Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo 08/3/2019

  • |
T5g.org.vn - Nguy kịch tính mạng vì tự đắp lá chữa tiểu đường; Đừng để nặng khi có bệnh khó nói; Từ 8-3 người điều trị HIV/AIDS nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT; Ứng dụng can thiệp mạch số hoá nền điều trị các bệnh ung thư mang lại hiệu quả gì?; Cảnh báo hai sản phẩm bán trực tuyến có chứa lượng lớn hoạt chất gây đột quỵ, mất thị giác...

 

Nguy kịch tính mạng vì tự đắp lá chữa tiểu đường

T. cấp cứu trong trong tình trạng xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng huyết, da niêm mạc nhợt nhạt, sốt cao trên 38 độ C, mu bàn chân trái hoại tử, lở loét lan rộng, sâu, chảy dịch hôi thối...

Bệnh nhân Hà Mạnh T. (28 tuổi đến từ Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng loét hoại tử bàn chân trái vô cùng nghiêm trọng. Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân phát hiện đái tháo đường  typ 1 cách đây 12 năm khi mới 17 tuổi, hiện đang điều trị insulin, tuy nhiên bệnh nhân không đi tái khám và theo dõi thường xuyên mà chỉ điều trị insulin theo đơn từ trước đó rất lâu.

Cách thời gian vào viện khoảng 1 tháng, bệnh nhân bị tai nạn giao thông ngã xe máy, xây xát vùng da mu chân trái, không gẫy xương. Sau vài ngày vết thương xây xát ngày càng lan rộng, sâu toàn bộ chân trái, xuất hiện chảy dịch hôi, bàn chân bắt đầu sưng tấy nhiều, đau nhức, mất cảm giác.

Mặc dù xuất hiện tình trạng trên nhưng bệnh nhân đã không tới bệnh viện để khám và kiểm tra ngay mà tự ý ở nhà điều trị bằng thuốc kháng sinh không rõ nguồn gốc đồng thời sử dụng các loại thuốc lá dân gian để đắp lên vết xây xát khiến cho tình trạng vết thương ngày càng lan rộng. Chỉ đến khi thấy cơ thể ngày mệt mỏi, vùng tổn thương quá nặng bệnh nhân mới được đưa tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ kiểm tra. Tại đây, trước tình hình diễn biến khá nặng của ca bệnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Tại khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân được cấp cứu trong trong tình trạng xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng huyết, cơ thể mệt mỏi, da niêm mạc nhợt nhạt, sốt cao trên 38 độ C. Bệnh nhân có vết loét tại vị trí mu bàn chân trái, sưng nóng đỏ, kích thước lớn, sâu, vết thương hoại tử lan rộng gần hết mu chân, lan tỏa xuống gan chân, chảy dịch hôi thối...

Thạc sỹ, bác sỹ Tôn Thất Kha - Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương nhận định, đây là ca bệnh có diễn biến rất nặng do nhập viện muộn. Hiện tại, bệnh nhân đang trong tình trạng sức đề kháng yếu, sốt cao liên tục kèm theo viêm phổi, nhiễm trùng bàn chân nặng và đang được theo dõi nhiễm khuẩn đường huyết, đe dọa tính mạng. Dù có được điều trị tích cực thì nguy cơ phải cắt cụt chi ở ca bệnh này vẫn rất cao. (Tiền phong, trang 6).

 

Đừng để nặng khi có bệnh khó nói

Nhiều người âm thầm chịu đựng không biết bày tỏ cùng ai trong thế giới dài vì mắc bệnh trĩ. Đây là căn nguyên khiến bệnh nhân đi khám và điều trị rất trễ, thường rơi vào cấp độ 3, 4 ... (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Từ 8-3 người điều trị HIV/AIDS nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT

Từ 8-3, người điều trị HIV/AIDS chính thức nhận thuốc ARV từ nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT).

Điều trị ARV đã triển khai tại Việt Nam hơn 10 năm qua, nhưng hầu hết từ nguồn tại trợ quốc tế. Hiện có hơn 115.000 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV và con số này sẽ ngày một tăng. Trong khi nguồn viện trợ kết thúc vào năm 2018, mà ARV điều trị liên tục và suốt đời, nếu không tham gia BHYT, người có HIV sẽ phải chi trả khoản kinh phí lớn hằng năm.

Vì vậy, điều trị ARV thông qua BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người có HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã chủ trương sử dụng BHYT là nguồn thay thế và chỉ đạo các địa phương phải bảo đảm 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Đến nay, 188 cơ sở y tế đã sẵn sàng chi trả khám và điều trị HIV/AIDS, bao gồm cả thuốc ARV qua nguồn Quỹ BHYT.

Dự kiến, hết năm 2019 có khoảng 48.000 người điều trị HIV/AIDS nhận thuốc ARV từ quỹ BHYT. (Công an nhân dân, trang 1).

 

Ứng dụng can thiệp mạch số hoá nền điều trị các bệnh ung thư mang lại hiệu quả gì?

Hệ thống máy can thiệp mạch số hóa xóa nền (DSA) được triển khai tại Bệnh viện K có thể ứng dụng trong điều trị ung thư giai đoạn tiến triển, chăm sóc giảm nhẹ, thực hiện thủ thuật can thiệp tối thiểu, giảm nguy cơ chảy máu, rút ngắn thời gian hậu phẫu

Công cụ hỗ trợ đắc lực trong điều trị ung thư

Nam bệnh nhân 59 tuổi ở TP Hồ Chí Minh bị ung thư tuỵ giai đoạn cuối, nhưng không dám làm sinh thiết trong đó vì đau quá và cũng chưa có định hướng điều trị cụ thể. Qua tìm hiểu, bệnh nhân biết Bệnh viện K đã triển khai hệ thống can thiệp mạch số hoá nền (DSA) với nhiều ứng dụng hỗ trợ việc chẩn đoán và điều trị lĩnh vực ung thư chính xác và hiệu quả nên gia đình đã đưa anh đến Bệnh viện K để điều trị.

Tại Bệnh viện K, sau khi tiến hành chụp cắt lớp vi tính cột sống cho bệnh nhân vì nghi ngờ di căn xa, dưới ứng dụng hệ thống can thiệp mạch số hoá nền, các chuyên gia đã định vị được mũi kim, đưa mũi kim và ổ ung thư di căn tiến hành đổ xi măng cột sống, sau đó điều trị hoá chất cho bệnh nhân.

“Nếu không có hệ thống can thiệp mạch số hoá nền trong quá trình điều trị thì bệnh nhân sẽ phải chịu đau đớn, nằm bẹp một chỗ và lệ thuộc vào morphine đến khi tử vong, nhưng hiện tại chất lượng sống của bệnh nhân đã tốt hơn, bệnh nhân đã đứng dậy, đi lại được, không phải lệ thuộc vào morphine”- PGS.TS Bùi Văn Giang- Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện K cho biết.

Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân 19 tuổi ở Sóc Sơn- Hà Nội bị khối ở thận lành tính rất lớn trên 10cm và bị phình mạch.  Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện K trong tình trạng đau bụng, khối u thận đe doạ vỡ và đến sáng ngày 5/3 thì vỡ khối u. Các bác sĩ đã ứng dụng hệ thống can thiệp mạch số hoá nền chọc kim qua động mạch đùi, dùng ống thông nút mạch, đưa vật liệu vào. Sau 6 tiếng nút mạch, bệnh nhân đã đi lại bình thường.

“Đối với trường hợp bệnh nhân này, nếu không có hệ thống can thiệp mạch số hoá nền sẽ phải tiến hành mổ mở, nên vết sẹo dài và quá trình hậu phẫu cũng kéo dài”- PGS.TS Bùi Văn Giang cho biết

Mang lại hy vọng cho bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến triển, rút ngắn thời gian hậu phẫu

GS.TS Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện K cho biết, Bệnh viện K là cơ sở chuyên khoa đầu ngành cả trong phòng chống và điều trị ung bướu. Trong bối cảnh nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân ung bướu ngày càng cao và mục tiêu đối với bệnh viện K là nhanh chóng nâng cao chất lượng điều trị sánh ngang tầm các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Do đó, Bệnh viện không ngừng đẩy mạnh nâng cao chuyên môn và trang bị trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ vào khám chữa bệnh.

Hệ thống máy can thiệp mạch số hóa xóa nền (DSA) là một hệ thống máy X-quang can thiệp hiện đại, có một loạt các ứng dụng bao gồm chẩn đoán và can thiệp các bệnh lý ngoại biên, bụng, não, lồng ngực và tim mạch. Đặc biệt trong lĩnh vực ung thư, hệ thống này được ứng dụng hỗ trợ việc chẩn đoán và điều trị bệnh chính xác và hiệu quả.

“Ưu điểm vượt trội của hệ thống là có thể ứng dụng trong điều trị ung thư giai đoạn tiến triển, chăm sóc giảm nhẹ, thực hiện thủ thuật can thiệp tối thiểu, giảm nguy cơ chảy máu, rút ngắn thời gian hậu phẫu sau khi nút mạch, tránh được những biến chứng khi phẫu thuật cho người bệnh giúp nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân”- Giám đốc Bệnh viện K cho hay.

Cũng theo GS. TS Trần Văn Thuấn, đối với trường hợp u lành tính to, dọa vỡ, việc ứng dụng phương pháp này có thể điều trị khối u đồng thời bảo tồn được nhu mô lành và chức năng bộ phận đó cho người bệnh. Ngoài ra bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả theo quy định hiện hành, giúp giảm thiểu chi phí điều trị cho người bệnh.

Sự ra đời của phòng mạch số hóa xóa nền DSA hiện đại này giúp Bệnh viện K nâng cao khả năng và chất lượng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến ung thư.

"Trong tương lai phương pháp này sẽ ứng dụng trong điều trị u vú, u phần mềm khi không còn chỉ định phẫu thuật; kết hợp với các phương pháp hoá xạ trị khác để tăng cơ hội điều trị, tăng cơ hội sống cho người bệnh"- GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết.

Hệ thống máy can thiệp mạch số hóa xóa nền đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị ung thư, đặc biệt là ngăn chặn sự phát triển của các khối u. Cụ thể:

- Nút hóa chất động mạch trong các loại u: gan, thận, phần mềm, mũi họng, thần kinh, u phì đại tiền liệt tuyến, u xơ tử cung ....

- Can thiệp dị dạng mạch não, nút mạch u màng não trước phẫu thuật.

- Điều trị một số bệnh lí cấp cứu: chảy máu, tắc đường mật, niệu cấp.

- Dẫn lưu, đặt stent đường mật, đường niệu, ống tiêu hóa.

Ngoài ra còn có thể ứng dụng hệ thống chụp mạch trong các điều trị xuất huyết tiêu hóa, tái thông các mạch bị tắc hẹp do u, huyết khối. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Cảnh báo hai sản phẩm bán trực tuyến có chứa lượng lớn hoạt chất gây đột quỵ, mất thị giác

Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế vừa cảnh báo người tiêu dùng không mua và sử dụng hai sản phẩm không an toàn, “Hickel” và “ Solomon Island – Soloco Traditional Candy” được bán online có thành phần gây biến cố bất lợi nghiêm trọng, bao gồm đau tim, đột quỵ, mất thị giác và thính giác.

Ngày 7/3, Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế thông tin, cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) cảnh báo người tiêu dùng không mua và sử dụng hai sản phẩm không an toàn, “Hickel” và “ Solomon Island – Soloco Traditional Candy” (gọi tắt là Soloco) được bán online.

Thông tin này được đưa ra sau khi Phòng thí nghiệm của HSA đã phát hiện ra hai sản phẩm này có chứa hàm lượng cao tadalafil, một thành phần dược chất không được kê khai trên nhãn sản phẩm vốn được sử dụng để điều trị chứng rối loạn cương dương. Hàm lượng tadalafil trong này cao gấp 30 lần so với liều dùng hàng ngày cho phép. Sử dụng hàm lượng cao tadalafil như vậy rất nguy hiểm và có thể gây tăng nguy cơ gặp phải các biến cố bất lợi nghiêm trọng, bao gồm đau tim, đột quỵ, mất thị giác và thính giác. HSA được một nhà báo cảnh báo về “Hickel”, trong khi “Soloco” bị phát giác bởi Cơ quan kiểm định các sản phẩm ngoại nhập khi một người phụ nữa 29 tuổi cố gắng đưa sản phẩm này qua biên giới tại Woolands. Các cuộc điều tra cho thấy cả hai sản phẩm này được bán thông qua rất nhiều trang thương mại điện tử và các phương tiện truyền thông, bao gồm cả Facebook. Cả hai sản phẩm này được quảng cáo “100% tự nhiên”, “công thức tự nhiên nguyên chất” với “ không tác dụng phụ”. Dù chứa hoạt chất được sử dụng trong điều trị rối loạn cương dương, chúng lại được quảng bá sai lệch và phóng đại tới người tiêu dùng rằng đây là kẹo, có tác dụng cải thiện chức năng tim mạch, thận, hỗ trợ điều trị tiểu đường, tăng cường sinh lực, tăng sức đề kháng và cải thiện chức năng sinh sản. HSA đang làm việc với các cơ quan quản lý của các trang thương mại điện tử để loại bỏ các sản phẩm này khỏi danh sách bán hàng. Cục An toàn thực phẩm đã ngay lập tức tiến hành rà soát nội bộ và kết quả là hai sản phẩm trên chưa được cấp công bố nhập khẩu vào Việt Nam. Đồng thời, Cục cũng đã có công văn gửi các cơ quan hải quan và cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm để thực hiện phương thức kiểm tra chặt đối với các sản phẩm nêu trên và yêu cầu 63 Chi cục an toàn thực phẩm trong cả nước tiến hành giám sát các sản phẩm này trên thị trường. Trước thông tin như vậy, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm có tên nêu trên và báo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Bệnh án điện tử: giảm chi phí, giảm thời gian cho người bệnh

Sổ y bạ gắn liền với bất cứ người dân nào mỗi khi đến khám tại các cơ sở y tế. Nhưng hiện nay, cuốn sổ ấy đã được thay thế bằng những hồ sơ bệnh án điện tử, từ 1/3/2019.

Từ nay, thông tin sức khỏe của người dân từ khi sinh ra đến khi mất đi đều được số hóa lưu giữ đầy đủ. Xu hướng của nhiều nước phát triển trên thế giới hiện nay cũng đã được áp dụng tại các bệnh viện ở Việt Nam, góp phần rút ngắn thời gian khám và điều trị bệnh.

Thời gian chờ đợi giảm hẳn

Các bệnh viện ở TP.HCM đã đồng loạt áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử. Trước đó, nhiều bệnh viện ở thành phố đã thực hiện thí điểm sử dụng bệnh án điện tử trong khám, chữa bệnh và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM là một trong những nơi triển khai bệnh án điện tử từ khá sớm. Từ năm 2018, bệnh viện đã áp dụng, triển khai lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa, xét nghiệm mà không cần in ra. Nhờ vậy, toàn bộ thông tin, tiểu sử bệnh nhân đã khám đều được bệnh viện quản lý trên máy, khi muốn truy cập, chỉ cần đánh mã số là thông tin của bệnh nhân hiện ra, giúp việc khám, chữa bệnh nhanh chóng, tiết kiệm thời gian chờ đợi cho người bệnh.

Tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM, hơn 2 năm qua, hàng ngày, các bác sĩ đã không còn “ôm” những tập bệnh án dày, nặng mỗi khi hội chẩn. Bằng việc trang bị máy tính bảng kết nối internet, thông tin về người bệnh được tra cứu đơn giản, thuận tiện. Người bệnh rút ngắn được thời gian điều trị, còn các bác sĩ tăng hiệu suất khám chữa bệnh.

Hơn 2 năm triển khai bệnh án điện tử, Bệnh viện quận Thủ Đức đã hạn chế sai sót ở mức thấp nhất trong việc kê khai thuốc, vật tư y tế và xét nghiệm. Nhờ đó, dù chỉ là một bệnh viện khu vực nhưng mỗi ngày, bệnh viện này thu hút trên 5.000 lượt người dân tới khám chữa bệnh và điều trị 800 bệnh nhân nội trú.

Tại phía Bắc, BVĐK tỉnh Phú Thọ là bệnh viện đi đầu trong thực hiện mô hình bệnh viện thông minh. Với mô hình này, người bệnh (có thẻ thông minh do bệnh viện phát hành) khi đến khám, chữa bệnh thực hiện mọi thủ tục đăng ký khám bằng cách quẹt thẻ để lấy số thứ tự khám bệnh, bảo đảm nhanh chóng, chính xác và quan trọng là giảm nhiều thời gian chờ đợi. Hiện tại, bệnh viện cũng đã triển khai việc quẹt thẻ để in hóa đơn đỏ các chi phí khám, chữa bệnh nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch các dịch vụ và chi phí khám chữa bệnh phải trả. Tại tất cả các phòng khám cũng đã được trang bị màn hình LCD và loa gọi giúp người bệnh khi đến khám nhìn thấy công khai thứ tự của mình và chờ đến lượt vào khám một cách văn minh, loại bỏ tâm lý chiếm chỗ, chen lấn trước khi chưa áp dụng mô hình. Cùng với những thuận lợi trên, BVĐK tỉnh Phú Thọ đã triển khai bệnh án điện tử cho tất cả người bệnh. Theo đó, khi có bệnh án điện tử, sẽ giúp quá trình tìm kiếm thông tin của người bệnh thuận lợi, chính xác và quan trọng là không mất nhiều thời gian truy lục.

Lộ trình cần thiết để số hóa ngành y tế

Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, từ ngày 1/3/2019, các cơ sở y tế bắt đầu thực hiện tiến trình thay thế bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử. Theo lộ trình, từ nay đến năm 2025, các bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt sẽ phải hoàn tất việc thay thế bệnh án giấy, chuyển hoàn toàn sang sử dụng bệnh án điện tử, các bệnh viện còn lại sẽ thay thế hoàn toàn trước năm 2030.

Bệnh án điện tử có thể sắp xếp và tự động hóa quy trình công việc của bác sĩ bảo đảm tất cả thông tin lâm sàng, cận lâm sàng được thông suốt. Bệnh án điện tử giúp thu thập dữ liệu không những hỗ trợ tốt cho việc chăm sóc sức khỏe mà còn hỗ trợ cho các công tác khác như tính viện phí, quản lý chất lượng, báo cáo kết quả điều trị, báo cáo thống kê bệnh viện...

Ngoài những ưu điểm trên, một trong những thuận lợi của hồ sơ bệnh án điện tử là việc liên thông với bảo hiểm xã hội. Theo đó, hồ sơ không cần phải in ra đem nộp, đồng thời việc chi trả được nhanh chóng, thuận lợi.

Tuy mới bắt đầu triển khai bệnh án điện tử nhưng còn xuất hiện nhiều khó khăn, theo ông Trần Quý Tường, đây là vấn đề mới, khó, nước ta chưa có kinh nghiệm. Bộ Y tế cũng chưa có kinh nghiệm, mới chỉ đi học tập, tham quan ở nước ngoài về. Thứ 2, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tức là chúng ta chuyển đổi cách làm việc, phương thức làm việc từ thủ công, bệnh án giấy, ghi chép giấy, rất tốn thời gian sang làm bằng máy nên chúng ta cần phải có thời gian. Thứ 3 nữa là, các quy trình nghiệp vụ chuyên môn, quy trình quản lý bệnh viện của chúng ta chưa được tối ưu hóa, các danh mục dùng chung, quy trình kết nối hiện nay cũng chưa được hoàn thiện.

Rõ ràng, những tiện ích mà hồ sơ bệnh án điện tử đem lại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc triển khai này phải đảm bảo sự đồng bộ mới có thể tạo được hiệu quả cao. Muốn vậy, trước hết chúng ta phải có được mẫu hồ sơ bệnh án điện tử chung cho các bệnh viện áp dụng và quan trọng nhất phải có sự đầu tư về con người, trang thiết bị để sớm hiện thực số hóa ngành y tế. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Cần tăng nhanh độ bao phủ BHYT trong nhóm người nhiễm HIV

Sau một thời gian nỗ lực, khẩn trương chuẩn bị cho sự chuyển đổi nguồn thuốc, ngày 8/3/2019, những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đầu tiên sẽ được nhận thuốc ARV qua nguồn bảo hiểm y tế (BHYT).

Để hiểu thêm về sự chuẩn bị của các cơ sở y tế, những khó khăn cũng như giải pháp thực hiện để tăng độ bao phủ của BHYT trong nhóm người nhiễm HIV  trong thời gian tới như thế nào?... phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS xung quanh vấn đề này.

PV: Xin TS có thể cho biết, thủ tục tham gia BHYT của người nhiễm HIV có gì giống và khác so với người không nhiễm HIV?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Với người nhiễm HIV có đủ giấy tờ, đủ điều kiện kinh tế thì việc tham gia BHYT tương tự như người dân không nhiễm HIV. Mua BHYT theo hộ gia đình ở đại lý BHXH tuyến xã, phường.

Người nhiễm HIV chưa có thẻ BHYT hoặc hết hạn BHYT thuộc đối tượng được hỗ trợ chi phí đóng bảo hiểm y tế: Cơ sở điều trị HIV/AIDS hướng dẫn người nhiễm thực hiện các thủ tục đề nghị cấp thẻ BHYT và lập danh sách những người đó gửi đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố mua tập trung. Như vậy, những khó khăn khi tiếp cận BHYT của người nhiễm HIV đã được giải quyết khi Thông tư 27/2018 hướng dẫn thực hiện BHYT liên quan đến HIV được ban hành.

Để tiến tới sự kiện này, các cơ sở khám, chữa bệnh đã chuẩn bị như thế nào để chuyển đổi khám và điều trị HIV/AIDS qua BHYT, thưa TS?

Để triển khai khám, chữa bệnh từ quỹ BHYT, cơ sở y tế đó phải đủ điều kiện ký hợp đồng với BHXH. Vì vậy, các cơ sở điều trị HIV/AIDS phải được kiện toàn lại. Để thực hiện, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chuyên môn hướng dẫn địa phương thực hiện công tác này, đồng thời tổ chức rất nhiều đoàn hỗ trợ kỹ thuật; đôn đốc, theo dõi, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện tại các tỉnh, thành phố. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của các dự án, đối tác quốc tế, đến nay hơn 90% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn để được ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, khoảng 85% cơ sở điều trị đã thanh toán ít nhất một dịch vụ từ nguồn quỹ BHYT. Năm 2019, năm đầu tiên sẽ triển khai khám chữa bệnh BHYT ở 188 cơ sở, dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có 48.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV từ BHYT.

Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV để tránh tình trạng nhận thuốc nhiều nguồn; tiếp tục tuyên truyền, vận động để người nhiễm hiểu và chủ động tham gia bảo hiểm y tế.

Để thực hiện chi trả thuốc ARV qua BHYT cho người nhiễm HIV, những khó khăn chủ yếu hiện nay là gì, cách tháo gỡ như thế nào? TS có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Có thể nói khó khăn hiện nay chính là việc đồng chi trả thuốc ARV qua BHYT. Theo quy định tại khoản 1, Điều 22 của Luật BHYT năm 2008, người tham gia BHYT phải đồng chi trả chi phí KCB tùy theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT. Do đó, người nhiễm HIV có thẻ BHYT có trách nhiệm cùng chi trả tiền thuốc ARV theo quy định. Tuy  nhiên, việc cùng chi trả là rất khó khăn cho người nhiễm HIV. Hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS đều ở mức thu nhập thấp. Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời nên đây là một thách thức lớn cho bệnh nhân.

Để tháo gỡ khó khăn trên, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có công văn hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch đảm bảo kinh phí mua thẻ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV giai đoạn 2018-2020. Hiện nay đã có 35/63 tỉnh thành phố được cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ mua thẻ (gần 30.000 thẻ đã được mua và cấp cho người nhiễm HIV). 18/63  tỉnh thành phố phê duyệt ngân sách cho hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đề xuất và được Quỹ toàn cầu phê duyệt hỗ trợ mua thẻ BHYT và đồng chi trả thuốc ARV cho 32 tỉnh dự án và 16 tỉnh ngoài dự án trong giai đoạn 2019-2020.

Xin TS cho biết giải pháp trong thời gian tới để người nhiễm HIV tham gia BHYT toàn diện?

Hiện nay, Chính phủ đã xác định BHYT sẽ là nguồn chính chi trả thuốc ARV khi nguồn viện trợ cắt giảm và chấm dứt với mục tiêu tăng tỷ lệ người nhiễm có thẻ lên 100%. Để thực hiện được mục tiêu này với các nhóm đối tượng khác nhau có giải pháp khác nhau:

- Với những người không thuộc diện hỗ trợ của nhà nước cần tuyên truyền cho người nhiễm HIV hiểu được lợi ích của bảo hiểm y tế; khuyến khích người nhiễm HIV tham gia BHYT ngay vì như đã đề cập ở trên, BHYT không chỉ phục vụ khám điều trị HIV/AIDS hay cấp thuốc ARV mà còn để khám và chữa các bệnh khác. Hiện nay đã có những chính sách khuyến khích người nhiễm HIV mua thẻ BHYT như: Nếu mua theo hộ gia đình sẽ được giảm trừ từ những người thứ hai trở đi hoặc người nhiễm HIV đã tham gia BHYT rồi mà chưa thể tham gia BHYT theo hộ gia đình thì vẫn tiếp tục được mua BHYT theo cá nhân, hay người nhiễm HIV có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS có đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện và tuyến tỉnh.

- Những đối tượng được nhà nước hỗ trợ như người nghèo, người cận nghèo, người sống ở vùng núi, dân tộc, vùng sâu, vùng xa thì sử dụng thẻ BHYT mà nhà nước đã hỗ trợ để khám và điều trị HIV/AIDS.

- Một số đối tượng thật sự rất khó khăn không thể mua được thẻ BHYT mà lại chưa nằm trong nhóm đối tượng nghèo hay cận nghèo hoặc nhóm được chính phủ hỗ trợ thì các địa phương có thể sử dụng một phần kinh phí kết dư của quỹ bảo hiểm y tế để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho họ.

Hy vọng rằng, với những giải pháp trên trong thời gian tới độ bao phủ của BHYT trong nhóm người nhiễm HIV sẽ tăng nhanh và có thể đạt được mục tiêu như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

Xin cảm ơn TS. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

2 bệnh viện chạy đua cứu sống bé trai nghèo

Ngày 6-3, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) thông tin lần đầu tiên BV đã phối hợp với BV Chợ Rẫy TP.HCM thực hiện kỹ thuật ECMO cứu sống bệnh nhân nguy kịch.

Nửa giờ từ cõi chết trở về

Kỹ thuật ECMO là kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể, máu sẽ được đưa ra khỏi cơ thể bệnh nhân và chạy qua một hệ thống máy có màng lọc, sau đó trả về cho người bệnh.

Trước đó, bé trai DMK (15 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) nhập BV quận Thủ Đức trong tình trạng sốt cao, khó thở, tay chân lạnh, trụy tim mạch, rối loạn tri giác, hô hấp. 

BV quận Thủ Đức nhanh chóng hội chẩn với các bác sĩ BV Nhi đồng 1. Qua hội chẩn lâm sàng, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị viêm cơ tim cấp, sốc tim, nhiễm trùng huyết nguy kịch nên quyết định chuyển bệnh nhi đến BV Nhi đồng 1 cứu chữa.

Trực tiếp thăm khám bệnh nhi, PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức chống độc tích cực, BV Nhi đồng 1, cho biết bé K. bị viêm cơ tim cấp trên nền nhiễm trùng huyết nặng. Do bé có biểu hiện trụy tim mạch nên BV phải dùng thuốc vận mạch liều cao nhưng cơ thể bé không đáp ứng và đứng trước nguy cơ tử vong.

BV đã báo động đỏ toàn BV và hội chẩn với BS chuyên khoa 2 Phan Thị Xuân, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy. Sau đó quyết định dùng kỹ thuật ECMO để cứu bệnh nhi. 30 phút sau, BS Xuân đã cùng êkíp đến BV Nhi đồng 1 hỗ trợ các bác sĩ tại đây thực hiện kỹ thuật ECMO để cứu bệnh nhi.

“Nửa tiếng sau khi chạy , huyết động học, hô hấp của bệnh nhi dần ổn định. Cùng với đó, bệnh nhi được dùng thêm kháng sinh mạnh, lọc máu liên tục. Sau bốn ngày điều trị, bệnh nhi đã được cai ECMO và điều trị kháng sinh nhiễm trùng. Sau 12 ngày, tình trạng bệnh nhi đã ổn định, thở được khí trời và ăn uống bình thường, huyết động học tốt, dự kiến sẽ được xuất viện vào tuần sau” - BS Quang chia sẻ.

Cũng theo BS Quang, viêm cơ tim chủ yếu do nhiễm virus siêu vi, vi khuẩn. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhi K. là khá đặc biệt do nhiễm trùng huyết gây ra. Lý do bệnh nhi nhiễm trùng huyết vẫn chưa xác định được.

BV kêu gọi nửa tỉ đồng giúp bệnh nhân

“Nhà bệnh nhi K. rất nghèo, hiện bé đã nghỉ học đi làm kiếm tiền phụ gia đình, lại không có BHYT. Chi phí chạy máy và điều trị cho bệnh nhi đã lên tới nửa tỉ đồng nhưng để cứu tính mạng bệnh nhân, BV không đặt nặng chi phí. Chúng tôi đang tìm cách nhờ các tổ chức xã hội chung tay giúp đỡ bệnh nhi” - BS Quang chia sẻ.

Lên thay mẹ bé K. kiệt sức vì chăm con tại BV những ngày qua, bà Trần Thị Hồng (dì bé K.) cho hay bé đang chở nước kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cha bé K. làm thợ hồ, mẹ làm công nhân, thu nhập bấp bênh, bé K. là con đầu và có hai em.

Trước khi nhập BV nguy kịch, bé K. chỉ bị sốt thông thường, gia đình có mua thuốc cho bé uống nhưng không đỡ. Đến ngày thứ sáu, bé K. có biểu hiện rối loạn tri giác, khó thở nên được đưa nhập BV.

“Mấy năm trước bé K. đang học lớp 6 thì bỏ dở để chăm em út (nay được năm tuổi) cho cha mẹ đi làm. Hiện cha mẹ bé đang vay mượn để lo viện phí. Khi mới nhập BV, nhà có một xe máy có giá trị, cha mẹ bé đã cầm lấy 5 triệu đồng để lo cho con. Nếu BV không cho nợ viện phí thì gia đình chắc đành đưa bé về chứ không thể nào xoay xở được số tiền lớn như vậy” - bà Hồng nói.

Nhiều bệnh nhi “từ cõi chết trở về”

Những ca bệnh suy hô hấp cấp, suy tim cấp không đáp ứng điều trị nội khoa nhưng nhờ kỹ thuật ECMO bệnh nhi đã “từ cõi chết trở về”. Đây là kỹ thuật đòi hỏi phối hợp nhiều chuyên khoa, đội ngũ thực hiện phải được đào tạo kỹ thuật bài bản. (Pháp luật TP. HCM, trang 12).

 

Kỹ thuật cao được triển khai ở tuyến tỉnh: Nhiều ca bệnh nặng được cứu chữa kịp thời

Với những kỹ thuật mới được tiếp nhận chuyển giao từ tuyến trên, BVĐK tỉnh Khánh Hòa vừa phẫu thuật thành công nhiều căn bệnh khó như: ung thư phổi, tắc động mạch chủ...

Thành công này sẽ kéo giảm cho phí lớn cho bệnh nhân tuyến tỉnh, giảm tải bệnh viện.

Hai bệnh nhân được Khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu BVĐK Khánh Hòa phối hợp với BS nội trú Lê Phi Long, Phó khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM phẫu thuật thành công ca ung thư phổi và ca tắc động mạch chủ diễn ra ngày 2-3/3/2019 đang hồi phục tích cực, chuyển biến tốt.

Trường hợp, bệnh nhân Lê D., 78 tuổi (ở Vạn Ninh), khi vào viện được chẩn đoán u phổi trái (T). Qua quá trình khám và làm các cận lâm sàng cần thiết như: xét nghiệm, chụp MSCT 128 lát cắt, siêu âm, sinh thiết... bệnh nhân được xác định ung thư phổi trái giai đoạn III. Không thể trì hoãn việc điều trị, ngày 3/3/2019 bệnh nhân đã được phẫu thuật: Mở ngực, cắt thùy trên phổi trái kèm nạo hạch có nội soi hỗ trợ. Sau 3 giờ phẫu thuật, bệnh nhân được hồi sức tích cực sau mổ và chuyển về Khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu tiếp tục chăm sóc hậu phẫu. Hiện nay bệnh nhân đã hồi phục tốt hơn mong đợi của gia đình. Bệnh nhân sẽ được Khoa Ung bướu hội chẩn để có chỉ định điều trị phối hợp.

Trong đợt chuyển giao kỹ thuật này, BVĐK Khánh Hòa đã phẫu thuật thành công trường hợp bệnh nhân Trần S., 60 tuổi (Ninh Sim, Ninh Hòa). Khi nhập viện, bệnh nhân tắc hoàn toàn động mạch chủ đoạn dưới thận - có tuần hoàn bàng hệ - giảm tưới máu 2 chi dưới. Nhờ các thiết bị y tế hiện đại, đặc biệt máy MSCT 128 lát cắt đã giúp các thầy thuốc chẩn đoán hình ảnh kết luận chính xác. Bệnh nhân được hội chẩn và phẫu thuật và hồi phục tốt.

Theo BVĐK Khánh Hòa, nhờ có quan tâm của ngành y tế, bệnh viện đã đầu tư nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại để hỗ trợ các bác sĩ lâm sàng chẩn đoán và điều trị, cũng như giúp bệnh nhân được hưởng chế độ BHYT. Có nhiều loại bệnh nguy hiểm, dấu hiệu rất mờ nhạt nhưng người bệnh không nên chủ quan, đặc biệt các bệnh lý về mạch máu. Loại bệnh này trong những năm gần đây tăng dần về số lượng cũng như mức độ phức tạp do tuổi thọ ngày càng tăng và chế độ dinh dưỡng thay đổi.

Tổn thương mạch máu đa tầng, lan tỏa. Với những bệnh nhân có bệnh mạch máu phức tạp, tuổi cao, nhiều vị trí tổn thương nên việc áp dụng các phương pháp như phẫu thuật đơn thuần hoặc can thiệp đơn thuần sẽ không mang lại hiệu quả tốt do phẫu thuật tại nhiều vị trí, việc can thiệp mạch máu trên nhiều vị trí cùng một lúc không phải lúc nào cũng thực hiện được, mặt khác là gánh nặng kinh tế lớn cho bệnh nhân và bảo hiểm y tế.

Trước thực trạng này, Khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu, BVĐK Khánh Hòa bước đầu áp dụng phẫu thuật và can thiệp đồng thời trong cùng một thì (phẫu thuật hybrid) trên các bệnh nhân có bệnh lý mạch máu phức tạp với kết quả ban đầu tương đối khả quan. Phẫu thuật hybrid có thể áp dụng được cho nhiều vị trí tổn thương một lúc. Can thiệp hybrid cho phép xử lý các thương tổn một cách triệt để trong một thì. hybrid triển khai tại Khánh Hòa phối hợp được ưu điểm của phẫu thuật và can thiệp nội mạch. Phẫu thuật cho phép bộc lộ rõ thương tổn, tiếp cận và xử trí những mạch máu mà can thiệp rất khó khăn (như động mạch đùi chung bị tắc hoàn toàn, huyết khối gây tắc trong lòng mạch...). Bên cạnh đó, việc can thiệp nội mạch cho phép xử lý những thương tổn của mạch máu lớn và các vị trí khó, xa (động mạch chày trước, chày sau, miệng nối mạch máu cũ) với những kỹ thuật tiên tiến (nong mạch bằng bóng, đặt stentgraft) một cách nhanh chóng, hiệu quả và an toàn. Việc phối hợp các ưu điểm trên đã cho phép xử lý được các thương tổn khó, phức tạp đôi khi không thể thực hiện được nếu phẫu thuật hoặc can thiệp đơn thuần. Những thành công này tạo ra nhiều cơ hội được cứu chữa, chăm sóc kịp thời cho người dân địa phương cũng như các tỉnh lân cận. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang