Bộ Y tế đề xuất cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính, tiết kiệm cho người dân
http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/bo-y-te-muon-bo-nhieu-dieu-kien-attp-ho-tro-dn-3347189/
http://baochinhphu.vn/xa-hoi/bo-y-te-de-xuat-cat-giam-thu-hanh-chinh-thuoc-linh-vuc-attp/322211.vgp
http://www.baohaiquan.vn/pages/bo-y-te-cam-ket-cat-giam-nhieu-thu-tuc-hanh-chinh.aspx
Ngày 15/11, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt cung cấp thông tin về việc thực hiện cải cách, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực y tế. Dự kiến tháng 12 tới, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38 để Chính phủ xem xét.
Phân cấp rõ ràng
TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết ngay từ năm 2010, Bộ Y tế đã có các đề án kiểm soát TTHC, đơn giản hóa 227 TTHC. Theo đánh giá, việc đơn giản TTHC này đã giúp tiết kiệm 1000 tỉ đồng mỗi năm.
Hàng năm, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế vẫn xây dựng theo phương án đơn giản hóa TTHC, đưa ra các nhóm trọng tâm trọng điểm liên quan lợi ích người dân và doanh nghiệp. Chẳng hạn, năm 2015, Bộ Y tế đã rà soát các nhóm TTHC liên quan đến khám chữa bệnh cho người dân. Qua xem xét, đối chiếu tính toán đã tiết kiệm 300 tỉ đồng mỗi năm liên quan nhóm thủ tục khám bệnh chữa bệnh. Năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức triển khai xây dựng đơn giản hóa. Bên cạnh đó, tổ chức đánh giá các tác động của TTHC, công bố công khai TTHC được ban hành, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện tại địa phương…
Cũng theo ông Quang, theo thống kê trong toàn ngành y tế có 11 lĩnh vực thực hiện cải cách TTHC trong đó có các lĩnh vực dược, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm (ATTP), y tế dự phòng, dân số kế hoạch hóa gia đình, giám định y khoa, tài chính y tế….
Đáng chú ý là sự phân cấp trong thực hiện cải cách TTHC được phân cấp rõ ràng cho địa phương quản lý, chẳng hạn lĩnh vực Giám định y khoa có 61 thủ tục thì Bộ chỉ quản lý 1; còn lại giao cho địa phương quản lý; lĩnh vực khám chữa bệnh có 87/149 TTHC giao cho địa phương quản lý....
Đề xuất bãi bỏ 5 nhóm TTHC trong ATTP
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP cho biết, trong lĩnh vực ATTP, 5 nhóm TTHC đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế bãi bỏ gồm: (1) Điều kiện sản xuất kinh doanh thực phẩm theo các quy định tại Nghị định số 67/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016. (2) Công bố sản phẩm thực phẩm, kiểm tra nhà nước về thực phẩm. (3) Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. (4) Quảng cáo thực phẩm. (5) Xác nhận kiến thức về ATTP.
Cụ thể, sẽ bãi bỏ 5 điều kiện đối với cơ sở sản xuất thực phẩm; 3 điều kiện với cơ sở kinh doanh thực phẩm; bãi bỏ 8 điều kiện với cơ sở sản xuất kinh doanh (SX - KD) TPCN và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; bãi bỏ điều kiện đối với cơ sở SX-KD phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; bãi bỏ 9 điều kiện đối với SX-KD nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, nước đá dùng liền. So với Nghị định số 38/2012, dự thảo Nghị định mới đã lược bỏ bớt các thành phần hồ sơ như Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với sản phẩm nhập khẩu; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với sản phẩm nhập khẩu; Kế hoạch kiểm soát chất lượng; Kế hoạch giám sát định kỳ; Bản thông tin chi tiết về sản phẩm; Mẫu sản phẩm...
"Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định giao Sở Y tế quản lý ATTP đối với các sản phẩm sản xuất trong nước của các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn. Tuy nhiên dự thảo sửa đổi Nghị định 38 đã thực hiện phân cấp triệt để cho địa phương, bao gồm cả thực phẩm nhập khẩu"- bà Nga cho biết.
Sau một thời gian triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, bà Nga cho biết đã mang lại hiệu quả tốt. Theo đó, các doanh nghiệp không cần đến làm các TTHC trực tiếp mà có thể làm từ xa, online; thành phần hồ sơ công khai minh bạch; và chỉ được hệ thống đưa vào xử lý khi đủ thành phần hồ sơ; tích hợp thanh toán phí, lệ phí online… giúp tiết kiệm chi phí in ấn giấy tờ doanh nghiệp. Với cơ quan quản lý, hệ thống chỉ rõ thời gian cần xử lý các TTHC, TTHC nào còn tồn đọng, quá hạn, thống kê hồ sơ dễ dàng hơn, việc lưu trữ hồ sơ giấy được giải quyết tối đa.
32.000 trẻ nguy cơ cao mắc sởi, Hà Nội lo dịch lan nhanh hơn sốt xuất huyết
Hà Nội đã có 63 ca dương tính với sởi, trong đó có 1 ca tử vong. Năm nay, dịch có diễn biến phức tạp, phân bố tại 25 quận, huyện, tập trung chủ yếu ở nội thành.
Chiều 15/11, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội thảo về phòng, chống bệnh sởi. Tại đây, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, Thành phố đã ghi nhận 63 ca mắc dương tính với virus sởi, 1 ca tử vong.
Nếu những tháng đầu năm 2017 chỉ ghi nhận 1- 2 ca/tháng thì từ tháng 9/2017 đến nay, trung bình mỗi tháng ghi nhận trên 10 ca mắc sởi.
Năm nay, dịch sởi đang có diễn biến phức tạp, phân bố dịch sởi năm 2017 tại 25 quận, huyện, tập trung chủ yếu ở nội thành.
TS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư cho hay, từ đầu năm đến nay, BV tiếp nhận trên 80 ca mắc sởI, trong đó Hà Nội có 30 ca. Khoa cũng đã ghi nhận những ca biến chứng do sởi.
“Chu kỳ dịch sởi tại Việt Nam rút ngắn lại khoảng 4 – 5 năm, trước đây là 9 – 10 năm. Nhiều người đặt vấn đề, liệu virus sởi có bị biến chủng hay không. Từ 2013 - 2015, virus sởi chưa có sự đột biến. Gần đây dịch chủ yếu ở miền Bắc, công dồn 229 trường hợp mắc, 1 tử vong” – ông Cảm nói.
Theo điều tra của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, khoảng 48% số trẻ mắc sởi có đến khám hoặc điều trị tại các bệnh viện: Nhi T.Ư, Xanh Pôn, Đức Giang…
Điều đáng lo ngại là dù tỷ lệ tiêm chủng ở Hà Nội luôn đạt trên 95%, song trong vòng 5 năm gần đây vẫn có tới 14.370 trẻ dưới 1 tuổi và 18.265 trẻ từ 1 – 2 tuổi chưa được tiêm vaccine phòng sởi.
“Như vậy, hiện nay trên toàn thành phố có khoảng 32.000 trẻ có nguy cơ mắc sởi cao” – ông Cảm cho hay.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, hiện nay số mắc sốt phát ban nghi sởi và số dương tính với sởi tăng nhiều so với cùng kỳ 2016. Do đó, đề nghị Trung tâm y tế quận, huyện ưu tiên nguồn lực cho công tác tiêm chủng tại thời điểm này.
Hà Nội đã tăng tần suất tiêm chủng tại các trạm y tế từ 1 lần/tháng lên 4 lần/tháng, trải đều trong các tuần để phòng trừ trường hợp trẻ đến lịch nhưng phải hoãn vì ốm sẽ được tiêm bổ sung ngay tuần sau, giảm tình trạng quá tại tại các điểm tiêm vào ngày 4,5 hàng tháng như trước đó.
Có ý kiến tại cuộc họp cho rằng, do sởi lây lan mạnh hơn sốt xuất huyết nên những trường hợp người dân không hợp tác trong tiêm phòng sởi, cần phải báo cáo lên chính quyền để vào cuộc.
BVĐK tỉnh Hoà Bình nói gì về mức bồi thường gia đình có người tử vong khi chạy thận?
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình - nơi xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng khiến 8 người tử vong khi chạy thận - đã 3 lần thương thảo cùng các gia đình người bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình thương thảo xuất hiện rất nhiều khó khăn.
Tại văn bản này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình nhận định, sự cố y khoa xảy ra tại viện ngày 29/5 là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng. Ngay sau sự cố, việc khắc phục hậu quả của sự cố đã được triển khai.
Các bệnh nhân còn lại được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình điều trị: Thăm hỏi động viên về mặt tinh thần, hỗ trợ bước đầu về kinh phí và hỗ trợ cao nhất trong chuyên môn.
Bộ Y tế và UBND tỉnh Hoà Bình đã hỗ trợ kinh phí trong việc mở rộng cơ sở chạy thận nhân tạo tại bệnh viện đa khoa thành phố, tạo điều kiện để bệnh nhân được điều trị một cách thuận lợi tại địa phương.
Hiện tại, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình đang đẩy nhanh tiến độ khôi phục lại đơn nguyên thận để tiếp nhận người bệnh.
Đối với những gia đình có bệnh nhân tử vong, ngoài việc thăm viếng theo tục lệ, Bệnh viện đã hỗ trợ bước đầu để lo mai táng cho gia đình có bệnh nhân tử vong 20 triệu/gia đình (đối với 8 gia đình). Tổng cộng 160 triệu đồng.
Với trách nhiệm của đơn vị nơi xảy ra sự cố, bệnh viện đã thực hiện việc thỏa thuận bồi thường giữa hai bên để thống nhất mức bồi thường theo quy định pháp luật.
Bệnh viện đã 3 lần thương thảo cùng các gia đình người bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình thương thảo xuất hiện rất nhiều khó khăn. Các gia đình với mức bồi thường khác nhau, với những chi phí mai táng rất khác nhau. Đặc biệt là cơ sở để quyết toán tài chính không rõ ràng.
Trước những khó khăn này, bệnh viện đã có Công văn số 1220/BVĐKT gửi Sở Y tế về việc báo cáo giải quyết đền bù dân sự trong sự cố y khoa tại bệnh viện.
Bệnh viện đề nghị các gia đình trong lúc chờ hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền về thủ tục thanh quyết toán chi phí mai táng, Bệnh viện tạm ứng tiếp mỗi gia đình 50 triệu đồng để giải quyết công việc trước mắt.
Thông báo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình cũng cho biết, viện này đang chờ hướng dẫn bằng văn bản của các cơ quan có thẩm quyền trong việc bồi thường đối với 8 gia đình và kết luận của cơ quan điều tra. Trong trường hợp không nhận được hướng dẫn bằng văn bản, bệnh viện sẽ phải nhờ tòa án giải quyết theo luật định.
Sự cố y khoa xảy ra tại bệnh viện, sẽ có các cá nhân và tổ chức trong và ngoài bệnh viện chịu trách nhiệm trước pháp luật theo kết quả của các cơ quan điều tra.
“Bệnh viện đa khoa tỉnh, với trách nhiệm của mình đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình trong việc khắc phục hậu quả của sự cố hợp với đạo lý, đúng với pháp luật”, thông báo khẳng định.
"Đòi hóa đơn đỏ mới đền bù": Giám đốc BV Hòa Bình nói gì?
http://www.baogiaothong.vn/doi-hoa-don-do-moi-den-bu-giam-doc-bv-hoa-binh-noi-gi-d232964.html
Trước thông tin “đòi có hóa đơn đỏ mới bồi thường”, Giám đốc BV ĐK Hòa Bình cho biết đang tích cực giải quyết.
Mới đây luật sư của các gia đình nạn nhân tử vong khi chạy thận ở BV ĐK tỉnh Hòa Bình thông tin trên trang facebook cá nhân về “lý do chính mà bệnh viện chưa bồi thường là các gia đình phải xuất trình hóa đơn tài chính việc ma chay”.
Trước thông tin này, ông Lê Xuân Hoàng, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, đây là trường hợp tai biến y khoa đặc biệt nên từ khi xảy ra vụ việc, bệnh viện đã được Chính phủ, Bộ Y tế, chính quyền địa phương, các đồng nghiệp chia sẻ và sự hợp tác của gia đình người bệnh. Vụ việc này đã được khởi tố, điều tra vì liên quan tới nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau.
Ông Hoàng cũng cho biết, BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình rất có trách nhiệm trong công tác dân sự với các gia đình người bệnh. Tuy nhiên, hiện bệnh viện vẫn chưa thống nhất được với các gia đình. Bên cạnh đó, do liên quan đến việc quyết toán sau này gặp khó nên bệnh viện và các chuyên gia đề xuất các gia đình cần có hóa đơn hợp pháp, không không nhất thiết phải là hóa đơn đỏ, chỉ cần hóa đơn chứng từ mua bán. Vụ việc liên quan tới nhiều người và pháp lý nên bệnh viện mời 1 người đứng ra đàm phán với gia đình người bệnh, hỗ trợ gia đình mỗi người 50 triệu đồng để khắc phục khó khăn.
“Sau khi tòa xử án, trách nhiệm đến đâu, bệnh viện sẽ tiếp tục nghiên cứu. Nếu các gia đình muốn bệnh viện phải bồi thường ngay khi tòa xử thì bệnh viện sẽ xử lý theo tinh thần của cơ quan tòa án. Song điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của bệnh viện", ông Hoàng cho biết.
" Loạn quảng cáo dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ”
https://baotintuc.vn/suc-khoe/loan-quang-cao-dich-vu-phau-thuat-tham-my-20171113200949005.htm
Muốn đi làm đẹp, người dân có thói quen hỏi người thân hoặc lên các trang mạng để tìm kiếm. Đánh vào tâm lý đó, các cơ sở làm đẹp không tiếc tiền đẩy mạnh truyền thông quảng cáo trên internet, thậm chí thuê cả những người nổi tiếng để quảng cáo cho dịch vụ của mình.
Rước họa vì tin vào quảng cáo
Chỉ cần vào trang tìm kiếm Google, gõ từ khóa nâng mũi, nâng ngực, hút mỡ, gọt cằm... là hàng loạt những trang quảng cáo về những dịch vụ trên hiện ra với những từ ngữ hoa mỹ như: nâng mũi siêu cấu trúc với các kỹ thuật hiện đại và chất liệu nâng mũi an toàn mang đến cho bạn chiếc mũi cao ráo tự nhiên như thật; phẫu thuật nâng ngực nội soi với kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ 3D tiên tiến bậc nhất sẽ giúp bạn khắc phục hoàn toàn khuyết điểm của vòng một, đẹp tự nhiên, an toàn và duy trì kết quả lâu dài, không biến chứng ổn định theo thời gian; hút mỡ thừa vùng bụng, hiệu quả an toàn tuyệt đối được FDA Hoa kỳ chứng nhận cho phép sử dụng trên toàn thế giới, không phẫu thuật an toàn tuyệt đối, thực hiện một lần duy nhất...
Không những thế, để tạo độ tin tưởng cho khách hàng "tiềm năng" của mình, các cơ sở làm đẹp này còn thuê cả những nhân vật nổi tiếng livestream trên các trang facebook, Youtube... hoặc liên tục đưa ra các chương trình giảm giá, bán voucher giảm giá trên các trang mua hàng điện tử với mức giảm lên đến 60 -70%.
Vì tin vào những lời quảng cáo của các cơ sở làm đẹp, không ít người phải rước họa vào người. Như trường hợp của chị N. T. L. (TP Hồ Chí Minh), tin vào lời quảng cáo của một trang facebook, chỉ sau vài ngày tiêm chất làm đầy dọc hai bên mũi, chị L. đã phải nhập viện vì chiếc mũi bị lở loét, sưng tấy, nhiều mụn mủ, đau nhức khó chịu...
Được biết, trước khi đi tiêm chất làm đầy mũi, chị L. đã lên mạng tìm cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ mũi với các từ khóa "ở đâu phẫu thuật mũi đẹp", "nâng mũi giá bao nhiêu", "nâng mũi không cần phẫu thuật"... Thấy trên một trang facebook giới thiệu phẫu thuật thẩm mỹ không cần phẫu thuật và có cả hình trước và sau phẫu thuật của những người đã từng phẫu thuật ở đây, chị L. đã tin tưởng và quyết định đến đây để tiêm chất làm đầy vào dọc hai bên mũi.
Còn chị T.Q. (32 tuổi, TP Hồ Chí Minh) sau khi nghe theo lời quảng cáo nâng mũi cấy chỉ là phương pháp làm đẹp tiên tiến của một trang mạng, chị Q. đã mạnh dạn bỏ ra 25 triệu đồng để làm đẹp. Thế nhưng sau một tuần, mũi chị Q. bị lệch, hắt xì hơi liên tục, đau rát phải đến bệnh viện để mổ rút chỉ.
Một bác sĩ chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ chia sẻ, bản thân bác sĩ cũng bối rối khi khách hàng yêu cầu thực hiện nâng mũi với các thuật ngữ như nâng mũi 3S, 4S... Thật ra, đây là những thuật ngữ do các thẩm mỹ viện, bệnh viện tự đặt ra để làm thương hiệu hoặc với mục đích quảng cáo làm cho khách hàng nhầm tưởng rằng đây là phương pháp nâng mũi mới, hiện đại.
Theo vị bác sĩ này, hiện chỉ có 3 phương pháp nâng mũi chính là nâng mũi thường, nâng mũi bọc thêm một lớp mô tự thân hoặc nhân tạo nếu da mũi mỏng và nâng mũi cấu trúc hay còn gọi là tái cấu trúc.
Quảng cáo quá mức cho phép
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có 185 cơ sở khám chữa bệnh có loại hình phẫu thuật thẩm mỹ, bao gồm: 7 bệnh viện công lập có khoa hoặc đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ, 13 bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân, 9 bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa phẫu thuật thẩm mỹ, 2 bệnh viện chuyên khoa tư nhân có đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ, 4 phòng khám đa khoa tư nhân có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và 150 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.
Theo các bác sĩ, những sai phạm hiện nay chủ yếu của các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ là tình trạng quảng cáo quá mức so với phạm vi cho phép cũng như quảng cáo không có cơ sở khoa học. Những cơ sở mới chưa có uy tín thì lại càng quảng cáo nhiều và sử dụng mạng xã hội để làm công cụ tìm kiếm khách hàng.
Điều này thể hiện rõ khi mà hầu như tháng nào thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng xử phạt rất nhiều cơ sở thẩm mỹ với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Theo đó, đầu tháng 11/2017, thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã xử phạt Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ Thiện Mỹ (88 Nguyễn Thái Học, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) số tiền gần 20 triệu đồng vì vi phạm lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; hoạt động có biển hiệu nhưng ghi không đúng so với nội dung ghi trong giấy phép hoạt động; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Trước đó, vào tháng 10, một loạt các thẩm mỹ viện như: Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ thuộc công ty TNHH TMV SaiGon Star; thẩm mỹ Vianna... cũng bị thanh tra Sở y tế TP Hồ Chí Minh xử phạt vì quảng cáo dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Trinh Quốc Khanh, Trưởng khoa Phỏng tạo hình thẩm mỹ bệnh viện Trưng Vương (TP Hồ Chí Minh), nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ làm đẹp đang bùng nổ dưới hiệu ứng của công nghệ truyền thông, quảng cáo nên người dân cần tỉnh táo lựa chọn cách làm đẹp an toàn để tự bảo vệ chính mình.
Để tạo thuận lợi cho người dân, giúp cho người dân và các tổ chức tra cứu nhanh về 2 điều kiện bắt buộc tối thiểu cho một cơ sở hành nghề khám chữa bệnh là giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề của người hành nghề, tại Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế (medinet.gov.vn) có tích hợp phần mềm ứng dụng “Cổng tra cứu thông tin hoạt động khám chữa bệnh”. Chỉ cần vào đây tra cứu, sẽ biết được thông tin của cơ sở mà mình đang có ý định đến thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.
Vụ "phòng khám có bác sĩ Trung Quốc lại bị tố": Hãy thôi đổ lỗi khách quan!
http://nld.com.vn/ban-doc/hay-thoi-do-loi-khach-quan-20171114221207476.htm
Chính sự yếu kém và việc thanh tra, kiểm tra, xử lý mang tính hình thức đã để cho phòng khám loại này tồn tại
Phòng khám có bác sĩ (BS) Trung Quốc lại bị bệnh nhân "tố". Vấn đề gây bức xúc dư luận chính là tình trạng này diễn ra trong một thời gian rất dài.
Không thể chấp nhận
Theo thông tin của Sở Y tế TP HCM, các phòng khám có BS Trung Quốc đã có hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật về khám chữa bệnh như: cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép; thu giá dịch vụ cao hơn giá niêm yết; không bảo đảm các điều kiện về nhân lực... Trong đó, nội dung vi phạm "niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh không đúng quy định" tồn tại nhiều năm qua, gây phẫn nộ cho người bệnh và dư luận.
Cũng theo Sở Y tế TP HCM, những vi phạm này chỉ bị xử phạt hành chính từ vài triệu đến hơn 100 triệu đồng. Trong khi chỉ cần một ca cắt bao quy đầu, phá thai… thì các phòng khám này đã kiếm hàng chục đến cả trăm triệu đồng.
Phân tích nguyên nhân, Sở Y tế TP HCM cho rằng do nhà đầu tư và người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám nước ngoài chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng khám chữa bệnh, chưa nắm bắt và tuân thủ quy định pháp luật, quy định của ngành y tế…; các phòng khám này hoạt động mang tính đối phó tinh vi, gây khó khăn cho việc xử lý. Ngoài ra, các phòng khám có yếu tố nước ngoài hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nếu thanh tra, kiểm tra thường xuyên dễ bị khiếu nại "hành" doanh nghiệp... Nói tóm lại là khó quản lý?
Phải nhìn vào sự thật
Nghe thì đúng là khó khăn thật nhưng không thể chấp nhận được. Xin cho hỏi: Chúng ta có luật pháp, có cơ quan quản lý nhà nước để làm gì? Lẽ nào bó tay nhìn người bệnh bị "chặt chém", còn các phòng khám này cứ ung dung vi phạm, "giỡn mặt" với pháp luật?
Ai cấp phép cho các cơ sở y tế này hoạt động, cho phép những người tự nhận là BS Trung Quốc hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam? Họ có trải qua sự kiểm tra nghiêm ngặt về chuyên môn, tiêu chuẩn nghề nghiệp khi làm việc ở Việt Nam? Việc liên kết với cơ quan liên quan trong quản lý và xử lý những phòng khám vi phạm như thế nào? Nhiều bệnh nhân bị chiếm đoạt tài sản, vậy những vi phạm pháp luật trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh đã đủ cơ sở xử lý hình sự chưa? BS phụ trách chuyên môn tại những phòng khám này có thoát khỏi trách nhiệm…? Rất nhiều câu hỏi cần được giải đáp và có địa chỉ chịu trách nhiệm.
Khoan trách người bệnh thiếu hiểu biết. Hãy thôi đổ lỗi khách quan. Đừng cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm, phần còn lại nằm ở các sở, ngành khác. Phải nhìn vào sự thật rằng chính sự buông lỏng, yếu kém và không loại trừ tiêu cực trong quản lý; việc thanh tra, kiểm tra và xử lý mang tính hình thức, không triệt để; mức xử phạt hành chính quá nhẹ... chính là mảnh đất màu mỡ để phòng khám loại này tồn tại.
Quyết liệt xử lý mới giải quyết được
Đã đến lúc các cơ quan liên quan cùng ngồi lại bàn bạc giải pháp tháo gỡ và kiến nghị có những quy định chặt chẽ, khung hình phạt nghiêm minh hơn để bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân. Chỉ khi những người có trách nhiệm trong cơ quan quản lý nhà nước quyết tâm và quyết liệt xử lý thì gốc rễ vấn đề mới được giải quyết, phòng khám lừa đảo mới không còn đất hoạt động.
P
Hà Nội ngăn bội chi quỹ bảo hiểm y tế
https://baotintuc.vn/xa-hoi/ha-noi-ngan-boi-chi-quy-bao-hiem-y-te-20171114152839909.htm
http://baocongthuong.com.vn/tiep-tuc-boi-chi-quy-bao-hiem-y-te.html
Quỹ bảo hiểm y tế của thành phố Hà Nội đang bị bội chi. Theo tính toán, 9 tháng của năm 2017, quỹ này chi 1.336 tỷ đồng, trong đó có hơn 842 tỷ đồng được chi cho việc thanh toán tiền giường bệnh.
Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, có nhiều nguyên nhân gây bội chi quỹ bảo hiểm y tế. Đó là do giá dịch vụ y tế tăng, trong đó có giá giường bệnh tăng cao nên một số cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện chỉ định bệnh nhân điều trị nội trú với nhiều chẩn đoán chỉ cần điều trị ngoại trú để hưởng tiền giường bệnh. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện tăng chỉ định chụp X - quang, siêu âm, nội soi, thủ thuật châm cứu phục hồi chức năng. Đặc biệt có cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện chỉ định sử dụng thuốc đắt tiền chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu thuốc; chỉ định điều trị nội trú, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật sai điều kiện so với định mức của Bộ Y tế; chỉ định thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chưa phù hợp với tình trạng bệnh tật...
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận, do cơ chế tự chủ tài chính, một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn khó khăn đã lợi dụng dịch vụ y tế tăng chỉ định nội trú, sử dụng vật tư y tế sai quy định. Để khắc phục bội chi quỹ bảo hiểm y tế, Sở sẽ làm việc với các cơ sở khám chữa bệnh để cảnh báo những cơ sở lạm chi quỹ. "Sở Y tế Hà Nội sẵn sàng phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội xử lý nghiêm, không dung túng cho các cơ sở khám chữa bệnh lạm chi quỹ bảo hiểm y tế" - bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết, trước tình trạng bội chi quỹ bảo hiểm y tế, cơ quan này sẽ kiến nghị với Chính phủ, các bộ Y tế, Tài chính và UBND thành phố Hà Nội tạm thời không tính tiền lương, phụ cấp ngành y tế trong kết cấu giá giường bệnh.
Hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giao khoán quỹ bảo hiểm y tế cho các địa phương trong năm 2017 và có tính toán đến tỷ lệ vượt chi nhưng tình trạng bội chi vẫn diễn ra với số lượng cao hơn. Về việc này, một số chuyên gia cho rằng, quỹ bảo hiểm y tế chỉ dùng để khám chữa bệnh trực tiếp cho con người, không nên chi công tác quản lý, hay phụ cấp và lương cho cán bộ y tế nhằm giảm bội chi.
Hà Nội: Hơn 32.000 trẻ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi
Từ tháng 10, TP Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh sởi mới. Số ca bệnh tăng nhanh trong 2 tháng gần đây, trung bình mỗi tuần ghi nhận thêm 4 ca bệnh dương tính với dịch sởi. Thực tế này cho thấy nhiều nguy cơ bùng phát dịch sởi khi mùa Đông Xuân đang đến gần.
Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cũng cho biết toàn miền Bắc đã ghi nhận gần 100 ca mắc bệnh sởi, tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An... Dịch sởi thường bùng phát mạnh vào mùa Đông Xuân nhưng xuất hiện sớm trong tháng 11 cũng khiến các cơ quan y tế lo ngại.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cho biết những năm gần đây, cơ quan y tế đã mạnh tay giải quyết vấn đề bệnh sởi khi tổ chức chiến dịch tiêm cho 23 triệu trẻ em từ 1 - 14 tuổi nên không còn xuất hiện các ổ dịch mạnh, số ca mắc bệnh lâm sàng cũng thấp hơn các năm trước. Tuy nhiên, ông Đắc Phu cho hay việc xuất hiện một số ca bệnh ở Hà Nội, Hải Dương có thể là do có bệnh nền như tim bẩm sinh, các bệnh mạn tính khác mà không đi tiêm vaccine.
Ông Phu cho biết: "Tỉ lệ tiêm chủng đang đạt 97%, còn 3% chưa được tiêm chủng. Thực tế, nếu cộng dồn lại số trẻ chưa được tiêm chủng trong nhiều năm thì con số này sẽ tăng lên. Hiện chúng tôi đã có quyết định tập trung toàn bộ cho việc rà soát, tiêm vét vaccine phòng bệnh sởi trong giai đoạn hiện nay. Những trẻ chưa được đưa đi tiêm chủng sẽ được vận động để tiêm phòng bệnh".
Tại Hà Nội, hiện cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề phòng chống bệnh sởi, đặc biệt là hoạt động phòng chống dịch và giám sát xử lý ổ dịch. Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, số trẻ chưa tiêm phòng sởi sau 5 năm trên địa bàn là 32.634 trẻ. Trong thời gian tới, sẽ tổ chức tiêm chủng 1 tuần/1 lần để tăng khả năng tiếp cận của trẻ với vaccine phòng bệnh.
Ông Trần Đắc Phu cũng khuyễn cáo: "Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp. Mọi người đều có thể mắc bệnh này và dễ lây lan trong cộng đồng thành dịch. Biểu hiện của bệnh là sốt, phát ban, viêm đường hô hấp, có thể dẫn đến những biến chứng nặng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm não dẫn đến tử vong. Chúng tôi khuyến cáo người dân nên đưa trẻ từ 9 - 12 tháng đến cơ sở Y tế để tiêm vaccine phòng sởi mũi 1 và tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ trên 18 tháng tuổi. Tiêm vaccine phòng sởi - Rebella cho trẻ từ 1 - 14 tuổi".
Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo người dân thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày. Không để trẻ chơi dùng chung vật dụng cá nhân, đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch. Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 - 2 lần/ngày.
Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh rubella. Thông báo cho cơ sở y tế khi có biểu hiện mắc bệnh để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời.
Số trẻ chưa tiêm phòng sởi sau 5 năm tại Hà Nội là 32.634 trẻ. Trong thời gian tới, sẽ tổ chức tiêm chủng 1 tuần/1 lần để tăng khả năng tiếp cận của trẻ với vaccine.
Nghệ An: 9 tháng đầu năm, gần 100 trẻ em mắc Lao mới được phát hiện
http://infonet.vn/nghe-an-9-thang-dau-nam-gan-100-tre-em-mac-lao-moi-duoc-phat-hien-post244544.info
Được triển khai trong vòng 2 năm 2016 - 2017, dự án “Hơi thở cuộc sống” do Johnson & Johnson Việt Nam, Chương trình chống lao quốc gia và PATH hỗ trợ đã giúp cho hàng trăm trẻ em ở Nghệ An được điều trị dự phòng về Lao.
Sáng ngày 14/11, tại TP Vinh (Nghệ An), Tổ chức y tế toàn cầu PATH, Johnson & Johnson Việt Nam và Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Hơi thở cuộc sống” để báo cáo những thành quả của dự án, chia sẻ bài học kinh nghiệm và thảo luận các bước tiếp theo nhằm tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị và dự phòng lao cho trẻ em.
Dự án “Hơi thở cuộc sống” là dự án hỗ trợ cán bộ và các cơ sở Y tế khu vực công tư được triển khai tại 4 huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nam Đàn và Yên Thành (Nghệ An) trong việc tăng cường, phát hiện và điều trị sớm cho trẻ em mắc Lao và tăng số trẻ tiếp xúc với nguồn lây được điều trị dự phòng lao. Nhờ tăng cường công tác chẩn đoán trong dự án, trong năm 2016, đã có 148 trẻ mắc lao đã được phát hiện tại các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nam Đàn và Yên Thành, tăng gấp đôi so với trẻ em mắc lao năm 2015 (74 trẻ).
Trong 9 tháng đầu năm 2017, đã có thêm 89 trẻ mới mắc lao được phát hiện. Số trẻ mắc lao được phát hiện tăng có nghĩa là những trẻ mắc lao trước đây chưa được phát hiện thì giờ đang được chăm sóc điều trị.
Bác sĩ Đậu Minh Quang – Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An cho biết: “Dự án Hơi thở Cuộc sống đã nâng cao năng lực cho cán bộ y tế ở tất cả các tuyến trong việc phát hiện bệnh lao ở trẻ em, cũng cố sự kết nối và chuyển tuyến giữa các cơ sở y tế tư nhân. Trạm y tế xã với Trung tâm Y tế huyện và Bệnh viện tuyến huyện và tỉnh để chẩn đoán bệnh kịp thời cho trẻ. Nhờ đó, số ca lao trẻ em được phát hiện tại 4 huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nam Đàn và Yên Thành tăng lên đáng kể”.
Lao là bệnh truyền nhiễm và những người mắc lao có nguy cơ lây truyền vi khuẩn lao sang cho những người tiếp xúc gần gũi với họ. Trẻ nhỏ trong độ tuổi 0-5 tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi tham gia điều trị dự phòng có thể giảm nguy cơ mắc lao.
Trước khi có dự án, 77% trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh tại 4 huyện trên đã được điều trị dự phòng. Từ khi triển khai dự án tới tháng 10/2017, hơn 99% trẻ được tiếp xúc , điều trị dự phòng lao. Phát biểu tại buổi hội thảo, Tiến sĩ Kimberly Green – Giám đốc Chương trình Lao/HIV của tổ chức PATH cho biết: “Dự án Hơi thở Cuộc sống đã giúp tăng gấp 4 lần số trẻ được điều trị dự phòng. Kết quả này có được là nhờ sự trang bị kiến thức và kỹ năng cho cán bộ Y tế huyện và xã để thực hiện sàng lọc trẻ tiếp xúc nguồn lây và cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng cho trẻ một cách hệ thống – giúp trẻ dễ dàng bảo vệ sức khỏe của mình”. Chương trình chống lao Nghệ An sẽ nhân rộng kết quả của Dự án Hơi thở Cuộc sống sang các huyện còn lại trên địa bàn tỉnh này, giúp tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh lao ở trẻ em đến với các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Dịch sốt xuất huyết tiếp tục giảm nhanh trên cả nước
http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/dich-sot-xuat-huyet-tiep-tuc-giam-nhanh-tren-ca-nuoc-523611
Ngày 14-11, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong tuần qua, có 47/63 tỉnh, thành phố trên cả nước ghi nhận số mắc sốt xuất huyết giảm, 13 tỉnh ghi nhận số mắc tương đương và 3 tỉnh ghi nhận số mắc tăng là An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh.
Tại Hà Nội, tổng cộng đã xử lý 1.133.682 số lượt hộ gia đình được kiểm tra; số lượt hộ gia đình có ổ bọ gậy được xử lý là 32.040; số lượt trường học được kiểm tra, xử lý: 1.505 lượt kiểm tra, số lượt trường học có ổ bọ gậy được xử lý là 58; số lượt công trường có người được kiểm tra: 495 lượt; số lượt công trường có người có ổ bọ gậy được xử lý là 94; số lượt chợ dân sinh được kiểm tra: 282, số lượt chợ dân sinh có ổ bọ gậy được xử lý là 41; số lượt bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân và công lập, trạm y tế: 333, số lượt bệnh viện có ổ bọ gậy được xử lý là 3; số lượt khu vực công cộng khác như cơ quan xí nghiệp, đình chùa, nghĩa trang , nhà văn hóa …được kiểm tra: 4.463, số lượt khu vực công cộng có ổ bọ gậy được xử lý là 511.
Riêng tại thành phố Hà Nội, Ban Chỉ đạo chống dịch Bộ Y tế đã liên tục theo dõi sát tình hình diễn biến dịch, thường xuyên họp cùng với các đơn vị liên quan và các chuyên gia quốc tế, tham mưu cho chính quyền thành phố, đẩy mạnh hoạt động các Đội xung kích diệt bọ gậy trên nhiều điểm nóng, huy động toàn bộ lực lượng cần thiết cùng vào cuộc.
Bộ Y tế đã cung cấp thêm 40 máy phun cầm tay và 30 máy phun công suất lớn trên ô tô để nhanh chóng đáp ứng phòng chống dịch. Kết quả phun hóa chất tích cực nhờ sự đồng lòng của chính quyền và đa phần người dân thành phố: Số lượt hộ gia đình được phun: 86.347/97.211 hộ thuộc diện khoanh vùng (đạt tỷ lệ 88,8%); Số trường học được phun: 71; Số công trường có người ở được phun: 58; Số chợ dân sinh được phun: 21; Số bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân và công lập, trạm y tế được phun: 9; Số khu vực công cộng khác như đình chùa, nghĩa trang, cơ quan xí nghiệp được phun: 454.
Để đạt được kết quả trên, ngoài việc tiếp tục chỉ đạo tích cực của Bộ Y tế, của Ủy ban nhân dân các cấp, còn có sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và người dân đã cùng chung sức chung lòng, tập trung phòng chống dịch trên mọi “mặt trận”: từ ngăn ngừa, giám sát, truyền thông, tập huấn, đến điều trị, xử lý ổ dịch, phun thuốc,…
Tuy phần lớn các tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc giảm trong 11 tuần gần đây và khu vực miền Bắc đang bước vào thời điểm mùa lạnh nên dịch thời gian tới có thể có xu hướng giảm, tuy nhiên khu vực miền Nam, miền Trung thời điểm hiện nay trong những năm trước vẫn đang là tháng cao điểm về sốt xuất huyết. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, cộng đồng không nên chủ quan, lơ là các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết và cần tiếp tục duy trì các hoạt động như đã làm trong thời gian qua để ngăn ngừa nguy cơ dịch bùng phát trở lại.
150.000 trẻ em Việt Nam có nguy cơ bị suy dinh dưỡng sau bão Damrey
Sau khi cơn bão Damrey đổ bộ, Việt Nam có khoảng 150.000 trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng và hơn 80.000 phụ nữ có thai và đang cho con bú cần được ưu tiên chăm sóc, thông tin của UNICEF Việt Nam ước tính.
Thông cáo báo chí của tổ chức này đánh giá Bão Damrey, một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam trong vài năm trở lại đây, đã quét qua các làng quê nghèo ở nông thôn Việt Nam với sức tàn phá cao. Sau bão, UNICEF đã có khảo sát nhanh và ghi nhận những thiệt hại nặng nề mà cơn bão đã tấn công những làng quê nghèo, nơi mà tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em đã tồn tại với tỷ lệ suy dinh dưỡng cao hơn mức trung bình trong cả nước. Người dân ở những vùng này chủ yếu sống bằng nông nghiệp và ngư nghiệp. Cơn bão đã tàn phá nghiêm trọng cơ sở hạ tầng nông nghiệp làm ảnh hưởng đến việc mưu sinh của các gia đình và do đó ảnh hưởng đến việc chăm sóc cho con cái. Theo tổ chức này, trẻ em nghèo ở các vùng xa vẫn chưa tiếp cận được với các nỗ lực cứu trợ khẩn cấp. Bên cạnh việc bị suy dinh dưỡng, trẻ em còn có nguy cơ ngày càng cao bị mắc các bệnh do thiếu nước sạch gây ra. Không có nước sạch trong vài ngày sau bão, người dân phải sử dụng nước bẩn để sinh hoạt. Bão cũng gây ảnh hưởng đến tình trạng vệ sinh môi trường, dẫn đến việc người dân vùng bị ảnh hưởng phải đi vệ sinh ngoài trời vì các nhà tiêu đã bị phá hủy. Điều này gây nguy hại cho sức khỏe của người dân. UNICEF đã khẩn trương thực hiện các nỗ lực trợ giúp các hoạt động cứu trợ khẩn cấp của chính phủ nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Các can thiệp sẽ hướng tới giải quyết nguy cơ bị suy dinh dưỡng bằng việc cung cấp thực phẩm chức năng cho trẻ em và các bà mẹ đang cho con bú và thông qua tập huấn cho các cán bộ y tế về phát hiện và điều trị suy dinh dưỡng. Thêm vào đó, nguy cơ bị mắc các bệnh do thiếu nước sạch gây ra cũng sẽ được khắc phục bằng cách hỗ trợ các gia đình lọc nước tại nhà. UNICEF cũng hỗ trợ nâng cao nhận thức tại các vùng bị ảnh hưởng nhằm đảm bảo người dân nhận thức được những rủi ro và thực hành các hành vi vê sinh đúng cách. Trong giai đoạn hồi phục sau cơn bão, thực hiện các chiến dịch truyền thông ở cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng và chia sẻ những kỹ năng quan trọng cho cha mẹ để bảo vệ cuộc sống. Thêm vào đó, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chuẩn bị đối phó với thiên tai thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng và cải thiện khả năng chống đỡ và thích nghi của người dân trong thiên tai.
Hội thảo về quản lý an toàn thực phẩm
https://viettimes.vn/quang-ninh-hoi-thao-ve-quan-ly-an-toan-thuc-pham-145931.html
“Hội thảo trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý ATTP” do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) tỉnh Quảng Ninh tổ chức. Với sự tham gia của Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế Quảng Ninh và ba Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Dương.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe lãnh đạo các Chi cục báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động quản lý ATTP của các Chi cục các kinh nghiệm, những thuận lợi, khó khăn trong công tác quản lý về ATTP trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hà Nội và tỉnh Hải Dương.
Trong phần thảo luận, các đại biểu của các Chi cục đã tập trung trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về ATTP lĩnh vực ngành Y tế, về thực hiện thủ tục hành chính về ATTP tại Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh
Các đại biểu tham gia cũng đóng góp tham luận, ý kiến về mô hình quản lý dịch vụ ăn uống khu du lịch, mô hình hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp của Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Ninh, mô hình quản lý dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố, tuyến phố văn minh an toàn thực phẩm, mô hình bữa cỗ an toàn thực phẩm của thủ đô Hà Nội.
Giáo sư Mỹ đến Huế phẫu thuật cho bệnh nhi mắc khối u nguy hiểm
Giáo sư nổi tiếng của Mỹ vừa đến Huế phẫu thuật cho một bệnh nhi mắc khối u nguy hiểm ở má.
Chiều nay (14.11), Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, dưới sự giúp đỡ của một giáo sư nổi tiếng đến từ Mỹ, bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhi H.H.H.N (16 tháng tuổi, ngụ TP.Huế) mắc bệnh nguy hiểm.
Bệnh nhi H.H.H.N nhập viện tại Trung tâm Nhi khoa của Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng bị một khối u ở má. Kết quả chụp CT cho thấy khối u choán chỗ kích thước 6x7x8cm ở khoang cơ nhai bên phải, xâm lấn vào khoang cận hầu bên phải, đến cực trong dưới tuyến mang tai P và lên đến nền sọ. Khối u đã phá hủy một phần xương và xoang hàm trên phải, bờ dưới hốc mắt phải, một phần xương hàm dưới góc hàm phải, phần xương khẩu cái chiếm gần hết vòm miệng...
Nhận thấy đây là một ca bệnh khó, phức tạp, phẫu thuật gặp nhiều nguy cơ rủi ro, thậm chí đe dọa tính mạng bệnh nhân nên Bệnh viện Trung ương Huế đã gửi toàn bộ dữ liệu bệnh và hình ảnh đến chuyên gia phẫu thật nổi tiếng của Mỹ là giáo sư, bác sỹ McKay McKinnon để hội chẩn và chủ động mời ông này đến Huế trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi.
Vào ngày 10.11 vừa qua, dưới sự phẫu thuật của bác sĩ McKinnon và các cộng sự thuộc Bệnh viện Trung ương Huế, sau 4 giờ đồng hồ, khối u trên má cháu N đã được lấy ra an toàn, làm xét nghiệm bờ diệc cắt không còn tế bào u, kết quả giải phẫu bệnh sau mổ là u quái trưởng thành (lành tính). Đến ngày 14.11, cháu bé hoàn toàn bình phục, đã uống được sữa và ăn cháo.
McKay McKinnon là một phẫu thuật viên tạo hình nổi tiếng ở Mỹ với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ông từng đến Việt Nam để mổ những ca bệnh mà bác sĩ của Việt Nam gặp khó khăn hoặc không thể làm được.