Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

VIỆT NAM LÀ QUỐC GIA CÓ TỶ LỆ BAO PHỦ VẮC XIN COVID-19 CAO SO VỚI CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

  • |
T5g.org.vn - Việt Nam là một trong những nước triển khai tiêm vắc xin COVID-19 với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm, sử dụng đa dạng các loại vắc xin; Là quốc gia có số liều vắc xin sử dụng, tỷ lệ bao phủ vắc xin cao và tốc độ tiêm chủng nhanh so với các nước trên thế giới.
Tối 5/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19, được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội

Khi Việt Nam chưa tiếp cận được vắc xin do khan hiếm trên toàn cầu, chưa hiểu biết nhiều về vi rút SARS-COV-2 nên phải dùng biện pháp hành chính để chống dịch. Sau đó, khi nhận thấy biện pháp hành chính khó thành công nên thúc đẩy vắc xin. Xác định vắc xin là vũ khí chiến lược, là yếu tố quyết định, là biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm và tập trung chỉ đạo mua, nhập khẩu, thực hiện ngoại giao vắc xin và tổ chức tiêm vắc xin cho người dân nhanh nhất, nhiều nhất có thể, tiêm vắc xin miễn phí cho người dân và người nước ngoài sinh sống, cư trú, làm việc tại Việt Nam. Với phương châm “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiếp cận sớm nhất”, Chiến lược vắc xin của Chính phủ được triển khai đồng bộ trên các mặt: Thành lập Quỹ vắc xin; Ngoại giao vắc xin và Chiến dịch tiêm chủng vắc xin toàn quốc thần tốc, lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử, miễn phí cho toàn dân, người dân được tiếp cận công bằng với vắc xin.

Chính phủ đã thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19 theo Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Quỹ vắc xin phòng COVID-19 chính thức ra mắt tại Hà Nội vào tối 5/6/2021 là dấu mốc trong cuộc chiến với đại dịch. Quỹ được thành lập với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên nguyên tắc đảm bảo sự tự nguyện đóng góp, hoạt động công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật và thuận lợi nhất cho việc đóng góp. Phát biểu tại buổi Lễ ra mắt Quỹ vắc xin, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong cuộc chiến chống COVID-19, sự đồng lòng của nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn. Thủ tướng kêu gọi toàn thể nhân dân đồng lòng cùng chống dịch. Mỗi đóng góp đều có ý nghĩa cho sự an toàn hơn cho bản thân, gia đình chúng ta, cho cộng đồng và cả xã hội.

Một số hình ảnh tiêm phòng cho học sinh tại tỉnh Phú Yên

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngay trong buổi Lễ ra mắt Quỹ vắc xin, hàng nghìn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đóng góp để chung tay cùng Chính phủ chống lại đại dịch. Tính đến thời điểm cuối năm 2022, tổng số huy động là khoảng 10.621 tỷ đồng. Chi từ Quỹ 7.672,2 tỷ đồng, trong đó chi mua và sử dụng vắc xin là 7.667 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin 4,6 tỷ đồng.

Ngày 13/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính ra quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin với nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ vắc xin, thuốc điều trị và vật phẩm y tế cho phòng chống dịch COVID-19. Ngoại giao vắc xin trở thành một "mặt trận" rất quan trọng vì có được vắc xin là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi Chiến dịch tiêm chủng phòng dịch COVID-19 lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay. Đến ngày 27/4/2021, Việt Nam mới có 320 nghìn liều vắc xin viện trợ của COVAX; đến tháng 10/2021, Việt Nam đã tiếp nhận trên 97,5 triệu liều; đến hết năm 2021 đã tiếp nhận khoảng 192 triệu liều. Đến tháng 9/2022, Việt Nam đã nhận tổng số hơn 258 triệu liều, trong đó nguồn viện trợ đạt gần 120 triệu liều, chiếm gần 50% số vắc xin tiếp nhận được, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 900 triệu USD (tương đương gần 23 nghìn tỷ đồng).

Cùng với Quỹ vắc xin và ngoại giao vắc xin, Việt Nam đã tổ chức thành công chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam. Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 bắt đầu từ tháng 03/2021 và chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 10/7/2021. Chiến dịch có nhiều điểm mới so với các chiến dịch tiêm chủng trước đây. Theo đó, thiết lập hệ thống bảo quản, vận chuyển vắc xin dưới sự điều hành của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng, vắc xin được đảm bảo chất lượng và vận chuyển nhanh nhất từ các kho trung tâm tại các Quân khu tới thẳng các điểm tiêm. Thiết lập hệ thống giám sát chất lượng thông qua giám sát toàn bộ quy trình bảo quản, vận chuyển tổ chức tiêm và quản lý điều hành trực tuyến toàn bộ quá trình tiêm chủng. Chiến dịch huy động tổng lực các lực lượng với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước Trung ương và địa phương, gồm cả lực lượng dân y và quân y, cả công lập và tư nhân. Chiến dịch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng với việc đưa vào sử dụng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý quá trình tiêm chủng của từng người dân… Chiến dịch thực hiện đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động tại cộng đồng, các địa điểm công cộng, trường học, thậm chí tổ chức đến từng hộ gia đình nhằm đảm bảo mọi người dân đều được tiêm chủng. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam là một trong những nước triển khai tiêm vắc xin COVID-19 với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm, sử dụng đa dạng các loại vắc xin; Là quốc gia có số liều vắc xin sử dụng, tỷ lệ bao phủ vắc xin cao và tốc độ tiêm chủng nhanh so với các nước trên thế giới. Tính đến hết ngày 31/12/2022, Việt Nam đã tiêm được gần 266 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt tương ứng 80,2% và 86,9%; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi là 68,6%; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt tương ứng 92,4% và 73,8%.

Một số hình ảnh tiêm phòng cho học sinh tại tỉnh Phú Yên

Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận, đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vắc xin phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, là quốc gia đi sau nhưng về trước trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới. Tỉ lệ tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Italy.

Với chiến lược vắc xin phù hợp, đúng đắn, hiệu quả, Việt Nam đã kiểm soát được đại dịch COVID-19 và từ giữa tháng 3/2022 đã mở cửa toàn bộ nền kinh tế với tinh thần phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

THÙY LINH (tổng hợp)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang