Xuất hiện ổ dịch sởi tại địa phương
Ngày 14/5/2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương xác nhận trên địa bàn tỉnh xuất hiện ổ dịch sởi tại trường Tiểu học Tân Hương. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện là một học sinh.
Qua mẫu xét nghiệm gửi lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác nhận là dương tính với bệnh sởi. Đến ngày 10.5, tại ổ dịch đã ghi nhận 13 ca mắc, trong đó 11 học sinh và 2 giáo viên (đang điều trị tại cơ sở y tế là 5 ca và tại nhà là 8 ca).
Ngay sau khi phát hiện, cơ quan y tế ở Hải Dương đã thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch như tăng cường tuyên truyền để người dân nắm bắt các triệu chứng của bệnh sởi, cách phòng tránh bệnh sởi...
Bên cạnh đó, hướng dẫn học sinh thực hiện rửa tay bằng xà phòng trước khi đến trường, lớp và sau khi ra về; Lập danh sách học sinh, gửi thông báo đến từng gia đình về ngày tiêm phòng cho trẻ. Đồng thời, tổ chức tiêm phòng vaccine (phòng sởi) cho khoảng 700 học sinh Trường Tiểu học Tân Hương. Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang cử 1 đội cấp cứu cùng các phương tiện thường trực tại điểm tiêm chủng, sẵn sàng hỗ trợ cho ngày tiêm chủng.
Từ đầu năm đến nay, tại Hải Dương đã ghi nhận 2 ổ dịch tại thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) và xã Tân Hương (Ninh Giang). (Tiền phong, trang 6).
Phát hiện sớm dấu hiệu đột quỵ thế nào?
Nhiều người nghĩ rằng chỉ có tăng huyết áp, mỡ máu cao mới là nguyên nhân gây đột quỵ, hoặc nhầm lẫn giữa đột quỵ và say nắng, khi gặp tình huống người bị đột quỵ thường xử trí không đúng như cho người bệnh sử dụng an cung ngưu hoàng hoàn và nghĩ rằng đó là “thần dược”...
PGS.TS Lương Tuấn Khanh - Giám đốc Trung tâm Phục hồi Chức năng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, dấu hiệu nhận biết một người bị đột quỵ là đang ngồi nói chuyện thấy méo miệng, liệt nửa người, đau đầu, đấy là yếu tố hoặc trên nền bệnh nhân có rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường cần phải kiểm soát các nguy cơ. Đột quỵ xảy ra do cả tăng huyết áp hoặc huyết áp thấp. Nếu huyết áp thấp thì nguy cơ đột quỵ lại cao hơn và dễ xảy ra đột quỵ. Tổ chức Đột quỵ thế giới mới đưa ra các dấu hiệu đột quỵ: Mặt, tay, lời nói là nghi ngờ và phải khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để đảm bảo thời gian vàng, người ta cho rằng phải trước 4,5 tiếng. Có thể kéo dài đến 6 tiếng. Cụ thể, mặt bị miệng lệch, mắt lệch, tay một bên tay yếu, có thể nói hơi khó, nặng có thể không nói được, không hiểu lời nói. Khi đó ngay lập tức là phải gọi ngay cho 115 hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
Đối với những người đột quỵ rồi mà đột quỵ lại rất nặng nề, có thể tử vong. Do đó đối với những người có đột quỵ lần đầu chắc chắn phải được đưa vào chế độ kiểm soát đặc biệt bằng cách kiểm soát và điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa.
Hiện nay việc phát hiện, cấp cứu kịp thời bệnh nhân đột quỵ do các chuyên ngành cấp cứu tim mạch, thần kinh phát triển tốt đã giúp nâng cao tỷ lệ bệnh nhân sống sót sau đột quỵ não cấp tính. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với số lượng bệnh nhân di chứng cao, đòi hỏi phải phục hồi chức năng, giúp bệnh nhân không bị teo cơ, viêm phổi, loét khiến chất lượng sống tốt hơn, giảm gánh nặng cho xã hội.
Kết quả phục hồi của bệnh nhân sau đột quỵ não phụ thuộc nhiều yếu tố như được cấp cứu sớm, điều trị đúng phương pháp, tổn thương ở vị trí nào, vùng tổn thương lớn hay bé… Phục hồi chức năng kịp thời, đúng phương pháp giúp 70-80% bệnh nhân đi lại ở mức độ khác nhau. (Tiền phong, trang 6).
Hà Nội: Yêu cầu các đơn vị không được giấu dịch
Để dịch sởi và sốt xuất huyết không bùng phát, bên cạnh việc đảm bảo tiêm vaccine cho đủ lứa tuổi có nguy cơ và vệ sinh môi trường, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu lãnh đạo huyện, xã phải có mặt kịp thời khi xảy ra ổ dịch trên địa bàn mình, không để người dân bức xúc và đặc biệt nhắc nhở các đơn vị không được giấu tình hình dịch…
Chiều tối 14-5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì hội nghị giao ban công tác phòng chống dịch bệnh sởi, sốt xuất huyết trên địa bàn.
Không có ổ dịch lớn
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong thời gian vừa qua, dịch bệnh sởi đang có xu hướng tăng nhanh tại một số tỉnh thành trong cả nước. Tại Hà Nội, từ ngày đầu năm đến ngày 12/5/2019, đã ghi nhận 1.193 trường hợp mắc sởi, bệnh nhân mắc rải rác tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 377/584 xã, phường, thị trấn; không có ổ dịch lớn và chưa có ca bệnh tử vong.
Trong số 1.193 trường hợp mắc sởi đã có 1.136 ca đã khỏi bệnh, hiện chỉ còn 57 trường hợp đang điều trị.
Với bệnh sốt xuất huyết, TP đã ghi nhận 224 trường hợp mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân mắc rải rác tại 29/30 quận, huyện, thị xã, 125 xã phường, thị trấn, không có ổ dịch lớn và chưa có ca bệnh tử vong. Trong số 224 trường hợp mắc có 214 trường hợp đã khỏi bệnh, hiện chỉ có 10 trường hợp đang điều trị
Số ca mắc bệnh sởi ở Hà Nội hiện là 13,2/100.000 dân đứng thứ 5 cả nước.
Qua điều tra dịch tễ học cho thấy, hầu hết các trường hợp mắc sởi do chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi.
Trước diễn biến của dịch bệnh, Thành ủy, UBND TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi, sốt xuất huyết trên địa bàn.
Ngày 19/3, Chủ tịch UBND TP đã chủ trì hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sởi và sốt xuất huyết, quán triệt các đơn vị cần tập trung quyết liệt cho công tác phòng chống dịch, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn TP.
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, để chủ động trong công tác phòng chống dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP và Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đã thường xuyên cử cán bộ y tế vào các bệnh viên được phân cấp trên địa bàn (kể các các bệnh viện tuyến Trung ương) giám sát các ca bệnh truyền nhiễm, khi phát hiện có người mắc bệnh đã tổ chức ngay viên khoanh vùng, điều tra xử lý dịch tại cộng đồng theo đúng quy định.
Vì vậy, hầu hết các ca bệnh đều được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không xuất hiện ca bệnh thứ phát và ổ dịch lớn.
Đảm bảo đủ 100% vaccine
Tuy nhiên, theo Sở Y tế, tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp do Hà Nội là thành phố có sự di biến động dân cư lớn, người dân ngoại tỉnh đến sinh sống, làm việc nhiều dẫn đến việc khó khăn trong công tác thống kê, quản lý đối tượng.
Bên cạnh đó, một số bậc phụ huynh không cho con đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin theo quy định do gia đình lo ngại các phản ứng không mong muốn có thể gặp phải sau khi tiêm vắc xin.
Đồng thời, theo quy định, vắc xin sởi tiêm cho trẻ từ đủ 9 tháng tuổi trở lên, do vậy, những trẻ dưới 9 tháng tuổi là các đối tượng có nguy cơ bị mắc dịch bệnh này.
Đối với bệnh sốt xuất huyết, mặc dù đã triển khai tích cực các hoạt động chủ động phòng chống nhưng kết quả kiểm tra cho thấy còn nhiều khu vực có chỉ số véc tơ cao… do nhiều hộ dân chưa hợp tác trong việc vệ sinh môi trường diệt bọ gậy.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, so với năm 2018, tình hình bệnh sốt xuất huyết năm nay tăng gấp 3 lần.
Vì vậy, trên tinh thần quyết liệt và không chủ quan, các đơn vị quận huyện phải thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch phòng chống dịch bệnh của TP đã được ban hành từ đầu năm.
Nêu nguyên nhân chủ yếu dẫn dịch sởi là do không tiêm đủ vắc xin, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý yêu cầu các quận huyện rà soát đảm bảo tiêm 100% vắc xin 100% đối với trẻ dưới 2 tuổi; các trạm y tế phải phối hợp với trường học và các phường xã, đồng thời tổ chức tiêm nhắc lại đối với trẻ từ 6 -11 tuổi.
Không được giấu dịch
Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung ghi nhận và đánh giá cao các đơn vị của TP đã thực hiện nghiêm túc và quyết liệt sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và kế hoạch phòng chống dịch của TP ngay từ đầu năm.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý, Hà Nội hiện đang đứng thứ 5 về số ca mắc sởi (tính theo tỷ lệ /100.000 dân); tình hình thời tiết bất thường khiến diễn biến của dịch sốt xuất huyết xuất hiện sớm hơn năm 2018 làm tăng nguy cơ bệnh dịch.
Vì vậy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị các đơn vị tổ chức triển khai nghiêm túc các nội dung thông báo của UBND và các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, văn bản hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội trong công tác phòng chống dịch sởi và sốt xuất huyết.
“Quận huyện cần xây dựng các kế hoạch, đề án phòng chống dịch bệnh phù hợp với đặc thù địa bàn. Đặc biệt, các đơn vị phải nâng tỷ lệ trẻ em dưới 2 tuổi được tiêm 2 mũi vắc xin từ 95% lên 100%.
Các cơ sở y tế phải đảm bảo khâu bảo quản vắc xin theo đúng quy trình, các trang thiết bị bảo quản phải đảm bảo đúng kỹ thuật, tiêu chuẩn, tuyệt đối không được xảy ra sai sót dẫn đến trường hợp tử vong” – Chủ tịch UBND TP nhắc nhở và giao nhiệm vụ.
Đối với các trường hợp tiêm vắc xin xong, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các cơ sở y tế phải có trách nhiệm hướng dẫn phụ huynh khi phát hiện các trường hợp trẻ phản ứng với vắc xin để có phương án cấp cứu kịp thời; đồng thời, vận động các đối tượng lớn tuổi tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi nếu chưa tiêm.
Để phòng dịch sốt xuất huyết hiệu quả, Chủ tịch UBND TP cho rằng mấu chốt để triển khai tốt công tác phòng chống dịch là phải tuyên truyền vận động người dân diệt bọ gậy, tổng vệ sinh môi trường.
Đồng thời, các trạm y tế phải tăng cường phun thuốc để phòng dịch. "Trên tinh thần không được chủ quan, cần khoanh vùng các ổ dịch kịp thời để tránh nguy cơ bùng phát thành dịch' Chủ tịch UBND TP nói.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP lưu ý để tránh gây bức xúc cho người dân trong công tác xử lý dịch, lãnh đạo huyện xã phải có mặt kịp thời khi xảy ra ổ dịch trên địa bàn mình, đồng thời làm tốt công tác chôn lấp, rắc vôi, tránh xa các giếng nước. Chủ tịch UBND TP đặc biệt nhắc nhở các đơn vị không được giấu tình hình dịch vì thành tích; tổ chức tuần tra để phun thuốc kịp thời... (An ninh Thủ đô, trang 6).
Nhiều ca bệnh nặng do sốt xuất huyết
Đã có ba ca tử vong do sốt xuất huyết, nhiều ca bệnh nặng dù chưa vào mùa cao điểm của sốt xuất huyết. Trong đó, một phụ nữ mắc bệnh sốt xuất huyết đã tử vong khi tự điều trị tại nhà .... (Tuổi trẻ, trang 14).
Nâng cao chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền
Thời gian qua, để tăng cường kiểm soát nguồn gốc, chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp, như triển khai Thông tư 13/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền; lần đầu triển khai cấp số đăng ký lưu hành cho vị thuốc cổ truyền; thẩm định, cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP-WHO cho các cơ sở sản xuất dược liệu, vị thuốc cổ truyền.
Theo Cục Quản lý Y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), nếu như trước đây, các địa phương chỉ tập trung kiểm soát chất lượng thuốc tân dược, thì hiện nay đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm soát chất lượng, nguồn gốc dược liệu, vị thuốc cổ truyền trên thị trường và các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Các Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm ở địa phương thường xuyên lấy mẫu dược liệu, vị thuốc cổ truyền để kiểm nghiệm, phát hiện các vi phạm. Các doanh nghiệp cho rằng, Thông tư 13/2018/TT-BYT tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để giúp các doanh nghiệp thông quan hàng hóa nhập khẩu, hạn chế tình trạng nhập khẩu tiểu ngạch. Bên cạnh đó, việc thực hiện đấu thầu dược liệu, vị thuốc cổ truyền tại một số đơn vị dần khắc phục được tình trạng hồ sơ mời thầu yêu cầu điểm kỹ thuật quá cao, có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, lựa chọn nhà thầu không đúng. Thí dụ, hồ sơ mời thầu của các sở y tế: TP Đà Nẵng, Kiên Giang, Hòa Bình… đã yêu cầu điểm kỹ thuật ở mức tối thiểu là 80 điểm/100 điểm, nhằm tạo sự cạnh tranh và lựa chọn dược liệu, vị thuốc cổ truyền bảo đảm chất lượng, nguồn gốc.
Tuy nhiên, thực tế đấu thầu phát sinh những bất cập cần tháo gỡ. Hiện nay, dù đã có quy định tại Thông tư 13/2018/TT-BYT, nhưng cơ quan chức năng chưa kiểm soát được số lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền mà doanh nghiệp nhập khẩu với số lượng bán ra và trúng thầu tại các cơ sở y tế. Điều đó tạo ra kẽ hở để dược liệu, vị thuốc cổ truyền không bảo đảm chất lượng dễ “lọt” vào cơ sở y tế. Một số doanh nghiệp phản ánh, có trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu, số lượng không nhiều (số liệu được đăng tải công khai trên trang thông tin của Cục Quản lý Y, dược cổ truyền), nhưng lại trúng thầu số lượng khá nhiều. Cơ quan quản lý cần có giải pháp để kiểm soát “đầu vào” và “đầu ra” của doanh nghiệp, tránh trà trộn dược liệu không rõ nguồn gốc. Cục Quản lý Y, dược cổ truyền cần yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc báo cáo số lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền trúng thầu tại các cơ sở y tế theo quy định để có căn cứ đối chiếu với số lượng trong đơn hàng nhập khẩu. Đồng thời, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần cập nhật các thông tin đó để có căn cứ giám sát việc thanh toán bảo hiểm y tế. Chủ đầu tư, khi xây dựng hồ sơ mời thầu cần đưa ra tiêu chí về số lượng nhập khẩu dược liệu đã được đăng tải công khai nhằm lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực cung ứng, tránh trường hợp trúng thầu nhưng do không đủ thời gian nhập khẩu, bào chế sẽ tìm cách trà trộn dược liệu, vị thuốc không bảo đảm chất lượng. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần thể hiện tên khoa học của dược liệu trong Giấy chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ dược liệu và hồ sơ mời thầu. Điều này vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và các văn bản liên quan, vừa tránh tình trạng nhập khẩu và cung ứng dược liệu vào cơ sở y tế không kèm tên khoa học, có thể dẫn đến việc cung ứng dược liệu sai loài, sai bộ phận dùng, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Việc xây dựng hồ sơ mời thầu vị thuốc cổ truyền cần đưa ra tiêu chí kỹ thuật chế biến vị thuốc theo đúng Thông tư 30/2017/TT-BYT hướng dẫn phương pháp chế biến các vị thuốc cổ truyền.
Để bảo đảm thuốc tốt cho người bệnh và kiểm soát được quỹ bảo hiểm y tế, cần có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, thực hiện của các bên, gồm cơ quan quản lý nhà nước, quản lý quỹ bảo hiểm y tế và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược liệu. Trong đó, Cục Quản lý Y, dược cổ truyền phối hợp địa phương tăng cường kiểm tra dược liệu, vị thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện tạm dừng thanh toán, nếu các bên liên quan chưa chứng minh được nguồn gốc xuất xứ dược liệu. (Nhân dân, trang 1).
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tăng cường vận động thể lực trong ngành Y tế
Ngày 14-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký ban hành Chỉ thị 06/CT-BYT 2019 về việc tăng cường vận động thể lực trong ngành y tế.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong toàn ngành tổ chức phát động và triển khai tập thể dục cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, đơn vị, bao gồm tập trong lúc giải lao của các buổi họp, giao ban; tập lúc giải lao buổi sáng, buổi chiều trong giờ làm việc. Bài mẫu gợi ý tập thể dục giữa giờ (thời lượng 3 phút) đã được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo và đăng tải trên trang web của Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe trung ương, Bộ Y tế theo địa chỉ: http://t5g.org.vn/.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tích cực thực hiện vận động thể lực với các hình thức phù hợp như đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày hoặc luyện tập thể dục, thể thao và các hình thức vận động khác tối thiểu 30 phút mỗi ngày; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tăng cường vận động thể lực với các hình thức phù hợp cho sức khỏe.
Các đơn vị tổ chức cung cấp các dịch vụ tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng và vận động thể lực cho người bệnh tại các cơ sở y tế và người dân tại cộng đồng, đặc biệt là đối với người có nguy cơ cao và người mắc các bệnh mạn tính...
Theo Tổ chức Y tế thế giới, thiếu vận động thể lực là một trong bốn yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Vận động thể lực đầy đủ sẽ giảm 30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân; giảm từ 20 - 40% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư đại trực tràng và ung thư vú ở phụ nữ; giảm nguy cơ mắc trầm cảm, phòng ngừa bệnh loãng xương, cải thiện trí nhớ và giúp kiểm soát cân nặng.
Tại Việt Nam, khoảng 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ làm gia tăng nhanh gánh nặng bệnh không lây nhiễm, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và làm giảm tuổi thọ của người dân. (Sức khỏe & Đời sống,trang 2)