Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo 07/01/2019

  • |
T5g.org.vn - Tránh sai lầm khi sơ cứu người đột quỵ; 3 phòng khám đa khoa tại TP. HCM bị phạt 162 triệu đồng; Gần 21.800 trẻ chào đời bằng phương pháp sinh thường tại BV Phụ sản TW năm 2018; Bộ Y tế: 90.000 trẻ nhỏ trên toàn quốc đã tiêm vắcxin ComBe FIVE; Ngừng tuần hoàn 80 phút, cụ ông vẫn sống sót ngoạn mục...

 

Tránh sai lầm khi sơ cứu người đột quỵ

Trung bình mỗi ngày, Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận 3 - 4 bệnh nhân đột quỵ. Con số này tăng lên vào những ngày rét đậm, rét hại, cao điểm có thể đến 30 - 40 bệnh nhân đột quỵ/ngày.“Các gia đình cần lưu ý nhận biết sớm và tránh sai lầm khi chăm sóc người bị đột quỵ”, TS-BS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai), khuyến cáo. Theo TS Chi, thời gian “vàng” để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là trong 6 giờ đầu, kể từ khi có biểu hiện. Nhưng tỷ lệ bệnh nhân đến BV Bạch Mai cấp cứu sớm trong khung giờ “vàng” hiện mới chiếm khoảng 7%, do sai lầm khi sơ cứu, chăm sóc tại gia đình.

“Nhiều người nhà bệnh nhân khi được hỏi vì sao giờ này mới đưa bệnh nhân đột quỵ đến nhập viện thì họ bảo nghe nói đột quỵ phải nằm yên một chỗ nên không đưa đi ngay. Đây là nhận thức hết sức sai lầm. Bởi không để bệnh nhân vận động là áp dụng với bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ nhẹ vẫn có thể đi được. Khi đó, nếu vận động, bệnh nhân có thể ngã, bệnh thêm nặng. Còn với bệnh nhân đột quỵ nói chung, cần khẩn trương đưa đến cơ sở y tế để được cấp cứu càng sớm càng tốt”, TS Chi cho hay.

Ông cũng lưu ý, sai lầm khác dễ gặp là khi thấy người thân của mình bị đột quỵ, người nhà thường cố gắng cho bệnh nhân uống thuốc đông y để điều trị. Việc này có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân vì khi đó có thể bị rối loạn phản xạ nuốt, dễ bị sặc vào đường thở, nguy hiểm cho người bệnh. “Khi phát hiện người có biểu hiện nghi ngờ đột quỵ, tuyệt đối không cho họ uống bất cứ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ”, TS Chi khuyến cáo, và cho biết các biện pháp lấy máu ở đầu ngón tay, sau tai đều không có tác dụng trong sơ cứu đột quỵ.

Đặc biệt, TS Chi cũng lưu ý, người dân không ra ngoài tập thể dục vào sáng sớm, vì thời tiết lạnh là yếu tố bất lợi, làm tăng huyết áp, gây đột quỵ. Vừa qua, BV Bạch Mai tiếp nhận các ca đột quỵ vào cấp cứu sau khi đi tập vào lúc 4 - 5 giờ sáng.

Nhận biết đột quỵ

Có 3 dấu hiệu chính để nhận biết cơn đột quỵ, theo hướng dẫn của PGS-TS Mai Duy Tôn, công tác tại Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, gồm: người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội; đột ngột nói khó hoặc không nói được, méo miệng; đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt.

Theo PGS-TS Tôn, khi có dấu hiệu trên, việc đầu tiên người nhà cần làm là gọi cấp cứu 115 để giúp gia đình đưa người bệnh vào cơ sở y tế điều trị chuyên sâu về đột quỵ. Nếu không có xe cấp cứu, cần vận chuyển sớm đến cơ sở y tế bằng các phương tiện an toàn.

Trong khi đợi xe cấp cứu, người nhà sơ cứu cho bệnh nhân bằng cách: để phần đầu và lưng bệnh nhân nằm nghiêng (giúp tránh bị sặc vào đường thở nếu bệnh nhân bị nôn); mặc quần áo thoáng. Nếu bệnh nhân ngừng tim, phải xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Người nhà phải dùng khăn tay quấn vào ngón tay trỏ để lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh. Nếu người bệnh bị co giật, phải lập tức lấy chiếc đũa đã được quấn lớp vải ngáng ngang miệng bệnh nhân để người bệnh khỏi bị cắn vào lưỡi. Tháo răng giả cho bệnh nhân (nếu có) tránh bị hóc, sặc.

Theo PGS-TS Mai Duy Tôn: Cách đơn giản có thể nhận biết được dấu hiệu đột quỵ là yêu cầu người bệnh nói - cười - giơ tay, chân. Nếu có các dấu hiệu khi nói (nói ngọng, khó nói, nói không tròn vành rõ chữ, không nói được), cười (méo miệng, lệch một bên), giơ tay, nhấc chân (không giơ được tay lên hoặc giơ hai tay lên ngang vai nhưng một bên tay bị sệ hơn, nhấc chân lên nhưng không nhấc được hoặc nhấc khó…), cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời trong thời gian "vàng" - giúp người bị đột quỵ tránh được các di chứng do đột quỵ (Thanh niên, trang 15).

 

3 phòng khám đa khoa tại TP. HCM bị phạt 162 triệu đồng

Sở Y tế TP. HCM vừa thông báo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế tư nhân. Theo đó, có 3 phòng khám đa khoa bị phạt tổng cộng 162 triệu đồng. Cụ thể, Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Khang Thái (87-89 Thành Thái, P.14, Q.10) bị phạt 51 triệu đồng vì lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ, không bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất trong quá trình hoạt động. Một nhân sự của phòng khám là là Fan Xiao Li bị phạt 10 triệu đồng vì là người nước ngoài trực tiếp khám, chữa bệnh nhưng chưa được công nhận là biết tiếng Việt thành thạo. Công ty TNHH MTV dịch vụ Y tế Thăng Long (575 Sư Vạn Hạnh, P.13, Q.10) bị phạt 50 triệu đồng vì không bảo đảm các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất. Công ty TNHH MTV dịch vụ Y tế Âu Á (425 Nguyễn Văn Luông, P.12, Q.6) bị phạt 61 triệu đồng vì sửa chữa hồ sơ, bệnh án làm sai lệch thông tin; không bảo đảm các điều kiện về nhân lực... (Thanh niên, trang 6).

 

Áo lính hiến giọt máu hồng

Hòa chung tinh thần thiện nguyện trong ngày hội chính Chủ nhật Đỏ lần thứ XI - 2019, sáng 6/1, tuổi trẻ Học viện Hậu cần (Bộ Quốc phòng) đã tham gia hiến 432 đơn vị máu để cứu chữa người bệnh. Là một trong những đơn vị Quân đội luôn tích cực trong các hoạt động tình nguyện hướng về cộng đồng, hưởng ứng ngày Chủ nhật Đỏ năm 2019 do báo Tiền Phong phát động và phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức, gần 1.000 ĐVTN Học viện Hậu cần đã sôi nổi tham gia ngày hội năm nay. 

Tham dự chương trình Chủ nhật Đỏ ở Học viện Hậu cần có Thiếu tướng Lê Nguyên Đương, Phó Chính ủy Học viện; Đại tá, PGS - TS Nguyễn Hoàng Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Nhà báo Vũ Tiến, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong; đại biểu Ban Thanh niên Quân đội; Người đẹp áo dài, Top 10 Hoa hậu Việt Nam 2018 Lê Thanh Tú; Người đẹp Hạ Long 2018 Nguyễn Phương Anh; ca sĩ Minh Loan (Huy chương Bạc tài năng trẻ âm nhạc toàn quốc 2016);  gần 1.000 cán bộ,  đoàn viên thanh niên trong Học viện...

Theo nhà báo Vũ Tiến, ngày Chủ nhật Đỏ là 1 chuỗi các sự kiện kéo dài khoảng 1 tháng. Năm 2018, Chủ nhật Đỏ được tổ chức trên gần 40 tỉnh thành với 60 điểm hiến máu, thu về 48.000 đơn vị máu. Năm nay, Ban tổ chức chương trình Chủ nhật Đỏ phấn đấu thu về 40.000 đến 45.000 đơn vị máu để phục vụ cứu chữa người bệnh, nhằm kịp thời chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo… có thêm sức sống, ở lại với cuộc đời.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thiếu tướng Lê Nguyên Đương cho biết: Đây là lần thứ tư Học viện phối hợp tham gia chương trình này. Hiến máu tình nguyện vì cộng đồng đang là một hoạt động xã hội diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp, ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Lần đầu tiên đồng hành cùng Chủ nhật Đỏ, Người đẹp Hạ Long Nguyễn Phương Anh bị cuốn hút bởi không khí sôi nổi cùng tinh thần thiện nguyện mạnh mẽ của các bạn trẻ ở Học viện Hậu cần nên đã đăng ký hiến máu. Phương Anh chia sẻ:  “Tháng 6/2018, tôi đã tham gia hiến máu tại chương trình Giọt hồng đất mỏ do Tỉnh đoàn Quảng Ninh tổ chức. Tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngày hội Chủ nhật Đỏ để góp phần lan tỏa những hành động tốt đẹp đến mọi người”. 

Theo đại tá, PGS-TS Nguyễn Hoàng Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - đơn vị lấy và tiếp nhận máu tại Học viện Hậu cần sáng qua, hiện nay khoa học có nhiều tiến bộ vượt bậc nhưng chưa tìm ra được chế phẩm nào thay thế máu và nguồn máu chỉ bảo quản được trong thời gian ngắn, nên rất nhiều trường hợp thiếu máu trên toàn quốc không có máu để thay thế. “Có thể nói, những người tham gia hiến máu là “Anh hùng của người bệnh”, từ đó lan tỏa và phát huy những nghĩa cử cao đẹp trong cộng đồng”, đại tá Nguyễn Hoàng Ngọc nói.

Là một điển hình trẻ tích cực hiến máu cứu người ở Học viện Hậu cần, Phó bí thư Chi đoàn lớp S624B Lương Thanh Xuân bắt đầu tham gia hiến máu từ khi còn đang đào tạo nguồn tại Trường Sĩ quan Lục quân 1. Không chỉ tích cực tham gia hiến máu, Xuân còn là một tuyên truyền viên giỏi thường xuyên vận động mọi người cùng tham gia. “Chắc chắn trong tương lai tôi vẫn tiếp tục tham gia hoạt động này”, Lương Thanh Xuân nói. (Tiền phong, trang 7).

 

Theo dõi sát sức khỏe của trẻ em sau tiêm vắc xin Combe Five

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đến thời điểm này cả nước có khoảng 80.000 trẻ em tại 15 tỉnh, thành phố đã được tiêm vắc xin Combe Five (do công ty Biological E. Ltd Ấn Độ sản xuất) thay thế vắc xin Quinvaxem (do doanh nghiệp Hàn Quốc ngừng sản xuất). Vắc xin Combe Five phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mũ do vi khuẩn Hib.

Trước việc nhiều trẻ nhỏ bị phản ứng sau khi viêm vắc xin Combe Five, PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, bất kỳ loại vắc xin nào khi tiêm cho trẻ cũng đều có thể gây ra một số phản ứng thông thường như sốt, sưng đau, lười ăn... và sẽ hết sau 1-2 ngày tiêm. Tuy nhiên, nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường như sốt li bì, sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, khó thở, bú ít, nổi ban trên da thì cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay ... (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

 

Gần 21.800 trẻ chào đời bằng phương pháp sinh thường tại BV Phụ sản TW năm 2018

BV Phụ sản TW cho biết, năm 2018, BV đã khám cho 406.000 bệnh nhân, điều trị ngoại trú cho 357.000 bệnh nhân, điều trị nội trú gần 70.000 bệnh nhân...

Ngày 4/1, Đoàn Kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện (BV) và khảo sát sự hài lòng người bệnh năm 2018 của Bộ Y tế do PGS. TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra tại BV Phụ sản TW

Báo cáo của BV Phụ sản TW tại buổi làm việc cho biết, năm 2018, BV đã khám cho 406.000 bệnh nhân, điều trị ngoại trú cho 357.000 bệnh nhân, điều trị nội trú gần 70.000 bệnh nhân. Năm 2018, có 21.718 trẻ chào đời bằng phương pháp sinh thường tại BV Phụ sản TW. Hiện ngày điều trị trung bình chung đối với trẻ sơ sinh tại BV Phụ sản TW là 5,37.

BV Phụ sản TW cũng cho biết, năm  2018, BV Phụ sản TW đã nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thành công các kỹ thuật cao như phẫu thuật nội soi cố định tử cung vào mỏm mô; kỹ thuật Richter; Gây chuyển dạ bằng bóng Cook; kỹ thuật đo độ dài tử cung trong khi đặt bóng gây chuyển dạ đẻ; kỹ thuật đặt bóng gây chuyển dạ bằng ống thông hai bóng cải tiến.

“Những kỹ thuật này đã góp phần bảo tồn, chăm sóc và giúp cho phụ nữ có vấn đề về sinh sản, được làm thiên chức làm mẹ hoặc bảo tồn được cơ thể”- đại diện BV Phụ sản TW cho biết

BV Phụ sản TW cũng cho biết, với vai trò là BV hạt nhân, BV Phụ sản TW đã luôn đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, đào tạo chuyên môn, tập huấn... cho 19 BV vệ tinh chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa của BV nhằm nâng cao chuyên môn cho tuyến dưới.

Để nắm bắt tâm tư của người bệnh, BV Phụ sản TW đã thường xuyên tiến hành khảo sát sự hài lòng người bệnh... với trung bình khoảng 200 phiếu khảo sát 1 lần. Trên cơ sở khảo sát, lãnh đạo BV đã kịp thời nắm bắt tâm tư, mong muốn của người bệnh, người nhà bệnh nhân để có những điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như sự hài lòng của người bệnh.

Qua kiểm tra thực tiễn, các thành viên của Đoàn kiểm tra cũng đã chỉ ra những tồn tại về vệ sinh tại khu vực dinh dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn tại một số khoa, phòng. BV cũng cần cập nhật, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về kiến thức sản khoa, phụ khoa trên website của BV để người dân tìm kiếm thông tin nhanh và thuận tiện hơn. Đồng thời đẩy mạnh hẹn khám qua điện thoại, tư vấn sản khoa, phụ khoa qua điện thoại, chăm sóc toàn diện sau đẻ...

Đoàn kiểm tra cũng công bố kết quả khảo sát cắt ngang cho biết 95% người bệnh ngoại trú và 80% người bệnh nội trú hài lòng khi đến khám chữa bệnh tại BV Phụ sản TW, đặc biệt 100% người bệnh được khảo sát cho biết sẽ quay trở lại khám chữa bệnh tại BV Phụ sản TW vì tin tưởng vào trình độ chuyên môn của y bác sĩ tại đây.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đánh giá cao những nỗ lực của BV Phụ sản TW trong đổi mới, khắc phục những tồn tại mà Đoàn kiểm tra BV năm ngoái chỉ ra.

Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cũng chia sẻ với những khó khăn của BV về điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực. Tuy nhiên, BV đã có thay đổi nhiều đặc biệt tại khu vực khám bệnh, và một số khoa, phòng vốn quá tải trầm trọng trước kia nay đã được giải toả...

PGS. TS Lương Ngọc Khuê cũng đánh giá cao việc BV Phụ sản TW thực hiện hiệu quả và nghiên cứu, ứng dụng và triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao trong chuyên ngành sản, phụ khoa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Cũng như việc, BV đã chủ động có báo cáo sự cố y khoa là rất cần thiết để qua đó rút kinh nghiệm về chuyên môn nhằm hạn chế thấp nhất những sai sót có thể xảy ra...

Trưởng đoàn kiểm tra BV của Bộ Y tế cũng cho rằng, BV đã thiết lập được phòng Quản lý chất lượng cũng như chủ động khảo sát sự hài lòng người bệnh, để triển khai các hoạt động liên quan đến chất lượng và thực hiện các tiêu chí chất lượng BV ngày một tốt lên đã góp phần làm cho người bệnh ngày càng hài lòng hơn khi đến thăm khám tại BV... (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bộ Y tế: 90.000 trẻ nhỏ trên toàn quốc đã tiêm vắcxin ComBe FIVE

Ngày 3/1, tiến sỹ Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho hay, tính đến ngày hôm nay đã có hơn 90.700 trẻ trên toàn quốc đã tiêm vắcxin ComBe FIVE. Hiện nay, đã có 15 tỉnh đã triển khai tiêm vắcxin ComBe FIVE cho trẻ nhỏ. Vắc xin được đưa vào hệ thống tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc từ tháng 12 và trong tháng 1/2019, vắc xin sẽ được sử dụng ở tất cả các địa phương trên toàn quốc ... (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Ngừng tuần hoàn 80 phút, cụ ông vẫn sống sót ngoạn mục

Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa kích hoạt Báo động đỏ khẩn cấp toàn viện cứu sống cụ ông ngừng tuần hoàn sau gần 80 phút ngay trong những ngày đầu năm mới 2019.

Đây là minh chứng rõ rệt cho hiệu quả của việc triển khai hệ thống báo động đỏ, sự phối hợp cấp cứu và chất lượng hồi sức cấp cứu trong toàn bệnh viện.

Bệnh nhân là ông Nguyễn Văn Vĩnh (66 tuổi), đang điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ bỗng đột ngột lên cơn khó thở cấp tính và ngừng tuần hoàn.

Ngay lập tức hệ thống báo động đỏ của bệnh viện đã được phát đi. Một ekip các bác sĩ giỏi đến từ các khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực – Chống độc, Nội tổng hợp đã nhanh chóng tập trung và tiến hành cấp cứu, hồi sức.

Sau 80 phút kiên trì tiến hành các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn như: sốc điện, ép tim ngoài lồng ngực, các biện pháp hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn…, tim bệnh nhân đã đập trở lại. Bệnh nhân được chuyển về khoa Hồi sức tích cực – Chống độc tiếp tục các biện pháp hồi sức tích cực.

Bác sĩ Bùi Xuân Khánh - Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: Khi tiếp nhận bệnh nhân tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân trong trạng thái hôn mê sâu, suy tuần hoàn, hô hấp, toan chuyển hóa nặng. “Khả năng sống sót và hồi phục của người bệnh rất thấp, bởi vì thời gian của các đợt ngừng tuần hoàn liên tiếp diễn biến quá lâu gần 80 phút”- Bác sĩ Khánh nói.

Tuy nhiên với quyết tâm chiến đấu cùng người bệnh đến giây phút cuối cùng, các thầy thuốc khoa Hồi sức tích cực – Chống độc – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã lập nên những điều kỳ tích.

Chỉ sau 4 ngày điều trị bằng các phương tiện cấp cứu hiện đại như: siêu lọc máu, sử dụng thuốc vận mạch, hô hấp nhân tạo, cân bằng kiềm toan, bồi phụ nước và điện giải, chăm sóc toàn diện… bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng.

Nhìn nụ cười của bệnh nhân và người nhà, cùng họ trải qua những giờ phút sinh tử, giành giật sự sống từ tay tử thần, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực – Chống độc không giấu nổi niềm vui và hạnh phúc khi vừa giúp hồi sinh một sự sống. 

Bác sĩ Bùi Xuân Khánh - Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: Khi tiếp nhận bệnh nhân tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân trong trạng thái hôn mê sâu, suy tuần hoàn, hô hấp, toan chuyển hóa nặng. “Khả năng sống sót và hồi phục của người bệnh rất thấp, bởi vì thời gian của các đợt ngừng tuần hoàn liên tiếp diễn biến quá lâu gần 80 phút”- Bác sĩ Khánh nói.

Tuy nhiên với quyết tâm chiến đấu cùng người bệnh đến giây phút cuối cùng, các thầy thuốc khoa Hồi sức tích cực – Chống độc – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã lập nên những điều kỳ tích.

Chỉ sau 4 ngày điều trị bằng các phương tiện cấp cứu hiện đại như: siêu lọc máu, sử dụng thuốc vận mạch, hô hấp nhân tạo, cân bằng kiềm toan, bồi phụ nước và điện giải, chăm sóc toàn diện… bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng.Nhìn nụ cười của bệnh nhân và người nhà, cùng họ trải qua những giờ phút sinh tử, giành giật sự sống từ tay tử thần, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực – Chống độc không giấu nổi niềm vui và hạnh phúc khi vừa giúp hồi sinh một sự sống. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang