Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

10 sự thật về bệnh lao

  • |
T5g.org.vn - Khoảng một phần ba dân số thế giới bị nhiễm vi khuẩn lao. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ trong số những người nhiễm vi khuẩn lao sẽ mắc bệnh lao. Những người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ bị bệnh lao cao hơn nhiều. Người nhiễm HIV có nguy cơ bị bệnh lao hoạt động cao gấp 26 - 31 lần.

Một trong những mục tiêu trong Mục tiêu Phát triển bền vững tới năm 2030 là chấm dứt dịch bệnh lao toàn cầu. “Chiến lược chấm dứt bệnh lao” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã được thông qua tại Đại Hội đồng Y tế Thế giới năm 2014, kêu gọi đến năm 2030 sẽ giảm 90% tử vong do lao và giảm 80% tỷ lệ mắc mới bệnh lao so với năm 2015.

Dữ liệu mới từ WHO cho thấy gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu cao hơn so với ước tính trước đó. Các quốc gia cần phải hành động nhanh hơn nữa để ngăn chặn, phát hiện và điều trị lao nếu muốn đạt được mục tiêu của "Chiến lược chấm dứt bệnh lao" trong 15 năm tới.

Dưới đây là 10 thực tế về bệnh lao:

Thực tế 1

Trong năm 2015, ước tính có khoảng 10,4 triệu trường hợp mới mắc bệnh lao trên toàn thế giới. Sáu quốc gia sau chiếm 60% tổng số các ca bệnh này, trong đó Ấn Độ dẫn đầu, tiếp theo là Indonesia, Trung Quốc, Nigeria, Pakistan và Nam Phi. Nhưng bệnh lao có thể chữa khỏi và phòng ngừa được.

Thực tế 2

Năm 2015, tổng cộng có 1,8 triệu người tử vong do bệnh lao (bao gồm cả 0,4 triệu người nhiễm HIV). Lao là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới trong năm 2015, xếp trên HIV và sốt rét.

Thực tế 3

Trong năm 2015, 1 triệu trẻ em bị bệnh lao, và 210.000 trẻ em (trong đó có 40.000 trẻ nhiễm HIV) tử vong do bệnh lao. Trẻ bị mắc bệnh lao thường bị bỏ sót do khó chẩn đoán và điều trị.

Thực tế 4

Lao là sát thủ hàng đầu của những người sống chung với HIV. Khoảng 35% số ca tử vong ở những người có HIV là do lao. Trong năm 2015, tỷ lệ bệnh nhân lao có HIV(+) được điều trị thuốc kháng retrovirus là 78%.

Thực tế 5

Trên thế giới, số lượng người mắc bệnh lao đang giảm và số tử vong do lao giảm 22% từ năm 2000 đến năm 2015. Từ năm 2010, tỷ lệ tử vong giảm nhanh nhất ở khu vực Đông Địa Trung Hải và Châu Âu (tương ứng là 6,5% và 6,2% mỗi năm), và giảm thấp nhất ở khu vực Châu Phi (2,2% mỗi năm).

Thực tế 6

Năm 2015, khoảng 87% các trường hợp mới mắc lao xảy ra ở 30 quốc gia chịu gánh nặng bệnh tật cao do bệnh lao. Bệnh lao xảy ra trên toàn thế giới, nhưng phần lớn các trường hợp là ở Châu Á (61%) và Châu Phi (26%).

Thực tế 7

Ước tính có khoảng 480.000 người bị bệnh lao đa kháng thuốc (MDR-TB) trong năm 2015. Trong một số trường hợp, bệnh lao đa kháng thuốc thậm chí nghiêm trọng hơn có thể xảy ra ở trường hợp không tuân thủ điều trị. Lao siêu kháng thuốc (XDR-TB) là một thể bệnh lao đáp ứng với rất ít thuốc hiện có.

Thực tế 8

Từ năm 2000 đến năm 2015, điều trị lao giúp cứu sống 49 triệu người trên thế giới, nhưng vẫn còn khoảng cách lớn giữa chẩn đoán và điều trị. Tỷ lệ điều trị thành công cho những người bị bệnh lao là 83% trong năm 2014.

Thực tế 9

Năm 2015, trong số ước tính 10,4 triệu trường hợp mới mắc bệnh lao, chỉ có 6,1 triệu trường hợp được phát hiện và thông báo, dẫn đến bỏ sót 4,3 triệu trường hợp. Tỷ lệ giảm số ca mắc lao trên toàn cầu vẫn ở mức 1,5% từ năm 2014-2015 và cần tăng lên 4%-5% vào năm 2020 để đạt được cột mốc đầu tiên của "Chiến lược chấm dứt bệnh lao".

Thực tế 10

Việc đầu tư cho chăm sóc và phòng ngừa lao ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình giảm gần 2 tỷ đô la Mỹ, thiếu khoảng 8,3 tỷ đô la Mỹ cần thiết trong năm 2016. Sự thiếu hụt này sẽ gia tăng lên vào năm 2020 nếu mức kinh phí hiện tại không được tăng thêm.

Nam Nguyên (Theo WHO)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang