Phát biểu tại Lễ phát động, GS. TS. Nguyễn Thanh Long cho biết, tính đến nay, tại 4 tỉnh của Tây Nguyên là Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk đã phát hiện 68 trường hợp dương tính với bạch hầu, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Để khẩn trương kiểm soát dịch bệnh bạch hầu, Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp đáp ứng phòng chống dịch như: cử đội cơ động chống dịch xuống hỗ trợ địa phương, tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp bệnh, các trường hợp tiếp xúc, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc và điều trị dự phòng cho người dân trong khu vực có nguy cơ. Một trong những biện pháp phòng chống dịch bạch hầu hiệu quả nhất và căn cơ nhất đó là tiêm vắc xin bạch hầu để phòng chống dịch toàn diện và mang tính bền vững. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại 04 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông. Đây là kế hoạch chống dịch bạch hầu có quy mô lớn. Mục tiêu chung của kế hoạch là đảm bảo ít nhất 90% các đối tượng từ 02 tháng tuổi trở lên đến 40 tuổi tại các tỉnh có ca dương tính với bạch hầu được tiêm vắc xin. GS.TS. Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: những bài học kinh nghiệm trong phòng chống dịch COVID-19 về giám sát, phòng ngừa, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng triệt để và thực hiện điều trị sớm, tích cực sẽ giúp ích trong công tác dập dịch bạch hầu.
Bà Huỳnh Nữ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, Gia Lai nói riêng và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tham gia lễ phát động tin tưởng rằng với tinh thần chủ động, quyết liệt của Bộ Y tế, các cấp, các ngành, sự hưởng ứng tham gia tích cực của nhân dân, dịch bạch hầu sẽ sớm được kiểm soát, khống chế, dập tắt và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong những năm tới.
Nguyễn Hiển