Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo 19/12/2018

  • |
T5g.org.vn - Thủ tướng dự lễ khánh thành tòa nhà khám chữa bệnh hiện đại nhất Việt Nam của Bệnh viện 108; Cải tiến chất lượng là động lực để bệnh viện hướng đến sự hài lòng của người bệnh; Đào tạo sau đại học giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; Vận động hiến máu cho người bệnh; Hà Nội ráo riết kiểm tra an toàn thực phẩm cuối năm; Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội: Dịch vụ y tế tiêu chuẩn Châu Âu cho người dân...

 

Thủ tướng dự lễ khánh thành tòa nhà khám chữa bệnh hiện đại nhất Việt Nam của Bệnh viện 108

Ngày 17/12, Bệnh viện TW Quân đội 108 đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (lần thứ hai) và khánh thành cụm công trình tòa nhà trung tâm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự buổi lễ và trao Danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước cho Bệnh viện.

Hành trình từ phân viện 8 đến Bệnh viện TW Quân đội 108 có tòa nhà khám chữa bệnh hiện đại nhất Việt Nam

Báo cáo tại buổi lễ, GS.TS Mai Hồng Bàng- Giám đốc Bệnh viện TW Quân đội 108 cho biết, Phân viện 8, tiền thân của Bệnh viện TW Quân đội 108, thành lập năm 1951, với nhiệm vụ phục vụ sức khỏe Trung ương, cơ quan Bộ Tổng tư lệnh ở ATK; cứu chữa thương, bệnh binh theo phân công của Cục Quân y, cấp cứu, điều trị cho nhân dân vùng đóng quân.

Trong điều kiện chiến tranh, dù nhiều khó khăn, thiếu thốn trang thiết bị và vật tư thuốc men, nhưng Phân viện 8 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhất là cứu chữa thương bệnh binh, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân. Những chiến công đó góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1956, Phân viện 8 đổi tên thành Quân y viện 108. Năm 1985, Viện được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

“Trải qua 67 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đến nay Bệnh viện TW Quân đội 108 đã phát triển lớn mạnh với 104 đơn vị trực thuộc, 57 khoa lâm sàng và 640 bác sỹ, trong đó có 45 giáo sư và phó giáo sư, 146 tiến sỹ”- GS. TS Mai Hồng Bàng thông tin  

Cũng theo GS.TS Mai Hồng Bàng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bệnh viện TW Quân đội được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung các trang thiết bị y tế hiện đại lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam. Trong đó, cụm công trình tòa nhà trung tâm gồm 2 tòa 22 tầng, 1 tòa 10 tầng, tổng diện tích 15.000 m2, có quy mô điều trị cho 2.000 bệnh nhân nội trú. Đến thời điểm này, đây cũng là bệnh viện duy nhất ở nước ta có đến 50 phòng mổ áp lực dương, trong đó có 45 phòng mổ tiêu chuẩn, 5 phòng mổ ghép tạng và phòng mổ hybrid. Ở phòng hybrid, bệnh viện trang bị robot chụp mạch can thiệp.

Cụm công trình trung tâm này cũng được trang bị hệ thống xạ trị - xạ phẫu đa năng suất liều cao dưới hướng dẫn hình ảnh thời gian thực. Đây là hệ thống xạ trị - xạ phẫu tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay có khả năng xạ trị, xạ phẫu với độ chính xác cao và điều trị hiệu quả cho các bệnh ung thư u não, ung thư đầu- cổ, phổi, vú, gan, tụy, thực quản, trực tràng, tiền liệt tuyến…

Bệnh viện TW Quân đội 108  đã đưa vào sử dụng hệ thống xét nghiệm tự động. Hệ thống xét nghiệm tự động thực hiện 3.600 test một giờ. Máy xét nghiệm miễn dịch tự động có thể xử lý 600 mẫu xét nghiệm một giờ.

Hiện nay, Bệnh viện có những mũi nhọn kỹ thuật ngang tầm khu vực và quốc tế, là trung tâm nghiên cứu ứng dụng nhiều kỹ thuật cao như lĩnh vực chiến thương và chấn thương chỉnh hình, kỹ thuật vi phẫu trong tạo hình thẩm mỹ, kỹ thuật mổ nội soi một lỗ; các kỹ thuật điều trị ung thư gan, can thiệp tim mạch đột qụy...

“Đặc biệt, Bệnh viện cũng đang thành công trong nhiều kỹ thuật ghép đa phủ tạng như ghép tế bào gốc, ghép tủy, ghép giác mạc, ghép thận thường quy, ghép gan ở người cho sống. Đầu năm nay, lần đầu tiên tại Việt Nam, Bệnh viện đã ghép phổi từ người cho chết não và điều phối, vận chuyển ghép đa tạng xuyên Việt ở hai đầu đất nước”- Giám đốc Bệnh viện TW Quân đội 108 thông tin.

Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực sớm đạt đẳng cấp quốc tế của Bệnh viện TW Quân đội 108

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Bệnh viện TW Quân đội 108. Tham dự lễ khánh thành Cụm công trình trung tâm và trao danh hiệu Anh hùng lần thứ 2 cho Bệnh viện TWuân đội 108, Thủ tướng đánh giá cao sự chủ động, nỗ lực phấn đấu vươn lên của Bệnh viện với mục tiêu trở thành bệnh viện thông minh, đẳng cấp quốc tế.

Nhắc đến những chiến công của Phân viện 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bệnh viện có thể tự hào về những tấm gương anh hùng cách mạng, những thầy thuốc quân đội không tiếc máu xương, hy sinh tuổi thanh xuân của mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Thủ tướng đánh giá cao Bệnh viện TW Quân đội 108 ngày nay đã kế thừa truyền thống cha anh, trở thành Bệnh viện tuyến cuối của toàn quân. Bệnh viện đã ứng dụng công nghệ khoa học tiên tiến, hiện đại trong chẩn đoán, cấp cứu và điều trị, làm chủ nhiều kỹ thuật đạt trình độ quốc tế, trong đó có ghép mô bộ phận cơ thể người mà điển hình là ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam mà Bệnh viện thực hiện đầu năm nay.

Thủ tướng cho rằng, đây là dấu son trong lịch sử y học của nước nhà. Cùng với đó, Bệnh viện cũng thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng, là cơ sở đào tạo sau đại học, là 1 trong 5 bệnh viện hạng đặc biệt của đất nước.

Thủ tướng đánh giá cao hướng phát triển của Bệnh viện thời gian tới, trong đó tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc, phục vụ điều trị, đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh, xây dựng đội ngũ y bác sỹ, đưa Bệnh viện trở thành Bệnh viện thông minh đẳng cấp quốc tế. 

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cả cơ hội và thách thức, Thủ tướng đề nghị Bệnh viện tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh. Theo đó, Bệnh viện cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, làm chủ tiến bộ khoa học kỹ thuật; tập trung đào tạo nhân lực có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn giỏi, phát huy phẩm chất tốt đẹp của người bộ đội cụ Hồ và người thầy thuốc quân y cách mạng, bảo đảm yêu cầu phát triển của Bệnh viện hạng đặc biệt, xứng đáng là một trong những trung tâm y học hàng đầu của quân đội và quốc gia, hướng tới tiêu chuẩn khu vực và quốc thế. 

Trong công tác khám chữa bệnh, Thủ tướng cũng yêu cầu Bệnh viện không ngừng giữ vững, nâng cao toàn diện chất lượng chuyên môn về mọi mặt, lấy người bệnh làm trung tâm, hoàn thành tốt nhiệm vụ thu dung, cấp cứu, điều trị. Cùng với đó là kết hợp chặt chẽ giữa điều trị, nghiên cứu khoa học và huấn luyện, đào tạo; tiếp tục kết hợp tốt mô hình viện – trường trong đào tạo, tăng cường đào tạo chuyên khoa và đào tạo tiến sỹ, đào tạo liên tục; mở rộng hợp tác quốc tế; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, công nghệ tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị; giải quyết tốt các bệnh thời bình; ứng phó kịp thời thảm họa thiên tai, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu của quân đội. 

Biểu dương Bệnh viện lần thứ hai được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Thủ tướng chúc mừng Bệnh viện khánh thành Công trình trung tâm, một công trình đồng bộ, hiện đại. Thủ tướng yêu cầu Bệnh viện cần làm chủ và vận hành an toàn, hiệu quả, lâu dài công trình, phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao của bộ đội và nhân dân.

Đồng thời Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, trực tiếp là Bộ Quốc phòng chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi, tiếp tục đầu tư các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ để xây dựng Bệnh viện TW Quân đội 108 chính quy, khoa học, tiên tiến ngày càng phát triển (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Cải tiến chất lượng là động lực để bệnh viện hướng đến sự hài lòng của người bệnh

Cải tiến chất lượng bệnh viện đã trở thành một phong trào và là động lực để các bệnh viện thực hiện hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Trên 800 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, sở Y tế, các BV tuyến tỉnh, huyện, tư nhân, các bác sỹ, điều dưỡng làm công tác quản lý chất lượng và một số tổ chức quốc tế đã tham dự Diễn đàn Quốc gia về chất lượng BV lần thứ IV do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh ( Bộ Y tế) phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tổ chức tại Hà Nội ngày 18/12.

Diễn đàn nhằm tăng cường sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, nhà quản lý và chuyên môn về việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến về quản lý chất lượng trong nước và quốc tế… Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Luôn bám sát mục tiêu “lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những đổi mới và kết quả đạt được của hệ thống khám chữa bệnh trong việc nâng cao và cải tiến chất lượng BV. Bộ trưởng cho biết, trong những năm qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất lượng BV như: Thông tư về quản lý chất lượng xét nghiệm BV; Quyết định về cải tiến quy trình khám chữa bệnh ở các phòng khám bệnh, Bộ 83 tiêu chí đánh giá chất lượng BV được công bố ra từ Diễn đàn Quốc gia về chất lượng BV lần thứ I năm 2013. Bộ Y tế kỳ vọng, việc đánh giá chất lượng BV theo tiêu chí sẽ từng bước cải tiến chất lượng dịch vụ y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

“Kết quả trên thực tế đã cho thấy đây là chủ trương rất đúng đắn, chất lượng của toàn hệ thống khám, chữa bệnh từng bước được nâng lên, hướng đến sự hài lòng của người dân”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, trong 5 năm trở lại đây, chất lượng BV đã có những cải tiến vượt bậc, những người làm chất lượng BV đã có những đổi mới từ cách nghĩ, cách làm đến cách kiểm tra với mục tiêu “lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”. Từ Diễn đàn Quốc gia về chất lượng BV lần thứ I năm 2013 đến lần thứ IV năm 2018 đã ghi nhận những nỗ lực trong cải tiến, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Cải tiến chất lượng BV đã trở thành một phong trào và là động lực để các BV thực hiện hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Dẫn chứng từ thực tiễn, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, về cải tiến chất lượng chuyên môn đã có 13 cuốn tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị được ban hành. Ngoài ra các lĩnh vực  khác như công tác chống nhiễm khuẩn tại các BV đã có thay đổi rõ rệt, các BV cũng đã đã triển khai các chương trình như vệ sinh tay, kháng kháng sinh,  rồi công tác dinh dưỡng lâm sàng cũng đã có những thay đổi vượt bậc, việc liên thông xét nghiệm được thực hiện…

“Những nỗ lực cải tiến chất lượng BV của ngành y tế được thể hiện sự hài lòng của người bệnh. Kết quả khảo sát hài lòng người bệnh trực tuyến sau 1 năm với trên 1 triệu phiếu khảo sát cho thấy 75,6 % người bệnh nội trú và 66,3% người bệnh ngoại trú hài lòng. Ngoài ra, kết quả khảo sát độc lập của Tổ chức sáng kiến Việt Nam phỏng vấn qua điện thoại sau ra viện với hơn 3.000 người bệnh cũng cho thấy tỷ lệ hài lòng đạt 79,6%”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê thông tin

Với vai trò là Phó Trưởng Phái đoàn EU, phát biểu tại Diễn đàn Tại diễn đàn, bà Axelle Nicaise, bày tỏ vui mừng được tiếp tục chứng kiến cam kết rất cao từ phía Bộ Y tế, các sở y tế, các cơ sở y tế công và tư trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, coi đó như một trong những mục tiêu cốt lõi của việc cải cách ngành y tế (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Ngành Y tế đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ trị bệnh sang điều trị, cứu chữa người bệnh

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, từ Diễn đàn lần thứ 2 được tổ chức vào năm 2013 khi lần đầu tiên Bộ Y tế công bố Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV đến nay, việc đánh giá chất lượng BV đã có chuyển biến tích cực, đi vào thực chất. Ngành Y tế đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ trị bệnh sang điều trị, cứu chữa người bệnh…

Phó Thủ tướng cũng đề nghị trong thời gian tới, ngành Y tế cần tiếp tục thực hiện tốt việc đánh giá chất lượng BV; công khai, minh bạch trong xây dựng hồ sơ sức khỏe cá nhân, cũng như công tác khám chữa bệnh, điều trị, dự phòng…; huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức cũng như người dân, người bệnh vào cải tiến quy trình quản trị BV.

Đồng thời, ngành Y tế cần thực hiện tự chủ BV, từ các BV tuyến trung ương tới trạm y tế xã, cùng với mở rộng bảo hiểm y tế để đảm bảo kinh phí khám chữa bệnh. Ngành cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từ hoạt động bảo hiểm, nhà thuốc, thậm chí tất cả các thông tin liên quan đến phòng bệnh, trị bệnh, phác đồ điều trị bệnh, để người dân hiểu rõ hơn, chia sẻ với ngành y nhiều hơn.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ tiêu chí đánh giá tất cả các cơ sở của ngành y tế là bộ tiêu chí tiếp cận theo hướng quốc tế, vì vậy cần phát huy mạnh mẽ vai trò của các hiệp hội, các tổ chức kiểm định và cả người dân trong đánh giá chất lượng khám chữa bệnh vì suy cho cùng mục đích cuối là sự hài lòng của người dân.

Phó Thủ tướng chia sẻ đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới đối với Việt Nam, đó là “thu nhập đầu người Việt Nam trên 2.000 USD nhưng hiệu quả sử dụng đồng tiền vào chăm sóc sức người dân thì tương đương với nước có thu nhập 10.000 USD” và mong muốn ngành y tế cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tại diễn đàn, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất; trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhân dịp 10 năm thành lập Cục và 65 năm hệ thống khám, chữa bệnh Việt Nam.

Thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì cho PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh và 2 cá nhân khác Huân chương lao động Hạng Ba.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã vinh dự nhận được phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng, ghi nhận những đóng góp của Cục trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bộ Y tế bàn giao thêm 14 bác sĩ trẻ về chăm sóc sức khoẻ người dân vùng khó khăn

Dự án thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành Y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.

Bước đột phá của ngành y tế trong đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân vùng khó khăn

Ngày 18/12/2018, tại Trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức lễ bàn giao 14 bác sỹ trẻ vừa tốt nghiệp khóa 3, lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I  trong tổng số 300 bác sỹ đã, đang được đào tạo tại Trường đại học Y Hà Nội và khai giảng lớp bác sỹ chuyên khoa I khóa 14 với 32 bác sỹ được tuyển chọn theo các tiêu chuẩn khắt khe chất lượng.

Đây là các hoạt động có ý nghĩa của dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Dự án thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành Y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.

Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, hạn chế rủi do tài chính lãng phí của người dân, cộng đồng và xã hội.

”Triển khai tốt Dự án này còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước”- Bộ trưởng Bộ Y tế nói

Tại Buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo, giao các bệnh viện tuyến trung ương tuyển dụng theo dõi hỗ trợ cho các bác sĩ trẻ bàn giao đợt này, giao cho Trường Đại học Y Hà Nội và một số trường đại học y tổ chức đào tạo cho các bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia dự án bảo đảm chất lượng, đạt chỉ tiêu vững vàng tay nghề về chuyên môn để đáp ứng được nhu cầu nhằm phục vụ nâng cao công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; thực hiện công bằng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ở vùng khó khăn, góp phần giảm tải trong công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến trên.

Các huyện nghèo còn cần khoảng 316 bác sĩ

Thông tin tại buổi lễ, TS Phạm Văn Tác- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Giám đốc dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” cho biết, báo cáo của các Sở Y tế có huyện nghèo cho thấy nhu cầu bác sỹ tại 62 huyện nghèo là khoảng 598 người thuộc 15 chuyên khoa trong đó 7 chuyên khoa có nhu cầu nhiều nhất là Nội với 53 bác sĩ; Ngoại với 49 bác sĩ; Sản với 55 bác sĩ; Nhi với 44 bác sĩ; Hồi sức cấp cứu với 47 bác sĩ; Truyền nhiễm với 35 bác sĩ; Chẩn đoán hình ảnh với 33 bác sĩ. Như vậy, tổng số bác sĩ còn thiếu của 7 chuyên khoa này  là 316.

Dự án được Bộ Y tế quyết định triển khai thực hiện từ tháng 2/2013 với mục tiêu đảm báo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, theo đó tới năm 2020 sẽ đưa khoảng hơn 300 bác sỹ trẻ về công tác tại các địa bàn nêu trên. Hiện tại dự án đã, đang và sẽ đào tạo 14 khóa chuyên khoa I cho 332 bác sỹ thuộc 11 chuyên ngành (Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm, Răng hàm mặt và Y học cổ truyền) trong thời gian 24 tháng.

Sau đó, các bác sĩ tốt nghiệp sẽ công tác 03 năm (đối với nam) và 02 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện.  Sau thời hạn trên, họ sẽ tiếp tục làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, nơi họ đã được xét tuyển đặc cách vào làm việc trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn. Riêng đối với các bác sỹ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại Bệnh viện/TTYT huyện nghèo.

“14 bác sỹ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I khóa 3 đều là những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi tại Trường đại học Y Hà Nội và các trường đại học Y – Dược khác tình nguyện tham gia dự án, được đào tạo bài bản tại Đại học Y Hà Nội và đã nhận bằng tốt nghiệp Chuyên khoa I, được nhận chứng chỉ hành nghề. Tình nguyện đi công tác ở các vùng khó khăn, họ được hưởng các chế độ đối với cán bộ Y tế làm việc tại vùng sâu, miền núi, vùng khó khăn theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP, Nghị định 64/2009/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ... “- TS Phạm Văn Tác thông tin

Nhân dịp này cũng diễn ra lễ khai giảng khóa 14 lớp đào tạo chuyên khoa I  cho 32 bác sỹ trẻ thuộc 10 chuyên ngành khác nhau như: Chẩn đoán hình ảnh, Y học cổ truyền, Gây mê hồi sức, Ngoại, Nhi, Truyền nhiễm, Nội, Hồi sức cấp cứu, Răng hàm mặt và Sản tại trường Đại học Y Hà Nội trong 24 tháng trước khi được đưa về vùng khó khăn làm công tác tình nguyện.

Trước khi trúng tuyển, họ đã được tuyển dụng làm viên chức ở các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện K và số bệnh viện đa khoa/trung tâm y tế (TTYT)  tại huyện khó khăn của tỉnh Lào Cai (BVĐK Mường Khương, BVĐK Bắc Hà), Cao Bằng (BVĐK Trùng Khánh, Bảo Lâm và Quảng Uyên) Lạng Sơn (TTYT Bình Gia, TTYT Lộc Bình), Hà Giang TTYT Hoàng Su Phì, BVĐK Vị Xuyên),  Điện Biên (TTYT Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên Đông, Mường ảng), Bắc Kạn (TTYT Ngân Sơn), Tuyên Quang (BVĐK Lâm Bình, BVĐK Na Hang)

Được biết, chương trình đào tạo dành riêng cho các bác sĩ này đã được Bộ Y tế xây dựng mới, thẩm định và phê duyệt, tạo chú trọng đến thực hành tay nghề chiếm 70% đơn vị học trình. Các bác sĩ sẽ được đào tạo như bác sĩ nội trú, theo hướng “cầm tay chỉ việc”, bên cạnh đó trường còn  giao mỗi giảng viên trực tiếp hướng dẫn 1 học viên và có sự kiểm soát chặt chẽ kết quả đầu ra, bảo đảm khi ra trường họ có thể thực hiện tốt các kỹ thuật khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện. Trong thời gian đào tạo các bác sĩ được hỗ trợ tiền học phí, hưởng lương theo quy định và các chế độ khác của dự án. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Thủ tướng trả lời chất vấn về chế độ, chính sách đối với cán bộ Y tế

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn  Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Vân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên về chế độ chính sách để khuyến khích cán bộ ngành Y tế phát triển.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Vân: Cử tri ngành Y tế mong muốn được nâng mức lương khởi điểm và đặc biệt là được hưởng phụ cấp thâm niên nghề; quan điểm của Chính phủ về kiến nghị trên và giải pháp về chế độ chính sách để khuyến khích cán bộ ngành Y tế ngày càng phát triển.

Trả lời chất vấn trên, Thủ tướng Chính phủ cho biết, viên chức ngành Y tế được áp dụng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, đồng thời được hưởng chính sách ưu đãi đặc thù ngành y tế.

Cụ thể, phụ cấp ưu đãi theo nghề y tế quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ; phụ cấp đặc thù quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ và chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn quy định tại Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 của Chính phủ và phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, trợ cấp lần đầu, trợ cấp chuyển vùng, trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu; thanh toán tiền tàu xe và trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, thì các đơn vị sự nghiệp y tế được tự chủ về các khoản thu, mức thu theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và được tự chủ trả lương cho viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý, được trích quỹ để chi trả tiền lương tăng thêm, chi trả cho chuyên gia, thầy thuốc giỏi.

Như vậy, viên chức ngành y tế đã được hưởng tổng thu nhập (bao gồm tiền lương theo bậc trong chức danh nghề nghiệp viên chức, các loại phụ cấp lương và thu nhập tăng thêm từ nguồn thu sự nghiệp) là có cải thiện hơn so với nhiều ngành, nghề khác, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với ngành y tế.

Chế độ tiền lương từ năm 2003 đến nay đã phát sinh nhiều hạn chế, chính vì vậy, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp trình Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII và đã thông qua tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, trong đó tại Khoản 3 Mục II của Nghị quyết số 27-NQ/TW đã xác định nội dung cải cách: "Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng".

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và chế độ tiền lương mới thực hiện từ năm 2021. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Đào tạo sau đại học giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo các bác sĩ sau khi ra trường, nhằm phục vụ công tác khám, chữa bệnh (KCB) cho nhân dân tốt nhất, là vấn đề xuyên suốt tại hội nghị đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học (SĐH) do Trường Đại học Y Hà Nội (ĐHYHN) tổ chức tại Hải Dương vào ngày 15-12, với sự tham gia của nhiều trường đại học y, Sở Y tế trong cả nước. Theo GS. Tạ Thành Văn- Hiệu trưởng Trường ĐHYHN, để cung cấp các bác sĩ có tay nghề cao phục vụ công tác KCB, những năm gần đây, Trường ĐHYHN đã có nhiều giải pháp. Với quan điểm đổi mới toàn diện, Ttrường đã tập trung cải thiện chất lượng nghiên cứu khoa học, gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo SĐH, đặc biệt trong việc đào tạo nghiên cứu sinh và bác sĩ nội trú – 2 lĩnh vực làm nên thương hiệu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Trường. Từ năm 2012, Trường đã xây dựng ngân hàng câu hỏi để đảm bảo thi cử bằng hình thức trắc nghiệm minh bạch, khách quan và công bằng.

 “Đặc biệt, không thể lấy bệnh nhân làm thí nghiệm, Trường ĐHYHN đã xây dựng Trung tâm mô phỏng xứng tầm, để đào tạo chuyên khoa SĐH) và đào tạo chuyển giao công nghệ. Các kỹ thuật nội soi, thăm dò chức năng… đều phải làm trên mô hình theo chuẩn năng lực cho các lĩnh vực”- GS. Văn cho biết.

Một vấn đề cũng được đặt ra là những năm qua chỉ tiêu đào tạo bác sĩ nội trú tăng  nhanh. Năm 2018, ngân sách nhà nước chưa cân đối được khoảng 17 tỷ. Năm 2019, số lượng bác sĩ nội trú tiếp tục tăng, thì ngân sách có thể không cân đối được khoảng 30 tỷ. Điều này khiến nhà trường phải cân nhắc quy mô đào tạo bác sĩ nội trú, đặc biệt là chỉ tiêu và phương thức đào tạo.

Giải pháp của Trường ĐHYHN được GS. Văn đưa ra là tăng đào tạo có địa chỉ, đào tạo theo nhu cầu xã hội để không thất thoát nhân lực mà lại giảm chi ngân sách: Trường ký hợp đồng đào tạo bác sĩ nội trú với UBND TP Hà Nội, kinh phí do Hà Nội chi trả toàn bộ. Nhờ đó, 6 năm qua, Hà Nội đã có thêm 89 bác sĩ nội trú. Cách làm này giúp Hà Nội có nguồn nhân lực cao, mà ngân sách không phải chi trả. Hiệu quả từ mô hình này khiến nhiều địa phương cũng mong muốn được thực hiện.

PGS.TS. Đoàn Quốc Hưng, Trưởng phòng Quản lý và đào tạo SĐH –Trường ĐHY Hà Nội chỉ rõ: Trong suốt 40 năm (1974-2014), tại Trường ĐHY Hà Nội –“con chim đầu đàn” của cả nước về đào tạo y khoa, cũng chỉ đào tạo được 1983 bác sĩ nội trú trong tổng số 17.661 sinh viên (chiếm 11,2%). Sau khi tốt nghiệp, 95% bác sĩ nội trú này làm việc tại BV Bạch Mai, Việt Đức, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương, BV Phổi Trung ương vv…Trong khi đó, ngành y tế Hà Nội có 41 BV, chỉ có 0,2% bác sĩ nội trú, còn các BV tuyến tỉnh toàn miền Bắc hơn 20 triệu dân lại không có bác sĩ nội trú nào. Đây là một trong những nguyên nhân quá tải ở BV tuyến Trung ương.

Bên cạnh đó, mô hình đào tạo bác sĩ nội trú hơn 40 năm qua không còn phù hợp, đòi hỏi phải đổi mới. Vì thế, từ chỗ mỗi năm chỉ đào tạo 20-30 bác sĩ nội trú, không đáp ứng nhu cầu về nguồn bác sĩ có năng lực cho các BV, Trường ĐHYHN đã mở rộng thành đào tạo năng lực thực hành chuyên môn. Năm 2018, đã có 481 thí sinh của 10 trường Trường ĐHY trên cả nước trúng tuyển bác sĩ nội trú, trong đó có nhiều chuyên ngành đang thiếu như lao, tâm thần, truyền nhiễm, y học cơ sở vv… Các bác sĩ nội trú sau khi ra trường sẽ là nguồn nhân lực cao, công tác tại cả các BV công lẫn BV tư, góp phần cải thiện chất lượng KCB trên cả nước.

Về các bác sĩ nội trú đã được Trường ĐHYHN đào tạo theo “đặt hàng” của UBND TP Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Các bác sĩ nội trú thực hiện tốt qui định về đạo đức, qui tắc ứng xử với bệnh nhân và đồng nghiệp, có chuyên môn tốt, phát huy được kiến thức đã đào tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bước đầu góp phần vào nâng cao chất lượng KCB. Các bác sĩ đều thực hiện thành thạo các kỹ thuật thường quy và một số kỹ thuật chuyên sâu, phối hợp với các đồng nghiệp trong hội chẩn, điều trị các ca bệnh khó, góp phần nâng cao chất lượng và thu hút điều trị nội trú.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: Muốn KCB được, bác sĩ phải được đào tạo SĐH. Nếu không, bác sĩ không thể nâng cao chất lượng KCB vì các bác sĩ sẽ gặp nhiều khó khăn trong công việc và hiệu quả sẽ không cao. Tuy nhiên, các BV phải trả lương xứng đáng cho các bác sĩ nội trú.

Thứ trưởng Tiến đánh giá cao việc Trường ĐHYHN đã làm tốt công tác đào tạo SĐH cũng như thành lập Trung tâm mô phỏng, vì là việc đầu tư cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Để đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục –Đào tạo về tiêu chí nghiên cứu sinh phải công bố nội dung và kết quả nghiên cứu của luận án trong tối thiểu 2 bài báo quốc tế - một thách thức trong lĩnh vực đào tạo nghiên cứu sinh, GS. Văn cho biết giải pháp của Trường ĐHYHN là đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và xuất bản quốc tế của trường, trong đó khuyến khích các đề tài nghiên cứu kết hợp lâm sàng với nghiên cứu khoa học cơ bản và tăng cường hợp tác quốc tế. Trường cũng sẽ tăng cường liên kết đào tạo với các trường, cơ sở nghiên cứu trong nước và quốc tế có uy tín với mục tiêu trở thành một trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong cả nước. (Công an nhân dân, trang 7).

Vận động hiến máu cho người bệnh

Ngày 18-12, TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết, nguồn dự trữ máu nhóm O tại viện hiện chỉ còn đủ phục vụ cho công tác cấp cứu và điều trị cho người bệnh trong ít ngày nữa. Mỗi ngày, viện cần trung bình khoảng 1.200 - 1.500 đơn vị máu, trong đó cần 700 đơn vị máu nhóm O để phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị ở 180 bệnh viện tại 26 tỉnh, thành khu vực phía Bắc.

Để tham gia hiến máu, người dân có thể hiến máu trực tiếp tại viện (phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) từ 8 giờ đến 20 giờ tất cả các ngày trong tuần. Cùng với đó, có thể đến các điểm hiến máu gần nhất được cập nhật tại địa chỉ https://www.nihbt.org.vn/Home/DiemHM. (Sài Gòn gải phóng, trang 7).

 

Hà Nội ráo riết kiểm tra an toàn thực phẩm cuối năm

Từ đầu quý IV-2018 tới nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội đã lập 2 đoàn thanh, kiểm tra ATTP dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn… kiểm tra được 135 cơ và xử phạt các hành vi vi phạm hơn 150 triệu đồng. Bắt đầu từ 1-1-2019 tới, 6 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về ATTP sẽ ra quân kiểm tra ATTP Tết nguyên đán, cùng với đó là các đoàn liên ngành của các địa phương cũng bắt đầu vào đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra đảm bảo ATTP dịp Tết. Thế nhưng, ngay từ đầu quý IV này (tháng 10-2018), Hà Nội đã ráo riết triển khai các hoạt động kiểm tra ATTP.

Thông tin từ Chi cục ATVSTP Thành phố Hà Nội – cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP Thành phố, dịp cuối năm, lượng thực phẩm tràn ra tiêu thụ trên thị trường Hà Nội bao giờ cũng tăng đột biến, kèm theo nguy cơ mất ATTP tăng cao.

Cũng vì thế, ngay từ đầu quý IV-2018, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về ATTP đã được tăng cường. Chi cục ATVSTP Hà Nội đã cử cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của thành phố, đoàn chấm điểm thi đua năm 2018 tại Ban chỉ đạo ATTP tại 30 quận/huyện/thị xã.

Chỉ tính riêng Chi cục ATVSTP Hà Nội đã thành lập 2 đoàn thanh, kiểm tra ATTP dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, cơ sở thực phẩm khác. Tổng số cơ sở được thanh, kiểm tra là 135 cơ; phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 23 cơ sở; tổng số tiền phạt là 155.320.000 đồng.

Nếu tính cả các đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP của Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, các quận/ huyện/ thị xã của Hà Nội thì đợt cuối năm nay, toàn thành phố có hàng nghìn đoàn thanh kiểm tra ATTP, hàng trăm cơ sở vi phạm đã bị xử phạt…

Cùng đó, công tác kiểm nghiệm và phòng chống ngộ độc thực phẩm thời gian này cũng được đẩy mạnh. Chi cục ATVSTP Hà Nội đã lấy mẫu xét nghiệm tại labo 35 mẫu.

Kết quả xét nghiệm 25/35 mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh. Đối với công tác xét nghiệm nhanh, sử dụng hiệu quả 5 xe ô tô xét nghiệm nhanh, tổng số xét nghiệm 956/1007 (chiếm 95%) mẫu đạt. Các xét nghiệm nhanh khác là 246/257 mẫu đạt…

Sở Y tế Hà Nội cũng lưu ý, vấn đề đặc biệt lo ngại trong dịp Tết Dương lịch 2019, Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội sắp tới chính là ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp (methanol) vì nhu cầu sử dụng rượu dịp cuối năm bao giờ cũng tăng vọt.

Trước đó, năm 2017 là năm ghi nhận số lượng mắc ngộ độc rượu tăng đột biến, nguyên nhân chủ yếu do rượu có chứa methanol. Chỉ trong năm 2017 cả nước đã ghi nhận 10 vụ ngộ độc rượu với 119 người mắc, 115 người nhập viện. Số người chết do ngộ độc rượu tập trung nhiều vào thời gian từ tháng 2 - 4, đầu năm mới và lễ hội xuân. (An ninh Thủ đô, trang 3).

 

Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội: Dịch vụ y tế tiêu chuẩn Châu Âu cho người dân

Chiều 18-12, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm hoạt động của Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn). Tới dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý; giáo sư Joel Leroy (Pháp) - chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật tiêu hóa.

Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội chính thức hoạt động từ ngày 27-11-2016 với tiêu chí “Mang tiêu chuẩn y tế châu Âu đến Hà Nội”. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Trung tâm phục vụ hơn 45.000 lượt người bệnh ngoại trú và hơn 3.700 lượt bệnh nhân nội trú; riêng năm 2018 đã tiếp đón gần 27.000 lượt bệnh nhân tới khám, (trung bình 130 bệnh nhân/ngày, tăng 30% so với năm 2017).
Với việc mở rộng khu nội trú lên 42 giường, năm 2018, Trung tâm đã tiếp đón gần 2.500 lượt bệnh nhân điều trị nội trú với 10.000 ngày điều trị (tăng gấp 2 lần so với năm 2017). 
Đặc biệt, số bệnh nhân thực hiện phẫu thuật tăng rõ rệt từ 14 đến trên 280 bệnh nhân/tháng với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài, các chuyên gia đầu ngành ngoại khoa của các bệnh viện trung ương tại Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn về lĩnh vực tiêu hóa, tiết niệu, chấn thương chỉnh hình…
Bên cạnh đó, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đã triển khai chương trình tầm soát, sàng lọc sớm ung thư hệ tiêu hóa miễn phí cho người trên 40 tuổi. Tính đến tháng 11-2018, chương trình đã được triển khai tại 26 quận, huyện và 264 xã, phường với tổng số 380.182 test.
Kết quả, có 20.103 test dương tính (5,29%). Hơn 70% số người có kết quả dương tính đã chủ động đi nội soi và điều trị… Trong giai đoạn tiếp theo, Trung tâm sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển công nghệ sàng lọc ung thư phổi và phấn đấu đưa chương trình tầm soát ung thư vào danh mục chi trả của bảo hiểm y tế.

Với những kết quả nói trên, GS Joel Leroy - người luôn đồng hành cùng Trung tâm trong hoạt động khám, chữa bệnh, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực đã đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Y tế Hà Nội nói chung và các bác sĩ, học viên của Trung tâm trong suốt một năm qua. 
GS Joel Leroy mong muốn, với những trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ nhân lực tốt, Trung tâm sẽ tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của nhiều người dân khi gặp các vấn đề về sức khỏe.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cảm ơn Bộ Y tế, các bệnh viện trung ương trên địa bàn Hà Nội, đồng thời biểu dương những thành tích mà tập thể cán bộ, công nhân viên chức của Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua. 

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, trong hơn 2 năm qua, Trung tâm không chỉ là nơi ứng dụng và chuyển giao những công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới mà còn là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần vào sự phát triển của ngành Y tế Thủ đô. 

Đặc biệt, đây là mô hình y tế đầu tiên của Thủ đô áp dụng cơ chế thí điểm thuê cán bộ quản lý. Dù hoạt động với mô hình gọn nhẹ gồm 72 nhân viên và 1 giám đốc, không có phó giám đốc nhưng Trung tâm đã hoàn thành khối lượng không nhỏ, phát huy hiệu quả cao trong công tác khám chữa bệnh, phục vụ người dân.

Chủ tịch UBND TP cho rằng, Trung tâm cũng là mô hình đầu tiên áp dụng thành công quy trình khám trọn gói một đơn giá, mô hình “nói không với phong bì”, công khai minh bạch trong sử dụng các dịch vụ y tế và cung cấp dịch vụ y tế trọn gói, đã tạo nên sự hài lòng cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Điểm nổi bật của mô hình khám chữa bệnh đang áp dụng tại đây là kết hợp chữa bệnh chuyên sâu và phòng bệnh.

Thời gian qua, Trung tâm đã triển khai chương trình tầm soát, sàng lọc sớm ung thư đường tiêu hóa, giúp nhiều người phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm. Đây là giá trị quan trọng mà Trung tâm đem lại, góp phần thực hiện mục tiêu chung mà thành phố đề ra là nâng cao chất lượng sống cho người dân…

Với những kết quả ban đầu đạt được, có thể khẳng định Trung tâm đi đúng hướng. Thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị, Trung tâm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ; tiếp tục phát triển kỹ thuật y học tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị; đẩy mạnh công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước; tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học.

Dịp này, UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen cho 4 tập thể và 8 cá nhân có đóng góp vào sự phát triển của Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội.

Trường Đại học Y Hà Nội phong tặng chức danh Giáo sư danh dự cho GS Joel Leroy để ghi nhận những đóng góp của chuyên gia quốc tế đối với ngành Y tế Việt Nam nói chung và Y tế Thủ đô nói riêng. (Hà Nội mới, trang 2; An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Cuối tháng 12 sẽ triển khai tiêm đại trà vaccine “5 trong 1” ComBE Five trên cả nước

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Hướng dẫn triển khai vaccineComBE Five trên toàn quốc được tổ chức tại TP HCM sáng 6/12.

Hiện nay, dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia đã có sẵn 550.000 liều vaccine ComBE Five và lượng vaccinenày sẽ được chuyển đến các địa phương trong thời gian sớm nhất. Dự kiến cuối tháng 12/2018, vaccine sẽ được chuyển đến từng khu vực và phân phối cho từng địa phương.

Theo Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trung bình mỗi tháng cả nước có nhu cầu sử dụng khoảng 450.000 liều vaccine 5 trong 1 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Do đó, số lượng vaccine sẵn có chỉ đáp ứng được 1 tháng sử dụng.

Vì thế trước mắt, các địa phương triển khai tiêm ngừa cho trẻ đến lịch tiêm chủng, cụ thể là trẻ 2-4 tháng tuổi, còn đối với những trẻ đã trễ lịch tiêm chủng (trên 4 tháng tuổi) sẽ được tổ chức tiêm bù sau khi nguồn vaccine được cung ứng đủ. Đến tháng 1/2019, dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ tiếp tục nhập thêm vaccine ComBE Five để đáp ứng nhu cầu của chương trình tiêm chủng mở rộng.

Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ cũng khẳng định, vaccine ComBE Five an toàn và đạt tiêu chuẩn chất lượng, có thể yên tâm triển khai đại trà trên toàn quốc.

Trước khi mở rộng triển khai trên toàn quốc, từ tháng 10/2018, Dự án tiêm chủng quốc gia đã triển khai tiêm ngừa vaccine ComBE Five quy mô nhỏ tại 889 xã, phường tại 7 tỉnh thành với hơn 17.350 trẻ được tiêm, đạt tỷ lệ tiêm chủng 75,6%. Trong đó, có 964 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm như sốt, sưng đau vết tiêm, chiếm 5,5% - thấp hơn tỷ lệ phản ứng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. 

Đặc biệt ghi nhận 3 trẻ có phản ứng nặng sau tiêm, trong đó có một bé trai 3,5 tháng tuổi ở Bình Định phản ứng sốt cao 39,5 độ, co giật và được xử trí hạ sốt, thở oxy, sau đó chuyển viện lên Bệnh viện đa khoa tỉnh. Hai trường hợp khác ở tỉnh Bình Định và Bắc Giang trẻ có biểu hiện tím tái sau tiêm, được xử lí tại chỗ và hồi phục ngay sau đó. Kết luận của hội đồng chuyên môn các địa phương cho thấy, đây là phản ứng phản vệ sau tiêm vaccine./. (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

4% dân số VN phơi nhiễm viêm gan vi rút C

Có tới 4% dân số Việt Nam có bằng chứng phơi nhiễm với viêm gan virút C, trong đó, người tiêm chích ma túy là đối tượng nhiễm viêm gan virút C cao nhất, với tỉ lệ lên đến 43-99%.

Thông tin trên được bà Tiêu Thị Thu Vân - giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tại TP.HCM - cho biết trong hội thảo "Tăng cường nhận thức và sàng lọc bệnh viêm gan virút C (HCV) trong nhóm nguy cơ cao tại TP.HCM" sáng 18-12. 

Theo khảo sát liên ngành sinh học và hành vi lồng ghép năm 2010 tại Việt Nam, người có nguy cơ cao nhiễm viêm gan virút C cũng thường là người có nguy cơ cao nhiễm HIV, bao gồm người tiêm chích ma túy và nam quan hệ tình dục đồng giới, với tỉ lệ lần lượt là 43-99% và 29%.

"Người bị ảnh hưởng bởi HIV đồng thời cũng có nguy cơ mắc viêm gan virút C. Việc đưa xét nghiệm HIV tại cộng đồng vào Việt Nam là nền tảng lý tưởng và là cơ hội kịp thời cho việc tăng cường nhận thức và xét nghiệm virút C cho các nhóm dân cư này" - bà Vân nói. 

Bà Vân cho hay đáng lo ngại là những người nhiễm viêm gan virút C thường không có bất kỳ triệu chứng gì nên thách thức nằm ở việc khuyến khích và hỗ trợ người dân đi xét nghiệm viêm gan virút C.

Với tình trạng báo động này, Tổ chức Y tế Công cộng toàn cầu PATH, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM, các phòng khám tư nhân và các tổ chức cộng đồng đã hợp tác cùng nhau xây dựng chiến dịch toàn cầu nhằm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức cũng như khuyến khích người dân tham gia xét nghiệm viêm gan virút C với tên gọi "Gan khỏe, Sống vui". Viêm gan virút C là một bệnh truyền nhiễm có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng và dẫn đến tử vong. Nhiều người nhiễm viêm gan virút C không có triệu chứng trong một thời gian dài dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng.

Virút lây qua đường máu của người bị nhiễm, chẳng hạn như dùng chung bơm kim tiêm. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Người Việt Nam sẽ không phải ra nước ngoài chữa bệnh

Theo PGĐ BV Trung ương Quân đội 108 Phạm Nguyên Sơn, người dân sẽ không phải ra nước ngoài chữa bệnh khi trong nước có bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế. Đúng dịp đón danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 17/12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sẽ chính thức đưa vào sử dụng cụm Công trình trung tâm (22 tầng, với 2.000 giường bệnh) hiện đại và đồng bộ. Đây là cơ sở để bệnh viện vươn tới đẳng cấp quốc tế để người dân không phải ra nước ngoài chữa bệnh ... (Tuổi trẻ, trang 14).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang