Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Các địa phương thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa giảm sự lây lan bệnh tay - chân - miệng

  • |
T5g.org.vn - Bệnh tay - chân - miệng ngày càng diễn biến phức tạp. Hiện nay, ngành Y tế và chính quyền các tỉnh, thành trong cả nước đã có nhiều nỗ lực phòng chống bệnh tay - chân - miệng. Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng với Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) đang phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam trong việc xác định nguyên nhân và điều tra các đặc điểm dịch tễ học của bệnh tay chân miệng tại Việt Nam. Bước đầu điều tra, Tiến sỹ Baba Tunde Olowokure, Trưởng nhóm Giám sát và ứng phó các bệnh mới nổi thuộc WHO tại Việt Nam cho biết, (WHO) hoan nghênh Bộ Y tế Việt Nam đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa với những nỗ lực giảm sự lây lan bệnh tay - chân - miệng. Các thông điệp phòng chống được chú trọng và tất cả các chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan đã được hướng dẫn để tăng cường các biện pháp phòng ngừa kiểm soát đối với bệnh tay - chân - miệng.

Tại Yên Bái: Tính đến nay, toàn tỉnh có 230 ca bệnh nhân nhi mắc bệnh tay - chân - miệng ở 8 trong tổng số 9 huyện, thị xã trong tỉnh. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Yên Bái đã hướng dẫn các trung tâm y tế các biện pháp điều trị, tăng cường cán bộ về cơ sở để giám sát dịch bệnh. Ngành Y tế đã phối hợp Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay - chân - miệng tại các trường mầm non, tiểu học như: tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên và cán bộ y tế trường học; trung tâm y tế các huyện, thị xã để trang bị các kiến thức phòng, chống và đối phó với bệnh tay - chân - miệng; tổ chức phun thuốc khử trùng Chloramin B tại các trường tiểu học và mầm non. Ngành Y tế và các ngành chức năng cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân phòng ngừa bệnh cho trẻ.

Tại Quảng Ninh:  Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết, trên địa bàn có 150 ca bệnh nghi nhiễm chân tay - chân - miệng. Trung tâm đã triển khai các phương án dập dịch không để bùng phát ra diện rộng; đồng thời khuyến cáo các gia đình, trường học không nên chủ quan, cần tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn về vệ sinh, khử khuẩn, có biện pháp cấp cứu, điều trị kịp thời cho trẻ có những biểu hiện mắc bệnh. Bên cạnh đó, Trung tâm đã vận chuyển hơn 2,5 tấn thuốc Chloramin B khử khuẩn và các vật tư y tế cần thiết tới 14 huyện, thị trong tỉnh, tập huấn cho cán bộ y tế toàn tỉnh, bố trí lực lượng thanh kiểm tra, phản ứng nhanh, kịp thời dập dịch không để bùng phát.

Tại Vĩnh Phúc: Dịch bệnh tay - chân - miệng đã xuất hiện tại 9/9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, khiến cho nhiều người dân lo ngại, nhất là các bậc phụ huynh học sinh có con nhỏ, con trong độ tuổi đến trường. Theo ngành y tế tỉnh Vĩnh Phúc, tính từ ngày 10/6/2011 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận trên 200 ca bệnh tay - chân - miệng. Trong tổng số các ca bệnh ở tỉnh nêu trên, có 13 ca từ các tỉnh, thành lân cận chuyển về Vĩnh Phúc khám và điều trị. Hiện số ca mắc bệnh nhiều nhất là tại huyện Lập Thạch với 34 ca, tiếp đến là huyện Tam Đảo 33 ca, sau đó là các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương... Các bệnh nhân mắc bệnh tay - chân - miệng hầu hết ở độ 1 và độ 2. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất ở huyện Tam Đảo chỉ mới 2 tháng tuổi. Ngành Y tế ở Vĩnh Phúc tích cực triển khai các biện pháp phòng chống không để dịch bệnh lây lan rộng; chỉ đạo các đơn vị chủ động chuẩn bị mọi phương tiện phòng chống dịch; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để đông đảo người dân hiểu biết về bệnh tay - chân - miệng, thông qua đó chủ động phòng chống dịch bệnh, cũng như phát hiện bệnh kịp thời để đến các cơ sở y tế điều trị hiệu quả hơn.

Tại Thừa Thiên Huế: Theo đánh giá của Sở Y tế Thừa Thiên Huế, bệnh tay - chân - miệng đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Ngành Y tế địa phương đang triển khai nhiều biện pháp tập trung phòng chống dịch bệnh tay-chân - miệng. Sở Y tế Thừa Thiên Huế đã tổ chức cuộc họp với ban, ngành liên quan, triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, cấp hoá chất Chloramin B để các địa phương chủ động ngăn ngừa dịch bệnh. Sở Y tế cũng phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tập huấn công tác phòng chống dịch bệnh tay - chân - miệng cho hiệu trưởng và cán bộ y tế tất cả các trường học trên địa bàn.

Tại Bình Định: Đến nay, số bệnh nhân mắc bệnh tay - chân - miệng tại Bình Định là 234 ca ở 10 huyện, thành phố trong toàn tỉnh. Trước tình hình này, ngành Y tế tỉnh Bình Định đã tăng cường giám sát bệnh dịch tại các địa phương có người mắc bệnh, xử lý hóa chất diệt khuẩn tại khu vực dân cư xuất hiện bệnh, đồng thời phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên các trường mẫu giáo, nhà trẻ các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay - chân - miệng ngay từ những ngày đầu bước vào năm học mới.

Tại Tây Ninh: Đến nay, tỉnh Tây Ninh đã có trên 1.200 ca mắc bệnh tay-chân - miệng, tăng gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2010. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay – chân - miệng, sớm khống chế và ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế thực hiện việc giám sát, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan kéo dài và thường xuyên báo cáo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh về diễn biến dịch bệnh. Ngành Giáo dục và Đào tạo và các địa phương tổ chức làm vệ sinh môi trường, hướng dẫn học sinh rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, hoá chất khử khuẩn thông thường hoặc Chloramin B trong các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ và trong các gia đình có trẻ dưới 6 tuổi. Đồng thời, tăng cường bảo đảm vệ sinh trong chế biến thức ăn, nước uống cho trẻ... 

            Tại Đắk Lắk: Sở Ytế Đắk Lắk khẳng định bệnh tay - chân - miệng trên địa bàn đang diễn biến phức tạp với tốc độ lây lan rất nhanh. Số ca mắc bệnh tháng sau luôn cao hơn tháng trước. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.054 ca mắc bệnh tay - chân - miệng và đã có một trường hợp tại thành phố Buôn Ma Thuột tử vong. Trong tổng số các bệnh nhân có tới 95% là trẻ em dưới 5 tuổi. Theo nhận định, bệnh bùng phát mạnh nhất vào tháng 8 (574 ca) và đầu tháng 9 đến nay (236 ca) khi các em học sinh bắt đầu tựu trường. Bệnh tay - chân - miệng đã xuất hiện ở 142/184 xã, phường, thị trấn của 15/15 huyện, thị, thành phố với 75 ổ dịch. Trước diễn biến phức tạp của bệnh, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo ngành Y tế: tích cực điều trị các ca mắc bệnh, khoanh vùng dập dịch, vệ sinh môi trường tại ổ dịch; chú trọng công tác phòng, chống dịch tại các trường học, nhất là trường mầm non và tiểu học. Ngành Y tế Đắk Lắk cùng các ban, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác dự phòng.

Tại Đồng Nai:  Bệnh tay - chân - miệng đã lây lan ra tất cả 171 xã, phường, thị trấn của tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, mỗi ngày có hơn 30 ca phải nhập viện vì mắc bệnh này. Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai đã có gần 5.000 ca mắc bệnh tay-chân-miệng, cao gấp hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 22 ca tử vong. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương thực hiện 7 biện pháp cấp bách và chi hơn 10 tỷ đồng cho công tác phòng chống bệnh nguy hiểm này.

Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ, trong các tháng cuối năm 2011, tình hình bệnh tay - chân - miệng còn diễn biến phức tạp hơn. Vì vậy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng và người dân cần chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dịch bệnh kịp thời và hiệu quả hơn nữa.

Bài: An An

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang