Mỗi bệnh nhân có thể nở nụ cười là món quà tuyệt vời
Ngày 13/8/2021, căn phòng hồi sức tại khu cách ly, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ thật ngột ngạt, tiếng máy móc vẫn kéo dài từng đợt. Ê-kíp gồm ICU và Truyền nhiễm nhận “lệnh” bằng mọi giá phải cứu chữa thành công cho sản phụ COVID-19 vừa nhập viện ngày 11/7/2021. Sản phụ chưa một lần được nhìn mặt con, chịu đựng cơn đau về thể xác lẫn tinh thần, giờ đây phải đối mặt “tử thần” khi tình trạng khó thở ngày càng tăng dần. Đứa bé vừa chào đời chưa gặp mẹ, còn người mẹ toàn thân với bao máy móc, dịch truyền, thuốc đặc trị cao cấp nhất trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu. Chẳng ai bảo ai, cả ê-kíp gồm 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng dù chưa trải qua kinh nghiệm chăm sóc các ca nhiễm COVID-19, đặc biệt với ca bệnh đặc thù này nhưng họ vẫn nỗ lực từng phút, từng giờ.
Sau 01 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân vẫn chưa có dấu hiệu tốt lên, thậm chí chức năng phổi còn suy giảm nhiều, X-Quang phổi tổn thương lan toả 2 bên. Đến khoảng 18 giờ 12/7/2021, bệnh nhân tiến triển nặng, tình trạng khó thở tăng dần, nói ngắt quãng. Thách thức này đòi hỏi yêu cầu chuyên môn rất cao, sự chỉ đạo kịp thời từ Ban Giám đốc và phối hợp chặt chẽ của nhiều chuyên khoa. “Ban Giám đốc đã tiến hành hội chẩn xin cố vấn chuyên môn từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và nhiều chuyên khoa như hồi sức tích cực, truyền nhiễm, huy động lực lượng sẵn sàng hồi sức cấp cứu” - BSCKII. Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện, chia sẻ.
Sau khi hội chẩn chuyên môn trực tuyến, Ban Giám đốc Bệnh viện đã thống nhất đưa ra quyết định: hồi sức tích cực, thông khí nhân tạo bảo vệ phổi, lọc máu liên tục hấp phụ, kháng viêm và kháng sinh… Các y bác sĩ và điều dưỡng đã cùng nhau chăm sóc vết mổ, theo dõi sản dịch, chế độ dinh dưỡng và tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân ngay tại giường. Bệnh nhân mới sinh mổ, thông khí nằm sấp, trên người chằng chịt các thiết bị theo dõi, dịch truyền làm cho việc chăm sóc bệnh nhân cực kì khó khăn.
Thành quả cũng đến, bệnh nhân đã hồi phục ngoạn mục từng ngày: oxi trong máu cải thiện nhanh chóng, tổn thương phổi được cải thiện. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản, thở oxy lưu lượng cao và đang từng bước hồi phục từng chỉ số. Sau 08 ngày, sản phụ đã có thể gọi điện và nhìn thấy mặt con mình lần đầu tiên.
Đó chỉ là một trong các ca bệnh thành công để lại rất nhiều cảm xúc cho đội ngũ thầy thuốc nơi đây. Bất kể ngày đêm, bất chấp nguy hiểm, các anh chị vẫn ngày đêm dốc lòng, dốc sức với từng hơi thở của bệnh nhân.
Nỗ lực giữ vững thành trì tuyến cuối
Bước vào phòng làm việc đơn sơ của BSCKII. Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện, khuôn mặt đầy tâm trạng của anh làm chúng tôi cũng trùng xuống, anh bắt đầu bằng câu nói: “Hôm nay có 4 bệnh nhân COVID-19 tử vong em ạ”. Cái trăn trở và dường như nhiều day dứt của anh làm chúng tôi cảm nhận được cuộc chiến gian nan này sẽ còn khiến cho anh nhiều đêm thức trắng.
Là bệnh viện tuyến cuối của thành phố Cần Thơ, trọng trách rất lớn trong thời điểm toàn thành phố đang căng mình để chống dịch bệnh COVID-19. Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ thực hiện chuyển đổi một phần công năng sang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 theo Quyết định số 1645/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ kể từ ngày 01/8/2021. Quy mô 450 giường điều trị bệnh nhân tầng 2 và tầng 3, trong đó có 50 giường hồi sức tích cực. Bệnh viện tách thành 02 khu riêng biệt: khu điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19, khu còn lại vẫn tiếp tục thực hiện chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân.
Ngay thời điểm nhận quyết định cũng là Bệnh viện bắt đầu khoảng thời gian chạy đua sắp xếp, kiện toàn về nhân lực, trang thiết bị sẵn có sao cho hiệu quả nhất trong điều trị cho bệnh nhân. Ngay 10 giờ sáng 1/8, Bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 đầu tiên, là một bệnh nhân nặng, ngưng tim, ngưng thở, tất cả lao vào giành giật sự sống cho bệnh nhân. Tất cả căng mình không ngơi nghỉ với 75 ca ngày đầu tiên và ngày thứ 2 con số lên tới 153 ca.
BSCKII. Phan Thị Phụng, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, theo quy định, BS. Phụng được nghỉ hưu từ ngày 01/08/2021, tuy nhiên chị đã tình nguyện xin ở lại Bệnh viện để cùng y bác sĩ, các đồng nghiệp của mình chống dịch. Chị chia sẻ, khi đó ai cũng kiệt sức, áp lực rất dữ dội nhưng ai cũng quyết tâm cao nhất để đảm bảo tính mạng người bệnh.
“Trong tuần đầu tiên, trung bình Bệnh viện tiếp nhận 52 ca/ngày. Sở dĩ số ca tăng cao là do trước khi Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ chuyển công năng, các bệnh viện dã chiến trên địa bàn đã hết công suất giường. Đến ngày 04/8/2021, Bệnh viện Dã chiến số 1 (đặt tại Trường Chính trị thành phố Cần Thơ) trực thuộc Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ bắt đầu nhận bệnh, khi đó mới giảm tải được số lượng F0 không triệu chứng (tầng 1) chuyển đến Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ. Sang tuần thứ hai, Bệnh viện tiếp nhận trung bình 26 ca/ngày” - BSCKII. Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện thông tin.
Tổng số bệnh nhân nhập viện tính từ ngày 01/8/2021 đến sáng ngày 18/8/2021 là 601 bệnh nhân. Số lượt bệnh xuất viện tính đến hết ngày 18/8/2021 là 193 bệnh nhân. Đây là nỗ lực rất lớn của bệnh viện, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh trên địa bàn thành phố Cần Thơ vẫn đang diễn biến căng thẳng. Tất cả bệnh nhân đều được xét nghiệm từ 2-3 lần theo quy định và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện để xuất viện về cách ly tiếp tục tại nhà.
Sự nỗ lực này của đội ngũ y bác sĩ nơi đây còn là sự vượt qua những khó khăn về trang thiết bị chưa đáp ứng, nhân lực còn mỏng. BSCKII. Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: Hiện nay trang thiết bị của Bệnh viện hiện chỉ có 8 máy thở dòng cao, 25 máy thở dòng trung; 17 máy HFNC (trong số máy HFNC rất nhiều máy được công ty, mạnh thường quân hỗ trợ trong đợt này); máy lọc máu liên tục hiện có 02 máy và 01 máy được 1 công ty cho mượn; 02 máy lọc thận. Trong khi đó, giường điều trị cho bệnh nhân chuyển biến nặng đã tăng lên và vượt con số 50 giường theo yêu cầu của thành phố.
Trước thực tế tình hình dịch bệnh COVID-19, BSCKII. Trần Quốc Luận rất trăn trở và mong muốn sẽ được hỗ trợ thêm các máy thở dòng cao, máy lọc máu liên tục, bơm tiêm điện và một số thiết bị khác để điều trị cho bệnh nhân chuyển biến nặng.
Bằng sự nỗ lực, bằng tình yêu thương với người bệnh và trách nhiệm của người thầy thuốc, các thầy thuốc nơi đây vẫn nỗ lực hết mình, vui với niềm vui người bệnh, buồn với những diễn biến ngoài tầm kiểm soát với bệnh nhân của mình. Chẳng quản ngại gian khổ, chẳng quản ngại đến cả tính mạng của mình, họ đang khẳng định sẽ là “thành trì” vững chắc của Cần Thơ trong cuộc chiến chống lại COVID-19 này.
Hà Nga