Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Công tác phòng chống, điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

  • |
T5g.org.vn - Tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp. Là bệnh viện đầu ngành về truyền nhiễm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là cơ sở y tế tuyến cuối, tiếp nhận, điều trị các ca bệnh sốt xuất huyết Dengue nặng được chuyển đến từ các tỉnh, thành phố phía Bắc. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với PGS. TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương về tình hình dịch và công tác triển khai phòng chống sốt xuất huyết tại Bệnh viện…
 PGS. TS. Nguyễn Văn Kính

* Phóng viên: Xin ông cho biết tình hình dịch sốt xuất huyết? Số lượng bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay tại Bệnh viện? và thời điểm cao nhất mà số bệnh nhân nhập viện?

PGS. TS. Nguyễn Văn Kính: Như mọi người đều biết, bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm, gây dịch và bệnh lưu hành ở Việt Nam. Cho đến thời điểm này, thế giới vẫn chưa có vắc xin và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với sốt xuất huyết Dengue nên ở trên phạm vi toàn cầu bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm đặc biệt ở những nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trong đó có nước ta. Trong 10 năm đặc biệt 5 năm trở lại đây do tác động của chính chúng ta vào môi trường đặc biệt là Chương trình Phòng chống sốt xuất huyết Quốc gia được triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước nên chu kỳ dịch sốt xuất huyết tại nước ta đã thay đổi, trước đây cứ 2 năm thì nay 5 năm, 6 năm dịch mới bùng phát một lần.

Nước ta có lượng mưa lớn và điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để muỗi Ades aegypty hay còn gọi là muỗi vằn sinh sôi, phát triển; góp phần khiến chu kỳ dịch sốt xuất huyết có sự thay đổi bởi. Thực tế cho thấy, một lượng nước rất nhỏ cũng đủ cơ hội cho muỗi Ades aegypty đẻ trứng. Muỗi Ades aegypty chỉ đẻ trứng vào nước sạch đặc biệt nước mưa cho nên thậm chí, lá khô của cây rụng xuống và có lưu một chút nước mưa.

Ở thành thị, lộc bình cắm hoa trong phòng của gia đình, lọ cắm hoa trên ban thờ, dụng cụ chứa nước của tủ lạnh… đều trở thành nơi lý tưởng cho muỗi đẻ trứng và nở ra lăng quăng, đặc biệt khu vực phía Nam, Tây Nam bộ, bên cạnh dụng cụ chứa nước mưa làm nước ăn thì vỏ lốp xe, gáo dừa, hay mảnh sành vỡ đều là nơi muỗi Ades aegypty có thể đẻ trứng. Chúng ta biết, năm nay mưa nhiều nước đọng nhiều và muỗi đẻ trứng nhiều. Khẩu hiệu ngăn chặn sốt xuất huyết lây lan ra cộng đồng và số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện là: Không có lăng quang, không có bọ gậy và muỗi, không có sốt xuất huyết.

Trong 10 năm trở lại đây, sốt xuất huyết lưu hành quanh năm ở Việt Nam vì thời tiết nóng lên, trước đây chủ yếu ở phía Nam thì nay lan sang cả phía Bắc; trước đây sốt xuất huyết chủ yếu ở trẻ em nay ở cả người lớn bởi những năm trở lại đây thời tiết nóng hơn, người dân thường mặc ít quần áo, ngủ không mắc màn đã khiến muỗi vằn đốt nên sốt xuất huyết xảy ra ở cả trẻ con và người lớn.

Tuy nhiên, so với mức độ trung bình của hàng năm, khi sốt xuất huyết bùng phát thành dịch thì số lượng tăng hơn nhưng dịch lại có dấu hiệu giảm đi. Chẳng hạn, năm 2009, chỉ riêng tại Hà Nội trong ba tháng Bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 7.000 ca nhập viện. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi mới chỉ tiếp đón hơn 700 trường hợp, trong đó lượng bệnh nhân gia tăng trong tháng 8 và tháng 9.

Hiện tại, mỗi ngày trung bình Bệnh viện tiếp nhận 4, 5 ca nặng được chuyển từ các tuyến về. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị rất sát với thực tế Việt Nam cho nên hầu hết cơ sở y tế các tuyến đều có thể xử lý kịp thời những ca bệnh từ nhẹ đến nặng. Chỉ có ca nặng rất mới, ca có dấu hiệu cảnh báo đi vào sốc và tiền sốc thì mới chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Tỷ lệ diễn biến thành thành nặng như vậy chỉ chiếm khoảng 4% số ca mắc sốt xuất huyết. Cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa để xảy ra một trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết tại Bệnh viện. Còn theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, cho đến nay, nước ta ghi nhận đã có 25 ca tử vong chủ yếu ở khu vực miền Tây Nam Bộ và một số trường hợp ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Phải nói rằng, công tác phòng chống dịch là một biện pháp cần được triển khai rất quyết liệt, khi chưa có vắc xin thì ý thức của mỗi người dân làm sao loại bỏ được dụng cụ chứa nước, loại bỏ được nơi muỗi có thể đẻ trứng. Đó chính là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Đấy cũng chính là cách để cứu chúng ta.

* Phóng viên: Vậy thưa ông, điều quan trọng nhất trong điều trị sốt xuất huyết là gì?

PGS. TS. Nguyễn Văn Kính: Như tôi đã nói ở trên, qua theo dõi về thống kê số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết cho thấy, hiện nay đã có gần 39 nghìn trường hợp mắc thế nhưng tỷ lệ diễn biến nặng chỉ có  4% số đó mà thôi; đại bộ phận các trường hợp là diễn biến nhẹ. Chúng ta biết rằng bệnh mạch cảnh lâm sàng của sốt xuất huyết rất dễ nhận biết, đó là: bệnh nhân sốt cao liên tục từ 2 đến 7 ngày; từ ngày thứ 3 có thể bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết dưới nhiều hình thức khác nhau: từ các chấm xuất huyết ở trên da cho đến một số trường hợp chảy máu chân răng, chảy máu cam hoặc xuất huyết võng mạc. Những ca nặng có thể dẫn đến xuất huyết ở hệ thống tiêu hóa hoặc là ở phủ tạng, dẫn đến suy đa tạng trong bối cảnh sốc và rối loạn đông máu đặc biệt là tiểu cầu hạ thấp. Tuy nhiên với hướng dẫn của Bộ Y tế, hầu hết những dấu hiệu đó đều rất dễ nhận biết, đặc biệt khi bệnh nhân sốt đến ngày thứ 2, và vẫn sốt cao liên tục 39 độ trở lên, li bì, nôn và buồn nôn, thậm chí tiêu chảy, đau tức vùng gan, thì những trường hợp đó cần phải đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời những dấu hiệu cảnh báo nặng và nếu bệnh nhân đi vào sốc thì Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất chi tiết về điều trị chống sốc Dengue.

* Phóng viên: Ông có khuyến cáo gì với người dân trong phòng bệnh bên cạnh những biện pháp như vệ sinh môi trường, phun thuốc? và với những người mắc bệnh nhưng vẫn điều trị tại nhà?

PGS. TS. Nguyễn Văn Kính: Về dự phòng sốt xuất huyết, đây là Chương trình mà chúng ta đã đưa ra 20 năm nay. Bệnh cảnh lâm sàng cũng không có gì thay đổi trong 20 năm qua, chỉ có điều là để cho phân loại lâm sàng dễ nhận biết hơn các dấu hiệu cảnh báo, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị vào năm 2011 theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Về mặt dự phòng, tôi phải nói rằng: giống như các bệnh truyền nhiễm khác: Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Chúng ta hoàn toàn có thể  phòng chống được sốt xuất huyết mặc dù chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bởi vì chúng ta biết rằng con đường lây truyền chủ yếu vẫn là muỗi Ades aegypty hay còn là muỗi vằn đốt người mang bệnh rồi truyền cho người chưa mắc bệnh. Vậy thì điều quan trọng nhất là không để có vật truyền bệnh bởi vậy cách dự phòng tốt nhất hiện nay là kết hợp nhiều biện pháp giữa phòng bệnh cá nhân với phòng bệnh ở cộng đồng và các biện pháp y tế. Trước hết, về phòng bệnh cá nhân thì cơ bản là chúng ta cần tránh được muỗi đốt và như vậy có nhiều biện pháp để tránh muỗi đốt như đốt hương trừ muỗi, xoa dung dịch hóa chất trên da để chống muỗi đốt, đi ủng khi vào chỗ có bùn bẩn, bụi rậm đặc biệt che da hở, đừng để cho da hở đã tạo thời cơ cho muỗi đốt; hay nói cách khác là tránh muỗi đốt bằng mọi cách. Đối với cộng đồng, điều cơ bản là xóa bỏ nơi muỗi Ades aegypty có thể đẻ trứng, mà tôi nhấn mạnh là con muỗi này đẻ trứng vào chỗ nước sạch. Người dân đừng để chỗ chứa nước sạch, đặc biệt là nước mưa tạo thành cơ hội dù chỉ là một chút nước nhỏ thôi đã đủ cơ hội cho muỗi Ades aegypty đẻ trứng vào đó rồi. Cho nên chúng ta phải cố gắng triệt hạ nơi muỗi đẻ trứng vào, không có nước thì muỗi không đẻ trứng vào, không có trứng thì không thể nào có lăng quăng được và con lăng quang là nhiều thế nên chúng ta thực hiện các biện pháp y tế, ở đây là phun thuốc chống muỗi thì chỉ có thể diệt được muỗi trưởng thành nhưng muỗi trưởng thành diệt hết được thì trong 5 ngày sau con lăng quăng có hàng trăm, hàng vạn con lại nở ra thành muỗi rồi cho nên cái chính là diệt lăng quăng; kết hợp của cộng đồng là tiêu diệt lăng quăng theo cách: không có cơ hội cho muỗi vằn đẻ trứng và phối hợp với y tế: ở đây là tuyên truyền giáo dục cộng với phun thuốc trừ muỗi. Ngoài ra, mỗi người dân phải tự bảo vệ sức khỏe của mình, trước hết hãy tự cứu mình thì không có bệnh dịch. Nếu ai có triệu trứng lâm sàng như tôi đã nói ở trên bởi bệnh cảnh rất dễ phát hiện: bệnh nhân sốt cao đột ngột liên tục trong vòng từ 2 đến 7 ngày, ngày thứ 3 bắt đầu có xuất hiện các biểu hiện xuất huyết, nếu xét nghiệm thì có thể thấy tiểu cầu hạ. Tùy theo đáp ứng miễn dịch của từng người mà sốt xuất huyết nặng hay nhẹ nhưng khi người mắc đã vượt quá được 7 ngày thì bệnh sẽ khỏi. Và khi bệnh khỏi thì không để lại hậu quả gì, đó là điều mà chúng ta cần hiểu rõ về bệnh sốt xuất huyết.

* Phóng viên: Có nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết mà diễn biến thành nặng chỉ sau 2, 3 ngày mắc, dưới quan điểm của nhà chuyên môn, ông có ý kiến gì về điều này và liệu đến bệnh viện muộn đã dẫn đến bệnh nặng?

PGS. TS. Nguyễn Văn Kính: Những trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng hay nhẹ là do đáp ứng miễn dịch của mỗi người với mầm bệnh sốt xuất huyết, có những người vào viện muộn nhưng không có dấu hiệu nặng thì cũng không làm sao, nhưng cũng có những người có những dấu hiệu cảnh báo ngay từ ngày thứ 2 đã sốt cao li bì từ 39 độ trở lên liên tục, nhức đầu dữ dội, buồn nôn, đau tức vùng gan, thậm chí tiêu chảy thì đấy chính là những dấu hiệu nặng chứ không phải do đến muộn, thậm chí đến sớm vẫn có thể dẫn đến nặng, cho nên biểu hiện nặng hay nhẹ, có đi vào sốc hay không là do đáp ứng miễn dịch của mỗi người đối với mầm bệnh. 

* Phóng viên: Bệnh viện có phương án gì trong việc đối phó với tình hình dịch lan rộng và lượng bệnh nhân nhập viện tăng?

PGS. TS. Nguyễn Văn Kính: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là bệnh viện tuyến 3 tức là tuyến cuối cho nên chúng tôi chỉ tiếp nhận bệnh nhân nặng mà các tuyến chuyển về còn hơn 90% các trường hợp là hoàn toàn có thể chữa được ở các cơ sở y tế tuyến dưới. Như tôi đã nói, chỉ có khoảng 4% người mắc sốt xuất huyết có diễn biến nặng nên các bệnh nhân vào viện đều được chúng tôi xếp giường; mặc dù lúc đầu có thể đông, mấy người một lúc nhưng sau đó chúng tôi hoàn toàn có thể sắp xếp được trong các khoa phòng để đủ chỗ cho bệnh nhân nằm và điều trị. Thực sự, bệnh nhân được được điều trị sẽ khỏi rất nhanh, trong khoảng 3, 4 ngày là có thể ra viện được nên người bệnh hoàn toàn yên tâm, không nằm ghép đồng thời được điều trị chính xác, chăm sóc chu đáo.

* Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Bài, ảnh: Quang Nguyễn

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang