Ngày 18 tháng 6 năm 2019, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế Việt Nam và Servier Việt Nam chính thức ký biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện Dự án “Ngày đầu tiên” tại Việt Nam - giai đoạn 2019-2020 trước sự chứng kiến của GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế và Tổng giám đốc Servier Việt Nam; ông Mathieu Fitoussi cùng đại diện một số vụ, cục, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Hội Tim mạch Việt Nam, Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, một số bệnh viện và các cơ quan truyền thông, báo chí.
Đây là lễ ký kết quan trọng, đánh dấu bước phát triển hợp tác trong công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, chính thức ghi nhận cam kết đồng hành của Servier Việt Nam cùng ngành Y tế Việt Nam trong quá trình nâng cao chất lượng phòng và kiểm soát bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết: Trong thời gian qua, những nhiệm vụ ưu tiên của ngành Y tế Việt Nam cũng như của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là nâng cao chất lượng bệnh viện, chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thông qua xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật xây dựng, chuẩn hóa các hướng dẫn chuyên môn, quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời triển khai các giải pháp để tăng cường hiệu quả quản lý bệnh mạn tính không lây (bao gồm: tăng huyết áp, đái tháo đường, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư…) như tăng cường phát hiện sớm, chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và quản lý hiệu quả bệnh; nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh tật, tăng cường trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế…
Đại diện Servier Việt Nam ký biên bản ghi nhớ là ông Mathieu Fitoussi, Tổng Giám đốc Servier Việt Nam cho biết: Viện Nghiên cứu Dược Phẩm Servier là tổ chức độc lập hoạt động dựa trên mô hình phi lợi nhuận, có trụ sở chính tại Cộng hòa Pháp, có mặt trên 149 quốc gia, và hoạt động tài Việt Nam từ năm 1993. Servier là công ty dược phẩm đứng thứ 2 trong lĩnh vực tim mạch tại Châu Âu, có nhiều đóng góp lớn, tiên phong trong lĩnh vực điều trị các bệnh tăng huyết áp (THA), đái tháo đường (ĐTĐ), mạch vành và bệnh tĩnh mạch mãn tính. Tại Việt Nam, Servier đã, đang và sẽ luôn góp phần quan trọng trong việc giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng, bệnh nhân cũng như công tác đào tạo y bác sĩ, chuyên gia về sức khỏe, và giúp đỡ các hiệp hội y tế và chính phủ Việt Nam trong việc phòng chống và điều trị các loại bệnh mãn tính.
Dự án “Ngày đầu tiên“ tại Việt Nam là sáng kiến được khởi xướng bởi Servier Việt Nam. Dự án mang tính cải tiến vấn đề cốt lõi - các yếu tố trong môi trường sống của bệnh nhân (gia đình, bạn bè, bác sĩ, điều dưỡng…). Từ đây nâng cao nhận thức của họ về các bệnh không lây nhiễm, qua đó giúp bệnh nhân được chẩn đoán sớm hơn, xây dựng một lối sống lành mạnh, tập trung vào quản lý tình trạng bệnh một cách lâu dài. Tất cả các thông tin của Dự án trước khi được đưa đến bệnh nhân, người dân thông qua trang web: ngaydautien.vn đều được đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm của Hội Tim mạch Việt Nam, Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam thẩm định. Đồng thời dự án “Ngày đầu tiên” cũng giúp thu thập được dữ liệu đáng tin cậy từ các bệnh nhân, dữ liệu này giúp các ban ngành y tế sẽ hiểu rõ hơn về đặc điểm của bệnh nhân Việt Nam, từ đó có những định hướng rõ hơn về chiến lược quản lý bệnh lý này. Những hoạt động được triển khai từ năm 2016 - 2018 thuộc Dự án Ngày đầu tiên đã được đánh giá từ PWC (một tổ chức kiểm toán uy tín thế giới) đã giúp tiết kiệm đến 3,5 triệu đô la Mỹ cho bệnh nhân và bảo hiểm xã hội.
Mục tiêu chính của dự án "Ngày Đầu Tiên" là cải thiện thực trạng kiểm soát bệnh THA và ĐTĐ thông qua: Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng, bệnh nhân và phát hiện sớm bệnh và Đào tạo kỹ năng tư vấn cho cán bộ y tế.
Dự án bao gồm tổ hợp các hoạt động từ chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh lý THA, ĐTĐ, tầm soát phát hiện bệnh sớm bệnh, đào tạo cho đội ngũ y, bác sỹ về phương pháp tư vấn tạo động lực cho bệnh nhân, đào tạo đội ngũ điều dưỡng về kiến thức chuyên môn và phương pháp tư vấn hiệu quả (bao gồm các khóa học trực tiếp và trực tuyến), giáo dục bệnh nhân thông qua các tài liệu tuyên truyền, poster, website… Cách tiếp cận đột phá của dự án bao gồm tổ hợp các hoạt động cả “online” và “offline”. Hai chuỗi hoạt động này sẽ tạo vòng khép kín đảm bảo bệnh nhân được hiểu rõ hơn về bệnh, thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị lâu dài…
Để thực hiện mục tiêu này, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Servier Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ sở y tế và các hội chuyên ngành để thực hiện việc đào tạo và nâng cao năng lực của cán bộ y tế trong việc tư vấn giúp bệnh nhân tự quản lý bệnh THA & ĐTĐ (tổ chức các khóa đào tạo trực tiếp và trực tuyến cho điều dưỡng về kiến thức bệnh THA & ĐTĐ và kỹ năng tư vấn cho người bệnh).Mỗi bệnh viện đều có thể truy cập vào hệ thống báo co để theo dõi số lượng bệnh nhân được tư vấn và bảo đảm chất lượng tư vấn cũng như sự hài lòng của người bệnh.
Dự kiến có khoảng 100-200 góc tư vấn được xây dựng trong vòng 2 năm tới (2019 – 2020) trên toàn quốc.
Hoàng Hiền