Đảm bảo cung ứng vaccine phòng bệnh phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) tiếp tục có công văn yêu cầu các đơn vị đảm bảo cung ứng vaccine phòng bệnh phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván. Ngày 21-2, Cục Quản lý Dược đã có công văn số 1900/QLD-KD gửi các đơn vị về việc đảm bảo cung ứng vaccine phòng bệnh phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván (bao gồm cả vaccine phối hợp thêm các bệnh viêm gan B, bại liệt, bệnh do Hib - vaccine 5/1, 6/1), trong đó nêu các biện pháp cụ thể cần thực hiện đối với từng đơn vị.
Hiện nay, trên một số phương tiện truyền thông có phản ánh về tình trạng nhu cầu vaccine 5/1 và 6/1 trong tiêm chủng dịch vụ tăng cao tại một số địa phương. Để tăng cường và chủ động nguồn cung, đảm bảo cung ứng đủ vaccine phòng bệnh phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván (bao gồm cả vaccine 5/1 và 6/1) cho nhu cầu tiêm chủng của nhân dân, Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị khẩn trương báo cáo công tác triển khai ý kiến chỉ đạo của Cục tại công văn nêu trên, trong đó nêu rõ các hoạt động cụ thể đã triển khai đối với từng nội dung chỉ đạo cụ thể, kết quả triển khai, các khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai (nếu có), ý kiến đề xuất (nếu có). Báo cáo gửi về Cục Quản lý Dược trước ngày 3-4-2019.
Trước mắt, để đảm bảo cung ứng kịp thời vaccine 5/1, 6/1 tại một số địa phương, Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị cung ứng (công ty nhập khẩu, công ty phân phối, Chương trình tiêm chủng mở rộng) ưu tiên cung ứng ngay lượng vaccine còn tồn kho và lượng vaccine sắp nhập kho cho các cơ sở tiêm chủng đang thiếu vaccine đột biến theo thông tin trên báo chí (như: Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng…) hoặc theo sự điều phối của Cục Quản lý Dược hoặc Cục Y tế Dự phòng để tránh hiện tượng thừa, thiếu cục bộ vaccine.
Đối với vaccine đã nhập khẩu về và chờ Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế (NICVB) kiểm định, đề nghị Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế tập trung nguồn lực để khẩn trương kiểm định vaccine theo đúng chỉ đạo của Cục Quản lý Dược tại công văn số 3916/QLD-KF ngày 26-3-2019. (An ninh Thủ đô, trang 2).
Hà Nội: Cứ 10 vạn dân lại có 65 người mắc bệnh lao, tiến tới loại trừ trước 2030
Tính tới thời điểm hiện tại, số người mắc lao trong cộng đồng trên địa bàn Hà Nội ở mức 65/100.000 dân, tiệm cận với mục tiêu đề ra đến năm 2020 là 63 người/100.000 dân). Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện chiến lược phòng chống lao của Chính phủ, đến thời điểm này Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực, cơ bản thực hiện theo lộ trình các mục tiêu đã đặt ra.
Cụ thể, số bệnh lao thu nhận giảm bình quân 0,6 – 1%/năm, giảm từ 4.769 bệnh nhân vào năm 2014 còn 4.187 bệnh nhân năm 2018; số người mắc lao trong cộng đồng ở mức 65/10 vạn dân, tiêm cận với mục tiêu năm 2020 là 63 người/10 vạn dân); tỷ lệ người mắc bệnh lao khỏi và hoàn thành điều trị đạt 90% với người mắc lao mới và 70% đối với người bệnh lao đa kháng thuốc,…
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, dù công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn còn gặp khó khăn, nhất là tình trạng lao kháng thuốc, siêu kháng thuốc và thể bệnh lao phức tạp có xu hướng tăng nhanh, song với những nền tảng hiện tại, Hà Nội cam kết hoàn thành các mục tiêu Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Đặc biệt, Hà Nội đã mạnh dạn đặt mục tiêu đến 2030 sẽ giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân; tiếp tục giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 2/100.000 người dân và thực hiện mục tiêu TP Hà Nội chấm dứt lưu hành bệnh lao trước năm 2030.
Trên phạm vi cả nước, trong 10 năm qua, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình là 3,8% một năm. Những năm gần đây tốc độ giảm tăng nhanh hơn, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là một kết quả rất đáng khích lệ, nếu so sánh với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Dù vậy, hiện Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Bệnh lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
Để Việt Nam sớm hoàn thành sứ mệnh phòng, chống lao, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung công tác phòng chống Lao vào Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Việt Nam cũng cam kết với cộng đồng quốc tế về mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Để hoàn thành mục tiêu này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu không chỉ ngành y tế mà cả hệ thống chính trị cùng phải vào cuộc, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ về bệnh lao bởi phát hiện và điều trị sớm bệnh lao là vô cùng quan trọng và có tính quyết định.
Dù vậy, hiện Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Bệnh lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
Để Việt Nam sớm hoàn thành sứ mệnh phòng, chống lao, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung công tác phòng chống Lao vào Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Việt Nam cũng cam kết với cộng đồng quốc tế về mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Để hoàn thành mục tiêu này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu không chỉ ngành y tế mà cả hệ thống chính trị cùng phải vào cuộc, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ về bệnh lao bởi phát hiện và điều trị sớm bệnh lao là vô cùng quan trọng và có tính quyết định. (An ninh Thủ đô, trang 8).
Bệnh viện Từ Dũ có ngân hàng sữa mẹ cứu trẻ sinh non
Ngày 10-4 tới đây, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM chính thức khai trương ngân hàng sữa mẹ. Sự ra đời của “ngân hàng” này được kỳ vọng là “chiếc phao cứu sinh” cho nhóm trẻ không có cơ hội tiếp cận với nguồn sữa mẹ, đặc biệt là trẻ sinh non.
ừ ý tưởng ban đầu vào năm 2017, vượt qua muôn vàn khó khăn, đến nay đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã hình thành được ngân hàng sữa mẹ.
Chia sẻ về hành trình nhân văn này, bác sĩ chuyên khoa 2 NGUYỄN THỊ TỪ ANH - trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ - nói:
- Hoạt động của ngân hàng sữa mẹ không chỉ đơn thuần là việc cho và xin sữa, mà còn có nhiệm vụ hỗ trợ thông tin cho các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ. Ngân hàng sữa mẹ ra đời đáp ứng được rất nhiều nhu cầu của xã hội, trong đó cơ bản là giúp các bà mẹ chia sẻ nguồn sữa sẵn có cho trẻ sinh non đang từng ngày phải uống sữa bột.
Chỉ có 30% trẻ sinh non được bú sữa mẹ
* Bác sĩ nói sự ra đời của ngân hàng sữa mẹ đáp ứng rất nhiều nhu cầu của xã hội?
- Đúng vậy. Nhu cầu về sữa mẹ là rất lớn, nhưng thực tế chưa thể đáp ứng đủ. Hiện nay, trung bình một năm tại Bệnh viện Từ Dũ có 6.000-7.000 trẻ sinh non nhẹ cân cần được điều trị. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% trẻ sinh non có bệnh lý được uống nguồn sữa từ chính mẹ đẻ. Nhu cầu lớn là vậy, tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay là có hơn 70% bà mẹ đến từ các tỉnh, họ không có điều kiện gửi sữa lại khiến trẻ có nhu cầu phải sử dụng sữa bột.
Ngoài trẻ sinh non, còn có nhiều câu chuyện trẻ sơ sinh "khát" sữa mẹ thường gặp. Đó là câu chuyện của người mẹ mới sinh con qua đời vì bạo bệnh, tai nạn giao thông. Rồi có trường hợp người mẹ bị phỏng rất nặng phải cắt bỏ cả hai vú. Các cháu bé ấy rất cần sữa mẹ và ngân hàng sữa mẹ sẽ giúp các trẻ hồi sinh.
* Đâu là điểm khác biệt của trẻ sử dụng nguồn sữa mẹ và trẻ sử dụng sữa bột, thưa bác sĩ?
- Với trẻ sinh non, sữa mẹ vô cùng quan trọng. Bởi sữa mẹ không đơn thuần là dinh dưỡng mà có ý nghĩa đến sự sống còn của bé. Sinh non, nhẹ cân kéo theo nếu bé sử dụng sữa bột thì khả năng bị viêm ruột hoại tử - bệnh lý thường gặp ở trẻ sinh non - tăng rất cao. Nếu trẻ mắc bệnh tới mức độ phải can thiệp phẫu thuật thì khả năng sống của trẻ giảm đi rất nhiều, chưa kể sau phẫu thuật trẻ còn chịu nhiều biến chứng như nhiễm trùng, hội chứng ruột ngắn, giảm hấp thu, suy dinh dưỡng...
Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng việc uống sữa mẹ thanh trùng sẽ giúp trẻ giảm 3 lần viêm ruột hoại tử, giảm 19% nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh, giảm thời gian nằm viện 15 ngày và giảm thời gian nuôi dưỡng tĩnh mạch 10 ngày... so với việc sử dụng sữa bột. Ngoài ra, trẻ sinh non nuôi dưỡng bằng sữa mẹ giúp khả năng hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn và giảm tiêu chảy.
Đảm bảo an toàn
* Nhiều người rất quan tâm đến chất lượng của sữa hiến tặng. Và bác sĩ có nói rằng nguồn sữa hiến này sẽ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn...
- Đúng như vậy. Nguồn sữa mẹ hiến tặng được giám sát chặt chẽ thông qua các xét nghiệm sàng lọc, phỏng vấn, kiểm tra hồ sơ bệnh án... Đối với các bà mẹ hiến sữa bắt buộc phải đáp ứng các tiêu chí về sức khỏe phải tốt, không mắc các bệnh lý có thể lây qua đường sữa mẹ như viêm gan B, C, HIV, giang mai... và tuyệt đối không sử dụng những loại thuốc ảnh hưởng chất lượng sữa mẹ.
* Quy trình thanh trùng sữa mẹ hiến tặng được thực hiện như thế nào, thưa bác sĩ?
- Sữa mẹ nếu trẻ bú trực tiếp thì khả năng nhiễm khuẩn rất thấp. Nhưng khi vắt, nếu kỹ thuật không đảm bảo vệ sinh sẽ rất dễ lây nhiễm vi khuẩn từ bên ngoài. Kế đến là quá trình lưu trữ không đảm bảo nhiệt độ, vệ sinh tủ đông không đúng cách, nhiệt độ không ổn định... Bởi phần lớn các nguồn bệnh lây qua đường sữa mẹ là do nhiễm siêu vi.
Khi tham gia hiến tặng sữa, các bà mẹ được trang bị túi bảo quản và nhiệt kế nhằm theo dõi nhiệt độ sữa trong tủ lạnh. Mỗi đơn vị sữa hiến tặng đều được ghi tên, dán mã số và ngày giờ vắt để phân biệt hoặc có thể truy xuất khi có sự cố.
Đặc biệt sữa thanh trùng sẽ được làm nóng tới nhiệt độ 62,50C trong vòng 30 phút, rồi giảm dần còn 40C. Quy trình này nhằm khống chế, loại bỏ các tác nhân vi sinh học như nấm, vi khuẩn, virút, bào tử... nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng và miễn dịch của sữa mẹ.
* Để chuẩn bị cho "ngân hàng sữa mẹ" hoạt động ổn định, bền vững, đơn vị có những sự chuẩn bị như thế nào?
- Hiện tại chúng tôi động viên được 100 đoàn viên, đều là bác sĩ của bệnh viện với vốn kiến thức y khoa sẵn có và được cập nhật thêm kiến thức về lưu trữ, nuôi con bằng sữa mẹ... Ngoài vai trò tiếp cận các bà mẹ thu nhận sữa thô, họ sẽ quan sát việc thực hành lưu trữ sữa, kiểm tra sức khỏe cho các bà mẹ hiến sữa.
Đơn vị cũng thiết lập kênh truyền thông ngay tại các phòng khám thai, khoa hậu sản, sơ sinh... Ngoài ra, đơn vị chủ động lập số điện thoại, trang web, fanpage trên Facebook về ngân hàng sữa mẹ. Các bà mẹ có nhu cầu hiến sữa có thể liên hệ qua các "kênh" này để được tư vấn.
* Đến nay, việc thử nghiệm đạt kết quả như thế nào và bác sĩ kỳ vọng gì trong tương lai?
- Từ lúc thử nghiệm (19-3) đến nay, ngân hàng vận động 6 bà mẹ hiến tặng với trên 30 lít sữa. Mong mỏi của chúng tôi là ngân hàng này sẽ cung cấp được cho trẻ mỗi ngày 14 lít sữa mẹ. Đối với người sử dụng chỉ cần trả một khoản chi phí nhỏ để bù đắp một phần kinh phí duy trì ngân hàng sữa mẹ.
Trong tương lai, chúng tôi mong muốn sẽ liên kết với nhiều bệnh viện sản khoa để có thể huy động nguồn sữa mẹ đáp ứng nhu cầu cho các trẻ sinh non có bệnh lý ở các bệnh viện nhi đồng. Và để ngân hàng này hoạt động tốt, điều quan trọng là phải được sự ủng hộ từ cộng đồng...
Đòi hỏi nguồn sữa tuyệt đối an toàn
* Những khó khăn gặp phải khi thực hiện đề án này là gì?
- Từ trước tới nay, nước ta chưa có văn bản pháp quy nào quy định về việc quản lý sữa mẹ. Trên thực tế, sữa mẹ không được xem như một sản phẩm thông thường bởi tiềm ẩn trong đó các tế bào sinh học. Ngoài ra, sữa mẹ còn là dịch tiết cơ thể người nên phải được quản lý như một mô, điều này hoàn toàn khác so với quản lý máu và tinh trùng.
Khó khăn kế đến là đòi hỏi nguồn sữa phải tuyệt đối đạt tiêu chuẩn an toàn, bởi các trẻ dùng sữa phần lớn là sinh non có bệnh lý kèm theo nên rất yếu ớt. Bên cạnh đó là vấn đề trang thiết bị. Hầu hết các trang thiết bị chuyên dùng như máy thanh trùng sữa, tủ đông, bình sữa... không có sẵn ở nước ta, mà phải nhập từ Anh và một số nước. Do đó, để cho ra đời một ngân hàng sữa mẹ đòi hỏi tốn rất nhiều công sức, tiền bạc.
Ngân hàng sữa mẹ thứ 2 ở Việt Nam
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay có khoảng 600 ngân hàng sữa mẹ ở 37 quốc gia. Với sự ra đời của ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ, nước ta chính thức có hai ngân hàng sữa mẹ được Bộ Y tế cấp phép. Ngành y tế kỳ vọng với tiêu chuẩn quốc tế, các ngân hàng hội nhập vào mạng lưới ngân hàng sữa mẹ khu vực Đông Nam Á và toàn cầu.
Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ra đời tại Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng vào tháng 2-2017. Đây là bệnh viện được Bộ Y tế và dự án Alive&Thrive đánh giá việc áp dụng thực hành nuôi con bằng sữa mẹ rất tốt và được tặng danh hiệu "Trung tâm kiểu mẫu" về chăm sóc trẻ sơ sinh thiết yếu sớm.
- Ngoài ngân hàng sữa mẹ, UBND TP.HCM cũng vừa quyết định thành lập ngân hàng tế bào gốc máu cuống rốn tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM.
San sẻ nguồn sữa yêu thương
Chị Phạm Thị Tuyền (24 tuổi, quê Đồng Nai) là 1 trong 6 bà mẹ đầu tiên tình nguyện hiến sữa cho ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ. Cách đây tròn 3 tháng, con chị chào đời với cân nặng chỉ vỏn vẹn 900g.
Giống như bao bà mẹ có con sinh non đang từng ngày "ôm ấp" bằng phương pháp Kangaroo (da kề da), chị Tuyền bảo chị hiểu được các bé rất cần sữa mẹ, nên chị sẵn sàng "san sẻ" phần sữa của mình đang có. Trải qua nhiều lần hiến dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, đến nay chị đã hiến được gần 14 lít sữa. (Tuổi trẻ, trang 4).
E ngại tiêm chủng mở rộng?
Hiện nay, tại một số nơi có tình trạng phụ huynh e ngại tiêm chủng mở rộng, đưa con đi tiêm dịch vụ dẫn đến tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ ... (Tuổi trẻ, trang 14).
Phòng khám Trung Quốc: Cho phiên dịch khám bệnh, moi tiền
“Quên” báo giá tiền xét nghiệm, siêu âm, “vẽ” thêm bệnh, “hù” bệnh nhân để moi tiền… Thậm chí người khám bệnh không phải là bác sĩ.
Thời gian qua, có khá nhiều phản ánh của người bệnh về việc một số phòng khám đa khoa (PKĐK) có bác sĩ (BS) Trung Quốc trên địa bàn TP.HCM.
Trong vai người bệnh, phóng viên (PV) báo Pháp Luật TP.HCM đã thâm nhập PKĐK Khang Thái (87-89 Thành Thái, quận 10, TP.HCM) trong hai ngày 18 và 19-3 để tìm hiểu.
Xét nghiệm là ra một đống bệnh
Ngày 18-3, trong vai một người bị đau, ngứa bộ phận sinh dục kèm tiểu buốt, tiểu rát, nước tiểu đục, PV tới bộ phận tiếp tân của phòng khám khai bệnh.
Sau khi đóng 20.000 đồng để nhận sổ khám, PV được nhân viên phòng khám dẫn lên khoa Nam học. Tại đây, hai phụ nữ mặc blouse trắng hỏi han bệnh tình và giải thích sơ về căn bệnh tôi đang mắc, đồng thời hướng dẫn tôi thực hiện một số xét nghiệm.
Một người đàn ông mặc blouse trắng dẫn tôi tới điểm đóng tiền xét nghiệm. Ông cho biết tôi sẽ phải xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm nhưng lại “quên” thông báo giá tiền và cũng không cần biết bệnh nhân có đồng ý làm xét nghiệm hay không.
Chỉ khi cầm phiếu thu tiền tôi mới biết có năm xét nghiệm tổng cộng 900.000 đồng kèm dòng chữ “Bệnh nhân đã tìm hiểu kỹ bảng giá và đồng ý làm các dịch vụ trên”.
Khoảng 20 phút sau, kết quả siêu âm của tôi ghi nhận: Tuyến tiền liệt có điểm vôi hóa, kích thước to và chức năng hồi âm kém đồng đều. Kết luận bị tràn dịch màng ngoài tinh hai bên tinh hoàn và thành bàng quang dày, kém nhẵn. Tiếp đó tôi được đưa vào phòng khám để kiểm tra bệnh tình.
Lấy lý do chưa chuẩn bị tâm lý, còn run…, tôi xin về và hẹn hôm sau sẽ quay lại.
Hù cho bệnh nhân sợ
Hôm sau tôi quay lại phòng khám. Sau khi xem lại kết quả siêu âm, người phụ nữ (tạm gọi bà A) nói bên trong tinh hoàn của tôi có dịch.
Nói rồi bà chỉ vào hình vẽ bộ phận sinh dục nam trên bàn, giải thích thành bàng quang của tôi bị viêm, dịch tích tụ làm tuyến tiền liệt bị sưng to hơn kích thước bình thường. Chỉ thêm vài điểm nữa, bà tiếp: “Chúng tôi vừa kiểm tra vừa điều trị chứ không phải kiểm tra rồi thôi”, rồi bà và một người đàn ông đưa tôi vào một phòng nhỏ nằm trên lầu hai.
Trong phòng, một dàn đèn phẫu thuật treo trên cao, dưới là chiếc bàn nhỏ trải vải trắng. Bà A nói tôi lên bàn, tụt quần xuống tới gối rồi đi ra.
Nằm chờ khoảng năm phút sau mới thấy bà A cùng một người đàn ông đeo khẩu trang bước vào (tạm gọi là ông B). Trong lúc ông B loay hoay với đồ nghề, bà A nói với tôi: “Chẩn đoán anh bị viêm tuyến tiền liệt và viêm tinh hoàn. Tuyến tiền liệt của anh kích thước hơi to, bên trong có vôi hóa”.
Nghe tôi hỏi vôi hóa có ảnh hưởng gì không, bà giải thích: “Vôi hóa cũng như… vôi tường, để lâu kích thước càng lớn và sẽ thành sỏi tuyến tiền liệt. Sỏi tuyến tiền liệt khó chữa nên đừng để vôi hóa ngày càng to”.
“Tuyến tiền liệt là bộ phận quan trọng của đàn ông, bị viêm sẽ dẫn đến xuất tinh sớm, rối loạn cương, tiểu buốt, tiểu rát, tiểu lắt nhắt, đau lưng, đau bụng dưới. Anh có những triệu chứng như tôi vừa kể không?” - bà A bồi thêm.
Nghe bệnh nhân trả lời có, bà tiếp: “Anh hiện bị viêm tuyến tiền liệt giai đoạn 1 nên cần chữa sớm. Nếu không viêm ngày càng nhiều, kích thước càng to sẽ chuyển qua giai đoạn 2 là phì đại. Bước qua giai đoạn 3 là ung thư tuyến tiền liệt, phải mổ” - bà A nói như hù bệnh nhân.
Đúng lúc này, tôi giật thót người vì bị ông B đột ngột nhét một vật vào lỗ niệu đạo…
Ra giá ngay trên bàn khám
Thấy tôi định nhổm dậy, bà A mạnh tay ấn vào vai tôi: “Nằm xuống. Chồm người khi khám bệnh sẽ không chính xác. Đút ống nhựa là để hút dịch viêm ra ngoài”.
Gần một phút sau, bà A nói ống nhựa đã đặt xong, giờ sẽ hút dịch để kiểm tra. Tôi không biết ông B đã làm gì nhưng lát sau ông giơ cao ống bơm kim tiêm chứa đầy chất lỏng cho tôi thấy. Bà A chỉ vào ống bơm kim tiêm rồi nói: “Dịch trong bàng quang của anh hút ra đó. Thấy bợn không, bợn là vi khuẩn. Vi khuẩn quá trời làm viêm nhiễm nên tiểu rát, sưng tuyến tiền liệt”.
Bà chỉ vào thau nhôm chứa chất lỏng có màu đục, tiếp: “Đây cũng là dịch trong bàng quang của anh nè, vừa có tinh trùng vừa có dịch viêm nên ảnh hưởng tới tinh trùng. Dịch viêm làm sưng tuyến tiền liệt sẽ chuyển qua phì đại”.
Tôi gật gật đầu rồi hỏi phải chữa trị theo cách nào. Bà nói bơm thuốc vô ống nhựa rồi súc rửa để dịch viêm đào thải ra ngoài qua đường tiểu. “Có hai loại thuốc. Thuốc thường sẽ bơm hai lần, hôm nay và ngày mai, mỗi lần bơm 4,8 triệu đồng. Dùng thuốc tốt chỉ bơm một lần giá 9,8 triệu đồng nhưng phải được theo dõi và truyền dịch liên tiếp bốn ngày sau. Chi phí mỗi ngày 700.000-800.000 đồng” - bà A báo giá.
“Tôi nói trước, cho dù anh dùng thuốc tốt thì cũng chỉ súc được 80% dịch viêm ra ngoài. 20% dịch viêm còn lại sẽ từ từ tống ra nhờ truyền dịch mỗi ngày. Anh dùng thuốc thường cũng vẫn phải truyền dịch trong bốn ngày” - bà A nói tiếp.
Cũng theo bà A, do nước dịch của tôi chỉ có bợn, chưa thấy máu và mủ nên điều trị giá dưới 10 triệu đồng. Còn nếu có mủ, có máu thì giá điều trị khoảng 15-18 triệu đồng. “Hiện giờ điều trị vẫn kịp. Anh mà để kích thước sỏi trên 60 mm thì phòng khám không điều trị được đâu” - bà A nói thêm.
Khi tôi hỏi cách thanh toán tiền điều trị, bà A cho biết cứ bơm thuốc xong thì phòng khám thu tiền. Có bao nhiêu tiền mặt đóng trước bấy nhiêu, phần còn thiếu chuyển khoản hoặc bảo vệ phòng khám theo khách về tận nhà lấy cũng được.
Bà A ướm lời: “Giờ anh dùng thuốc tốt nghe?”. Tôi chưa kịp trả lời, cơn đau tiếp tục ập tới và gây mắc tiểu kinh khủng. Tôi nhờ ông B rút ống nhựa để đi tiểu nhưng ông dửng dưng. Còn bà A nói: “Không có rút. Ống này một lát dùng đưa thuốc vô. Rút ra rồi đâm lại anh chịu sao nổi”.
Tôi tiếp tục than đau và đòi đi tiểu, bà A kêu cô mặc đồng phục xanh vào hút nước tiểu cho tôi. Đến khi tôi nói như van: “Rút ống ra đi, tôi đồng ý trị bệnh. Tiểu xong tôi vô lại. Đau tức quá” nhưng bà A vẫn liên tục hù để buộc tôi phải đồng ý trị bệnh.
Đến khi không thể đưa tôi vào tròng, bà bảo cô mặc đồng phục xanh rút ống nhựa khỏi đường niệu cho người bệnh. Báo hại tôi do bị đút ống nhựa vào đường tiết niệu nên bị hành hạ mấy ngày trời, đau nhức kèm tiểu rát, tiểu buốt, lắt nhắt…
Người khám là… cô phiên dịch
Chiều 21-3, dưới danh nghĩa PV báo Pháp Luật TP.HCM, tôi trở lại PKĐK Khang Thái.
Tại phòng khám, một phụ nữ xưng tên là Nguyễn Thị Minh Hương (đại diện phòng khám) và một người tên Phương (nhân viên) tiếp tôi. Trong buổi làm việc, tôi đã trình bày tất cả diễn biến trong quá trình khám, điều trị tại PKĐK Khang Thái . Đồng thời nhấn mạnh chi tiết bà A bịa thêm bệnh nặng để người bệnh sợ mà đồng ý trị bệnh.
Tôi cũng cho đại diện phòng khám biết bà A đã tìm đủ cách buộc tôi trị bệnh và dẫn chứng câu hù dọa: “Không rút ống nhựa ra được. Ống nhựa bị hút và dính luôn bên trong rồi. Muốn rút ống ra phải bơm thuốc điều trị vô” của bà.
Để chứng minh những gì tôi nói là thật, tôi đưa bà Hương xem đoạn clip ghi lại hình ảnh bà A đang giải thích bệnh tình rồi đặt câu hỏi bà ta tên thật là gì, có vai trò như thế nào tại phòng khám. “Cô này tên Lưu Quí Chi, trợ lý BS của phòng khám” - bà Hương trả lời.
“Bà Chi không phải BS, vậy tại sao phòng khám để bà Chi trực tiếp khám và điều trị bệnh nhân?” - tôi hỏi. “Chắc lúc đó BS bận nên cô Chi làm thay” - bà hương giải thích
(Trong cuộc điện thoại sau đó, bà Chi cho biết thêm PKĐK Khang Thái có đăng ký BS Trung Quốc hành nghề và bà Chi hiện là phiên dịch cho các BS này - PV).
“Anh muốn gì tôi giải quyết, đừng đăng báo”
“Giọng nói cô Chi không được êm dịu khiến bệnh nhân không hài lòng. Cách nói chuyện, cách thuyết phục bệnh nhân của cô Chi hơi quá mức. Chúng tôi sẽ góp ý và làm việc với cô Chi về thái độ, mong anh bỏ qua cho” - bà Hương phân trần.
Rồi bà đánh tiếng: “Anh vừa là PV, vừa là bệnh nhân, tôi đại diện phòng khám xin lỗi và mong anh giải tỏa bức xúc này. Chúng tôi muốn mọi việc êm đẹp chứ không muốn anh đưa lên báo. Vậy mong muốn của anh là gì, tôi sẽ giải quyết rốt ráo”.
Thấy tôi không nói, bà tiếp tục thuyết phục: “Hôm nay anh đến đây trong tâm trạng của bệnh nhân nên tôi cũng muốn giải quyết mọi chuyện êm đẹp ngay trong ngày. Tôi không muốn việc này lên báo thêm phức tạp, cũng không phải tới Sở Y tế TP.HCM. Tôi muốn biết mong muốn của anh thế nào để tôi giải quyết luôn”.
Chiều hôm sau (22-3), số điện thoại 02838665667 gọi đến máy tôi, người phụ nữ đầu dây bên kia cho biết tên bà là Phương. Bà Phương cho biết ban giám đốc phòng khám sẽ hoàn lại 900.000 đồng tiền xét nghiệm. Đồng thời hỗ trợ 5 triệu đồng để không đưa thông tin cho bên thứ ba.
“Anh thấy đề xuất này có được không?” - bà Phương thăm dò.
Thay tên đổi họ sau nhiều lần bị phạt
Tháng 12-2018, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM ra quyết định phạt Công ty TNHH PKĐK Khang Thái (87-89 Thành Thái, phường 14, quận 10, TP.HCM) 51 triệu đồng.
Lý do, phòng khám nói trên lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định. Chưa hết, phòng khám này không bảo đảm các điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất trong quá trình hoạt động.
Bên cạnh đó, PKĐK Khang Thái còn có hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn. Thanh tra Sở Y tế TP.HCM buộc phòng khám tháo gỡ quảng cáo vượt phạm vi chuyên môn.
Cũng trong thời điểm này, bà Fan Xiao Li (cùng địa chỉ PKĐK Khang Thái) cũng bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phạt 10 triệu đồng. Lý do người nước ngoài trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh bằng tiếng Việt nhưng chưa được công nhận là biết tiếng Việt thành thạo.
Điều đáng nói, địa chỉ 87-89 Thành Thái, phường 14, quận 10 trước đây là cơ sở của PKĐK Elizabeth. Phòng khám này đầy tai tiếng khi bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM liên tục xử phạt.
Nguyên do, phòng khám không niêm yết giá dịch vụ; lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ. Chưa hết, phòng khám không lập hồ sơ bệnh án theo quy định, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép.
Viêm tuyến tiền liệt không dẫn tới ung thư
"Viêm tuyến tiền liệt ở mức độ bình thường chỉ cần uống kháng sinh là khỏi. Điều trị bằng cách đưa thuốc trực tiếp vào niệu đạo bằng ống nhựa mang tính chất không chính thống" - TS-BS Trương Hoàng Minh, Trưởng khoa Ngoại niệu - Ghép thận BV Nhân dân 115 TP.HCM, nói.
Theo BS Minh, về nguyên tắc, khi đưa ống nhựa vào niệu đạo rồi lấy ra buộc phải thực hiện trong điều kiện hoàn toàn tiệt khuẩn và vô trùng. Nếu không sẽ gây nhiễm trùng niệu đạo.
"Đưa thuốc vào niệu đạo súc rửa thông qua ống nhựa để điều trị viêm tuyến tiền liệt dễ gây nguy cơ viêm nhiễm nặng hơn bởi đưa thêm những vi khuẩn khác vào. Bên cạnh đó, ống nhựa đưa vào niệu đạo có nguy cơ gây trầy xước và làm hẹp đường niệu đạo, gây rối loạn chức năng đi tiểu" - BS Minh giải thích thêm.
Cũng theo BS Minh, siêu âm chưa thể xác định bệnh nhân có bị viêm tuyến tiền liệt hay không mà phải kết hợp thăm khám, xét nghiệm tinh dịch. Cạnh đó, cũng không có phương pháp đưa ống nhựa vào niệu đạo lấy dịch để chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt vì dịch đâu nhiều đến mức rút ra đầy ống kim tiêm.
"Viêm tuyến tiền liệt xảy ra trong cơ thể nên bệnh nhân đâu biết, đâu thấy. Phòng khám nói thế nào bệnh nhân nghe thế ấy rồi điều trị một cách vô thưởng vô phạt để lấy tiền là không được" - BS Minh cho hay.
Về thắc mắc tuyến tiền liệt bị vôi hóa, đưa thuốc vô để làm tan vôi và tống ra ngoài bằng đường tiểu có đúng không, BS Minh khẳng định là không vì vôi hóa hình thành trong tuyến tiền liệt trong khi niệu đạo lại đi ngang tuyến tiền liệt.
"Vôi hóa tuyến tiền liệt là một hiện tượng lành tính. Nếu như vôi hóa kết hợp phì đại tuyến tiền liệt và phì đại đó đến mức phải can thiệp thì chỉ cần giải quyết phì đại và sẵn đó lấy luôn vôi hóa ra" - BS Minh nói.
Về việc không trị viêm tuyến tiền liệt sẽ thành phì đại tuyến tiền liệt rồi dẫn tới ung thư, BS Minh khẳng định điều này hoàn toàn sai. Nếu viêm tuyến tiền liệt nhiều lần thì kích thước tuyến tiền liệt sẽ to ra, ảnh hưởng chức năng đi tiểu mà thôi. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 1).
Lạm dụng thuốc giảm đau, hậu quả khôn lường
Nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu do xuất huyết tiêu hóa, dị ứng. Về lâu dài, chức năng gan, thận, tim mạch bị ảnh hưởng do tự ý dùng thuốc giảm đau. Hiện nay người dân có thể tìm mua nhiều loại thuốc giảm đau tại các nhà thuốc mà không cần kê toa của bác sĩ (BS). Thế nhưng thói quen tự ý dùng thuốc giảm đau này tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe.
Nhiều trường hợp nhập viện
Tại BV ĐH Y Dược TP.HCM, cách đây khoảng một tháng, khoa Cấp cứu của BV tiếp nhận cụ ông TVT (75 tuổi, ngụ Long An) được người nhà đưa đến trong tình trạng tụt huyết áp, ói ra máu. Ngay lập tức, cụ ông được cho nội soi để tìm nguyên nhân gây chảy máu. Hình ảnh nội soi cho thấy dạ dày của bệnh nhân có điểm loét đang phun máu. Bệnh nhân được chích thuốc cầm máu điểm loét, truyền dịch, truyền máu để ổn định tình trạng. Tìm hiểu từ phía người nhà, các BS được biết hai ngày trước, cụ ông phụ sửa nhà với gia đình nên bị đau lưng. Thấy vậy, người nhà ra nhà thuốc mua thuốc giảm đau cho ông uống, tuy nhiên uống được hai ngày thì ông bất ngờ bị ngất xỉu. Nghĩ cụ ông phụ việc quá sức nên người nhà cho ông nghỉ ngơi, không ngờ ông ói ra máu, tụt huyết áp nên vội đưa đi cấp cứu. Các BS nhận định thuốc giảm đau là nguyên nhân làm cho dạ dày bị xuất huyết. Có thể cụ ông đã có ổ loét dạ dày từ trước, việc uống thuốc giảm đau càng làm cho ổ loét nghiêm trọng và ăn lan trúng mạch máu.
Một trường hợp khác là anh TVC (45 tuổi), vốn bị đau đầu viêm xoang đã lâu, nghe bạn mách thuốc giảm đau trị viêm xoang hay nên anh C. tìm uống. Khi uống đến ngày thứ ba thì anh bị đau bụng dữ dội nên nhập BV cấp cứu. Kết quả chụp CT cho thấy anh bị thủng dạ dày, phải phẫu thuật. Các BS nhận định trường hợp này nếu để trễ thì dịch, thức ăn từ dạ dày sẽ trào ra, gây viêm phúc mạc, nguy hiểm tính mạng.
Ngoài xuất huyết hệ tiêu hóa sau khi uống thuốc giảm đau, các BS tại BV cũng từng tiếp nhận một số ca dị ứng với thuốc giảm đau. Gần đây nhất là anh NL (35 tuổi), hay bị đau khớp nên nghe bạn mách uống thuốc giảm đau. Bản thân anh L. có tiền sử hay dị ứng nổi mề đay từ trước. Sau khi uống được một liều thuốc giảm đau, anh L. bị nổi mẩn ngứa, phù toàn thân, đi tiểu không được nên vào BV cấp cứu. Các BS cho hay trường hợp anh L. nếu nghĩ bị dị ứng thông thường mà tìm mua thuốc uống, kéo dài thời gian đi cấp cứu thì rất dễ dẫn đến suy gan, suy thận không hồi phục.
Nhiều tác hại lâu dài
BS CKII Nguyễn Viết Hậu, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho hay tại các nhà thuốc, khi khai đau đầu, đau lưng, chấn thương, thoái hóa khớp..., người dân dễ dàng được kê nhiều loại thuốc giảm đau. Tuy nhiên, thuốc giảm đau có nhiều tác dụng phụ mà người dân chưa lường trước được. Khoa Cấp cứu của BV thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh lý do tác dụng phụ của thuốc giảm đau, trong đó các bệnh lý cấp tính như thủng, xuất huyết đường tiêu hóa, dị ứng không hiếm gặp.
Liều lượng phải phù hợp cơ địa
Mỗi người có một cơ địa khác nhau, đối với người có sẵn bệnh lý nền như huyết áp, tim mạch, thận mạn, viêm gan, việc tự ý dùng thuốc giảm đau có thể khiến bệnh trầm trọng hơn như suy gan, suy thận, thiếu máu cơ tim gây nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp. Do đó khi cần dùng thuốc giảm đau, bệnh nhân nên hỏi BS để được đánh giá liều lượng phù hợp.
Ngoài ra, BV cũng ghi nhận nhiều trường hợp tự ý sử dụng lâu dài thuốc giảm đau, đặc biệt các thuốc giảm đau Đông y pha trộn nhiều chất hoặc thuốc Tây y mạnh có thể giữ muối, giữ nước lâu ngày, gây nhiều biến chứng cho người bệnh như tăng huyết áp, suy tuyến thượng thận, loãng xương, đái tháo đường... Có nhiều trường hợp bị suy tuyến thượng thận, tự ý dùng thuốc giảm đau thời gian lâu gây suy giảm sức đề kháng, rất dễ nhiễm trùng khiến việc điều trị khó khăn không hiếm gặp.
Ngoài ra, lạm dụng và sử dụng thuốc giảm đau lâu dài còn có thể gây nghiện, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. “Đối với những chấn thương đau sơ sài, người bình thường có thể chịu đựng được và không cần dùng thuốc giảm đau. Thế nhưng đối với người nghiện thuốc, khi gặp chấn thương nhỏ họ cũng sẽ không chịu được, bắt buộc phải dùng và tăng liều lượng thuốc liên tục” - BS Hậu cho hay.
Do đó, BS Hậu khuyến cáo người dân không nên tùy tiện dùng thuốc giảm đau mà nên dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của BS. “Khi được BS kê đơn thuốc giảm đau, người bệnh nên chú ý khai báo có cơ địa dị ứng, tình trạng đường ruột, dạ dày để BS kê toa phù hợp hoặc tư vấn thời điểm uống thuốc thích hợp. Một điểm lưu ý quan trọng khi uống thuốc giảm đau là tuyệt đối không uống khi đói vì có thể gây viêm, loét, nặng hơn là xuất huyết, thủng đường tiêu hóa” - BS Hậu lưu ý.
Sau khi uống thuốc giảm đau, nếu thấy những triệu chứng như ngứa, nổi mề đay, khó thở, lên cơn hen suyễn thì phải vào BV để cấp cứu. Ngoài ra, nếu uống thuốc xong mà cảm thấy đau bụng dữ dội, đau không giảm, nôn ói thì cũng phải nhập BV để BS kiểm tra đường tiêu hóa. Đối với người có bệnh tim mạch, bệnh thận mạn, viêm gan, sau khi uống cảm thấy khó chịu hoặc cảm giác khác lạ thì nên đến cơ sở y tế để kiểm tra. Đôi khi người bệnh chưa có biểu hiện bên ngoài nhưng bằng các xét nghiệm bên trong, các BS sẽ đánh giá tác động phụ của thuốc giảm đau lên tế bào gan, thận cho người bệnh để điều chỉnh phù hợp. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 1).
Hà Nội ghi nhận thêm 79 ca mắc sởi
Ngày 1-4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 25-3 đến hết ngày 31-3-2019), Hà Nội ghi nhận thêm 79 ca mắc sởi (tăng 19 trường hợp so với tuần liền trước), 6 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 1 ca), 3 ca mắc ho gà, 18 ca tay chân miệng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 633 ca mắc sởi, 154 ca mắc sốt xuất huyết, 49 trường hợp mắc ho gà và 176 ca mắc tay chân miệng. Điều đáng mừng là không ghi nhận trường hợp tử vong.
Bệnh nhân sởi phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 248/584 xã, phường. Một số địa phương ghi nhận nhiều bệnh nhân, như: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Ba Đình, Long Biên. Đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho trẻ 1-5 tuổi trên địa bàn thành phố đạt 95,6%.
Trong khi đó, bệnh sốt xuất huyết cần được chú ý, vì đến sớm. Bệnh nhân mắc bệnh này phân bố tại 27/30 quận, huyện, thị xã; 99 xã, phường; tăng 2,23 lần so với cùng kỳ năm 2018. Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông là những địa phương có nhiều ca mắc sốt xuất huyết.
Hiện nay, công tác giám sát bệnh trên địa bàn thành phố vẫn được thực hiện chặt chẽ. Công tác giám sát vệ sinh môi trường và các yếu tố gây dịch bệnh tiếp tục được thực hiện tại các địa phương. (Hà Nội mới, trang 1).
Gỡ khó cho cơ sở y tế tuyến huyện
Qua khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, cơ sở vật chất của nhiều bệnh viện tuyến huyện đã bị xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân Thủ đô. Đây cũng là trở ngại lớn cho việc thúc đẩy thực hiện tự chủ của các đơn vị, gây khó khăn trong kêu gọi xã hội hóa hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Khó khăn kêu gọi xã hội hóa
Thành phố Hà Nội có 42 bệnh viện trực thuộc, trong đó có 13 bệnh viện đa khoa cấp thành phố, 13 bệnh viện đa khoa cấp huyện, 16 bệnh viện chuyên khoa. Thời gian qua, việc huy động nguồn lực xã hội hóa được các bệnh viện đẩy mạnh với 70 đề án liên doanh, liên kết hoạt động tại 17 bệnh viện và 10 trung tâm y tế.
Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, việc triển khai và tổ chức thực hiện xã hội hóa tại các bệnh viện công lập tập trung ở các bệnh viện tuyến thành phố, trong khi đó hầu hết các bệnh viện tuyến huyện chưa triển khai được. Các bệnh viện đã thực hiện xã hội hóa cũng mới chủ yếu thu hút đầu tư lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm sinh hóa và huyết học. Đây là những lĩnh vực chủ đầu tư có thể thu hồi vốn nhanh, số vốn đầu tư cũng không quá lớn; còn các máy móc thiết bị chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao thì chưa kêu gọi được.
“Đặc biệt, cơ cấu giá dịch vụ liên doanh, liên kết cũng còn nhiều bất cập, chưa tính cụ thể khấu hao tài sản cố định của Nhà nước; trong khi giá trị khấu hao tài sản là máy móc thiết bị của đối tác đưa vào giá dịch vụ chiếm tỷ lệ cao, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh”, bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, Sở Y tế Hà Nội vừa hướng dẫn 8 cơ sở y tế lập Đề án trình UBND thành phố chấp thuận chủ trương cho phép xã hội hóa y tế theo tinh thần Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế. Theo đó, 8 đơn vị đó gồm Trung tâm Cấp cứu 115 và 7 bệnh viện hạng I và hạng II, không có bệnh viện nào thuộc tuyến huyện.
Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất là một điển hình về khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa, nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh. Một trong những nguyên nhân chính là do bệnh viện có diện tích chật hẹp, các tòa nhà xây dựng, đưa vào sử dụng nhiều năm đã xuống cấp trầm trọng, cùng với thiết kế lạc hậu, không bảo đảm tính liên hoàn. Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất Vương Trung Kiên, để thực hiện được xã hội hóa, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thì rất cần sự hỗ trợ của thành phố trong xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm thêm trang thiết bị y tế và tăng nguồn nhân lực.
Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hoàng Thị Tú Anh cho biết, kết quả khảo sát của ban cũng cho thấy, tình trạng nhiều bệnh viện tuyến huyện còn thiếu phòng làm việc, cơ sở vật chất chật hẹp, xuống cấp chưa được tu bổ, nâng cấp. Chưa kể còn xảy ra tình trạng, có nơi mới được đầu tư xây dựng nhưng một số hạng mục đã bị xuống cấp; trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ; thiếu nhất là các trang thiết bị công nghệ cao, chuyên sâu hiện đại để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất
Giám sát thực tế về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân tại Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trước thực trạng một số bệnh thông thường, nhưng người dân chưa tin tưởng tuyến y tế cơ sở nên tập trung ở các bệnh viện tuyến trên gây quá tải, thời gian tới, thành phố Hà Nội cần dành nguồn lực xứng đáng để tập trung xây dựng, phát triển tuyến y tế cơ sở. Đây là “cửa ngõ” trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhưng hiện tại đang yếu nhất. Ngoài ra, UBND thành phố cũng cần sớm rà soát các bệnh viện đa khoa cấp huyện để quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị, nhằm phục vụ người bệnh tốt hơn; đồng thời thu hút xã hội hóa thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho người dân khám, điều trị chất lượng cao.
Theo Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hoàng Thị Tú Anh, yếu tố con người là quan trọng, vì thế, UBND thành phố cũng cần ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút các chuyên gia, nhà quản lý giỏi trong và ngoài nước tham gia công tác tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, UBND thành phố sớm hướng dẫn quản lý tài sản công theo quy định của Chính phủ tạo điều kiện cho các đơn vị y tế công lập chủ động trong quá trình xây dựng và triển khai đề án xã hội hóa liên doanh, liên kết phát triển dịch vụ ngành Y tế.
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện công lập, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý khẳng định, thời gian tới, thành phố sẽ quan tâm đầu tư cho khu vực y tế cấp huyện và cơ sở về cả cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực, nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. (Hà Nội mới, trang 1).
Cứu sống bệnh nhân bị đa chấn thương nặng do tai nạn giao thông
Bệnh nhân 57 tuổi nhập viện trong tình trạng choáng nặng, mạch, huyết áp bằng không, tim đập rất yếu, da xanh, vỡ tụy, vỡ lách, vỡ khung chậu, gãy xương đùi, gãy 1 loạt xương sườn bên trái. Theo các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai), đến ngày 31-3, bệnh nhân Trương Thanh Hòa (57 tuổi, tạm trú tại xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) bị đa chấn thương nặng nguy kịch do tai nạn giao thông, đặc biệt có một quả thận trái rơi vào ổ bụng đã qua cơn nguy kịch, chỉ số sinh tồn ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt và đang được tiếp tục điều trị phục hồi chức năng tại bệnh viện.
Trước đó chiều tối 25-3, ông Trương Thanh Hòa nhập viện trong tình trạng choáng nặng, mạch, huyết áp bằng không, tim đập rất yếu, da xanh, vỡ tụy, vỡ lách, vỡ khung chậu, gãy xương đùi, gãy 1 loạt xương sườn bên trái, tính mạng nguy kịch do tai nạn giao thông.
Do bệnh nhân bị đa chấn thương nặng nên bệnh viện đã báo động đỏ, huy động hàng chục y bác sỹ tập trung cấp cứu, hồi sức cho bệnh nhân.
Vì không có người nhà nên Ban Giám đốc Bệnh viện đã quyết định ký giấy và đưa bệnh nhân vào phòng mổ cấp cứu khẩn cấp.
Trước khi đưa vào phòng mổ, do bệnh nhân mất quá nhiều máu (hơn 3 lít) nên các bác sỹ phải truyền dịch, truyền máu, dẫn lưu màng phổi, hồi sức tích cực cho bệnh nhân.
Tiến hành phẫu thuật, các bác sỹ đã mở ổ bụng bệnh nhân, kẹp các mạch máu để cầm máu trước. Sau đó, phát hiện tụy của bệnh nhân bị dập nát phần đuôi khiến dịch tụy tràn ra ổ bụng nên các bác sỹ đã khâu tụy để khống chế không cho dịch chảy ra ngoài gây ảnh hưởng đến các tạng xung quanh.
Các bác sỹ còn phát hiện trong ổ bụng bệnh nhân có 1 quả thận trái do va chạm mạnh đã đứt khỏi đài thận và rớt vào ổ bụng, may mắn đường ống dẫn nước tiểu đang còn nguyên nên các bác sỹ đưa thận khâu trở lại vị trí cũ.
Sau đó, các bác sỹ tiến hành cắt toàn bộ lá lách do bị vỡ và tiến hành kiểm tra các tạng khác, hút máu, dịch và làm sạch ổ bụng cho bệnh nhân.
Sau hơn 3 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công, bệnh nhân được truyền 12 lít máu.
Bác sỹ Phan Văn Phong, Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, cho biết do bệnh nhân đã chấn thương nặng nên bệnh viện phải huy động hàng chục y bác sỹ vừa hồi sức, truyền máu vừa mổ bảo tồn các tạng bị tổn thương cho bệnh nhân.
Trong quá trình mổ, bệnh nhân đe dọa tử vong ngay trên bàn mổ rất nhiều lần, nhiều lúc mạch và huyết áp trở lại bằng không, bệnh nhân choáng nhiều lần, nguy cơ tử vong cao. Các bác sỹ vừa mổ, vừa hồi sức tích cực, xoa bóp tim để giữ lại tính mạng cho bệnh nhân.
Bác sỹ Phan Văn Phong cho biết thêm bệnh nhân bị chấn thương phần mềm rất nhiều nên gây khó khăn trong ca phẫu thuật. Đối với các tổn thương về xương, vùng chậu, bệnh nhân sẽ được tiến hành phẫu thuật sau khi sức khỏe ổn định hơn.
Trường hợp này nếu không được cấp cứu khẩn cấp mà chuyển lên tuyến trên, bệnh nhân sẽ tử vong do mất máu cấp. (Gia đình & Xã hội, trang15).