Nhiều kỹ thuật mới được ứng dụng thành công
TS.BS. Hoàng Thanh Thủy, Trưởng nhóm Quản lý lao kháng thuốc, Chương trình chống lao quốc gia, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, phác đồ điều trị lao ngày càng được nâng cao nên thời gian để điều trị khỏi bệnh lao thông thường (lao không kháng thuốc) là 6 tháng. Trong khi đó, đối với lao tiền siêu kháng thuốc, lao siêu kháng thuốc là 20 tháng. Tới đây Chương trình chống lao Quốc gia sẽ sớm áp dụng phác đồ ngắn hạn 9 tháng đối với lao đa kháng thuốc. Đặc biệt hiện nay, Bệnh viện Phổi Trung ương đã sử dụng kỹ thuật chẩn đoán nhanh với việc áp dụng kỹ thuật sinh học phân tử - xét nghiệm GeneXpert, rút ngắn thời gian xét nghiệm chẩn đoán lao kháng thuốc còn 2 giờ so với trước đây dùng kỹ thuật kháng sinh đồ truyền thống mất hàng tháng. Kỹ thuật này không chỉ áp dụng tại Bệnh viện Phổi Trung ương mà đã được triển khai tại 51 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Với việc ứng dụng kỹ thuật này, giúp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân rút ngắn được thời gian chờ đợi; đồng thời được điều trị kịp thời.
Song hành với việc chẩn đoán, dịch vụ điều trị lao được Chương trình chống lao Quốc gia cung cấp miễn phí cho tất cả bệnh nhân lao đa kháng thuốc được phát hiện. “Điểm nổi bật là hiện nay, Chương trình đang tiếp cận thí điểm điều trị bệnh nhân lao siêu kháng và tiền siêu kháng bằng phác đồ chứa thuốc mới Bedaquiline và điều trị bệnh nhân lao đa kháng thuốc bằng phác đồ ngắn hạn 9 tháng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Kết quả ban đầu được ghi nhận rất khả quan và dự kiến sẽ sớm mở rộng chính thức trong Chương trình chống lao Quốc gia vào năm 2017", BS. Hoàng Thanh Thủy chia sẻ.
Nhờ ứng dụng thành công những kỹ thuật trên, năm 2015, cả nước đã phát hiện và điều trị cho tổng số 102.655 bệnh nhân lao, tỷ lệ điều trị khỏi cao trên 90%, vượt chỉ tiêu 85% của Tổ chức Y tế Thế giới. Việt Nam cũng đã phát hiện, thu dung và điều trị cho trên 2.000 trường hợp lao đa kháng thuốc mỗi năm với tỷ lệ thành công 70%, so với tỉ lệ điều trị chung trên toàn cầu chỉ là 50%. Hiệu quả của chiến lược phòng chống lao được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá tốt, tốc độ giảm hằng năm 4,6% số mắc và giảm 4,4% số tử vong từ năm 2000. Những năm gần đây tốc độ giảm có thể tốt hơn vì chúng ta đã tăng tỷ lệ phát hiện từ 56% năm 2012 lên 77% năm 2015. Việt Nam là một trong ba nước đi đầu trong chiến lược kết thúc chiến dịch bệnh lao trên toàn cầu gồm: Việt Nam, Brazil, Nam Phi.
Hiện nay tại Việt Nam, phác đồ điều trị lao chuẩn được hướng dẫn từ tuyến trung ương tới hệ thống y tế trong cả nước. Thuốc điều trị lao được Chương trình chống lao quốc gia cấp hoàn toàn miễn phí nhưng phải tuân thủ theo phân tuyến. Những bệnh nhân tự vượt tuyến hoặc điều trị ở các phòng khám tư thì phải tự chi trả.
Nhưng Việt Nam hiện vẫn là nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất trên toàn cầu
Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, Việt Nam hiện vẫn đứng thứ 14 trong 20 nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất trên toàn cầu, thứ 11 trong số 20 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Theo PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 17 nghìn người tử vong vì bệnh lao, trong đó người tử vong vì tai nạn giao thông cũng chỉ 9 đến 10 nghìn người.
Lý giải điều này, PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung chia sẻ, không ai mắc lao hôm nay ngày mai chết vì “Lao là kẻ giết người thầm lặng”, thầm lặng về phía vi khuẩn lao; thầm lặng của người bệnh và sự kỳ thị của xã hội. Bệnh lao lây lan rất nhanh trong cộng đồng, hơn tất cả các bệnh khác vì đây là bệnh lây qua đường hô hấp. Một người bị lao nếu không được phát hiện và điều trị sẽ lây bệnh cho 10-15 người khác trong một năm. Ngoài ra, ở nước ta tình trạng bệnh lao đa kháng thuốc và bệnh lao ở người nhiễm HIV cũng diễn biến phức tạp, ở mức cao. Số bệnh nhân chưa được phát hiện còn chiếm tỷ lệ cao, là nguồn lây nhiễm theo cấp số nhân ra cộng đồng. Bên cạnh đó, sự kỳ thị, định kiến vì bệnh lao của người dân còn lớn, khiến cho người mắc lao giấu bệnh, tự chạy chữa khiến bệnh càng nặng và nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao. Đặc biệt ở Việt Nam, ở những vùng sâu, vùng xa và miền núi cách đây khoảng 3, 4 năm, người bị mắc lao bị gia đình, xã hội kỳ thị, họ sẽ phải sống cách ly một mình, không được chăm sóc, điều trị. “Lao là kẻ giết người thầm lặng” nên “Trong chúng ta không ai được miễn trừ mắc bệnh lao”. Mặc dù vậy, bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi, thậm chí là lao siêu kháng thuốc. Tuy nhiên, phải điều trị đúng, cả về phía thầy thuốc và phía người bệnh. Nếu chữa không đúng thì còn tệ hại hơn là không chữa, vì chữa sai sẽ tạo ra các chủng vi khuẩn lao kháng thuốc nguy hiểm, lây lan ra cộng đồng.
“Lao là con đẻ của đói nghèo; đồng thời cũng sinh ra đói nghèo và làm nặng thêm sự đói nghèo nên công tác chống lao tại Việt Nam hiện nay cần 4 đổi mới: về tư duy, công nghệ, tiếp cận và đầu tư, có như vậy Việt Nam mới thực hiện tốt chiến lược kết thúc bệnh lao tại Việt Nam trong thời gian tới”, PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Hoàng Hiền