc biệt là có thể thực hiện ngay việc theo dõi, quản lý sức khỏe đến từng người dân. Về tiêu chí chọn tỉnh, thành phố có điều kiện triển khai được ngay việc quản lý, chăm sóc người mắc bệnh không lây nhiễm như: tăng huyết áp, tiều đường, tim mạch, chăm sóc giảm nhẹ… và một số bệnh mạn tính tại trạm.
Tại Hội nghị, TS. Kidong Park nhấn mạnh, chúng ta cần trao quyền quản lý, nâng cao vị thế cho các nhà quản lý y tế tuyến huyện đồng thời nâng cao vị thế của y tế cơ sở và tăng cường trang thiết bị cho y tế tuyến cơ sở để đạt được mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân. Theo TS. Kidong Park, vai trò lãnh đạo của Trung tâm y tế huyện rất quan trọng vì đây là đơn vị hiểu rõ nhất về y tế cơ sở của địa phương nên khi được tăng cường xuống xã thì họ sẽ làm việc hiệu quả.
Trước mắt mô hình điểm sẽ triển khai tại 26 trạm y tế xã, phường thuộc 8 tỉnh/thành phố là Lào Cai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Long An, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Yên Bái, Hà Tĩnh.
Nam Nguyên