Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Đào Hồng Lan biểu dương và đánh giá cao vai trò của các cô đỡ thôn bản, họ chính là cánh tay nối dài của ngành Y tế đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào khó khăn. Nhiều bà đỡ là tấm gương sáng trong việc khắc phục khó khăn trong cuộc sống để góp sức mình đem lại hạnh phúc tươi sáng cho các gia đình nghèo. Các bà, các chị không chỉ góp phần mang lại niềm vui cho gia đình sản phụ mà còn giúp giảm nghèo cho người dân trong vùng.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng gửi lời cám ơn chân thành đến 30 cô đỡ thôn, bản tiêu biểu tại buổi gặp mặt và cũng thông quá đó gửi lời cám ơn đến hơn 1.500 cô đỡ thôn bản đang hoạt động trên cả nước. Bộ trưởng mong các cô sức khỏe và tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa trong sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe người dân nơi mình sinh sống, nơi còn nhiều gian khó, vất vả.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, cô đỡ thôn, bản Lò Thị Luấn đến từ tỉnh Sơn La cho biết: cô đến từ một trong những bản làng hẻo lánh, xa xôi của tỉnh, ở đó giao thông đi lại hết sức khó khăn, nhiều hộ gia đình trong vùng phải đi bộ mới tới được, nhiều người dân vẫn giữ thói quen sinh đẻ tại nhà. Được đào tạo và tập huấn về sinh sản theo chương trình của Bộ Y tế, tới nay cô đã giúp cho nhiều sản phụ trong vùng “vượt cạn” thành công. Bất kể lúc nào, dù cho đêm tối, mưa to, khi có người cần trợ giúp cô luôn sẵn sàng. Nhiều hôm chưa kịp ăn tối, chưa kịp nghỉ ngơi sau khi đi làm lụng vất vả, cô đã lên đường đến với các sản phụ. Cô coi niềm vui của các sản phụ là niềm vui của mình để luôn cống hiến tối đa cho công việc.
Cô đỡ Lò Thị Đường đến từ tỉnh Lai Châu chia sẻ: Hoạt động cô đỡ thôn, bản rất vất vả. Cô luôn phải vượt qua khó khăn của đường xá để đến với những sản phụ vùng xa xôi. Không ít lần cô phải đi trong đêm tối dưới thời tiết mưa to, bão bùng, bị ngã, bị đau. Nhưng bất cứ lúc nào khi mà các sản phụ cần đến, cô đều đến hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.
Được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước, đội ngũ cô đỡ thôn, bản nước ta đã và đang đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt trong giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh. Cô đỡ thôn, bản là những người sinh sống tại cộng đồng dân tộc thiểu số, sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để truyền đạt cho người dân thôn, bản những thông tin quan trọng về chăm sóc sức khỏe, đồng thời cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản. Để trở thành cô đỡ thôn, bản, mỗi học viên phải trải qua quá trình học tập ít nhất 6 tháng theo chương trình và nội dung đào tạo của Bộ Y tế. Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo và thực hành tại các bệnh viện, cô đỡ thôn, bản có thể chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản, phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời.
Trọng Tiến