Tăng cường hành động nâng cao chất lượng dân số
Ngày 9-12, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP Hà Nội đã tổ chức lễ Phát động Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam (26-12).
Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam năm 2017 có chủ đề “Thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, nâng cao chất lượng dân số” nhằm tuyên truyền các nội dung ưu tiên về tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh.
Tuyên truyền việc quán triệt, triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Trong đó, mục tiêu đặt ra việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 là 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nêu rõ, để đạt được những mục tiêu đề ra, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, vị trí và và tầm quan trọng của công tác dân số đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động vận động, truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số, giảm tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, tăng tỷ lệ người sử dụng dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Theo Bộ Y tế, hiện nay, Đề án tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh đã được triển khai 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Tại Trung ương, các thai phụ có thể đến các trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh để được cung cấp các dịch vụ cần thiết cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Tại các tuyến quận, huyện, thai phụ có thể đến trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình để được tư vấn, khám sàng lọc, phát hiện sớm những bất thường hay dị tật thai nhi. (Sài gòn giải phóng (trang 7), Thanh niên, trang 3).
Thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ở tuyến dưới
Thống kê các tháng đầu năm 2017, số lượt khám, chữa bệnh (KCB) tại các trạm y tế (TYT) ở TP Hồ Chí Minh tiếp tục giảm. Để giải quyết tình trạng này, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình hoạt động mới cho TYT, bước đầu tạo niềm tin, thu hút người bệnh đến KCB tại TYT, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. |
Mặc dù có tới 15 TYT, trong đó 12 trạm có bác sĩ (BS), nhưng trên địa bàn quận 10 có 12 bệnh viện, 422 phòng khám chuyên khoa, đa khoa… cho nên, người bệnh thường lựa chọn KCB tại bệnh viện thay vì đến TYT. PGS, TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại nhiều quận, huyện trên địa bàn. Để giải quyết tình trạng trên, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xây dựng và triển khai “Phác đồ điều trị dành cho TYT” với 94 bệnh lý thường gặp. Phác đồ mới trực tiếp do các chuyên gia từ các bệnh viện đầu ngành về giảng dạy; học viên là bác sĩ đang công tác tại các TYT được tập huấn tại các bệnh viện lớn như Từ Dũ, Nhi Đồng 1, Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115, Bệnh Nhiệt đới. Hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng KCB tại TYT, thu hút người bệnh đến KCB ban đầu tại TYT. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh triển khai ba mô hình phòng khám đa khoa (PKĐK) đặt tại các TYT, đó là: PKĐK tư nhân, PKĐK vệ tinh của bệnh viện quận và PKĐK xã hội hóa. Quý II-2017, PKĐK xã hội hóa lần đầu tiên ra đời tại TYT phường 11 (quận 3). PKĐK xã hội hóa mới này hoàn toàn thay đổi so với mô hình TYT trước đây, như cơ sở hạ tầng mới, trang thiết bị đầy đủ (X-quang, siêu âm, xét nghiệm máu). Cùng thời điểm đó, tại TYT phường Tây Thạnh (quận Tân Phú), PKĐK vệ tinh của BV quận Tân Phú cũng đi vào hoạt động. Đây là TYT thứ ba ở TP Hồ Chí Minh là vệ tinh của bệnh viện tuyến trên. PKĐK vệ tinh tại TYT này có chín phòng: Cấp cứu, nội, ngoại, da liễu, sản, nhi, mắt, tai - mũi - họng, răng hàm mặt; có hai phòng cận lâm sàng: siêu âm và xét nghiệm. Cùng các trang, thiết bị, Bệnh viện quận Tân Phú cử các đội ngũ y, BS chuyên môn về PKĐK vệ tinh làm việc đã đáp ứng được nhu cầu KCB của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và không có thẻ BHYT. Ngành y tế TP Hồ Chí Minh đang xây dựng và chuẩn bị triển khai thí điểm mô hình “TYT - Một điểm dừng” tại quận Thủ Đức. Theo đó, các hoạt động sẽ triển khai thí điểm gồm: luân phiên BS từ Trung tâm y tế quận, huyện về TYT, bảo đảm mỗi TYT có hai bác sĩ; từng bước chuẩn hóa hoạt động KCB theo “Phác đồ điều trị dành cho TYT”; ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối thông tin KCB giữa TYT và bệnh viện; phát triển danh mục kỹ thuật tại TYT bảo đảm bao phủ nhu cầu KCB theo mô hình bệnh tật, đạt ít nhất hơn 70% danh mục kỹ thuật tuyến bốn; bệnh viện quận, huyện bảo đảm cung ứng đủ thuốc đáp ứng mô hình bệnh tật tại TYT; bệnh viện quận, huyện tiếp nhận mẫu xét nghiệm máu và trả kết quả trong vòng một giờ trong trường hợp quá khả năng xét nghiệm tại TYT. Các bệnh viện quận, huyện chịu trách nhiệm hội chẩn tại TYT hoặc tư vấn từ xa khi có yêu cầu của bác sĩ ở TYT, khi có nhu cầu khám chuyên khoa, người bệnh được giới thiệu lên và được khám ngay, không phải qua giai đoạn đăng ký khám tổng quát. Trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu bệnh nặng, sẽ được làm thủ tục nhập viện ngay và được hỗ trợ chuyển viện khi cần thiết; người cao tuổi, người khuyết tật được KCB tại nhà. Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng, mô hình PKĐK vệ tinh của bệnh viện quận, huyện đặt tại TYT với hoạt động thực tiễn tại quận Thủ Đức và quận Tân Phú bước đầu đã cho thấy hiệu quả. Số lượt KCB tại các TYT tăng hơn mười lần so với trước đây. Thời gian tới, cần đẩy mạnh triển khai KCB đối với người có BHYT tại TYT, bởi hiện nay chỉ có 45% số TYT được Bảo hiểm xã hội ký hợp đồng KCB BHYT. Bên cạnh đó, các TYT cũng cần nhận được hỗ trợ thiết thực của Trung tâm y tế và bệnh viện quận, huyện; chính các TYT phải quyết tâm phấn đấu, bảo đảm các yêu cầu để Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh ký hợp đồng KCB BHYT. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, mô hình PKĐK vệ tinh của bệnh viện quận, huyện, PKĐK xã hội hóa đặt tại TYT, hay mô hình “TYT - Một điểm dừng” sẽ từng bước tạo niềm tin và thu hút người dân đến KCB ban đầu, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Để bảo đảm hiệu quả hoạt động của mô hình này, ngoài việc đánh giá chất lượng PKĐK và công khai cho người dân biết để chọn lựa, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh còn chuẩn hóa quy trình hoạt động các PKĐK và TYT theo nguyên lý y học gia đình. Đây là hướng đi đúng, đáp ứng mong đợi của người dân và theo xu hướng hội nhập quốc tế. Sở Y tế cũng yêu cầu tất cả các TYT phải có trang tin điện tử để công khai mọi hoạt động, triển khai dịch vụ công trực tuyến và khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh. (Nhân dân, trang 5). |
Quyết tâm ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS
Kể từ ca bệnh đầu tiên được phát hiện cách đây 25 năm, đến nay cả nước có 250 nghìn người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có hơn 90 nghìn người chết vì căn bệnh này. Nhờ sự nỗ lực vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, tỷ lệ người nhiễm và chết do HIV/AIDS ở nước ta thời gian qua đã liên tục giảm. Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (từ 10 - 11 đến 10 - 12) năm nay được Bộ Y tế chọn chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020” thể hiện sự quyết tâm ngăn chặn đại dịch này ở Việt Nam. |
Năm 2017 là năm thứ mười liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam giảm cả ba tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện; giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người chết do AIDS. Việt Nam đã triển khai toàn diện, hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi công tác phòng, chống HIV ở nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.Việt Nam đứng thứ năm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về số ca nhiễm HIV. Mặc dù đã triển khai toàn diện các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, nhưng tình trạng lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi năm, cả nước vẫn phát hiện khoảng gần 10 nghìn trường hợp nhiễm mới HIV. HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Đường lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường tình dục cũng đang cảnh báo việc kiểm soát dịch trở nên khó khăn hơn. Đáng chú ý, sự quay trở lại của đại dịch HIV/AIDS sẽ trở thành sự thật khi nguồn lực đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS đang giảm, nhất là nguồn viện trợ quốc tế bị cắt giảm mạnh trong khi độ bao phủ các dịch vụ can thiệp, nhất là các dịch vụ dự phòng vẫn còn thấp và chưa đủ mạnh… Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, trong gần mười năm qua, Việt Nam đã dự phòng được cho hơn 500 nghìn người nhiễm mới HIV và 150 nghìn người tránh khỏi tử vong vì HIV/AIDS. Việt Nam đã triển khai toàn diện các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đang có xu hướng chững lại, nhưng về cơ bản chưa khống chế được. Chính vì vậy, để tránh nguy cơ làm bùng nổ dịch, các bộ, ban, ngành cần triển khai biện pháp can thiệp một cách hiệu quả, nhất là phải có nguồn lực tài chính đủ mạnh để triển khai các hoạt động. Trước đây, 90% kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là do các tổ chức quốc tế viện trợ. Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí này đang bị cắt giảm mạnh và đến hết năm 2018, tất cả các nguồn kinh phí hỗ trợ điều trị bằng thuốc ARV và kinh phí trong công tác phòng, chống HIV/AIDS sẽ không còn nữa, điều này khiến việc phòng, chống dịch sẽ gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, Chính phủ Việt Nam đã và đang dành thêm ngân sách cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV... Bộ Y tế đã đưa thuốc ARV vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên, hiện nay mới có khoảng hơn 30% số người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế. Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS, Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90 - 90 - 90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút và 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút kiểm soát được số lượng vi-rút mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Xét nghiệm HIV sớm để biết tình trạng nhiễm HIV chính là tiền đề để đạt được các mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đang hướng tới. Mục tiêu của Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS nói chung và lợi ích của xét nghiệm HIV sớm nói riêng. Đồng thời, hoạt động tuyên truyền tập trung vào việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV và trách nhiệm của người nhiễm HIV với gia đình, xã hội; mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; mở rộng xét nghiệm HIV sớm... (Nhân dân, trang 5). |
Năm 2018, bệnh viện tư nhân vẫn được khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa đưa ra ý kiến khẳng định, không chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố dừng thực hiện hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) với các cơ sở y tế tư nhân.
Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết: Trong Công văn số 5163/BHXH-CSYT, ngày 17-11-2017 gửi BHXH các tỉnh, thành phố hướng dẫn về ký hợp đồng và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT năm 2018, BHXH Việt Nam chỉ yêu cầu các cơ sở y tế tư nhân bổ sung các văn bản còn thiếu theo quy định của Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC của liên bộ Y tế - Tài chính. Cụ thể, các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục ký hợp đồng trong năm 2018 phải có thêm quyết định phân tuyến chuyên môn, kỹ thuật và áp dụng mức giá theo hạng bệnh viện công lập tương đương theo quy định tại Khoản 6, Điều 4 Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
Theo quy định của Luật BHYT, để cơ quan BHXH ký hợp đồng và thanh toán chi phí thì cơ sở y tế phải được phân hạng để xác định mức giá thanh toán và tuyến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ xác định mức hưởng BHYT của bệnh nhân khi khám, chữa bệnh không đúng nơi đăng ký ban đầu. Đối với cơ sở y tế, việc được xếp hạng và phân tuyến còn là căn cứ pháp lý để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, sử dụng thuốc và chuyển tuyến người bệnh.
Trên thực tế, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn phân hạng, phân tuyến chuyên môn, kỹ thuật đối với các bệnh viện tư nhân. Việc chậm ban hành đã gây khó khăn, vướng mắc cho cơ quan BHXH và các bệnh viện tư nhân trong việc xác định mức giá thanh toán và mức hưởng BHYT cho người bệnh... (Hà Nội mới, trang 7).
"Quy trình không phong bì" ở Trung tâm kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đánh giá quy trình khám trọn gói một đơn giá và bữa trưa miễn phí theo nhu cầu cho bệnh nhân ở Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội là mô hình không phong bì khi công khai minh bạch cũng như đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc đầy đủ, chu đáo các dịch vụ y tế, thể chất và tinh thần…
Ngày 9-12, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết một năm kết quả hoạt động Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội.
Qua một năm hoạt động Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (KTC&TH) đã từng bước đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh, tăng cường công tác hội chẩn với các chuyên gia trong nước và nước ngoài, không ngừng nâng cao chất lượng cũng như tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế. Với hệ thống trang thiết bị hiện đại. Đã có trên 19.000 lượt người bệnh khám ngoại trú; 1.300 bệnh nhân điều trị nội trú...
Đặc biệt, chương trình tầm soát ung thư sớm của TP Hà Nội được thực hiện tại Trung tâm KTC&TH Hà Nội là mô hình y tế chuyên sâu kết hợp với phòng bệnh được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam. Đến nay, đã có 107.436 người dân được xét nghiệm; nhiều trường hợp đã được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đến nay, trung tâm đã tiếp nhận triển khai trên 30 thủ thật y tế tiên tiến nhất thế giới, mang lại những lợi ích cho người dân…
Thay mặt các giáo sư, chuyên gia hàng đầu trên thế giới đã và đang, sẽ tiếp tục hỗ trợ trung tâm, bày tỏ hạnh phúc khi trung tâm sau một năm hoạt động trở thành điểm đến úy tín để chăm sóc nhân dân Giáo sư Joel Leroy khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm việc hết mình để người dân đến trung tâm được đón tiếp, chăm sóc như người nhà”.
Thay mặt các giáo sư, chuyên gia hàng đầu trên thế giới đã và đang, sẽ tiếp tục hỗ trợ trung tâm, bày tỏ hạnh phúc khi trung tâm sau một năm hoạt động trở thành điểm đến úy tín để chăm sóc nhân dân Giáo sư Joel Leroy khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm việc hết mình để người dân đến trung tâm được đón tiếp, chăm sóc như người nhà”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá, sau 1 năm hoạt động, Trung tâm KTC&TH Hà Nội đã phát triển nhanh, hiệu quả xứng đáng trở thành đầu tầu, khởi động để đưa ngành y tế Thủ đô có thêm 1 điểm sáng về chất lượng, phong cách phục vụ cho nhân dân và du khách. “Đây là mô hình mà Bộ Y tế cũng cần hỏi hỏi”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Từ thành công của trung tâm, theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, các y bác sỹ của Việt Nam và Hà Nội có thể tiếp cận, thực hiện thành công các kỹ thuật, công nghệ mới nhất của thế giới và vừa qua, một bác sỹ 34 tuổi của Hà Nội đã mổ trình diễn kỹ thuật mới nhất thế giới trong sự trầm trồ của giới chuyên môn.
Dẫn chứng một số kỹ thuật cao, tân tiến nhất mà các bác sỹ của trung tâm đã được chuyển giao, thực hiện thành công, hiệu quả nhưng chưa có trong danh mục của Bộ Y tế, Chủ tịch UBND TP mong muốn lãnh đạo Bộ Y tế quan tâm, sớm đưa các kỹ thuật này vào danh mục để triển khai rộng rãi phục vụ nhân dân.
“Đây là hướng đi đúng mà thế giới cũng đang áp dụng khi áp dụng các kỹ thuật, thuốc mới nhất để kéo ngắn thời gian bệnh nhân phải nằm lại giường bệnh”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nói.
Về quy trình khám trọn gói một đơn giá ở trung tâm, Chủ tịch UBND TP đánh giá đây là mô hình “Không phong bì” cũng như biểu dương trung tâm đã quản lý, điều hành hiệu quả, trích lợi nhuận để cung cấp bữa ăn miễn phí theo nhu cầu của bệnh nhân. Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Y tế sớm tổng kết, báo cáo lãnh đạo TP để nhân rộng mô hình của trung tâm.
“Với tình yêu, tình cảm đặc biệt dành cho Hà Nội, tôi đề nghị GS. Leroy và các giáo sư nước ngoài tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ chuyên môn, kỹ thuật, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho Trung KTC&TH Hà Nội nói riêng, và ngành y tế của Hà Nội nói chung”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bày tỏ.
Tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã trao tặng Giáo sư Jean Emmanuel Kurtz, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện trường đại học Strasbourg (Pháp) và bác sỹ Vanina Fauce, chuyên gia về chuẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Strasbourg (Pháp)Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân của Bộ Y tế… (An ninh Thủ đô, trang 2).