Lễ hội Xuân hồng – xuất phát từ nhu cầu thực tế
Tình trạng khan hiếm nguồn người hiến máu ngay sau dịp Tết Nguyên đán thường xảy ra ở những trung tâm tâm truyền máu, bệnh viện các tỉnh, thành phố trên cả nước. Mặc dù đã được chuẩn bị trước, nhưng lượng máu dự trữ sau Tết thường giảm nhiều do nhiều nguyên nhân như: nhu cầu sử dụng máu trước Tết tăng, lượng bệnh nhân quay trở lại các bệnh viện ngay sau Tết, số tai nạn không giảm, việc tổ chức hiến máu tại các cơ quan, trường học chưa được triển khai, quan niệm cũ cho rằng không nên hiến máu trong những ngày Xuân...
Nhớ lại những ngày đầu năm 2008, BSCK II Phạm Tuấn Dương – Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Thời điểm đó trong kho máu của Viện chỉ có 4.594 đơn vị máu, đến đầu tháng 2/2008, lượng máu sụt giảm nghiêm trọng chỉ còn 296 đơn vị máu trong kho dự trữ”. Đứng trước tình hình đó, Lãnh đạo Viện Huyết học – Truyền máu TW đã họp bàn cùng Hội thanh niên tình nguyện vận động hiến máu Hà Nội, trên cơ sở xem xét các giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm máu trên thế giới và ở nước ta những năm trước đó, đã đề xuất ý tưởng tổ chức Ngày hội hiến máu quy mô lớn (trên 1000 đơn vị/ngày), lấy tên là Lễ hội Xuân hồng. Đây là quyết định mang tính đột phá, bởi Viện chưa từng tiếp nhận máu trên 500 đơn vị/ngày, cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị đều khá hạn chế cho việc tiếp nhận và xử trí lượng máu lớn tiếp nhận được, trong khi tháng Giêng rất không thuận lợi cho việc hiến máu (do thời thiết không thuận lợi, người hiến máu chưa thực sự quan tâm, lực lượng sinh viên chưa quay trở lại trường học), và ở nước ta chưa từng tổ chức được hoạt động hiến máu lớn nào ngay trong tháng Giêng.
Mặc dù vậy, đứng trước yêu cầu cấp bách cần bổ sung một lượng máu lớn cho điều trị, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vẫn quyết tâm tổ chức Lễ hội Xuân hồng và xác định, nếu sự kiện được tổ chức thành công, sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp lấp đầy khoảng trống thiếu máu ngay sau Tết Nguyên Đán hàng năm. Ngày 24/2/2008, Lễ hội Xuân hồng lần đầu tiên được tổ chức tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình và thu hút được 4.500 người tham dự. Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận được được 2.611 đơn vị máu. Chương trình đã lập kỷ lục trong một ngày hội tiếp nhận được số lượng máu lớn nhất từ năm 1994.
Trải qua 9 năm tổ chức, Lễ hội Xuân hồng đã luôn nhận được sự quan tâm, tham dự của lãnh đạo trung ương như: Đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, ông Phạm Thế Duyệt - Nguyên UV Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UB TW Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch UB Trung ương Mặt trận tổ quốc VN Hà Thị Liên, Phó chủ tịch UB TW Mặt trận tổ quốc VN – Trương Thị Ngọc Ánh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên và nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, Hà Nội và các tỉnh/thành phố trên cả nước. Đặc biệt, Lễ hội Xuân hồng đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện nhân rộng mô hình phát động trong cả nước nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguồn người hiến máu trầm trọng dịp Tết Nguyên Đán hàng năm.
Từ Lễ hội Xuân hồng đầu tiên tiếp nhận được 2.611 đơn vị máu, đến thời điểm cao nhất, Lễ hội Xuân hồng đã tiếp nhận hơn 9.000 đơn vị máu trong một ngày để phục vụ nhu cầu dữ trữ và điều trị cho người bệnh. Có thể nói, qua mỗi kỳ tổ chức Lễ hội Xuân hồng đều khẳng định tầm ảnh hưởng, lan tỏa và thay đổi nhận thức về việc hiến máu đầu xuân của người hiến máu tình nguyện. Ấn tượng với hình ảnh những người hiến máu hào hứng đăng ký hiến máu trong tiết trời giá lạnh tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình năm 2014, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Hôm nay trong Lễ hội Xuân hồng đã có hàng vạn người đến dự và đăng ký hiến máu, chúng ta đều thấy được những ánh mắt, những nụ cười với tấm lòng nhiệt huyết của người dân, của các bạn trẻ đã, đang và sẽ hiến máu trong Xuân hồng hôm nay”. Hay hình ảnh những người hiến máu xếp hàng dài chờ tới lượt hiến máu tại Lễ hội Xuân hồng 2015, ông Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội sau khi tham dự chương trình khai mạc Lễ hội Xuân hồng đã chia sẻ: “Tôi thực sự rất ấn tượng với Lễ hội Xuân Hồng, từ quy mô tổ chức, đến những người hiến máu tình nguyện. Có thể thấy rằng, nhân dân ta, người trẻ Việt Nam có những nét đẹp văn hóa, thương người, hiến máu cứu người”.
Xuất phát từ nhu cầu máu qua mỗi năm, đến nay, Lễ hội Xuân hồng đã tiếp nhận gần 51.000 đơn vị máu để phục vụ nhu cầu điều trị cho người bệnh. Lễ hội Xuân hồng đã thực sự trở thành một sự kiện hiến máu đặc biệt, thay đổi nhận thức của người dân. Đặc biệt, việc tổ chức thành công Lễ hội đã xây dựng được “thương hiệu” tốt về Lễ hội Xuân hồng – Lễ hội đặc biệt của lòng nhân ái. Từ năm 2010, Lễ hội Xuân hồng cũng đã được Ban chỉ đạo quốc gia phát động trên toàn quốc và đã trở thành sự kiện cấp quốc gia trọng điểm trong phong trào HMTN cả nước điều đó là minh chứng rõ nhất cho sự cấp thiết của việc huy động nguồn người hiến máu ngay sau dịp Tết Nguyên đán nhằm cung cấp máu cho điều trị và chung tay cùng ngành y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Xuân hồng và Hành trình trao đời sự sống
Nếu ai đã từng tham dự Lễ hội Xuân hồng 2014, chắc hẳn đều không thể quên hình ảnh cô gái Hứa Thị Hải Vân (36 tuổi) đã nhận hơn 1.000 đơn vị máu để có thể duy trì cuộc sống. Mang trong mình căn bệnh tan máu bẩm sinh từ lúc 17 tháng tuổi, cũng từ đó cuộc đời Hải Vân gắn liền với bệnh viện, với những ngày truyền máu, thải sắt để duy trì cuộc sống. Chính bản thân Hải Vân cũng phải thừa nhận rằng: “Lượng máu tôi được nhận lớn gấp 800 lần lượng máu đang có trong cơ thể tôi. Chính những đơn vị máu đó đã giúp tôi sống khỏe mạnh như ngày hôm nay. Những người bệnh cần máu như chúng tôi sống được là nhờ có những giọt máu đào của những tấm lòng nhân ái. Có những người bệnh chỉ cần truyền một, hai đơn vị máu là có thể được cứu sống, cũng có những người bệnh, như tôi, cần phải truyền máu suốt đời mới có thể được sống. Máu là cuộc sống của chúng tôi”, những câu nói chân thật của Hải Vân trên sân khấu Lễ hội Xuân hồng 2014 đã làm lay động bao trái tim người tham dự.
Hay như Nguyễn Thế Thái Sơn (1997) – sinh viên năm 2 Đại học Y tế công cộng, chàng trai 19 năm chiến đấu với căn bệnh tan máu bẩm sinh cũng đã được truyền hơn 1 ngàn đơn vị máu để duy trì cuộc sống cũng đã làm cho bao bạn trẻ nể phục về tinh thần và ý chí trong cuộc sống. Không mặc cảm với bệnh tật, Thái Sơn và nhóm bạn của mình đã thành lập CLB Kết nối đỏ để giúp đỡ những người mắc bệnh tan máu bẩm sinh, tổ chức các chương trình hiến máu tình nguyện để kêu gọi mọi người chung tay hiến máu.
Hải Vân hay Thái Sơn chỉ là hai trong số triệu người bệnh đang sinh sống trên mọi miền của Tổ quốc đã nhận được giọt máu quý giá từ những người hiến máu tình nguyện mỗi năm. Một lần hiến máu, bạn có thể cứu được 3 người bệnh, gần 51.000 đơn vị máu đã có hơn 100.000 người bệnh được cứu sống từ chính nguồn máu từ Lễ hội Xuân hồng.
Còn nhớ những ngày đầu năm 2015, khi trong kho máu dự trữ của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương lượng máu nhóm A và nhóm O sụt giảm nghiêm trọng, nhiều bệnh nhân nằm viện chờ truyền máu, các phương tiện truyền thông đại chúng kêu gọi người dân có nhóm máu A và nhóm máu O tham gia hiến máu nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm máu. Nhưng có lẽ, lại một lần nữa Lễ hội Xuân hồng chứng minh sức lan tỏa của mình khi trong 1 ngày, Viện tiếp nhận được hơn 4.200 đơn vị máu nhóm A và nhóm O. Kết quả này ghi dấu ấn lần đầu tiên trong lịch sử Lễ hội Xuân Hồng, BTC đã thực hiện việc điều tiết nhóm máu thành công, kịp thời khắc phục tình trạng chênh lệch nhóm máu trong điều trị cho người bệnh.
Mỗi người, mỗi tập thể chọn cho mình một cách sẻ chia tình cảm, lòng nhân ái khác nhau, song Lễ hội Xuân Hồng đã trở thành một điểm đến ngày đầu năm mới với hàng ngàn người tình nguyện. Với những thành công của Lễ hội Xuân Hồng trong nhiều năm qua chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng: “Tinh thần của Lễ hội, tính nhân văn, nhân ái của Lễ hội vẫn còn sống mãi. Tiếng trống hội Xuân Hồng sẽ còn vang mãi, vẫn còn tiếp tục lay động con tim của nhiều người con đất Việt”, như lời khẳng định của GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương tại Lễ hội Xuân hồng mùa thứ 7.
Thay cho lời kết, xin trích dẫn một đoạn trong nhạc phẩm Lễ hội Xuân hồng (st Nguyễn Anh Trí) để tôn vinh những trái tim nhân ái đã hiến máu tại Lễ hội Xuân hồng trong 9 năm qua.
…“Những trái tim nhiệt huyết sục sôi
Trong mỗi con người dù quen, dù lạ.
Hiến máu cứu người, nghĩa tình cao cả.
Niềm vui Hồng dào dạt dưới trời Xuân…”
Mai Ly
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương