Nhiều khó khăn trong dự phòng, kiểm soát ung thư cổ tử cung tại Việt Nam
PGS.TS. Ngô Văn Toàn,Trường Y Hà Nội cho biết, nhiễm HPV là nguyên nhân chính của ung thư cổ tử cung. Các type HPV có nguy cơ cao dẫn tới ung thư cổ tử cung là: 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58 và 59; trong đó HPV type 16 và 18 rất phổ biến và gây ra 74% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung thường xảy ra ở phụ nữ hút thuốc lá; quan hệ tình dục với nhiều người; quan hệ tình dục sớm; sử dụng thuốc tránh thai kéo dài và phụ nữ mắc các bệnh lây qua đường tình dục...
Hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung được chuẩn hóa theo tuổi ở Hà Nội là 6,5/100.000 phụ nữ, trong khi đó tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung tại TP. Hồ Chí Minh là 26/100.000 phụ nữ. Tuy nhiên, kiến thức, thái độ và thực hành về dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung, về lợi ích của tiêm phòng vắc xin HPV và sàng lọc phát hiện sớm bệnh ở phụ nữ được nghiên cứu cũng như cán bộ y tế đều hạn chế. Bên cạnh đó, hiện Việt Nam cũng chỉ có một số ít nghiên cứu quy mô nhỏ về kiến thức, thái độ và thực hành về dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung; về phòng chống ung thư cổ tử cung và vắc xin HPV ở phụ nữ và vị thành niên; không có nghiên cứu đại diện quốc gia về ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và vị thành niên Việt Nam. Ngoài ra, năng lực hệ thống y tế Việt Nam trong đáp ứng với ung thư cổ tử cung và vắc xin HPV còn hạn chế. “Hệ thống Y tế Việt Nam thiếu một chiến lược tiếp cận tổng thể dự phòng và kiểm soát theo khuyến cáo của WHO”, PGS.TS. Ngô Văn Toàn chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, ở Việt Nam vắc xin HPV đã bắt đầu được cung cấp dưới dạng vắc xin dịch vụ cho vị thành niên và phụ nữ trong độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi với liệu trình 3 mũi tiêm trong vòng 6 tháng. Tính đến tháng 12/2015, mới có khoảng 350.000 - 400.000 phụ nữ Việt Nam được tiêm vắc xin HPV. Mặc dù Việt Nam đã có hệ thống sàng lọc ung thư cổ tử cung từ cộng đồng nhưng còn nhiều bất cập, trong đó phác đồ sàng lọc chưa được thống nhất là rào cản lớn trong việc chuẩn hóa các dịch vụ sàng lọc. Việc triển khai các chương trình sàng lọc, phát hiện và điều trị các tổn thương sớm ở cổ tử cung mới chỉ ở cấp độ dự án thử nghiệm, thiếu tính đồng bộ và thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
Theo bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, hiện nay ung thư cổ tử cung được coi là một vấn đề cần quan tâm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đây là một căn bệnh đã và đang tiếp tục đe dọa tới đời sống và tình trạng sức khỏe của phụ nữ nói riêng và toàn bộ dân số nói chung. Trên phạm vi toàn thế giới, trong năm 2012, số phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung ước tính khoảng 275.000 trường hợp và hơn 85% các ca tử vong liên quan tới ung thư cổ tử cung thường xảy ra tại các quốc gia có thu nhập thấp hoặc các quốc gia có thu nhập trung bình. Tại các quốc gia này, phụ nữ thường không tiếp cận được với tầm soát và điều trị ung thư cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung đang là một căn bệnh ngày càng có nhiều biến động. “Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính tới năm 2030 trên phạm vi toàn cầu, ước tính số ca tử vong do ung thư cổ tử cung sẽ lên tới 443.000 trường hợp. Con số này cao gấp đôi con số ước tính về tỷ lệ tử vong do các biến chứng liên quan tới sản khoa”, bà Astrid Bant nhấn mạnh.
Nỗ lực của ngành Y tế Việt Nam trong thời gian tới
Bà Astrid Bant cũng cho biết, phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư cổ tử cung đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cứu mạng sống của người phụ nữ và cải thiện sức khỏe của họ một cách toàn diện. Ngoài ra, việc phát hiện và điều trị sớm ung thư cổ tử cung còn có những quan hệ tích cực tới việc thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giáo dục và bình đẳng giới. Theo bà, khi thiết kế các chương trình và xây dựng các chính sách ứng phó nhằm giảm thiểu tử vong do ung thư cổ tử cung gây ra, Việt Nam cần xây dựng một chương trình ứng phó toàn diện cấp quốc gia về ung thư cổ tử cung trong đó bao gồm các hoạt động phòng ngừa, sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung; đặc biệt, tiêm phòng vắc xin HPV được coi là một hoạt động quan trọng trong phòng ngừa ung thư cổ tử cung. “Các bằng chứng cho thấy phần lớn ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể phòng ngừa và việc tiêm phòng vắc xin HPV cho trẻ em gái ở độ tuổi 12 tuổi sẽ giúp ngăn ngừa 690.000 ca nhiễm ung thư cổ tử cung và ngăn ngừa được 420.000 ca tử vong trên toàn thế giới”.
Cùng với đó, Việt Nam cần thực hiện các hoạt động nhằm xóa bỏ các định kiến về văn hóa xã hội có thể gây cản trở phụ nữ tới các cơ sở y tế khám, chữa bệnh khi có dấu hiệu ban đầu của bệnh. Bên cạnh đó, Việt Nam cần coi vấn đề phòng ngừa và kiểm soát ung thư cổ tử cung là một phần không thể tách rời trong chính sách chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ nhằm đạt được bộ bao phủ toàn cầu trong chăm sóc y tế và đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững. Song song đó, để kiểm soát ung thư cổ tử cung một cách hiệu quả và công bằng hơn, Việt Nam cần nâng cao vị thế cho người phụ nữ, trao quyền cho phụ nữ trong xã hội; các chương trình hành động phòng ngừa và kiểm soát ung thư cổ tử cung cần phải được xây dựng một cách hiệu quả với chi phí thấp và đạt hiệu quả đầu tư cao.
Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai các hoạt động nhằm giảm tỷ lệ mắc, tử vong do ung thư cổ tử cung như: Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định sàng lọc và điều trị sớm ung thư cổ tử cung là vấn đề ưu tiên với mục tiêu “Giảm nhiễm khuẩn đường sinh sản, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; chủ động phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm ung thư đường sinh sản, chú trọng sàng lọc ung thư đường sinh sản ở phụ nữ trong độ tuổi 30-54 tuổi với mục tiêu cụ thể là: “Tỷ lệ phụ nữ ở độ tuổi 30-54 tuổi được sàng lọc ung thư cổ tử cung đạt 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020”. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, ngày 23 tháng 9 năm 2016, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5240/QĐ-BYT về việc phê duyệt tài liệu “Kế hoạch hành động quốc gia về dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn 2016-2025”. Kế hoạch đưa ra những mục tiêu, phương hướng, giải pháp và hoạt động chính để thực hiện có hiệu quả việc phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư cổ tử cung tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ngày 10/11/2016, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo phổ biến Kế hoạch hành động quốc gia về dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung tại Việt Nam giai đoạn 2016-2025. Tới dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường; bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; ông Partha Basu, Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về Ung thư, Lyon (Pháp); đại diện một số vụ, cục, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; các ban, ngành có liên quan; đại biểu một số tổ chức quốc tế và đại biểu đại diện ngành Y tế của 24 tỉnh, thành phố phía Bắc. Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm trong phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư cổ tử cung để từ đó góp phần thực hiện Kế hoạch hành động hiệu quả; góp phần giảm thiểu được tử vong do ung thư cổ tử cung ở nữ giới tại Việt Nam. |
Bài, ảnh: Hoàng Hiền