Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Viêm não Nhật Bản và cách phòng chống

  • |
T5g.org.vn - Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính hệ thần kinh trung ương do virus viêm não Nhật Bản gây ra. Là thể bệnh viêm não mức độ nặng với nguy cơ tử vong và di chứng rất cao do hậu quả tổn thương của não. Viêm não Nhật Bản có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều nhất ở lứa tuổi dưới 15 tuổi. Bệnh tuy chưa có thuốc điều trị đặc hiệu (chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng) nhưng đã có vắc xin tiêm phòng hiệu quả.

            Hằng năm, ngoài Nhật Bản, viêm não Nhật Bản còn thấy lưu hành và gây dịch ở các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippin... với số lượng mắc khá cao. Riêng ở nước ta, viêm não Nhật Bản được ghi nhận từ 1952, tập trung chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc với các ổ dịch lớn khu trú tại những khu vực trồng nhiều lúa nước, có nhiều trang trại nuôi lợn, có nhiều ao hồ hoặc nhiều vười cây ăn trái mùa hè. Bệnh có thể lưu hành quanh năm nhưng đỉnh điểm gây dịch thường xảy ra vào mùa hè từ tháng 5 đến tháng 7. Đây là mùa có khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều rất thuận lợi cho muỗi sinh trưởng phát triển và thu hút các loài chim hoang dã  tập trung về các khu vườn hoa quả chín mang theo mầm bệnh lây nhiễm cho các loài vật nuôi, đặc biệt là lợn. Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), sở dĩ lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng đối với bệnh viêm não Nhật Bản vì tỷ lệ lợn bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản trong vùng dịch rất cao (khoảng 80%/đàn lợn nuôi). Sự xuất hiện virus viêm não Nhật Bản trong máu lợn xảy ra ngay sau khi lợn bị nhiễm bệnh. Đặc biệt, thời gian nhiễm virus ở lợn kéo dài từ 2-4 ngày với số lượng trong máu rất cao cũng đủ để gây nhiễm sang muỗi, vector truyền bệnh cho người.

             Do virus viêm não Nhật Bản không truyền trực tiếp từ người sang người mà phải qua vector truyền bệnh là muỗi và các vật chủ chính khác như lợn hoặc một số loài chim... nên để góp phần phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả, Bộ Y tế đã khuyến cáo cộng đồng tuân thủ: Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy; Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt; Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng với 3 liều cơ bản (mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; Mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; Mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi; Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ngày nay, nhờ kết quả phòng bệnh của chương trình triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản, số trường hợp viêm não do virus viêm não Nhật Bản ở nước ta đã giảm đáng kể, chỉ còn chiếm khoảng 10-15% trên tổng số các trường hợp mắc bệnh viêm não virus. Trước những năm 1997, thời điểm bắt đầu triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản, nguyên nhân gây viêm não virus chủ yếu là do virus viêm não Nhật Bản (chiếm tới 61,3% vào năm 1995).

            Để chẩn đoán bệnh viêm não Nhật Bản người ta thường dựa vào yếu tố dịch tễ và các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm. Dịch tễ là nơi đang có dịch lưu hành hoặc có người xung quanh mắc bệnh, phổ biến từ tháng 5 đến tháng 7 trong năm. Lâm sàng dựa vào các triệu chứng: sốt cao đột ngột 39-400C; đau đầu (trẻ nhỏ biểu hiện bằng những cơn khóc thét); nôn hoặc buồn nôn; rối loạn tri giác các mức độ (từ ngủ gà, li bì, đau đầu tới hôn mê); co giật (thường co giật toàn thân); có thể có dấu hiệu liệt, tăng cường trương lực cơ, rối loạn hô hấp, bí đại tiểu tiện. Xét nghiệm Máu ngoại biên có số lượng bạch cầu tăng hoặc bình thường; Dịch não tủy: trong, áp lực tăng; protein tăng nhẹ (thường <1g/l); đường, muối bình thường; bạch cầu tăng từ vài trục đến vài trăm/mm3; phản ứng pandy(+). Đặc biệt, phát hiện thấy kháng thể chống virus viêm não Nhật Bản loại IgM(+) ở máu và dịch não tủy bằng kỹ thuật ELISA.

            Nguyên tắc điều trị cần phải kịp thời, tại các cơ sở y tế đảm bảo chuyên môn vì chủ yếu là điều trị triệu chứng bằng việc hạ sốt; chống co giật; chống suy hô hấp; chống phù não; cân bằng nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan; dinh dưỡng chăm sóc và chống bội nhiễm.

ThS.BS. Nguyễn Thị Minh Hiền

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang