Thứ trưởng Bộ Y tế muốn tăng năng lực cho trạm y tế xã http://danviet.vn/y-te/thu-truong-bo-y-te-muon-tang-nang-luc-cho-tram-y-te-xa-729782.html Chỉ 3% bác sĩ tuyến cơ sở (huyện và xã) chẩn đoán đúng 5 bệnh cơ bản, gần 50% bác sĩ kê đơn có hại… Nhận định về kết quả nghiên cứu mới nhất về chất lượng khám bệnh của y tế cơ sở vừa được công bố, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, thời gian tới, y tế cơ sở cần có những thay đổi mạnh mẽ mới đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh. Năng lực tuyến dưới còn hạn chế PV: Ông đánh giá thế nào về chất lượng khám chữa bệnh của mạng lưới y tế cơ sở hiện nay? - Nghiên cứu “Điều tra cơ sở y tế về năng lực cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở” của Viện Chiến lược Chính sách y tế (Bộ Y tế) vừa công bố (ngày 9.12-PV) đã cho thấy bức tranh khá sát thực về tình hình y tế cơ sở hiện nay. Có thể nhận thấy, năng lực cung ứng dịch vụ tuyến y tế cơ sở còn hạn chế, chưa được chuyển đổi kịp thời để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân. Đây là lý do cơ bản dẫn đến việc người bệnh không tin tưởng vào y tế tuyến dưới nên đổ dồn lên bệnh viện (BV) tuyến trên. Điều này dẫn đến quá tải ở một số BV T.Ư, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời chi phí y tế từ tiền túi của người dân phải bỏ ra nhiều hơn. Kết quả của nghiên cứu đã giúp Bộ nhận định về năng lực cung ứng dịch y tế cơ sở của Việt Nam đang ở mức độ nào? Trên cơ sở đó, Bộ Y tế và các tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả đề án xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở trong tình hình mới mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt ngày 5.12 vừa qua. PV: Nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ các bác sĩ chỉ định thuốc gây hại (chưa an toàn và hợp lý) còn cao, riêng đối với viêm phổi trẻ em lên đến gần 70%. Liệu Bộ Y tế đã biết đến điều này? -Lâu nay, Bộ Y tế luôn có các hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn. Mỗi BV cũng có riêng hội đồng thuốc và điều trị để hướng dẫn, định hướng cho bác sĩ kê đơn thuốc đúng, an toàn. Tuy nhiên, tuyến cơ sở vẫn có hạn chế. Điều này liên quan nhiều đến năng lực, nhận thức. Ví dụ như có trường hợp cứ ho, đau họng, sốt là cho dùng kháng sinh, nhưng nếu ho, đau họng sốt do virus mà không phải vi khuẩn thì dùng kháng sinh không có tác dụng gì. Hậu quả là người bệnh trì hoãn chữa bệnh, dẫn đến kháng kháng sinh… Thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ cho rà soát lại chương trình sử dụng thuốc an toàn cũng như rà soát lại hoạt động của hội đồng thuốc và điều trị để tiếp tục đào tạo kiến thức cho cán bộ y tế. Để làm sao họ có thêm kinh nghiệm, kiến thức trong chẩn đoán và điều trị. Mục tiêu của ngành y là phát hiện bệnh sớm, chẩn đoán đúng, chỉ định hiệu quả, kê đơn an toàn. Phải cân bằng giữa học và thực hành PV: Về phát hiện các bác sĩ dành thời gian cho bệnh nhân không nhiều, hỏi và khám lâm sàng chưa đủ để giúp chẩn đoán, điều trị bệnh tốt hơn. Theo Thứ trưởng, đây có phải do bác sĩ còn làm việc chưa nghiêm túc? -Nghiên cứu nói trên đã chỉ ra một nghịch lý “thú vị”: Các bác sĩ tuyến huyện thực hành ít hơn so với những gì họ biết, còn bác sĩ tuyến xã lại kiến thức hạn chế nhưng họ lại thực hành hầu hết những gì họ biết. Như vậy, một bên muốn làm nhiều nhưng biết ít, bên biết nhiều lại làm ít. Điều này đều gây thiệt thòi cho người bệnh. Việc thực hành ít liên quan mật thiết đến việc số lượng bệnh nhân mà mỗi bác sĩ khám hiện nay vẫn còn cao. Nếu mỗi bác sĩ khám nhiều bệnh nhân thì thời gian khám sẽ ít đi, không thể hỏi nhiều, tư vấn nhiều. Trong khi đó, Bộ Y tế đang chú trọng thay đổi đối với giao tiếp bệnh nhân, tăng cường tư vấn. Thời gian không chỉ hỏi tiền sử bệnh, triệu chứng, chẩn đoán mà còn phải tư vấn về sử dụng thuốc, dinh dưỡng, tư vấn tâm lý, việc luyện tập, giữ gìn sức khoẻ, tránh các thói quen có hại… Điều này không chỉ liên quan đến việc giảm tải BV mà còn phải tổ chức lại bệnh nhân cho hợp lý. BV nhiều nước tiên tiến chỉ tập chung giải quyết các bệnh cấp tính, các ca cấp cứu, còn các bệnh mãn tính đều phải hẹn. Mình không thấy ở họ cảnh chờ đợi đông nghịt là vì bệnh nhân họ đợi ở nhà, đến ngày hẹn, giờ hẹn mới đến viện. Còn Việt Nam dù cấp tính hay mãn tính đều đổ dồn đến BV, dẫn đến việc bệnh nhân chờ đợi mệt mỏi, các bác sĩ quá tải cũng căng thẳng, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. Do đó, cần phải có kế hoạch tổ chức, phân bố lại việc khám chữa bệnh. Nếu bệnh mãn tính đã được chẩn đoán rồi, chỉ cần hẹn tái khám, phát thuốc định kỳ như đái tháo đường, tăng huyết áp thì cần phải hẹn bệnh nhân cho hợp lý. Như vậy mới dành được nhiều thời gian cho bệnh nhân. Bệnh nhân có lợi, bác sĩ cũng vui. PV: Có bác sĩ trạm trưởng trạm y tế phản ánh, cả trạm có mỗi mình ông làm bác sĩ nhưng phải dành tới 10-15 ngày mỗi tháng để đi họp, tập huấn, không dành nhiều thời gian được cho bệnh nhân? -Đây đúng là một thực tế cần phải giải quyết ngay. Hiện chúng ta có xu hướng cái gì cũng phân cho bác sĩ, cho trạm trưởng trong khi ở trạm y tế xã thường chỉ có 1 bác sĩ, kiêm trạm trưởng. Do đó cần có cơ chế phân cấp cho các nhân viên khác, cái gì không cần bác sĩ đi họp, kiểm tra thì phân nhân viên đi. Còn trạm y tế ở khu vực đông dân cư, nhiều thẻ khám bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu thì BV huyện cần phải đưa bác sĩ về hỗ trợ, cố định khám các bệnh mãn tính một vài ngày trong tuần. Thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường xây dựng BV vệ tinh tuyến huyện. Theo đó, BV tỉnh, T.Ư sẽ về BV huyện hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân lực, huyện lại hỗ trợ xã… Đồng thời không chỉ cử bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới mà bác sĩ tuyến dưới cũng cần lên tuyến trên học hỏi, tăng cường thực hành để lấy kinh nghiệm… PV: Cũng có ý kiến cho rằng ngân sách cấp cho y tế cơ sở còn quá thấp trong khi họ phải ôm đồm nhiều các hoạt động dự phòng, tuyên truyền nên muốn phát triển cũng “lực bất tòng tâm”. Vậy thời gian tới, Bộ Y tế có chính sách gì để tăng cường “năng lực” tuyến cơ sở? - Một trong những nội dung quan trọng trong đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới là đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở. Ngân sách nhà nước sẽ không cấp cho cơ sở y tế mà hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Đồng thời Bộ Y tế cũng sửa đổi bổ sung danh mục dịch vụ kỹ thuật, danh mục thuốc BHYT để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT ngay tại nơi khám chữa bệnh ban đầu. Bộ Y tế cũng tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế, khi giá dịch vụ đủ thì các cơ sở y tế cung ứng dịch vụ sẽ có điều kiện để cung ứng. Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng các ưu tiên rõ nét hơn để tạo động lực cho y tế cơ sở hoạt động, nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ y tế cơ sở để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng tại nơi sinh sống, tăng chi tiêu công cho y tế, giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ hộ gia đình… Xin cảm ơn ông!
Thêm 9 trường hợp nhiễm virus Zika ở TP HCM http://vov.vn/xa-hoi/them-9-truong-hop-nhiem-virus-zika-o-tp-hcm-577118.vov TP HCM đã phát hiện thêm 9 trường hợp nhiễm virus Zika nâng tổng số ca nhiễm Zika toàn thành phố lên 119 ca. Tính đến 12 giờ trưa ngày 12/12, TP HCM đã phát hiện thêm 9 trường hợp nhiễm virus Zika so với 2 ngày trước đó (10/12), nâng tổng số ca nhiễm Zika toàn thành phố lên 119 ca. 9 ca nhiễm mới ở các quận là: Quận 2, Quận 3, Quận 9, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình và Thủ Đức. Hiện nay chỉ còn Quận 8 và Quận 11 chưa ghi nhận người dương tính với virus Zika. Bình Thạnh vẫn là địa phương có số người nhiễm Zika nhiều nhất với 22 trường hợp. Trong các ca được phát hiện thì có 14 thai phụ bị nhiễm Zika đang được theo dõi theo quy định. Theo lãnh đạo Sở Y tế TP HCM, sự gia tăng nhanh của các ca nhiễm virus Zika có thể liên quan đến tình trạng sốt xuất huyết của các tỉnh, thành Đông Nam bộ, nên có thể có sự lây lan chéo giữa các vùng lân cận. Vì vậy, từ nay đến Tết Dương lịch 2017, các khu vực có nguy cơ cao, như: các trường đại học, khu vực giáp ranh các tỉnh lân cận sẽ được tăng cường phun hóa chất bằng kỹ thuật mù nhiệt để diệt muỗi. Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho rằng: thời tiết nắng mưa thất thường là cơ hội sinh sản của muỗi vằn, nguy cơ bệnh sốt xuất huyết và Zika sẽ gia tăng nhiều hơn trong thời gian tới. Bác sĩ Châu nói: “Giữa Zika và sốt xuất huyết thì bà con đừng quá lo lắng quá về Zika, tại vì sốt xuất huyết còn đáng ngại hơn. Bị sốt xuất huyết bệnh nhân có thể bị sốt, ra máu nhiều dẫn đến tử vong. Quan trọng nhất vẫn là vệ sinh môi trường sạch sẽ, làm sao để không có muỗi, không có lăng quăng”.
Zika lan nhanh, TP.HCM tìm diệt muỗi ở cả những địa phương lân cận Cho rằng vi rút Zika đang lây lan nhanh trên địa bàn TP.HCM là do lây nhiễm chéo ở các địa phương lận cận, trong khi đó thời tiết thời gian tới sẽ rất thuận lợi cho sự phát triển và lây lan của loại vi rút lây truyền dịch bệnh này. Do đó, Sở Y tế TP.HCM quyết định phun hóa chất bằng kỹ thuật phun mù nhiệt tại các địa phương lân cận để diệt muỗi. Trong 2 ngày cuối tuần TP.HCM liên tiếp ghi nhận thêm mỗi ngày 4 trường hợp nhiễm vi rút Zika và trong ngày ngày hôm nay (12.12) tiếp tục ghi nhận thêm 5 trường hợp, nâng số ca nhiễm Zika lên 119 trường hợp. 5 ca nhiễm vi rút Zika được ghi nhận trong ngày hôm nay nằm rải đều ở 5 quận gồm: quận 9, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình và quận 3, mỗi quận 1 trường hợp. Như vậy trong 3 ngày liên tiếp vừa qua tại địa bàn quận 3 đều có ghi nhận ca nhiễm vi rút Zika. Tính đến thời điểm này TP.HCM đã có đến 22/24 quận, huyện có người nhiễm vi rút Zika, chỉ còn 2 quận là quận 8 và quận 11 chưa ghi nhận ca nhiễm vi rút Zika. Trong các quận, huyện có ca nhiễm vi rút Zika nhiều nhất TP dẫn đầu vẫn là quận Bình Thạnh với 22 trường hợp, kế đến là quận 2 có 17 trường hợp, quận 12 có 11 trường hợp, quận Tân Phú có 10 trường hợp, quận 9 và quận Thủ Đức có 9 trường hợp... Theo GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM sự tăng nhanh số ca nhiễm vi rút Zika ở TP.HCM có liên quan đến tình trạng sốt xuất huyết của các tỉnh, thành Đông Nam bộ, nên có thể có sự lây lan chéo giữa các vùng lân cận. Vì vậy, từ nay đến Tết Dương lịch 2017, các khu vực có nguy cơ cao, như: các trường đại học, khu vực giáp ranh các tỉnh lân cận sẽ được tăng cường phun hóa chất bằng kỹ thuật phun mù nhiệt để diệt muỗi. Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho rằng thời tiết từ nay cho đến Tết Nguyên đán 2017 có rất nhiều yếu tố thuận lợi; đặc biệt là tình trạng mưa nắng thất thường sẽ tạo điều kiện cho muỗi Aedes – muỗi lây truyền vi rút Zika phát triển, nguy cơ bệnh sốt xuất huyết và Zika sẽ gia tăng nhiều hơn trong thời gian tới. “Trong lúc này người dân không nên quá lo lắng về căn bệnh vi rút Zika. Điều quan trọng nhất là người dân phải tự chủ động làm vệ sinh môi trường thật tốt, không để muỗi, lăng quăng phát sinh; đồng thời tích cực diệt lăng quăng, diệt muỗi”, bác sĩ Châu khuyến cáo.
Giám đốc BV tư mổ xẻ chuyện 4 bệnh nhân/giường BV công http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/giam-doc-bv-tu-mo-xe-chuyen-4-benh-nhan-giuong-bv-cong-345818.html Dư luận lại một phen ồn ào khi Bộ trưởng Y tế đi thị sát, bắt gặp cảnh 4 người nằm chung một giường ở một bệnh viện tuyến TƯ. Có vẻ như những nỗ lực cam kết trước đây không có hiệu quả. Một điều rất đáng khen trong chuyến thị sát lần này là có vẻ như nó không được chuẩn bị trước. Và Bộ trưởng, cũng như Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh đã rất xông xáo tìm ra sự thật khi nghe người dân phản ánh những tồn tại trong bệnh viện. Nhưng vấn đề chính không phải sự xông xáo trước mặt các phóng viên, mà là làm sao giảm quá tải bệnh viện. Bài toán quá tải khó giải Những gì Bộ Y tế đã và đang làm thể hiện nỗ lực giải quyết giảm tải của mình. Từ tăng giá viện phí, đến thông tuyến BHYT, rồi giao quyền tự chủ cho bệnh viện, và bây giờ là chuyển bệnh viện thành doanh nghiệp. Nhưng có vẻ như còn lâu lắm những cố gắng đó mới mang lại được hiệu quả giảm tải thật sự. Con đường đi rất đúng, rất phù hợp với sự chuyển đổi từ một nền y tế bao cấp sang một ngành dịch vụ. Vậy mà vẫn còn tới 4 người bệnh nằm trên một cái giường. Thực ra, đi đúng hay không là do kết quả xác định. Mọi thứ đúng mà kết quả không tốt thì chắc chắn là có gì đó không đúng. Bài toán giảm tải không thể giải quyết ngày một ngày hai được. Nhưng đã hơn 1 năm kể từ khi các bệnh viện ký cam kết không để bệnh nhân nằm đôi. Việc tăng giá viện phí cũng đã đi được một chặng đường khá dài. Vậy mà vẫn tồn tại cảnh 4 bệnh nhân nằm chung một giường. Thực ra mà nói, số lượng giường bệnh của chúng ta không đến nỗi quá ít so với những nước có cùng mức thu nhập. Nhưng sự quá tải của chúng ta lại rất ấn tượng, giống như ở những nước nghèo hơn chúng ta rất nhiều. Trên thực tế, chúng ta có khá nhiều bệnh viện, trạm y tế còn trống, không có hoặc chỉ lèo tèo vài ba bệnh nhân. Chúng ta đã lãng phí một nguồn lực lớn về y tế khi để những bệnh viện, những trạm y tế đó vắng vẻ, trong khi bệnh nhân tập trung vào các bệnh viện tuyến trên. Sai lầm phân tuyến trong quá khứ sẽ còn đeo đuổi chúng ta một thời gian nữa, khi mà những biện pháp Bộ Y tế đưa ra chưa phát huy hiệu quả. Lãnh đạo bệnh viện quản lý kém Một trong các nguyên nhân được nhiều người nói đến là trình độ quản lý. Trong khi nước Úc, với dân số chỉ bằng 1/4 nước ta, nhưng đã có hàng chục trường đại học đào tạo chuyên ngành quản lý bệnh viện, từ cấp độ cơ bản đến cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ… Chúng ta chỉ có một số tiết học dành cho cán bộ học tại chức trong chương trình quản lý ngành. Đấy là chưa kể giáo trình có độ vênh không nhỏ. Việc để bệnh nhân nội trú và ngoại trú lẫn lộn với nhau mà Bộ trưởng đã nhắc nhở cho thấy khả năng quản lý rất kém. Ý tưởng tuyển giám đốc bệnh viện không phải là nhà chuyên môn giỏi với mục tiêu phát huy khả năng gia tăng trình độ quản lý bệnh viện, chỉ có thể mang lại hiệu quả thiết thực khi vị giám đốc đó được đào tạo quản lý bệnh viện một cách chuyên nghiệp. Một nguyên nhân nữa là chúng ta chưa có hệ thống bác sĩ gia đình. Mọi thứ, nhức đầu, cảm mạo, ghẻ lác… đều đến bệnh viện, thậm chí là bệnh viện tuyến trung ương. Không có con số thống kê, nhưng một vài bác sĩ nói với tôi, khoảng 2/3 số bệnh nhân khám tại các bệnh viện tuyến trung ương chỉ cần khám và điều trị tại bác sĩ gia đình là được. Nhưng liệu đó đã phải là tất cả nguyên nhân chưa? Tôi cho rằng còn một nguyên nhân nữa, rất quan trọng. Đó là việc ngay cả khi bệnh viện được chuyển thành doanh nghiệp, thì nó vẫn là một doanh nghiệp nhà nước. Và Bộ Y tế, nơi lẽ ra phải là cơ quan quản lý nhà nước thì lại dần trở thành một công ty mẹ. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, do khả năng quản lý yếu kém, do tham nhũng, do thiếu minh bạch... Úc cho phép bác sĩ ký hợp đồng với nhiều cơ sở Khi bệnh viện trở thành doanh nghiệp nhà nước thì cũng vậy thôi. Hãy đừng duy ý chí. Lại phải nhắc đến nước Úc. Những khu vực nào, những lĩnh vực nào trong y tế có thể mang lại lợi nhuận, nhà nước Úc khuyến khích tư nhân đầu tư. Nhà nước chỉ lo cho những khu vực và những lĩnh vực không sinh lời. Để giải quyết bài toán nhân sự, chính phủ Úc cho phép các bác sĩ được ký hợp đồng với nhiều cơ sở, không phân biệt công tư, và hoàn toàn không có chế độ biên chế, công chức hay viên chức trong các bệnh viện nhà nước. Để giải quyết bài toán quá tải, cần phải có nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó, có những biện pháp mà Bộ Y tế không chủ động được.
7 bệnh ung thư sẽ tấn công nhiều người Việt trong 4 năm tới http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/7-benh-ung-thu-se-tan-cong-nhieu-nguoi-viet-trong-4-nam-toi-3512260.htmlDự báo đến năm 2020, số người ung thư thực quản ở đàn ông Việt tăng 2,8 lần; ung thư buồng trứng ở nữ cũng tăng 2,5 lần so với năm 2010; cùng với ung thư phổi, dạ dày, vú, đại trực tràng, tuyến giáp.Theo số liệu công bố tại hội thảo về vai trò giám sát và đánh giá trong chiến lược phòng chống bệnh ung thư diễn ra ở Hà Nội ngày 12/12, năm 2010 Việt Nam phát hiện hơn 126.000 ca ung thư mới ở cả hai giới. Dự báo đến năm 2020, con số này là gần 200.000 ca. Các bệnh ung thư nam giới mắc nhiều nhất vẫn là phổi, dạ dày, đại trực tràng, thực quản... và ở nữ là ung thư vú, đại trực tràng, phổi, buồng trứng… Trong giai đoạn 2010-2020, dự báo số người bị ung thư thực quản tăng 2,8 lần (từ 3.872 lên 10.920 ca). Tương tự, số người mắc ung thư đại trực tràng tăng 1,75 lần; bị ung thư phổi tăng 1,56 lần (lên gần 23.000 ca), ung thư dạ dày tăng hơn 1 lần. Ở nữ giới, ung thư vú vẫn phổ biến nhất với số bệnh nhân dự báo sẽ tăng từ hơn 12.500 năm 2010 lên 22.612 ca vào năm 2020 (1,8 lần). Tương tự số người bị ung thư đại trực tràng cũng tăng 1,8 lần, ung thư phổi tăng 2 lần, tuyến giáp tăng 2,1 lần. Đáng chú ý số ca ung thư buồng trứng dự báo tăng 2,5 lần trong 4 năm tới, từ 2.185 ca lên 5.558. Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, giống như các nước trong khu vực và các nước đang phát triển; Việt Nam đang đối mặt với bệnh tật kép: Bệnh lây nhiễm, mới nổi và bệnh không lây nhiễm, trong đó ung thư đang là vấn đề báo động. “Phát hiện ung thư giai đoạn cuối giống như án tử hình. Sao ngày nay nhiều người bị ung thư đến như vậy? Có thể do biến đổi khí hậu, lối sống thay đổi, ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm, tiến bộ khoa kỹ thuật giúp phát hiện sớm bệnh, người dân có ý thức đi khám hơn…”, phó giáo sư Khuê nói. Bà Julie Toredo, Phó giám đốc điều hành Hội kiểm soát ung thư quốc tế cho biết, các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi gồm thuốc lá, chế độ ăn không lành mạnh, thiếu vận động, sử dụng đồ uống có cồn. Bạn có thể chiến thắng ung thư bằng cách chăm sóc sức khỏe trọn đời: Đăng ký tiêm chủng, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, vú, đại tràng, miệng... Với trên 100 loại ung thư khác nhau ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, bệnh gây những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Trên thế giới có hơn 14 triệu ca ung thư mới, 8,2 triệu người tử vong do ung thư. Quá nửa ca ung thư mới, tử vong xảy ra ở các vùng kém phát triển. Theo phó giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám Đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Nghiên cứu phòng chống ung thư, ung thư đang trở thành thảm họa sức khỏe thầm lặng. 80% bệnh nhân ung thư có liên quan đến môi trường sống hàng ngày, bao gồm lối sống thiếu khoa học, các thói quen sinh hoạt, tật xấu như hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và không an toàn. Nhiều bệnh ung thư có thể ngăn ngừa bằng cách tránh tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố nguy cơ cao, chẳng hạn như khói thuốc lá, một số hóa chất độc hại. Năm 2016 là giai đoạn đầu tiên thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống ung thư. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát về ung thư để lập kế hoạch phòng và kiểm soát ung thư dựa trên bằng chứng khoa học. Hệ thống này cần bảo đảm cung cấp các thông tin y tế thường xuyên, kịp thời về các chỉ số sức khỏe; phân tích các chỉ số theo thời gian, địa điểm và giữa các nhóm quần thể; đồng thời chia sẻ, phổ biến thường xuyên các kết quả theo dõi, đánh giá.
Ổ dịch có 16 học sinh mắc quai bị http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/o-dich-co-16-hoc-sinh-mac-quai-bi-671235.html Ngày 12-12, ông Ngô Đức Hoàng, phụ trách y tế Trường Tiểu học Tân Xuân, huyện Hóc Môn (TP.HCM), cho biết trường đang có ổ dịch quai bị với tổng cộng 16 học sinh (HS). Các HS này lần lượt được phát hiện vào các ngày 28, 29-11 và 1-12 với triệu chứng chung là nóng, sốt. Sau khi đi khám bệnh, y tế địa phương kết luận các em HS này đều mắc quai bị. “Thực hiện hướng dẫn của y tế địa phương, nhà trường cho 16 HS mắc quai bị nghỉ học suốt 10 ngày để gia đình chăm sóc, đồng thời cách ly với các em không bị bệnh. Đến nay cả 16 em đã ổn định và đi học lại bình thường. Trước khi học trở lại, 16 HS này đều được y tế nhà trường kiểm tra sức khỏe” - ông Hoàng cho biết thêm. BS Đỗ Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hóc Môn, cho biết y tế địa phương đã thực hiện khử khuẩn các bề mặt của vật dụng mà HS thường tiếp xúc như bàn, ghế, cánh cửa… “Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hóc Môn tiếp tục theo dõi các ca mắc quai bị mới. Trung tâm cũng đề nghị nhà trường khi nghi ngờ HS mắc quai bị thì báo với y tế địa phương để giám sát” - BS Trang cho biết thêm. BS Thu Trang cũng cho biết hiện nay vaccine ngừa quai bị không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Do vaccine này nằm trong hoạt động tiêm chủng dịch vụ nên còn nhiều phụ huynh không chích ngừa cho con. Do đó, đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu và đưa vaccine này vào chương trình tiêm chủng mở rộng.
Phấn đấu 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/12/443513/ Theo Bộ Y tế, trước thực trạng chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu người bệnh, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã quyết định phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Đề án trên được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2025 với mục tiêu đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn, cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa các cơ sở y tế trên địa bàn và với tuyến trên, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Đáng chú ý, đề án phấn đấu đến năm 2025, 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 100% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã và 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe. Để đạt được mục tiêu trên sẽ tổ chức thống nhất trong cả nước mô hình trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện đầy đủ các chức năng về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh phục hồi chức năng. Các trạm y tế xã phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của chăm sóc sức khỏe ban đầu; thực hiện việc quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng người dân trên địa bàn, tập trung vào việc theo dõi, tư vấn về sức khỏe, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em, phòng chống các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm. Theo Tổ chức Y tế thế giới, 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân là giải quyết được ở tuyến cơ sở. Tuy nhiên ở nước ta, năng lực cung ứng dịch vụ y tế tại tuyến cơ sở còn hạn chế. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ y tế cơ sở còn hạn chế về chuyên môn và thực hành. Khảo sát điều tra của Viện Chiến lược và chính sách y tế đối với 750 bác sĩ ở 78 bệnh viện tuyến huyện và trên 250 bác sĩ, y sĩ ở gần 250 trạm y tế xã về kiến thức 5 bệnh thường gặp (viêm phổi trẻ em, tiêu chảy trẻ em, lao, tăng huyết áp, đái tháo đường) cho thấy, chẩn đoán sai bệnh tăng huyết áp độ 1 là 19%, đái tháo đường type 2 14%, tiêu chảy trẻ em 12%, lao 9% và viêm phổi trẻ em 3%.
|